Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua một tuyên bố đồng thuận, không trực tiếp lên án Nga về cuộc chiến ở Ukraine, thay vào đó kêu gọi tất cả các quốc gia kiềm chế sử dụng vũ lực để sáp nhập lãnh thổ. Ngoài ra, G20 hoan nghênh Liên minh châu Phi là thành viên mới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã loan báo về việc thông qua được Tuyên bố của các Lãnh đạo trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G20 kéo dài hai ngày tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Bắt đầu từ ngày 9 tháng 9, hội nghị thượng đỉnh đã được triệu tập để giải quyết những thách thức lớn về kinh tế và toàn cầu. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20, tổ chức này được thành lập vào năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
“Nhờ sự làm việc chăm chỉ của tất cả các bên, chúng ta đã nhận được sự đồng thuận về Tuyên bố của các Lãnh đạo Hội nghị thượng đỉnh G20. Tôi thông báo thông qua tuyên bố này”, ông Modi nói với các nhà lãnh đạo khối vào ngày 9/9, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden và những người đứng đầu chính phủ, nhà nước trên khắp thế giới, Mọi người cùng vỗ tay để ăn mừng.
Thỏa hiện về câu chữ trong Tuyên bố chung
Có lẽ vấn đề gây tranh cãi nhất tại hội nghị thượng đỉnh năm nay là cách đề cập đến cuộc chiến Ukraine trong tuyên bố chung. Đã có nghi ngờ về khả năng thoả thuận có thể được thông qua vì sự khác biệt giữa các thành viên.
Bất chấp sự phản đối của Nga và Trung Quốc về việc đề cập đến cuộc xung đột Ukraine, các quan chức Ấn Độ xác nhận rằng các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa hiệp về ngôn ngữ trong một số đoạn văn để mô tả cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định”.
“Chúng tôi … hoan nghênh tất cả các sáng kiến liên quan và mang tính xây dựng nhằm hỗ trợ nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine. Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, tất cả các quốc gia phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để thu nhận lãnh thổ chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được”, tuyên bố cho biết thêm.
Tuyên bố của G20 không đề cập trực tiếp đến cuộc xâm lược của Nga. Nó cũng có ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn về cuộc chiến Nga-Ukraine so với tuyên bố từ cuộc họp năm ngoái ở Bali, Indonesia. Tuyên bố từ cuộc họp ở Bali nêu rằng “hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine”, nhưng “cũng có những quan điểm khác”.
Tuy nhiên, tuyên bố Bali cũng trích dẫn một nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất về hành động gây hấn của Liên bang Nga chống lại Ukraine và yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine”.
Tuyên bố New Delhi “đã gợi lại” tuyên bố ở Bali và nghị quyết của Liên Hợp Quốc, nhưng không trích dẫn nguyên văn ngôn từ mạnh mẽ từ những văn kiện đó.
Bộ Ngoại giao Ukraine nhận xét rằng tuyên bố mới nhất của G20 là “không có gì đáng tự hào”, đồng thời nói thêm rằng những người tham gia G20 có thể đã nắm bắt chính xác hơn tình hình nếu có sự hiện diện của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy không được mời phát biểu tại G20.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov, đại diện cho Nga tại hội nghị thượng đỉnh lần này ở Ấn Độ, đã không phản ứng ngay lập tức về tuyên bố chung này. Trước đó, ông Lavrov cho biết ông sẽ chặn tuyên bố cuối cùng của G20 nếu nó không phù hợp với lập trường của Moscow về Ukraine và các cuộc khủng khác hoảng đang diễn ra.
Sáng kiến Ngũ Cốc Biển Đen
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng thỏa thuận được thúc đẩy bởi Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, có tên gọi là ‘Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen’, cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc một cách an toàn qua Biển Đen, sẽ vẫn bị đình chỉ cho đến khi các điều kiện liên quan đến xuất khẩu nông sản của Nga được các nước phương Tây đáp ứng.
Moscow đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng Bảy vì điều mà họ gọi là không đáp ứng được yêu cầu thực hiện thỏa thuận song song với nới lỏng các quy định đối với xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.
Tuyên bố G20 kêu gọi nối lại sáng kiến Biển Đen. Tuyên bố nêu rõ: “Đây là cần thiết để đáp ứng nhu cầu ở các nước đang phát triển và kém phát triển nhất, đặc biệt là những nước ở Châu Phi”. Tuyên bố cũng kêu gọi chấm dứt mọi cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng liên quan và bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về ảnh hưởng của xung đột đối với dân thường.
Liên minh Châu Phi gia nhập G20
Các thành viên G20 chiếm khoảng 85% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Nhóm này bao gồm các quốc gia ‘Nhóm bảy nước’ (G7), Liên minh châu Âu và 12 quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Nga và Ả Rập Saudi. Vào ngày 9 tháng 9, các nhà lãnh đạo G20 đã đồng ý để Liên minh châu Phi (AU) – một khối gồm 55 quốc gia ở châu Phi – trở thành thành viên thường trực, trong nỗ lực làm cho G20 mang tính đại diện hơn.
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào thời điểm sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng và nhiều quốc gia đang cố gắng tránh chọn bên để thu lợi từ căng thẳng giữa hai cường quốc này.
Cả nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đều không tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay.
Sự vắng mặt của ông Putin đã được đoán trước vì ông cũng không tham dự hội nghị thượng đỉnh năm ngoái. Nhưng sự vắng mặt của ông Tập khiến nhiều lãnh đạo thế giới thất vọng, trong đó có Tổng thống Biden.
Một số suy đoán cho rằng sự vắng mặt của Trung Quốc có nghĩa nước này đang từ bỏ G20 và thiết lập một trật tự thế giới thay thế sẽ có lợi cho các nhóm như BRICS. BRICS, bao gồm các nền kinh tế thế giới như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhóm này cũng đã quyết định mở rộng thành viên bằng cách chào đón thêm 6 quốc gia là Ả Rập Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đây được cho là một phần nỗ lực của BRICS nhằm cập nhật quan điểm đánh giá trật tự toàn cầu hiện tại đã lỗi thời và cần được thay thế.
Để đối phó quan điểm đó, Tổng thống Biden đang cố gắng lấp đầy khoảng trống mà ông Tập để lại trong năm nay bằng cách thể hiện Mỹ là một đối tác đáng tin cậy có khả năng đoàn kết các quốc gia giàu nhất thế giới xoay quanh các mục tiêu chung.
Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU và các nước khác vào ngày 9 tháng 9 đã công bố kế hoạch để xây dựng một dự án cơ sở hạ tầng “đột phá” – một hành lang đường sắt và vận tải nối Ấn Độ với Trung Đông và Châu Âu. Nỗ lực này nhằm mục đích tăng cường tăng trưởng kinh tế và hợp tác chính trị.
Dự án này được coi là một trong những sáng kiến quan trọng của Nhà Trắng ở Trung Đông nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực qua chương trình cơ sở hạ tầng gây tranh cãi, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Kể từ năm 2013, Trung Quốc thông qua BRI đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng toàn cầu, đổ hàng tỷ USD vào khắp Châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Âu và Châu Á. Nhưng chế độ cộng sản này gần đây đã phải đối mặt với cáo buộc của Hoa Kỳ về việc sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để lôi kéo các nước vào quỹ đạo của mình.
Anh Nguyễn (Theo Mimi Nguyen Ly/ The Epoch Times)