Cây xoài ngày Tết

Đặng Duy Hưng

Anh dựng xe đạp đứng trước cổng nhà máy dệt may xuất khẩu. Chiều nào anh cũng ghé ngang chờ đón nàng đi làm về. Tự nhiên trong tâm tư âm vang từng nốt nhạc bài hát ‘Anh đến thăm em đêm 30.’

Anh đến thăm em đêm 30.
Còn đêm nào vui bằng đêm 30?
Anh nói với người phu quét đường,
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…

Lần cuối cùng anh kín đáo đàn hát cho Phương nghe bài hát này vào dịp Tết 1977. Lúc đó anh được 17 tuổi, còn Phương 16. Hai đứa lớn lên thương yêu nhau từ hai gia đình gần gủi trong xóm. Ba mẹ hai bên đều chấp nhận khi hai đứa đủ tuổi là sẽ làm đám cưới.

Anh học trên Phương một lớp nên lúc nào cũng chở nàng đi học về. Rồi năm 1975 đến, dù kinh tế đói nghèo nhưng tình cảm hai đứa vẫn bền chặt như ngày nào!

Có một lần anh ngồi dưới gốc cây xoài trong vườn nhà Phương: “Anh mong hè này vào đại học mấy năm ra trường làm thầy giáo ngoại ngữ sẽ cưới em làm vợ.”

Phương vân vê tà áo đáp: “Trái tim em đã thuộc về anh bao năm nay rồi. Em không cần đám cưới lớn đãi tiệc nhiều bàn, chỉ mong ở mãi bên nhau đến trọn đời.”

Đột nhiên lúc đó mấy trái xoài xanh rụng xuống làm hai đứa giật mình nhìn nhau cười. Trong xóm phường K này không ai không biết vườn nhà ông Kim, ba của Phương. Ông là công chức nhà máy điện nên chế độ nào cũng ưu đãi. Sáng đạp xe đi làm, chiều lúc nào ông cũng đúng giờ về nhà. Ông chăm sóc mấy cây đào xum xuê trái và hai cây trứng cá lâu đời, nhất vẫn là cây xoài quanh năm xanh lá. Chung quanh nhà, ông đặt những chậu hoa từ cúc đến lan trắng. Chiều chiều tưới nước làm sạch sẽ dọn dẹp sân nhà xong, ông ngồi uống trà an vui cuộc sống. Mỗi tuần hai lần ông và ba anh ngồi nhắm vài xị rượu thuốc hà thủ ô. Hai người bạn thân thâm niên hợp khẩu với nhau về mọi đề tài trong cuộc sống.

Nhưng dĩ nhiên cuộc đời đâu có bình lặng như ước mơ. Tối 29 Tết năm 1978, khi chở Phương đi chơi đêm về anh nghe tiếng mẹ và chị Phương khóc lớn trong nhà. Anh và Phương chạy vào hỏi thăm mới biết ba Phương lên cơn đau tim mất đột ngột nửa giờ trước.

Những ngày kế tiêp là chuỗi ngày dài tang lễ sầu thảm. Phương tâm sự: “Em phải để tang cho ba em 3 năm. Ráng đợi em nghe anh!”

Anh cầm tay chùi nước mắt trên má nàng: “Anh đã hứa sẽ yêu em từ ngày đầu tiên gặp gỡ cho đến hết hơi thở cuối cùng.”

Một điều lạ lùng không ai có thể giải thích được là một tháng sau cây xoài nhà Phương từ từ rụng lá khô cây. Mẹ Phương quyết định chặt nó xuống dùng củi đốt quanh mộ của ba Phương. Ai cũng nói nó chết theo người chủ bao năm thương yêu chăm sóc. Dĩ nhiên không ai dám nói ra sợ chính quyền buộc tội “Phao tin đồn nhảm.”

Nhưng cuộc đời hay xảy ra lắm chuyện trái ngang. Cứ ngỡ là anh phải đợi nàng ba năm, hơn một ngàn ngày, nhưng hóa ra Phương lại mòn mỏi chờ anh trong sợ hãi và vô vọng, bởi vì cuối năm 1979 anh phải tham gia nghĩa vụ quân sự, lúc chiến trường phía Bắc và Tây Nam đều đang đổ lửa.

Sau sáu năm hai tháng, anh mới được giải ngũ trở về đứng trước nhà Phương. Anh giật mình ngạc nhiên khi thấy phía trước nhà có hai cây xoài mới cao lớn như đứng dựa vào nhau. Phương chạy ra ôm anh khóc ướt cả cái áo bộ đội còn mới. Anh hỏi: “Nhà em mới trồng hai cây xoài này?”

Phương gật đầu: “Sau ngày anh đi hơn hai tháng, em quyết định chiết cành từ cây xoài trong quê. Cây xoài này là anh, cây xoài này là em. Dù anh ở phương trời nào, chết, hay sống, linh hồn cũng sẽ về bên em. Chúng ta mãi mãi là một cặp ở cạnh bên nhau như lời hứa năm nào!”
Đôi mắt anh thấy cay xé, nước mắt chảy xuống hai bên má, anh ôm nàng thật chặt trong niềm hạnh phúc vô bờ…

Đặng Duy Hưng

Related posts