Hiệu trưởng: ĐCSTQ đang nhồi sọ sinh viên ngoại ngữ của Úc

Tác giả Cindy Zhan

Hiệu trưởng: ĐCSTQ đang nhồi sọ sinh viên ngoại ngữ của Úc
Cờ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt bên trên cờ Úc. (Ảnh: Oleksii/Adobe Stock) Đông Dương

Một hiệu trưởng của trường Hoa ngữ đã cảnh báo rằng sinh viên Úc được cho là đang “bị Đảng Cộng sản Trung Quốc nhồi nhét tuyên truyền” tại các trường ngôn ngữ cộng đồng do người đóng thuế tài trợ.

12 năm trước, Tiến sĩ Lâm Tùng (Bin Lin) đã thành lập trường ngôn ngữ cộng đồng của mình, Học viện Văn hóa Trung Hoa (Academy of Chinese Culture) và là hiệu trưởng của trường này kể từ đó.

Ông Lâm cáo buộc rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thâm nhập vào các trường dạy Hoa ngữ cộng đồng và đang tẩy não sinh viên Úc bằng cách gửi tài liệu giảng dạy và giáo viên, đồng thời cấp chứng chỉ cho “các trường giảng dạy chương trình giáo dục Hoa ngữ,” và tổ chức các hoạt động như trại hè/đông và ngâm thơ.

“Hầu hết các giáo viên này đều đến từ Hoa lục, vậy nên họ tự nhiên sẽ giáo dục sinh viên giống như Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông Lâm nói với The Epoch Times hôm 27/02.

“Những giáo viên này truyền bá ngoài miệng rằng ‘người Trung Quốc chúng ta cần phải yêu tổ quốc của chúng ta.’”

“Những sinh viên này là người có quốc tịch Úc, vì vậy chúng ta không thể nói họ là người Trung Quốc được.”

Tiến sĩ Lâm Tùng, chủ tịch Học viện Văn hóa Trung Hoa, một trường dạy ngôn ngữ cộng đồng, nói chuyện tại một cuộc hội thảo. (Ảnh: Lạc Á/The Epoch Times)
Tiến sĩ Lâm Tùng, chủ tịch Học viện Văn hóa Trung Hoa, một trường dạy ngôn ngữ cộng đồng, nói chuyện tại một cuộc hội thảo. (Ảnh: Lạc Á/The Epoch Times)

“Cũng có những trường sử dụng thơ của ông Mao Trạch Đông (người sáng lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) làm tài liệu ngâm thơ. …… Các tài liệu đến từ Trung Quốc này chỉ cung cấp quan điểm tuyên truyền của ĐCSTQ.”

Sinh viên ca tụng ông Mao Trạch Đông là ‘vĩ nhân’

Ông Lâm, người có một bằng tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học New South Wales (NSW), nói rằng mức độ thâm nhập mạnh nhất là trong các hoạt động [văn hóa] khác nhau do ĐCSTQ tổ chức.

Ông nói: “Sinh viên từ các trường ngoại ngữ tham gia nhiều trại hè hoặc trại đông khác nhau [do ĐCSTQ quảng bá] và nhận được rất nhiều tuyên truyền của ĐCSTQ trong chuyến đi đó.”

Ông Lâm đã cung cấp một bản sao thông báo ghi danh cho trại đông “Hành trình Tìm về Cội nguồn” do Tổng lãnh sự quán ở Sydney cấp, trong đó có viết rằng “chỗ ở, thức ăn, học tập, thăm viếng, đi lại, và các chi phí khác đều do Văn phòng Sự vụ Hoa kiều Hải ngoại tài trợ” cho những người tham gia cắm trại.

Trang web của một trường ngôn ngữ cộng đồng ở Sydney đã đăng một bài văn viết bằng tiếng Quan Thoại của một học sinh tham gia một trại đông tổ chức tại tỉnh Hồ Nam, quê hương của ông Mao Trạch Đông, đã ca ngợi ông Mao, người đã bắt đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, đã đàn áp đến 20 triệu người.

Chân dung ông Mao Trạch Đông tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 10/03/2015. (Ảnh: AP Photo/Andy Wong)
Chân dung ông Mao Trạch Đông tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 10/03/2015. (Ảnh: AP Photo/Andy Wong)

Sinh viên này viết rằng sau khi đến thăm quê hương của ông Mao, cậu cảm thấy rằng hóa ra mình “không biết gì” về nhà lãnh đạo này và bây giờ mới hiểu rằng mình đã tin vào những lời xuyên tạc của người ngoại quốc, sau đó cậu sinh viên này còn gọi ông Mao là “một vĩ nhân.”

Ông Lâm trước đây từng là hiệu trưởng của một trường dạy Hoa ngữ thân ĐCSTQ ở Sydney. Ông đã bị đuổi khỏi một trường dạy Hoa ngữ ở South Sydney sau khi Lãnh sự quán Trung Quốc bày tỏ lo ngại về vai trò hiệu trưởng của ông.

