Bước ngoặt lớn cho cuộc chiến tại Ukraine

Văn Sơn

Một máy bay chiến đấu General Dynamics F-16C Fighting Falcon tại Căn cứ Nellis, Las Vegas, Nevada, 16/6/2022. (ảnh: Larry MacDougal/MCDOL/AP).

CNN đưa tin, việc Nga tập trung lực lượng, rồi nguy cơ có thể xảy ra trận chiến lớn tiếp theo, cũng như việc Nga dùng tên lửa để khủng bố thường dân Ukraine đang châm ngòi cho việc kêu gọi viện trợ hơn nữa vũ khí từ Phương Tây; hiện tại những cam kết mới nhất đã bao gồm những chiếc xe tăng đầu tiên. 

Một cuộc tranh luận công khai về việc có nên gửi máy bay chiến đấu F-16 đang tạo ra một tình thế có thể làm cơ sở cho toàn bộ phản ứng của NATO: mục đích của Hoa Kỳ và các đồng minh là gì, là chỉ để Ukraine đủ sức tồn tại hay là giúp họ đẩy lùi hoàn toàn quân thù và đảm bảo Putin bại trận?

Gần đến ngày kỷ niệm đầu tiên tròn một năm nổ ra cuộc chiến, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng Moscow đang tập trung lực lượng cho một cuộc tấn công trả thù thế giới tự do, khả năng leo thang chiến tranh vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó, giám đốc CIA William Burns nhấn mạnh “Vận mệnh của Ukraine nằm ở trong sáu tháng tới. Cần một đòn giáng mạnh vào lòng kiêu ngạo vào Putin, để ông ta biết rằng quân đội Nga sẽ không thể tiến xa hơn và mỗi tháng trôi qua, nguy cơ mất lãnh thổ đã chiếm giữ bất hợp pháp là rất lớn”.

Ukraine tiếp tục huy động viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ. Theo nhiều quan chức Hoa Kỳ, nước này sắp công bố một chuyến hàng mới trị giá 2,2 tỷ USD, lần đầu tiên bao gồm các tên lửa tầm xa. CNN’s Kevin Liptak và Oren Liebermann cho biết bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất – một tên lửa dẫn đường với tầm bắn 90 dặm – sẽ được chuyển giao trong gói này. Tuy nhiên, có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để vũ khí đến nơi, vì Hoa Kỳ sẽ ký hợp đồng với các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ để hoàn tất việc cung cấp.

Tuy nhiên, những hỗ trợ mới nhất của Hoa Kỳ đã củng cố một trong những hệ lụy của cuộc chiến. Một trong những mục tiêu xâm lược của Putin là vĩnh viễn cắt đứt hy vọng gia nhập NATO của Ukraine, quốc gia từng là một phần của Liên Xô. Hiện tại, mặc dù Ukraine không phải là thành viên chính thức của NATO, nhưng họ đang chiến đấu đẩy lùi quân thù Nga bằng chính những thiết bị quân sự tiên tiến nhất của phương Tây. 

Ukraine muốn nhiều hơn thế

Đánh giá về những bình luận từ các quan chức cấp cao của chính phủ Ukraine trong vài ngày qua, chính phủ ở Kiev vẫn không tin rằng họ có khả năng quân sự để đạt được sự thay đổi trong suy nghĩ của Putin mà ông Burns đã mô tả.

Ngay cả khi vào tháng trước, các nhà lãnh đạo NATO quyết định về việc gửi hơn 300 xe tăng chiến đấu đến cuộc chiến, bao gồm cả những chiếc Challengers của Anh, Leopards do Đức sản xuất và cuối cùng là cỗ máy M1 Abrams tiên tiến của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với NPR rằng ông rất lạc quan về việc Hoa Kỳ và các đồng minh của họ cuối cùng sẽ cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu bao gồm cả F-16, mà Tổng thống Joe Biden đã liên tục nói rằng ông sẽ không gửi. “Điều không thể hôm nay hoàn toàn có thể xảy ra vào ngày mai,” Reznikov nhấn mạnh.

Có nên cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine hay không là một vấn đề hết sức phức tạp. Nó đòi hỏi phải đánh giá xem liệu có nhu cầu quân sự đối với máy bay hay không và vai trò mà chúng có thể đảm nhận một cách hợp lý. Các nhà lãnh đạo của Mỹ và đồng minh phải cân bằng tác động mà chiếc máy bay có thể gây ra với nguy cơ làm leo thang hơn nữa cuộc đối đầu căng thẳng của phương Tây với Putin. Các nhà lãnh đạo cũng có thể cần sự đảm bảo từ Ukraine rằng máy bay sẽ chỉ được sử dụng cho các hoạt động bên trong Ukraine, nhằm tránh mở rộng chiến tranh sang Nga. Ngoài những lo ngại tương tự, gói viện trợ mới sẽ không bao gồm tên lửa ATACMS mà Ukraine muốn, với tầm bắn hơn 200 dặm, có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào đất Nga, CNN đưa tin.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẽ sớm nhận được F-16. “Không,” Biden nói khi được hỏi liệu Mỹ có cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine trong thời gian tới hay không. Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace cho biết ít nhất hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để gửi máy bay. “Những gì họ cần ngay bây giờ là vũ khí và xe tăng,” song ông cũng nói “Không nên loại trừ bất kỳ khả năng nào.”

