Liên Thành
Trung Quốc tuyên bố lập trường “trung lập” trong cuộc xung đột Nga-Ukraina, nhưng lại hỗ trợ Nga bằng ngoại giao và những điệp khúc tuyên truyền sai về cuộc chiến kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraina một năm trước.
Có tin nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị tới Moscow để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trước đó, thuộc hạ của ông Tập là Vương Nghị – Trưởng ban đối ngoại của ĐCSTQ, đã đến thăm Nga ngày 23/2 và gặp gỡ ông Putin.
Trong khi đó, ông Tập vẫn chưa nói chuyện với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy — dù Zelensky liên tục đưa ra những lời mời.
Các quan chức Trung Quốc đã liên tục tránh gọi cuộc tấn công của Nga vào Ukraina là một “cuộc xâm lược”, và từ chối lên án việc Nga vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina cũng như vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ngày 23/2, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết với 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng, kêu gọi thực hiện một nền hòa bình toàn diện ở Ukraina. Nghị quyết yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraina và kêu gọi chấm dứt chiến sự. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua 6 nghị quyết liên quan, và Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng đối với 4 nghị quyết và và bỏ phiếu chống đối với 2 nghị quyết còn lại.
Ngoài ra, các quan chức và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ủng hộ chính sách của Nga hoặc tuyên truyền thuyết âm mưu và thông tin sai lệch về cuộc xâm lược của Nga, bảo vệ các hành động của Nga, và đổ lỗi cho phương Tây gây chiến với Nga.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng khẳng định các cáo buộc Trung Quốc tung tin thất thiệt về Ukraina chính là tung tin thất thiệt.
Một năm kể từ khi chiến tranh nổ ra, Trung Quốc đã lan truyền nhiều thông tin sai lệch về cuộc chiến do các quan chức Nga phát động.
Sau đây là một vài ví dụ điển hình về tuyên truyền của Trung Quốc ủng hộ Nga và chống phương Tây, được đài VOA tổng hợp.
Trung Quốc nói Nga buộc ‘phải’ xâm lược Ukraina vì NATO
Theo tuyên truyền lâu nay của truyền thông nhà nước Trung Quốc, Nga là nạn nhân của sự bành trướng của NATO do Mỹ đứng đầu, và đối mặt với mối đe dọa an ninh từ phương Tây nên Nga phải tự vệ.
Đồng quan điểm với Điện Kremlin, Bộ Ngoại giao và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ là “nước khởi xướng” và “nước thúc đẩy lớn nhất” cuộc chiến ở Ukraina.
Vào ngày 23/2/2022, một ngày trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraina, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận với Nga 5 lần về việc mở rộng NATO về phía đông và triển khai một số lượng lớn vũ khí tiên tiến tới ngưỡng cửa của Nga. Trung Quốc cáo buộc Mỹ đẩy một cường quốc đến bờ vực của cái chết.
Khi Lật Chiến Thư, nhân vật số ba trong Đảng Cộng sản Trung Quốc vào thời điểm đó, đến thăm Nga vào tháng 9/2022, ông cáo buộc rằng Mỹ và NATO đang vươn đến trước ngưỡng cửa của Nga, và điều đó liên can đến an ninh quốc gia và cuộc sống của người dân Nga. Ông cho rằng Nga bị “dồn vào chân tường”, nên đã phát động cuộc tấn công Ukraina như một sự phản công để bảo vệ lợi ích cốt lõi của chính quyền Moscow.
Các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng nhắc lại thông tin tuyên truyền từ phía Nga rằng Mỹ đã vi phạm cam kết “không bành trướng về phía Đông” của NATO.
Ngày 30/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa cáo buộc Mỹ kích động cuộc “khủng hoảng Ukraina” và liên tục đổ thêm dầu vào lửa.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ điều hành phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Ukraina
Sau khi Nga tấn công Ukraina, các quan chức và phương tiện truyền thông Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng Nga đã phát hiện ra một phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Ukraina do Bộ Quốc phòng Mỹ điều hành.
Sau đó, từ Bộ Ngoại giao, các phương tiện truyền thông nhà nước, cho đến các blogger nổi tiếng của Trung Quốc đều lặp đi lặp lại tuyên bố của Nga về phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của Mỹ ở Ukraina, mặc dù chưa thể xác minh thông tin đó.
Trước kia, Trung Quốc từng không ngừng thổi phồng thuyết âm mưu rằng virus corona có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm của Mỹ.
Triệu Lập Kiên, khi đó là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 8/3/2022 rằng, “Mỹ có 26 phòng thí nghiệm sinh học và các cơ sở liên quan khác ở Ukraine.”
Vị phát ngôn viên còn cho rằng việc Bộ Quốc phòng Mỹ kiểm soát tuyệt đối các hoạt động quân sự liên quan đến vũ khí sinh học ở Ukraina chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trên thực tế, các phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh học ở Ukraina được Mỹ tài trợ một phần, nhưng hoàn toàn không phải là dự án bí mật, không phát triển vũ khí sinh học và vũ khí hóa học. Ngược lại, một phần nhiệm vụ của phòng thí nghiệm là “ngăn chặn việc phổ biến công nghệ, mầm bệnh và kiến thức có thể được sử dụng để phát triển vũ khí sinh học.
Ngoài ra, các phòng thí nghiệm này được quản lý và điều hành bởi chính phủ Ukraina, chứ không phải là “kiểm soát tuyệt đối” bởi Mỹ.
Vào tháng 7/2022, truyền thông nhà nước và các blogger nổi tiếng của Trung Quốc đã trích dẫn một báo cáo của Nga, cáo buộc Mỹ tiến hành thí nghiệm trên người tại một bệnh viện tâm thần ở Kharkiv và thu thập và phân loại mầm bệnh dịch tả ở Mariupol. Cả hai cáo buộc trên đều là tin giả.
Trung Quốc cáo buộc phương Tây vi phạm các thỏa thuận quốc tế, chứ không phải Nga
Vào ngày 25/1, Jun Wu Ji – một blogger quân sự nổi tiếng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc bình luận rằng: “Ukraina chính thức đề nghị Belarus ký kết ‘Hiệp ước không xâm lược’, cùng lúc chuẩn bị chiến tranh trên tiền tuyến Belarus. Xem ra họ muốn lặp lại cảnh tượng ‘Hiệp định Minsk’ lừa con ngỗng lớn…”
Tuyên bố ở trên gây hiểu nhầm, vì đã bỏ qua một thực tế là cuộc xung đột vũ trang nổ ra ở miền đông Ukraina vào năm 2014 – cuộc xung đột mà Thỏa thuận Minsk tìm cách làm dịu và chấm dứt – được châm ngòi bởi một loạt các hành động của Nga.
Trung Quốc cáo buộc Phương Tây kiểm duyệt các nhà báo viết về chiến tranh
Vào tháng 5/2022, tài khoản Weibo “Thông tin toàn cầu” thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phát một video cáo buộc phương Tây kiểm duyệt các nhà báo đưa tin về cuộc chiến Nga-Ukraina.
Trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy ai trong số các nhà báo bị truyền thông phương Tây gắn cờ là đưa thông tin sai lệch, cũng không có ai trong số họ bị sa thải.
Ngoài một vài ví dụ trên, các quan chức Trung Quốc cũng đăng tải lại các tuyên truyền sai lệch của Nga về các vấn đề như Crimea, cuộc tấn công đường ống Nord Stream, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và hiệu suất chiến đấu của quân đội Ukraina.