Theo một tài liệu khác do Văn phòng Sự vụ Hoa kiều Hải ngoại của Tổng lãnh sự quán tại Sydney cung cấp để chọn “Các Trường Giảng dạy Chương trình Giáo dục Hoa ngữ,” một trong những tiêu chí căn bản cho một trường giảng dạy là “ủng hộ chính sách ‘Một Trung Quốc’, phản đối bất kỳ hành động và tổ chức chống chính quyền Trung Quốc nào như ‘Đài Loan độc lập,’ ‘Tây Tạng độc lập,’ ‘Tân Cương độc lập,’ các phong trào ủng hộ dân chủ, và Pháp Luân Công.”

Tài liệu do ông Lâm cung cấp, giúp xác định quy trình lựa chọn các trường học kiểu mẫu, nói rằng “các đại sứ quán và lãnh sự quán ở hải ngoại sẽ xem xét và gửi danh sách đề nghị cho Văn phòng Sự vụ Hoa kiều Hải ngoại của Quốc Vụ viện,” vốn là một tên gọi khác của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ.

Theo China News Service (CNS), hãng thông tấn chính thức của ĐCSTQ, các hoạt động đánh giá “các trường giảng dạy chương trình giáo dục Hoa ngữ” ở hải ngoại được khởi xướng vào cuối năm 2008 và được Văn phòng Sự vụ Hoa kiều Hải ngoại của Quốc Vụ viện và Hiệp hội Trao đổi Hải ngoại Trung Quốc đồng tổ chức.

Một tài liệu của Văn phòng Sự vụ Hoa kiều Hải ngoại của Tổng lãnh sự quán tại Sydney để chọn “Các Trường Giảng dạy Chương trình giáo dục Hoa ngữ” với các yêu cầu được liệt kê là “ủng hộ chính sách ‘Một Trung Quốc’, phản đối các hành động và tổ chức chống chính quyền Trung Quốc như ‘Đài Loan độc lập,’ ‘Tây Tạng độc lập,’ ‘Tân Cương độc lập,’ các phong trào ủng hộ dân chủ, và Pháp Luân Công. (Ảnh: Người phỏng vấn cung cấp)
Một tài liệu của Văn phòng Sự vụ Hoa kiều Hải ngoại của Tổng lãnh sự quán tại Sydney để chọn “Các Trường Giảng dạy Chương trình giáo dục Hoa ngữ” với các yêu cầu được liệt kê là “ủng hộ chính sách ‘Một Trung Quốc’, phản đối các hành động và tổ chức chống chính quyền Trung Quốc như ‘Đài Loan độc lập,’ ‘Tây Tạng độc lập,’ ‘Tân Cương độc lập,’ các phong trào ủng hộ dân chủ, và Pháp Luân Công. (Ảnh: Người phỏng vấn cung cấp)

Vào tháng 08/2009, Văn phòng Sự vụ Hoa kiều Hải ngoại đã công bố đợt đầu tiên của “các trường giảng dạy chương trình giáo dục tiếng Hoa” ở hải ngoại. Tổng cộng có 55 trường dạy Hoa ngữ ở 21 quốc gia được chọn, trong đó có 4 trường ở Úc.

Trong đợt thứ hai của “Các Trường Giảng dạy Chương trình giáo dục Hoa ngữ” được công bố vào năm 2011, 4 trường ngôn ngữ cộng đồng của Úc đã được đưa vào, bao gồm Trường Hoa ngữ Đại Đồng Sydney, Trường Hoa ngữ Phong Hoa, Trường Hoa ngữ Sydney, và Trường Hoa ngữ Trung Hoa Lê Minh.

‘Chính phủ không làm đủ’

Trang web của Bộ Giáo dục NSW cho thấy có 125 Trường Ngôn ngữ Cộng đồng Trung Quốc đã ghi danh trong tiểu bang này, vốn giảng dạy trong các lớp học của trường công sau giờ học và vào cuối tuần.

Mỗi trường đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp 2,500 USD từ Bộ Giáo dục NSW để thành lập một khuôn viên và lên đến 10,000 USD cho tài liệu và các hoạt động đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Học tập Mầm non Sarah Mitchell nói chuyện trong một cuộc họp báo ở Randwick ở Sydney, Úc vào ngày 18/10/2021. (Ảnh: Ảnh chụp bởi Brendon Thorne/Getty Images)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Học tập Mầm non Sarah Mitchell nói chuyện trong một cuộc họp báo ở Randwick ở Sydney, Úc vào ngày 18/10/2021. (Ảnh: Ảnh chụp bởi Brendon Thorne/Getty Images)

Ông Lâm tin rằng chính phủ Úc đã không làm đủ để giám sát việc dạy và học trong các trường ngôn ngữ cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động được tổ chức trong các trường cộng đồng. Ông đã kêu gọi chính phủ chú ý đến sự thâm nhập của Bắc Kinh vào các trường ngôn ngữ cộng đồng.

Phát ngôn viên của Bộ Giáo dục NSW nói rằng bộ sẽ xem xét những lo ngại này.

Phát ngôn viên này nói với Sky News: “Mặc dù các trường ngôn ngữ cộng đồng như thế này đều là các tổ chức độc lập, bất vụ lợi do các nhóm cộng đồng điều hành sau giờ học, nhưng chúng tôi sẽ xem xét các mối lo ngại nêu ra và đưa ra hành động thích hợp nếu cần thiết.”
Thanh Tâm biên dịch

Related posts