Tin thế giới trưa thứ Ba: Ngoại trưởng Blinken đến Kazakhstan nhằm thắt chặt quan hệ trong bối cảnh chiến tranh Ukraine

Nokia công kế kế hoạch thay đổi logo sau 60 năm

(Ảnh: OleksSH/Shutterstock)

Hôm 26/2 vừa qua, hãng Nokia đã công bố kế hoạch thay đổi nhận diện thương hiệu lần đầu tiên sau gần 60 năm bằng một logo mới, theo hãng tin Reuters.

Đây được cho là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi chiến lược giữa bối cảnh nhà sản xuất thiết bị viễn thông này tập trung vào hoạt động tăng trưởng mạnh mẽ. Logo mới gồm năm hình dạng khác nhau tạo thành từ NOKIA. Màu xanh mang tính biểu tượng của logo cũ đã bị loại bỏ để thay bằng nhiều màu tùy theo mục đích sử dụng.

Sau khi đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành của Nokia, vốn gặp khó khăn vào năm 2020, Pekka Lundmark đã đề ra chiến lược gồm ba giai đoạn: Thiết lập lại, tăng tốc và mở rộng quy mô. Khi giai đoạn thiết lập lại đã hoàn tất, Lundmark cho biết giai đoạn thứ hai đang bắt đầu.

Dù Nokia vẫn đặt mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh là nhà cung cấp dịch vụ với việc bán thiết bị cho các công ty viễn thông, song trọng tâm chính của Nokia hiện nay là bán thiết bị cho các doanh nghiệp khác.

Ông Lundmark cho biết rằng lĩnh vực kinh doanh của Nokia đã có mức tăng trưởng rất tốt 21% trong năm 2022, mảng này chiếm khoảng 8% doanh thu công ty, khoảng 2 tỷ EUR (2,11 tỷ USD). Nokia mong muốn đưa mức này lên hai con số càng nhanh càng tốt.

Các hãng công nghệ lớn đã hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông như Nokia để bán mạng 5G riêng và thiết bị cho các nhà máy tự động cho khách hàng, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất.

Nokia có kế hoạch xem xét lộ trình tăng trưởng của các mảng kinh doanh khác nhau và xem xét các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc thoái vốn.

Ông Lundmark cho hay rằng Nokia chỉ muốn kinh doanh cùng các doanh nghiệp mà hãng có thể thấy khả năng hoạt động trên toàn cầu. Việc Nokia hướng tới tự động hóa nhà máy và trung tâm dữ liệu cũng sẽ giúp hãng cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như Microsoft và Amazon.

Thị trường bán thiết bị viễn thông đang chịu sức ép với việc môi trường vĩ mô làm giảm nhu cầu từ các thị trường có tỷ suất lợi nhuận cao như Bắc Mỹ, và thay thế bằng Ấn Độ, nơi có tỷ suất lợi nhuận thấp, qua đó khiến đối thủ Ericsson phải sa thải 8.500 nhân viên.

Phan Anh

Ngoại trưởng Blinken đến Kazakhstan nhằm thắt chặt quan hệ trong bối cảnh chiến tranh Ukraine

Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Kazakhstan vào sáng sớm thứ Ba (28/2) trong chuyến công du nhằm tăng cường vai trò của Mỹ ở Trung Á, nơi cuộc xâm lược của nước láng giềng khổng lồ Nga vào Ukraine đã gây ra nhiều lo ngại đáng kể.

Các quan chức Kazakhstan đã chào đón nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ dưới cái lạnh âm độ trên đường băng ở thủ đô Astana, nơi ông sẽ gặp Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev trong ngày trước khi bay tới Uzbekistan.

Tại Astana, ông cũng sẽ gặp các ngoại trưởng của cả 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á – bao gồm cả Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan.

Đây là chuyến đi cấp cao nhất tới Trung Á của một quan chức trong chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và diễn ra vài ngày sau lễ kỷ niệm ngày Nga xâm lược Ukraine.

