- Xuân Thành
Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đang tiến hành một cuộc điều tra các trường đại học, viện nghiên cứu Mỹ không công bố các mối quan hệ nước ngoài. Cho đến nay, 54 nhà khoa học liên quan tới Trung Quốc đã bị sa thải hoặc từ chức.
NIH đã điều tra 189 nhà khoa học về việc không công bố các mối quan hệ nước ngoài. Theo kết quả điều tra, 93% trong số các nhà khoa học này đã che giấu tiền tài trợ từ Trung Quốc. 77 tổ chức nhận tài trợ đã bị loại khỏi hệ thống của NIH.
Số liệu nêu trên do ông Michael Lauer, quan chức của NIH tiết lộ trong một bản trình bày hôm 12/6. Từ tháng 8/2018, NIH đã cảnh báo các trường đại học khắp nước Mỹ rằng một số tổ chức nước ngoài đã đang nhắm mục tiêu vào các nhà nghiên cứu NIH một cách có hệ thống để chuyển hướng sở hữu trí tuệ và thu thập thông tin mật.
Nỗ lực điều tra của NIH là một phần trong chiến dịch lớn hơn của chính phủ Mỹ nhằm đối phó với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thâm nhập vào giới học thuật Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã thực hiện bắt giữ và đạt được thỏa thuận giải quyết vụ việc ngoài tòa án trong nhiều trường hợp liên quan tới các nhà nghiên cứu có dính líu tới chương trình “Nghìn Nhân tài” mà chế độ Trung Quốc triển khai từ tháng 11/2018.
Vào thời điểm NIH điều tra, 143 nhà khoa học của 27 bang đã nhận tài trợ trị giá 164 triệu USD. Hơn 80% trong số các nhà khoa học này là người Châu Á. Điều này cho thấy ĐCSTQ nhắm vào các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ.
ĐCSTQ đã quyết liệt tuyển dụng các nhà nghiên cứu nước ngoài cho chương trình “Nghìn Nhân tài”. Chính phủ Mỹ xem chương trình này là một vỏ bọc để ĐCSTQ thâu tóm sở hữu trí tuệ Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố nhiều trường hợp dựa vào kết quả điều tra của NIH. Sau khi NIH cảnh báo một giáo sư của Đại học Emory không công khai công việc liên quan tới tài trợ nước ngoài, Bộ Tư pháp đã buộc tội giáo sư Xiao-Jiang Li. Giáo sư Li, 63 tuổi, cư trú tại Atlanta hồi tháng Năm đã bị kết án một năm quản thúc và phải nộp 35.000 USD cho Tổng cục thuế vì khoản thu nhập từ Trung Quốc mà ông đã không khai báo trong tờ khai thuế cá nhân.
Khoảng 1/3 trong số 189 nhà khoa học đã bị NIH điều tra, hiện đang nằm trong tầm ngắm của FBI, theo trình bày của ông Lauer. Khoảng 7/10 trong số các nhà khoa học đó đã không báo cáo các khoản tài trợ nước ngoài và hơn một nửa đã che giấu “phần thưởng tài năng” từ Trung Quốc.
Bộ Tư pháp vào tháng 12/2019 đã đạt được thỏa thuận giải quyết vụ việc ngoài tòa án với Viện Nghiên cứu Van Adel. Bộ Tư pháp cáo buộc Viện Van Adel đã tuyên bố sai về các đơn xin trợ cấp tiền từ liên bang, không công khai hai khoản tài trợ từ chính phủ Trung Quốc. Viện Nghiên cứu Van Adel đã đồng ý trả 5,5 triệu USD để các bên giải quyết vụ việc ngoài tòa án.
Gần đây nhất, cũng là vụ án nổi tiếng nhất liên quan tới giới học thuật, Bộ Tư pháp hôm 9/6 đã buộc tội giáo sư Charles Lieber của Đại học Harvard nói dối các nhà chức trách liên bang về vai trò của ông trong chương trình “Nghìn Nhân tài” của ĐCSTQ.
Ông Charles Lieber, 61 tuổi, đã bị bắt vào hồi tháng Một với cáo buộc nói dối về việc tham gia chương trình “Nghìn Nhân tài”. Hôm 9/6, bồi thẩm đoàn liên bang đã truy tố vị cựu trưởng khoa Hoá, Đại học Harvard về hai tội danh liên quan đến khai báo sai cho chính quyền liên bang.
Ông Lieber, giáo sư chuyên về khoa học nano, được cho là đã có nhiều năm tham gia chương trình “Nghìn nhân tài” trong khi thực hiện các nghiên cứu nhạy cảm của Mỹ.
Ông Lieber sẽ phải đối mặt với án tù 5 năm và mức phạt 250.000 USD cho mỗi tội danh cung cấp thông tin sai.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times)