Tính hiệu quả của F-16 được đặt ra trước những lo ngại rằng chúng có thể dễ bị tổn thương trước các máy bay và hệ thống phòng không hiệu quả của Nga. Phóng viên Mick Krever của CNN tuần này đưa tin, để F-16 trở thành kẻ thay đổi cuộc chơi, Ukraine trước tiên phải phá hủy hệ thống phòng không của Nga và thiết lập ưu thế trên không. Các máy bay phản lực có thể hoạt động hiệu quả nhất như một vũ khí phòng thủ cho quân đội và tốt hơn trong việc bắn hạ tên lửa của Nga, chứ không nên làm các nhiệm vụ hỗ trợ trên không gần tiền tuyến.

Tuy nhiên, Evelyn Farkas, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, nói với CNN rằng bà hy vọng Hoa Kỳ sẽ cân nhắc cho phép máy bay chiến đấu được chuyển đến Ukraine và những chiếc F-16 có thể được gửi đi.

Bà Farkas nói “Người Nga có sức mạnh không quân hoặc về cơ bản họ có sức mạnh mà họ có thể sử dụng trên không. Và tôi nghĩ đây là điều còn thiếu đối với người Ukraine”.

“Tôi nghĩ chúng ta cần cung cấp cho người Ukraine máy bay để họ có thể yểm trợ cho quân đội trên mặt đất.”

NATO vẫn thống nhất cho đến bây giờ

Một lý do để không gửi các máy bay phản lực là chúng sẽ yêu cầu đào tạo mới và chuyên sâu cho các phi công được huấn luyện trên các máy bay thời Liên Xô cũ. Một số chuyên gia phương Tây bác bỏ lập luận của Ukraine rằng máy bay có thể được sử dụng với các phi công của họ với mức độ đào tạo tối thiểu và lập luận rằng nếu chiến tranh có khung thời gian quan trọng trong 6 tháng tới, thì máy bay được gửi đến sẽ là quá muộn.

Tuy nhiên, ý kiến cho rằng các loại vũ khí tinh vi của phương Tây quá phức tạp đối với các lực lượng vũ trang Ukraine – hoặc việc huấn luyện binh lính cách sử dụng chúng sẽ mất quá nhiều thời gian – là một ý kiến quen thuộc. Ban đầu, Mỹ thường miễn cưỡng cung cấp cho Ukraine các hệ thống như lựu pháo, tên lửa chống tên lửa Patriot và xe tăng Abrams, nhưng những ý kiến này đã bị đảo ngược sau các sự kiện trong chiến tranh.

Tổng thống Zelensky, người đã thực hiện một chiến dịch quan hệ công chúng hiệu quả ở phương Tây, bác bỏ ý kiến cho rằng lực lượng của ông sẽ không thể nhanh chóng sử dụng được vũ khí. “Tôi đảm bảo với quý vị rằng các binh sĩ Ukraine có thể tự điều khiển xe tăng và máy bay của Mỹ một cách hoàn hảo,” ông nói trong bài phát biểu trước một cuộc họp chung của Quốc hội vào tháng 12.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã không loại trừ việc gửi máy bay chiến đấu, và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Bild của Đức rằng nếu toàn bộ NATO đồng ý, ông sẽ ủng hộ gửi máy bay chiến đấu. Nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy một điều như vậy sắp xảy ra. Việc chuyển giao máy bay phản lực do Mỹ sản xuất sẽ cần có sự đồng ý của tổng thống Biden.

Và tất cả các nhà lãnh đạo NATO dường như quyết tâm thể hiện sự thống nhất đối về vấn đề máy bay phản lực sau khi Biden đề cập đến mối quan hệ rạn nứt với Đức vào tháng trước, khi ông đồng ý chuyển xe tăng cho Ukraine.

Trong khi đó, Putin đang phản ứng với các nỗ lực mới trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine bằng một chiến thuật quen thuộc – đe dọa ngầm đối với các cường quốc phương Tây rằng ông có thể sử dụng vũ khí hạt nhân năng suất nhỏ trong cuộc chiến.

“Chúng tôi sẽ không phái xe tăng của mình đến biên giới của các nước kia, nhưng chúng tôi có vài thứ để đáp trả. Và nó sẽ không chỉ dừng lại với việc sử dụng xe bọc thép”, nhà lãnh đạo Nga cho biết trong chuyến thăm Volgograd nhân kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô trong Trận chiến Stalingrad.

Trước đây, các mối đe dọa của Putin đã không làm nản lòng các quốc gia phương Tây khi họ ngày càng bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc chiến. Nhưng những bình luận của Putin một lần nữa sẽ có thể làm dấy lên lo ngại rằng việc đổ vũ khí vào cuộc chiến sẽ chỉ khiến nó leo thang và có nguy cơ lan rộng, một kiểu đổ thêm dầu vào lửa.

Tuy nhiên, ông Burns lập luận rằng Putin đã sai lầm khi đánh cược rằng ông ta có thể nghiền nát Ukraine giữa lúc Hoa Kỳ và châu Âu có những bất đồng chính trị.

Giám đốc CIA cho biết ông đã nói với một trong những người đồng cấp Nga, ông Sergey Naryshkin, vào tháng 11 rằng “những tính toán đó của Nga cũng sai lầm trầm trọng như quyết định ban đầu về việc phát động chiến tranh vào ngày 24 tháng 2 năm trước”.

Related posts