Trung Quốc bỗng ‘ra mặt’ giải quyết cuộc chiến của Nga, nhưng lại nhận ‘gáo nước lạnh’ từ phương Tây

Liên Thành

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phản ứng trước đề xuất của Trung Quốc về cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. (Ảnh: GETTY IMAGES).

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phản ứng trước đề xuất của Trung Quốc về cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ông đã có phát biểu liên quan tại một cuộc họp báo ở Tallinn (thủ đô Estonia), theo “Sự thật châu Âu”.

Ông nói: “Trung Quốc không được tin tưởng lắm vì họ đã không lên án cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine,” đồng thời cho biết thêm rằng Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ vài ngày trước cuộc xâm lược.

Ông Stoltenberg cũng lưu ý rằng NATO chưa thấy Trung Quốc chuyển giao vũ khí sát thương cho Nga. “Nhưng chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể đang lên kế hoạch, và xem xét việc cung cấp viện trợ quân sự cho Nga. Và Trung Quốc không nên làm điều này, vì như thế họ cũng sẽ ủng hộ một cuộc xâm lược bất hợp pháp vi phạm luật pháp quốc tế”, Tổng thư ký NATO nói thêm.

Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố cái gọi là “kế hoạch hòa bình” với những ý tưởng nhằm giải quyết cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Nó bao gồm 12 điểm, kêu gọi ngừng bắn và nối lại đàm phán, nhưng không bao gồm các bước cụ thể.

Ngay sau đó, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn với CNN cho biết, Trung Quốc chỉ cần dừng lại ở điểm đầu tiên trong kế hoạch “hòa bình” nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga với Ukraine, trong đó đề cập đến việc tôn trọng chủ quyền. Theo ông bản kế hoạch chỉ cần thế, và không cần 11 điểm sau đó nữa.

Ông nói: “ phản ứng đầu tiên của tôi với điều đó là họ có thể dừng lại ở điểm đầu tiên, đó là tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia”.

Còn bà Ursula von der Leyen, người đứng đầu Ủy ban châu Âu thì nói:

“Tôi nghĩ rằng khi bạn nhìn vào tài liệu này, bạn phải hiểu rằng đây không phải là một kế hoạch hòa bình, mà là những nguyên tắc mà chúng ta cùng chia sẻ. Bạn phải xem chúng dựa trên một nền tảng cụ thể, đặc biệt là vì Trung Quốc đã đứng về phía Nga bằng cách ký kết, ví dụ, một hiệp ước về ‘tình hữu nghị không giới hạn’ ngay trước khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine. Vì vậy, tất nhiên, chúng tôi sẽ xem xét các nguyên tắc, nhưng chúng tôi sẽ xem xét chúng trên cơ sở tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga”.

Như vậy các đại diện của các cường quốc phương Tây nói chung đều không có niềm tin với Trung Quốc, và không đánh giá cao cái gọi là kế hoạch hòa bình mà nước này đưa ra để giải quyết cuộc chiến mà Nga đã phát động.

Related posts