Trung Quốc: Ông trùm lĩnh vực năng lượng mặt trời bị chính quyền bắt giữ

Ông Lý hà Quân, Chủ tịch của Hanergy Holding Group, phát biểu tại một sự kiện ra mắt các chiến lược năng lượng mới của Hanergy vào ngày 02/02/2015 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Nhóm Visual China qua Getty Images)

Lý do của việc giam giữ vẫn chưa được xác định, và cũng chưa có cáo buộc chính thức nào từ phía cảnh sát. Ông trùm lĩnh vực năng lượng mặt trời đang gặp phải nhiều sóng gió trong sự nghiệp, trong khi công ty của ông được cho là có liên quan tới việc nợ lương nhân viên và vỡ nợ ngân hàng.

Ông Lý Hà Quân (Li Hejun), người sáng lập ra gã khổng lồ về năng lượng mặt trời Hanergy Thin Film Power Group của Trung Quốc, đã bị cảnh sát bắt đi ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc vào ngày 17/12, theo Caixin, một cổng thông tin tài chính lớn của Trung Quốc.

Ông Lý đã bị cảnh sát giam giữ để “hỗ trợ các nhà điều tra” và đã không được trông thấy tính đến thời điểm đưa tin, Caixin tuyên bố vào ngày 11/01. Caixin nói rằng lý do ông Lý bị giam giữ vẫn chưa được xác định.

Vụ bắt giữ ông Lý có thể liên quan đến khoản vay được cấp bởi Ngân hàng Cẩm Châu, một ngân hàng thương mại thành phố ở tỉnh Liêu Ninh, dành cho Tập đoàn Hanergy, theo Securities Times, một cổng thông tin tài chính của nhà nước Trung Quốc.

Số dư còn lại của khoản vay (chưa được trả) là 9,461 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 1,396 tỷ USD), với rủi ro tín dụng ròng là 2,77 tỷ CNY (khoảng 408,8 triệu USD), tính đến năm 2015, như được tiết lộ trong bản cáo bạch của Ngân hàng Cẩm Châu, tổ chức đã tìm cách niêm yết công khai trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong vào năm 2015.

Một cựu nhân viên của Hanergy tuyên bố rằng ông Lý và công ty vẫn còn nợ ông ấy và khoảng 190 nhân viên khác khoảng 3 triệu CNY (443.000 USD) tiền lương và các khoản bồi hoàn. Nhân viên này nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung vào ngày 11/01 rằng ông Lý và gia đình ông Lý đã bị cảnh sát Cẩm Châu bắt giữ tại sân bay Cẩm Châu. Người nhân viên muốn ẩn danh vì lý do an toàn. Những chiếc ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời của Hanergy được trưng bày trong một sự kiện ra mắt ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 02/07/2016. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Con đường phát triển

Ông Lý là người giàu nhất Trung Quốc trong nửa đầu năm 2015 với tài sản ước tính 26 tỷ USD, theo ông Rupert Hoogewerf, người sáng lập Báo cáo Hurun, công ty nghiên cứu tài sản hàng đầu ở Trung Quốc.

Theo trang web chính thức của Hanergy, ông Lý sinh năm 1967 tại Hà Nguyên, một thành phố nhỏ ở tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc và bắt đầu đế chế kinh doanh của mình với 50.000 CNY (7.380 USD) vay từ giáo viên của mình vào năm 1989.

Thông tin trên nhiều cổng thông tin truyền thông Trung Quốc nói rằng ông Lý đã đào được hũ vàng đầu tiên của mình khi đầu tư vào các nhà máy thủy điện, bao gồm Nhà máy thủy điện Jin’anqiao trên sông Kim Sa nằm ở tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc – nhà máy thủy điện lớn nhất được đầu tư bởi doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc. Nhà máy thủy điện đã trở thành con bò sữa tạo ra tiền cho ông Lý sau khi nó đi vào hoạt động, bên cạnh một số nhà máy nhỏ hơn khác ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc.

Với dòng tiền dồi dào, ông Lý đã mở rộng sang thị trường năng lượng mặt trời vào năm 2009 và phát triển nhanh chóng – có lẽ là quá nhanh. Sau đó, ông đã phải tìm kiếm nhiều kênh vốn khác nhau để phát triển, chẳng hạn như khoản vay ngân hàng trị giá 1,396 tỷ USD dưới danh nghĩa “kế hoạch chuyển lãi suất có lợi” do Ngân hàng Cẩm Châu phát hành.

Vào năm 2012, ông Lý đã mua lại công ty năng lượng mặt trời màng mỏng Solibro từ QCells của Đức và Miasole có trụ sở tại Mỹ, và vào năm 2013, ông Lý đã mua lại Global Solar Energy, Inc., một công ty năng lượng mặt trời CIGS (copper indium gallium diselenide) hàng đầu có trụ sở tại Tucson, Arizona. Năm 2014, ông Lý mua lại Alta Devices Inc., một nhà sản xuất pin mặt trời màng mỏng có trụ sở tại California.

Sóng gió

Ông Lý đã phải đối mặt với sóng gió tại Hong Kong.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Tương lai Hong Kong (SFC) bắt đầu điều tra Hanergy Thin Film Power Group, một công ty con niêm yết tại Hong Kong của Hanergy Group Holdings, về hành vi thao túng thị trường vào năm 2015. Cổ phiếu của Hanergy đã giảm gần 50% vào ngày 20/05/2015, công ty sau đó đã tạm ngừng giao dịch. Ông Lý đã mất 19 tỷ USD giá trị thị trường trong một ngày do giá cổ phiếu giảm điểm.

Bốn năm sau, vào năm 2019, Hanergy bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong.

Ông Lý đã bị tòa án Hong Kong tước quyền quản lý bất kỳ tập đoàn nào ở Hong Kong trong 8 năm vào năm 2017 vì một khoản vay không được tiết lộ của một công ty con cho Hanergy Holding, công ty mẹ chưa niêm yết ở Trung Quốc, trong “một tình huống xung đột lợi ích rõ ràng”, Financial Times có trụ sở tại London đưa tin.

Kể từ năm 2019, Hanergy được cho là có liên quan đến việc nợ lương và vỡ nợ, bao gồm cả với Ngân hàng Cẩm Châu.

Những sự việc diễn ra với ông Lý tương tự như của ông Hứa Gia Ẩn, người sáng lập công ty bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc. Ông Hứa cũng đã có một khởi đầu khiêm tốn và mở rộng nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sau đó đã phải đối mặt với sự đứt gãy chuỗi vốn và sự sụp đổ của đế chế kinh doanh.

Hơn 80 công ty niêm yết trong nước của Trung Quốc đã bị cơ quan giám sát chứng khoán của Trung Quốc điều tra vào năm 2022 về các vi phạm tiết lộ thông tin, giao dịch ngắn hạn, giao dịch nội gián và thao túng thị trường, cùng các hành vi khác, theo China Economy, một trang web kinh tế của nhà nước.

Không có cáo buộc chính thức nào chống lại ông Lý được đưa ra bởi cảnh sát Cẩm Châu vào thời điểm đưa tin.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts