Mới đây Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell tuyên bố Úc cam kết dỡ bỏ lệnh cấm thương mại trị giá 20 tỷ AUD (tương đương 13.9 tỷ USD) với Trung Quốc sau khi Đại sứ Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảng than từ Úc. Diễn biến này xảy ra khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cố gắng cải thiện bang giao thương mại của Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này chìm vào khủng hoảng kinh tế.
Chính phủ Úc đã công bố cuộc trò chuyện giữa Bộ trưởng Thương mại Don Farrell với Sky News Úc hôm 30/01. Ông Farrell nói rằng một trong những điều quan trọng nhất mà ông sẽ thảo luận với Trung Quốc là loại bỏ mức thuế cao đối với các mặt hàng xuất cảng chính của Úc, bao gồm rượu, thịt, tôm hùm, và lúa mì. Ông cũng nói rằng phản ứng của chính quyền Trung Quốc là rất tích cực.
Trước khi Đại sứ Trung Quốc tại Úc, ông Tiếu Thiên (Xiao Qian), tuyên bố công khai hôm 10/01 rằng Trung Quốc đang tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảng than từ Úc, một số cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin rằng lệnh cấm nhập cảng than từ Úc có thể được dỡ bỏ. Thời báo Chứng khoán Thâm Quyến cho biết hôm 05/01 rằng một số quan chức của ĐCSTQ đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo ngành hôm 03/01 để thảo luận về việc nối lại nhập cảng than của Úc và lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ sớm nhất là vào ngày 01/04 năm nay.
Hồi tháng 10/2020, ĐCSTQ đã cấm nhập cảng than của Úc sau khi cựu Ngoại trưởng Úc Marise Payne và cựu Thủ tướng Scott Morrison công khai kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 04/2020 mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19. Cựu Đại sứ Trung Quốc tại Úc, ông Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye), đã đe dọa những hậu quả kinh tế nghiêm trọng do Úc thúc đẩy một cuộc điều tra.
Thay đổi chính sách đối ngoại
Trong cuộc bầu cử tháng 05/2022, Đảng Lao Động Úc đã trở lại nắm quyền sau 9 năm. Hôm 13/01, tân Thủ tướng Anthony Albanese cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Úc và việc tiếp tục phát triển một mối bang giao tích cực là vì lợi ích của cả hai quốc gia.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 30/01, Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), thuộc Đại học Công nghệ Sydney, đã thảo luận về tác động của việc gia tăng bang giao kinh tế và thương mại giữa Úc và Trung Quốc đối với bang giao chính trị trong tương lai giữa hai quốc gia này.
Ông Phùng cho biết: “Trung Quốc đang trong một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc trong đó lĩnh vực địa ốc đang sụp đổ và tài chính của chính phủ bị thu hẹp. ĐCSTQ rất muốn cải thiện bang giao đối ngoại để cứu vãn nền kinh tế Trung Quốc, và Úc là một trong những mục tiêu chính của họ.”
Ông Thành nói thêm rằng ĐCSTQ mong muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông và xâm lược Đài Loan, vốn sẽ làm tổn hại đến lợi ích của Úc về lâu dài liên quan đến tự do hàng hải trong khu vực. Đồng thời, ĐCSTQ hiện đang mở rộng ảnh hưởng của mình ở các đảo quốc Thái Bình Dương cả về kinh tế lẫn quân sự, vốn cũng gây ra mối đe dọa đối với Úc vì Úc là đồng minh của Hoa Kỳ.
Tác động của các lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc
Ông Thành chỉ ra rằng trước đây chính phủ Úc đã thiết lập một loạt chính sách chống lại ĐCSTQ với sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng, vì vậy có những yếu tố ngăn cản Đảng Lao Động cầm quyền hiện tại đi quá xa để đảo ngược bất kỳ chính sách nào trong số đó.
ĐCSTQ thực sự đã thất bại trong việc hạn chế xuất cảng than của Úc vào năm 2020 và thay vào đó lại giúp tạo ra một thị trường khác cho Úc. Úc đã hoàn thành đa phần việc tái cấu trúc hoạt động xuất cảng than vào năm 2021. Nhà cung cấp than lớn nhất của Úc, Glencore, đã xuất cảng 15.5 triệu tấn than trong quý 3/2021 (pdf), tăng 15% so với cùng thời kỳ năm 2020.
Tài nguyên và Năng lượng hàng quý vào tháng 12/2022 của chính phủ Úc (pdf) cho thấy rằng trong năm tài khóa 2021-2022, các nhà nhập cảng than luyện kim chính của Úc là Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Hà Lan, và Đài Loan; các nhà nhập cảng than nhiệt chính của Úc là Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, và Thái Lan. Điều này cho thấy ngành than của Úc hoạt động tốt bất chấp lệnh cấm nhập cảng của Trung Quốc.
Hồi năm 2020, vào ngày 12/05 ĐCSTQ đã cấm nhập cảng thịt bò Úc từ bốn nhà xuất cảng thịt lớn của Úc; vào ngày 18/05, họ áp đặt mức thuế 80% đối với lúa mạch Úc; vào ngày 05/06, họ cảnh báo công dân Trung Quốc không nên đến Úc; và vào ngày 09/06, họ khuyến nghị sinh viên Trung Quốc tránh học tập tại Úc. Trước áp lực nặng nề từ ĐCSTQ, Thủ tướng Úc đương thời Morrison đã trả lời rằng ông sẽ không bao giờ hy sinh các giá trị của Úc để đổi lấy thương mại với Trung Quốc.
Ngoại giao con tin của ĐCSTQ
Hiện tại, hai công dân Úc gốc Hoa, ký giả Thành Lôi (Cheng Lei) và nhà văn Dương Hằng Quân (Yang Hengjun), đang bị cầm tù tại Trung Quốc được hơn hai năm, không qua xét xử và không có lý do rõ ràng. Hành động này đã khiến bang giao giữa hai nước trở nên căng thẳng.
Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa tin rằng ĐCSTQ có thể sử dụng hai công dân Úc này làm con bài thương lượng vì Trung Quốc không mất bất cứ điều gì để trả tự do cho họ. Vẫn chưa rõ họ đã xúc phạm ĐCSTQ như thế nào. Việc Trung Quốc tùy tiện bắt giữ hai người này là một ví dụ khác về “chính sách ngoại giao con tin” của ĐCSTQ.
Bà Thành Lôi, trước đây là một nữ phát thanh viên nổi tiếng người Úc cho đài truyền hình nhà nước CGTN của ĐCSTQ, chính thức bị bắt hồi tháng 02/2021 sau khi bị chính quyền Trung Quốc giam giữ vào ngày 13/08/2020 tại Bắc Kinh với cáo buộc làm gián điệp.
Ông Dương Hằng Quân, một nhà văn người Úc gốc Hoa, đã bay từ New York đến Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 01/2019 và sau đó biến mất trước khi chính phủ Úc xác nhận rằng ông đã bị giam giữ tại Trung Quốc. Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa là người hướng dẫn của ông Dương Hằng Quân trong thời gian ông học tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Sydney.
Kathleen Li đã đóng góp bài viết cho The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc. Ellen Wan BTV Epoch Times Tiếng Anh Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Vân Du biên dịch