Có những sự kiện lịch sử của một dân tộc trong đó người dân cảm thấy họ là những người đương thời may mắn được chứng kiến. May mắn là bởi vì có thể nó sẽ không còn được lập lại một lần nào khác trong lịch sử. May mắn có thể là vì người ta ao ước được thấy sự kiện đó xảy ra trong cuộc đời ngắn ngủi của mình trước khi nhắm mắt lìa đời, thấy mơ ước của mình đã trở thành sự thật.
Người dân của Đông Đức, của Ba Lan, của Tiệp Khắc… ôm mối căm hờn sống dưới chế độ cộng sản từ năm 1945 khi Hồng Quân Liên Xô tràn qua Đông Âu để thiết lập nền thống trị. Tuy nhiên những dân tộc này là những dân tộc may mắn. Vì cuối cùng khát vọng, ước mơ về một mùa xuân của dân tộc đã trở thành sự thật. Chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ tại những quốc gia này.
Tôi là một người Việt Nam không may mắn. Cái không may mắn của tôi còn tệ hại hơn sự không may mắn của rất nhiều người. Bởi vì không những tôi chưa thấy mùa xuân của dân tộc Việt Nam – tôi chưa thấy chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trên đất nước mình, mà tôi, do sự bất hạnh oái ăm, đã tận mắt chứng kiến ngày chủ nghĩa cộng sản thiết lập chế độ độc tài toàn trị trên toàn cõi Việt Nam, đẩy dân tộc này vào một giai đoạn tồi tệ nhất trong 4000 năm lịch sử.
Khác với những gia đình khác có những nhận thức mơ hồ về những người cộng sản, gia đình chúng tôi là người Huế và tận mắt chứng kiến sự tàn ác của đoàn quân từ rừng rú xuống đồng bằng trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Nhiều người trong đại gia đình của chúng tôi đã bị Việt Cộng bắt và chôn sống tại nhiều địa điểm khác nhau trong thời gian thành phố Huế bị chiếm đóng.
Vào đêm 28/3/1975 ba tôi đã có một quyết định quan trọng mà có lẽ sau này đã làm ông hối tiếc. Trong khi gia đình các cậu dì tìm mọi cách để rời Đà Nẵng thì ba tôi quyết định ở lại. Ông cho rằng một chuyến đi biển bằng tàu cá xa xôi như thế làm cho ông không thể nào bảo đảm an toàn tính mạng cho cả một bầy con đông đúc. Hơn nữa lúc đó mẹ tôi lại đang có thai gần sinh đứa em út.
Một người bạn thân của ba tôi, cùng có phần hùn trong các tàu đánh cá đã gặp ba tôi vào lúc nữa đêm hôm đó ngay trên cảng Tiên Sa để thuyết phục ba tôi và gia đình phải ra đi. Theo ông bạn này, thì ông ta sẽ bảo đảm an toàn cho cả gia đình đến Sài Gòn. Quan trọng hơn cả, ông này còn nói với ba tôi là miền Nam sắp rơi vào tay cộng sản cho nên sau khi đến Sài Gòn sẽ lấy thêm lương thực và sửa tàu trước khi vượt biển đi Thái Lan hay Phi. Sau này tôi mới biết sở dĩ ông bạn của ba tôi biết việc này là vì có một cậu con đang du học tại Canada và anh này đã nắm được tình hình lúc đó.
Sau khi ba tôi cương quyết từ chối, gia đình ông bạn của ba tôi ra đi. Và theo đúng kế hoạch họ đã vượt biển trong ngày 30/4 từ Vũng Tàu và được tàu quân sự của Hoa Kỳ vớt trên hải phận quốc tế.
Ngày 29/3/1975 trong tiếng đạn pháo dữ dội của Việt Cộng nhắm về cảng Tiên Sa, gia đình chúng tôi dắt díu nhau quay trở lại thành phố Đà Nẵng. Khi về đến gần chân cầu Trịnh Minh Thế, lần đầu tiên trong đời tôi thấy những tên lính Việt Cộng mặc đồng phục, đội nón cối và mang tiểu liên AK-47. Nhìn những tên lính này ôm súng chạy lúp xúp dọc theo mái hiên của nhà dân tôi có linh cảm rằng tôi đang chứng kiến sự mở đầu của một tương lai vô cùng ảm đạm không những cho gia đình tôi mà cả mọi người chung quanh.
Tôi không muốn nhớ lại những khó khăn về vật chất lẫn tinh thần mà gia đình tôi đã phải chịu đựng hàng chục năm sau cái ngày 30/4 định mệnh đó, bởi vì chính bản thân tôi đã thấy biết bao gia đình lâm vào những hoàn cảnh cực kỳ bi đát trong đó nhiều thành viên trong gia đình của họ đã trở thành nạn nhân của chính sách đối xử phân biệt và trả thù của cộng sản, đã gục ngã, đã chết trong những hoàn cảnh vô cùng bi thảm.
