Tin thế giới chiều thứ Năm: Ông Olaf Scholz sẽ là thủ tướng Đức

Philippines tiếp tế tiền đồn quân sự trên bãi cạn tranh chấp sau khi bị Trung Quốc bao vây

Aldgra Fredly

Quốc kỳ Philippines phấp phới trên con tàu đổ nát BRP Sierra Madre của Hải quân Philippines, bị mắc cạn từ năm 1999 và trở thành một đơn vị quân đội Philippines trên Bãi cạn Thomas thứ Hai, một phần của quần đảo Trường Sa ở Biển Đông ngày 29/03/2014 (Ảnh: Erik De Castro/Reuters) Đông Dương

Quân đội Philippines đã chuyển hàng tiếp tế thành công đến một trong những tiền đồn của họ trên một bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông vào ngày thứ Ba (23/11), sau khi các nỗ lực này bị các tuần duyên hạm Trung Quốc ngăn chặn hồi tuần trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết hai tàu gỗ chở nhân viên hải quân đã tiếp tế cho các binh lính thủy quân lục chiến ở Sierra Madre — một tàu Hải quân Philippines đổ nát — tại Bãi cạn Thomas thứ Hai mà “không có bất kỳ sự cố nào xảy ra” vào ngày hôm đó.

Tuy nhiên, ông Lorenzana nói rằng một thuyền cao su với ba nhân viên đã được điều động từ một tuần duyên hạm của Trung Quốc để chụp ảnh và ghi hình về các nhân viên Hải quân Philippines đang dỡ hàng lên tàu Sierra Madre.

“Tôi đã trao đổi với đại sứ Trung Quốc rằng chúng tôi coi những hành động này như một hình thức đe dọa và quấy rối,” ông nói với hãng thông tấn AP.

Ông Lorenzana cho biết các tàu thuyền đã đến bãi cạn này, còn được gọi là Bãi cạn Ayungin, mà không được Hải quân Philippines hộ tống theo yêu cầu của đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên (Huang Xilian). Ông Hoàng cũng đã bảo đảm với ông rằng nhiệm vụ tiếp tế sẽ không bị cản trở.

Thay vào đó, một phi cơ quân sự Philippines đã bay trên đầu bãi cạn trong lúc các con thuyền tiếp cận Sierra Madre, quan chức này cho biết.

BRP-Sierra-Madre
BRP Sierra Madre, một con tàu vận tải bị mắc cạn mà lực lượng Thủy quân Lục chiến của Philippines cư trú trên đó như một tiền đồn quân sự, được chụp ở Bãi cạn Thomas thứ Hai đang bị tranh chấp, một phần của quần đảo Trường Sa (the Spratly Islands) ở Biển Đông, vào ngày 30/03/2014. (Ảnh: Erik De Castro/Reuters)

Philippines trước đó đã lên án hành động của ba tuần duyên hạm Trung Quốc mà họ nói rằng đã chặn và bắn vòi rồng vào hai tàu tiếp tế vận chuyển lương thực cho lực lượng thủy quân lục chiến đóng trên Sierra Madre hôm 16/11.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã đưa ra phản đối mạnh mẽ tới đại sứ Trung Quốc hôm 18/11 và coi hành động của các tuần duyên hạm Trung Quốc là “bất hợp pháp”.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên hôm 16/11 rằng “hai tàu tiếp tế của Philippines đã xâm phạm vào vùng biển gần Nhân Ái Tiều [Bãi cạn Thomas thứ Hai] thuộc Quần đảo Nam Sa của Trung Quốc mà không có sự đồng ý của Trung Quốc”.

Lãnh đạo Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte, người luôn vun đắp quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, đã ra tuyên bố lên án lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong cuộc họp trực tuyến giữa các lãnh đạo thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hôm 22/11.

“Chúng tôi ghê tởm sự kiện gần đây ở Bãi cạn Ayungin và lo ngại sâu sắc đến những diễn biến tương tự khác,” ông Duterte nói và cho biết thêm rằng vụ việc “không nói lên được điều gì tốt đẹp” về quan hệ đối tác giữa hai quốc gia.

Không rõ ông Tập có phản ứng trực tiếp với nhận xét của ông Duterte hay không.

Bãi cạn Thomas thứ Hai nằm ngoài khơi tỉnh đảo Palawan của Philippines, trong một khu vực được quốc tế công nhận là một phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này. Philippines đã chiếm bãi cạn từ năm 1999 sau khi cố ý cho tàu Sierra Madre từ thời Đệ nhị Thế chiến mắc cạn trên bãi đá ngầm này.

Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông vào năm 2016, ủng hộ Philippines và các quốc gia khác trong khu vực. Tòa phán quyết rằng các tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, phán quyết có rất ít tác động đến hành vi của Trung Quốc do Bắc Kinh từ chối tuân thủ. Kết quả là các tranh chấp lãnh thổ tiếp tục diễn ra với việc Bắc Kinh không ngừng theo đuổi yêu sách đối với 90% Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”.

Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan, và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền tranh chấp với Trung Quốc.

Thiện Lan biên dịch

Ông Olaf Scholz sẽ là thủ tướng Đức

Lục Du

Ông Olaf Scholz. (ảnh: Từ video của DW News)

Liên minh ba đảng của Đức đã đồng ý thành lập chính phủ mới với tân thủ tướng là ông Olaf Scholz, theo New York Times.

Đảng Dân chủ Xã hội của ông Olaf Scholz cùng đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do dự kiến công bố thỏa thuận liên minh và kế hoạch quản lý nước Đức trong 4 năm tới vào lúc 15h giờ Berlin. Ông Scholz được cho là sẽ tuyên thệ nhậm chức vào đầu tháng tới.

Ba đảng đã bắt đầu đàm phán kể từ sau cuộc bầu cử ngày 26/9. SPD giành 25,7% số phiếu, cao hơn đảng Liên minh Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel với 24,1% số phiếu. SPD phải liên minh với đảng khác để có tỷ lệ quá bán để đủ điều kiện thành lập chính phủ mới.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Scholz sẽ lập tức phải giải quyết những vấn đề cấp bách, như tình hình đại dịch Covid diễn biến xấu và căng thẳng biên giới Belarus – Ukraine.

“Chính phủ mới về cơ bản sẽ là sự tiếp nối, chứ không phải thay đổi”, Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg, đửa ra nhận định sau khi có tin ông Scholz lên thay thế nữ Thủ tướng Merkel, người đã tại vị suốt 16 năm liên tục.

Related posts