Phó Thủ hiến NSW John Barilaro, đồng thời là lãnh tụ Đảng Quốc gia tại NSW, cho rằng đã đến lúc nước Úc cần bàn thảo về năng lượng hạt nhân như một chọn lựa mới.
Trong bài viết “It’s time we started talking about nuclear power as an option in Australia”, đăng trên tờ The Daily Telegraph ngày 2.6.2019, Phó Thủ hiến Barilaro nhận xét rằng “trận đánh tối thượng” về tư tưởng trong cả cuộc bầu cử tại NSW hay bầu cử Liên bang đều bị các phân tích gia đặt tên là cuộc “trưng cầu dân ý về chính sách năng lượng và khí thải”, tuy nhiên chẳng ai nêu ra giải pháp thực sự cho vấn đề này.
Theo ông thì giải pháp đó chính là năng lượng hạt nhân: nó rẻ tiền nhất lại không thải ra thán khí.
Tuy nhiên không đảng nào dám mạo hiểm với vấn đề này vì công chúng vẫn còn bất an với tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, gây rò rĩ phóng xạ như vụ Chernobyl tại Ukraine vào năm 1985. Tuy nhiên đa số không hề hiểu rằng kỹ thuật đã thực sự làm thay đổi kỹ nghệ năng lượng hạt nhân trong 45 năm qua.
Ông Barilaro đưa ra hàng loạt thí dụ: hãy so sách cái điện thoại chúng ta dùng hôm nay với cái điện thoại khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl bị tai nạn. Sau đó là một loạt sản phẩm khác như xe hơi, truyền hình hay máy điện toán.
Ông nói đến thế hệ lò phản ứng (reactor) của tương lai: nhỏ hơn kiểu hiện hành và có thể đặt tại những khu vực xa xôi, không cần người trực tiếp đưa thanh nhiên liệu vào lò.
Theo ông thì trong khi vấn đề năng lượng tại Úc vẫn còn chạy “lòng vòng” thì thế giới đã tiến những bước thật xa. Hiện trên 31 quốc gia đã có 450 lò phản ứng và khi ông đang viết thì thế giới đang xây dựng thêm 50 lò tại Phần Lan, Pháp, Anh, Trung Quốc và Canada.
Ông Barilaro viết: “Bây giờ chính là lúc nước Úc cần khởi sự một cuộc thảo luận trưởng thành và dựa trên thực tế về lợi ích của năng lượng hạt nhân”!
Từ lâu, 9 năm trước, nhiều nghị sĩ liên bang của Lao Động như Mark Bishop, Steve Hutchins, Chris Hayes, Mark Bishop, Steve Hutchins, Chris Hayes đã công khai lên tiếng kêu gọi nước Úc nên sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện lực, điều này đã gây ra nguy cơ chia rẽ trong chính phủ Julia Gillard.
Lúc đó Lao Động chủ trương cấm năng lượng hạt nhân và các dân biểu này gây áp lực, muốn bà Gillard sẽ phải đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của đại hội đảng vào năm 2011. Dân biểu Chris Hayes cho rằng Úc đang trở thành nước xuất cảng uranium lớn nhân thế giới, thế thì tại sao Úc không thể sản xuất năng lượng hạt nhân.
Úc là nước có trữ lượng uranium lớn nhất thế giới và các mỏ uranium lớn nhất đều tập trung ở tiểu bang South Australia. Theo Giáo sư Ian Plimer, hiện giảng dạy môn địa chất hầm mỏ (mining geology) tại Adelaide University thì trong tương lai Úc nói chung và South Australia sẽ đóng vai trò của Saudi Arabia hiện tại.
Hiện tại Saudi Arabia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và khi thế giới cạn kiệt dầu mỏ, chỉ trông cậy vào năng lượng hạt nhân, South Australia sẽ là nguồn năng lượng chính của thế giới.
Hiện tại Úc chỉ xuất cảng uranium dưới dạng bán thành phẩm, khai thác uranium thiên nhiên và sơ chế để nhiên liệu này đóng thành bánh có màu vàng, do dó có tên là “bánh vàng” (yellow cake). Theo Giáo sư Plimer thì ngày hôm nay Úc có thể làm hơn là đơn giản xuất cảng “bánh vàng”.
Theo ông thì Úc sẽ là nước “không có óc” khi chỉ đào uranium lên và sơ chế thành bánh vàng rồi chào bán mà phải tinh luyện thành các thanh nhiên liệu (fuel rods) để cho các công ty chính ở Tây phương thuê, một khi họ cần đến năng lượng hạt nhân. Sau đó, khi hết hạn sử dụng, Úc có thể thu hồi và “làm sạch” trước khi cho vào bãi thải rác hạt nhân.