Các quốc gia Trung Á có mối quan hệ kinh tế và an ninh lâu đời với Nga, nhưng không giống như nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ Belarus, họ không ủng hộ Moscow trong cuộc chiến.

Tất cả năm quốc gia Trung Á đã bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu vào tuần trước về một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu Moscow rút khỏi Ukraine.

Những lời biện minh của Tổng thống Vladimir Putin cho cuộc chiến, bao gồm cả việc lên án cách đối xử với những người nói tiếng Nga ở Ukraine, đã gây căng thẳng ở các quốc gia Trung Á có đông người Nga thiểu số.

Kazakhstan, quốc gia có đường biên giới đất liền dài nhất với Nga, đã hoan nghênh những người Nga trốn nghĩa vụ quân sự và kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến. Ông Tokayev gần đây đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, mặc dù ông cũng đã đến thăm Putin vào năm ngoái để tái khẳng định mối quan hệ.

Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở khu vực lân cận. Chủ tịch Tập Cận Bình năm ngoái đã chọn Kazakhstan và Uzbekistan cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau đại dịch COVID-19.

Sau Trung Á, ông Blinken sẽ tới New Delhi để tham dự cuộc họp của Nhóm G20 bộ trưởng ngoại giao. Ông dự kiến sẽ tránh gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người mà ông chỉ nói chuyện qua điện thoại kể từ sau chiến tranh. Washington tin rằng Moscow không chân thành về một giải pháp thương lượng.

Ngân Hà (theo AFP)

Nhật Bản nới lỏng hạn chế nhập cảnh với các du khách từ Trung Quốc

(Ảnh minh họa: glen photo/Shutterstock)

Hôm 27/2 vừa qua, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno thông báo rằng nước này sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan dịch COVID-19 đối với các du khách nhập cảnh từ Trung Quốc, qua đó hủy bỏ yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, theo tờ Nippon.

Cụ thể, ông Matsuno cho biết rằng kể từ ngày 1/3 tới đây, thay vì phải xét nghiệm diện rộng đối với du khách từ Trung Quốc đại lục, Nhật Bản sẽ chỉ xét nghiệm các mẫu được chọn. Tuy nhiên, các hành khách vẫn phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona gây bệnh COVID-19 trước khi lên máy bay tới Nhật Bản.

Theo ông Matsuno, những thay đổi này nhằm mục đích hỗ trợ hoạt động đi lại quốc tế suôn sẻ, do tỷ lệ kết quả xét nghiệm dương tính thấp trong số những người nhập cảnh.

Quan chức trên cho biết thêm rằng các hãng hàng không cũng sẽ được phép vận hành các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc tới nhiều sân bay Nhật Bản hơn. Tính tới nay, những chuyến bay thẳng từ Trung Quốc sẽ chỉ được phép hạ cánh tại các sân bay gồm Narita, Haneda, Kansai và Chubu.

Đầu tháng này, phía Hàn Quốc cũng đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc siết chặt kiểm soát biên giới với các hành khách từ Trung Quốc do số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt ở nước này sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vào cuối năm 2022.

Phan Anh

Quân đội Nga tuyên bố tập kích khu trung tâm tình báo điện tử của Ukraine

(Ảnh minh họa: Drop of Light/Shutterstock)

Quân đội Nga thông báo tấn công trung tâm tình báo điện tử ở vùng ngoại ô thủ đô Kyiv, cùng hàng loạt mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, theo hãng tin TASS.

“Trung tâm tình báo điện tử của lực lượng vũ trang Ukraine tại thành phố Brovary gần thủ đô Kyiv, cũng như sở chỉ huy tác chiến miền tây Ukraine ở gần thành phố Khmelnitsky đã bị đánh trúng”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết.