Tôi đã thấy những trại cải tạo dành cho sĩ quan VNCH nơi ba tôi, cậu tôi bị giam cầm và đối xử như súc vật. Nơi đó người ta đã tìm hết cách biến những con người có trí tuệ, có nhân cách, có tài năng ở miền Nam thành súc vật, để hủy hoại nhân cách của họ nhằm trả thù. Tôi đã thấy những con người cùng đường phải vượt biển để tìm đường sống. Không may họ đã bị bọn công an vô nhân tính bắn chết, xác trôi tấp vào bãi biển và liền bị bọn súc vật mổ banh bụng để tìm vàng và nữ trang mà chúng tin rằng người vượt biển dấu bên trong. Tôi đã thấy nhiều đến nỗi tôi cảm thấy mình là một người bất hạnh, vì phải sinh ra để chứng kiến những gì tàn tệ nhất mà những người Cộng Sản đã đối xử với những người anh em miền Nam thua trận, nhân danh những người đến để giải phóng. Tôi đã thấy nhiều đến nỗi tôi chỉ muốn quên đi như cố quên những cơn ác mộng.
Thế nhưng hơn 40 năm qua cơn ác mộng của dân tộc vẫn còn đó, vẫn hiện hữu như một thách thức của lương tri, như một sự sĩ nhục niềm tự hào của dân tộc. Nhưng cái đau đớn nhất mà tôi có thể cảm nhận được sau hơn 40 năm chưa hẳn là vấn đề tự do dân chủ, mà là cái họa mất nước càng ngày càng rõ trước Trung Quốc và sự thoái hóa thê thảm của văn hóa Việt Nam, của đạo đức dân tộc và khả năng tư duy độc lập của đa số thế hệ trẻ tại Việt Nam hiện nay.
Tôi luôn có một suy nghĩ rằng sự tồn tại của đảng Cộng Sản Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào sự ủng hộ của đảng cộng sản Trung Quốc. Chừng nào chính sách của Trung Quốc về Việt Nam chưa thay đổi thì ngày đó đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn chỗ dựa để tồn tại và cai trị Việt Nam.
Việc Trung Quốc càng ngày càng trở nên giàu có và hùng mạnh cho thấy vấn đề “thoát Trung” càng lúc càng trở nên khó khăn. Thêm nữa vấn đề “thoát Trung” đang được bàn tán tại Việt Nam có thể chỉ là thủ thuật “an dân” của đảng cộng sản Việt Nam trong khi họ thực tâm muốn Việt Nam càng lúc càng gần Trung Quốc để nhận được sự cam kết bảo vệ từ đảng cộng sản Trung Quốc.
Để đối phó với tình trạng phản kháng xã hội càng lúc càng tăng và tình trạng tha hóa đạo đức nghiêm trọng, đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam tìm cách giúp Khổng Tử tái sinh và kêu gọi sự phục hưng của Khổng Giáo.
Thoạt đầu người ta tin rằng Khổng giáo và Cộng sản không có điểm chung nào cả. Tuy nhiên tôi thấy rằng Khổng giáo chỉ xuất hiện dưới chế độ phong kiến, nhưng Khổng giáo bản thân nó không phải là chế độ phong kiến. Khổng giáo chỉ là một lý thuyết xã hội cổ súy sự nhận thức của người dân về vị trí của mình và tuân phục những người ở vị trí lãnh đạo. Chính vì thế khi nhận ra rằng Khổng giáo không phải là phong kiến, cả Trung Quốc và Việt Nam đều cố gắng khôi phục lại Khổng giáo nhằm tái lập trật tự xã hội và cũng cố vị thế của đảng cộng sản cầm quyền.
Tuy nhiên di sản của Khổng giáo từ ngàn năm, kết hợp với tư duy cộng sản chủ nghĩa đã tạo ra những thế hệ một mặt thì hết sức cơ hội, cá nhân chủ nghĩa núp bóng “trách nhiệm tập thể” và một mặt thì hết sức thụ động, mất khả năng phản kháng và thái độ thần phục nhà cầm quyền.
Sự thâm độc đã lên đến mức độ cực kỳ khi nhà cầm quyền cộng sản tại TQ và VN đang nổ lực để biến bản thân lý thuyết cộng sản trở thành văn hóa và cũng là một tôn giáo mới. Chính sách này được thực hiện dựa trên lý luận rằng một hệ tư tưởng, một chế độ chính trị có thể bị người dân vùng lên lật đổ. Tuy nhiên người dân không bao giờ có thể lật đổ một nền văn hóa hay lật đổ một tôn giáo.
Đây chính là nguyện vọng của Nguyễn Phú Trọng khi ông ta nói rằng đảng Cộng Sản sẽ mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.
Tuy nhiên sự phục hưng của Khổng giáo tại Việt Nam và Trung Quốc không giải quyết được vấn đề gì, vì thực ra Khổng giáo đã và đang tồn tại, vẫn chi phối suy nghĩ của người dân và giúp thiết lập cơ chế xã hội lẫn chính trị từ xưa đến nay, bất chấp chủ nghĩa Cộng Sản được truyền bá như một hệ tư tưởng chính thống từ những năm 1940 đến nay.
Rõ ràng sự kết hợp giữa lý thuyết Cộng Sản và tư tưởng Khổng Giáo tại Trung Quốc và Việt Nam hình thành một loại cocktail cực độc, làm dân chúng hai quốc gia này trở thành những con người mất hoàn toàn sức đề kháng.
Trong bối cảnh đó tôi lại càng cảm thấy mình thật không may mắn, vì nếu như mọi việc cứ tiếp diễn như hiện nay, thì dù 40 năm đã qua và hay 100 năm sắp đến, tôi cũng sẽ không bao giờ nhìn thấy mùa xuân của dân tộc.
Ls Lê Đức Minh