Hình ảnh vệ tinh mới cho thấy hoạt động gần đây tại một cơ sở của Triều Tiên mà các nhà nghiên cứu ngờ rằng đang được dùng để chế tạo đầu đạn hạt nhân. Cơ sở này chưa từng được công bố trước đây, theo CNN.
Các bức ảnh chụp vệ tinh của Planet Labs – công ty vận hành các vệ tinh chụp ảnh Trái đất – đã được phân tích bởi các chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, cho thấy rằng cơ sở này, vốn nằm ở làng Wollo-ri gần thủ đô Bình Nhưỡng và chưa được tiết lộ cho công chúng trước đây, có liên hệ đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên và vẫn duy trì hoạt động trong thời gian dài.
“Nó có tất cả các dấu hiệu của một cơ sở hạt nhân Triều Tiên – rào an ninh, nhà ở tại chỗ, tượng đài cho các chuyến thăm không công khai của lãnh đạo, và một cơ sở ngầm dưới đất. Và nó nằm ngay bên cạnh một nhà máy nước đóng chai không có những đặc điểm tương tự”, Jeffrey Lewis, giáo sư tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, chuyên về các nguồn tin tình báo mở, trao đổi với CNN trước khi công bố báo cáo của ông.
“Những điểm ngờ vực đáng chú ý là các phương tiện giao thông – ô tô, xe tải, container vận chuyển. Nhà máy này hoạt động rất tích cực. Hoạt động của nó đã không bị chậm lại – không chậm lại trong các cuộc đàm phán [Mỹ-Triều] cũng như không chậm lại trong hoàn cảnh hiện nay”, ông nói với CNN.
Tuy rằng cơ sở này được xác định vào năm 2015 bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hủy diệt hàng loạt James Martin, Lewis và các đồng nghiệp của ông khi đó đã quyết định không công bố cơ sở này vì họ không thể xác định vai trò cụ thể của nó trong chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc tên và chức năng của cơ sở này được bao hàm trong một cuốn sách sắp lên kệ của tác giả Ankit Panda, một chuyên gia về Triều Tiên làm việc cho Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, khiến địa điểm này trở thành một vấn đề đáng lưu tâm, họ nói với CNN.
Trong cuốn sách có tựa đề “Kim Jong Un và Bom”, tác giả Panda viết rằng cơ sở này chủ yếu được đánh giá là có liên hệ đến việc sản xuất đầu đạn hạt nhân, và cũng có thể đóng vai trò như một kho vũ khí nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un muốn phân tán nguồn dự trữ vũ khí “để phản ứng tốt hơn trong một cuộc khủng hoảng”, theo nội dung cuốn sách.
“Chúng tôi đã quan sát cơ sở này trong một thời gian dài và biết rằng nó có liên hệ đến chương trình hạt nhân. Khi Ankit Panda hỏi tôi rằng liệu chúng tôi có nghe đến một địa điểm gần nơi nào đó gọi là Wollo-ri có liên hệ đến việc chế tạo vũ khí hạt nhân hay không, thì mọi thứ đều trở nên rõ ràng”, ông Lewis nói.
Khi CNN liên hệ với CIA và Lầu Năm Góc để hỏi liệu cơ sở này có đóng vai trò gì trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay không, hai cơ quan đã từ chối bình luận.