Quân đội Nga cũng thông báo tập kích các đơn vị phòng không Ukraine ở tỉnh Donetsk, gồm một xe chiến đấu thuộc hệ thống Buk-M1 tại Andriivka và một đài radar cảnh giới 36D6 triển khai gần thành phố Dobropolye.

Quân đội Ukraine trước đó tuyên bố bắn rơi 11/14 máy bay không người lái (UAV) được lực lượng Nga triển khai đêm 26/2 và rạng sáng 27/2. Serhiy Popko, lãnh đạo ban chỉ huy quân sự thủ đô Kyiv, tuyên bố không có thương vong hay thiệt hại cơ sở hạ tầng trong thành phố. “Đối phương đang tìm cách làm cạn kiệt nguồn lực phòng không của chúng tôi”, ông nói.

Sergei Gamaly, tỉnh trưởng tỉnh Khmelnitsky ở miền tây Ukraine, cho biết ba tiếng nổ lớn đã làm rung chuyển bầu trời thành phố cùng tên rạng sáng nay, không lâu sau khi còi báo động phòng không được kích hoạt trong khu vực. Thị trưởng Khmelnitsky Oleksandr Symchyshyn thêm rằng hai người đã thiệt mạng và ba người bị thương trong đòn tấn công.

Thủ đô Kyiv và tỉnh cùng tên, cũng như các tỉnh miền đông và miền trung gồm Zhytomir, Kirovograd, Poltava, Rivne, Sumy, Kharkov, Cherkasy và Chernihiv đều phát cảnh báo phòng không cùng thời điểm. Truyền thông Ukraine cho biết nhiều tiếng nổ vang lên ở Kyiv và Zhytomir, trong khi các hệ thống phòng không ở miền trung đất nước đã tham chiến.

Phan Anh

Ông Medvedev: “Ngày tận thế” hạt nhân có thể xảy ra nếu phương Tây tiếp tục giúp Ukraine

Ông Medvedev. (Ảnh: Max kolomychenko/Shutterstock)

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine có nguy cơ dẫn đến “ngày tận thế” hạt nhân đối với toàn nhân loại, theo hãng tin RT.
“Mỹ và các đồng minh tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine và ngăn chặn mọi nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kyiv. Họ không muốn hiểu rằng mục tiêu của họ chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại hoàn toàn, mất mát cho tất cả mọi người. Sự tàn vong. Ngày tận thế. Nơi bạn quên đi cuộc sống trước đây của mình trong nhiều thế kỷ, cho đến khi đống đổ nát ngừng phát ra bức xạ”, ông Medvedev cảnh báo trong bài báo đăng trên tờ Izvestia hôm 27/2.

Ông cho hay rằng Nga sẽ không cho phép điều này xảy ra. Cựu tổng thống Nga lưu ý rằng Mỹ và các đồng minh chỉ chiếm 15% dân số thế giới. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới đông hơn về số lượng và mạnh hơn rất nhiều.

Ngoài ra, ông Medvedev cũng cho rằng phương Tây đang gây nguy hiểm cho sự tồn vong của nền văn minh nhân loại bằng cách đe dọa Moscow. “Nếu vấn đề về sự tồn vong của Nga được đặt ra một cách nghiêm túc, nó sẽ không được quyết định trên mặt trận Ukraine. Vấn đề này sẽ được quyết định cùng sự tồn tại lâu dài của toàn bộ nền văn minh nhân loại”, ông nói.

Ở một diễn biến khác, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho hay rằng Moscow coi việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine là sự can dự ngày càng tăng của các nước này vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Giới chức Nga nhiều lần cảnh báo rằng nước này sẵn sàng sử dụng kho vũ khí hạt nhân trong trường hợp phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ vũ khí hạt nhân hoặc thông thường. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ tuyên bố của phương Tây rằng họ đang lên kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, phương Tây từng bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác tại cuộc chiến diễn ra ở Ukraine.

Phan Anh

Related posts