Trọng Nghĩa
Tổ chức Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế Interpol, bao gồm 194 thành viên, sẽ họp Đại Hội Đồng thứ 89 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) từ ngày 23 đến 25/11/2021. Trong chương trình, có việc bầu bổ sung 2 thành viên châu Á trong Ủy Ban Điều Hành Interpol gồm 13 người, có trách nhiệm giám sát công việc của tổng thư ký Interpol. Sự kiện rất bình thường này đã bất ngờ làm dấy lên nhiều lời cảnh báo sau vụ Trung Quốc cho một quan chức bộ Công An ứng cử vào cơ chế này.
Đối với những người phản đối, nếu ứng viên Trung Quốc được bầu, điều đó sẽ cho phép Bắc Kinh tiếp tục lạm dụng tổ chức cảnh sát quốc tế để truy bắt những ai chống lại chế độ.
Theo nhật báo Pháp Libération ngày 14/11/2021, việc Trung Quốc lại đưa người ứng cử vào một vị trí lãnh đạo của Interpol chỉ được biết đến vào mùa xuân vừa qua, sau khi danh sách tạm thời của các ứng cử viên bị rò rỉ, theo đó ông Hồ Bân Sâm, lãnh đạo bộ phận hợp tác quốc tế của bộ Công An Trung Quốc, là ứng viên vào cơ chế điều hành của Interpol trong tư cách “đại biểu châu Á”. Nhật báo Úc The Sydney Herald Tribune ngày 15/11 cho biết thêm là cùng tranh cử vào vị trí này còn có hai ứng viên khác của Singapore và Ấn Độ.
Khả năng ứng viên Trung Quốc đắc cử rất lớn vì ai cũng biết sức ép của Bắc Kinh trên các nước nhỏ, rất đông đảo trong các tổ chức quốc tế mà các cuộc bầu cử vận hành theo nguyên tắc mỗi nước một phiếu.
Thư phản đối của 50 nghị sĩ thuộc 20 nước trên thế giới
Trong bối cảnh đó, trong một bức thư đề ngày 15/11/2021, gần 50 nghị sĩ thuộc 20 nước trên thế giới (đa số là các quốc gia châu Âu, nhưng cũng có Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ), đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hiện diện trong cơ chế điều hành Interpol.
Trong lá thư gởi đến các bộ trưởng Nội Vụ của nước họ, các nghị sĩ đã kêu gọi các thành viên Interpol bác bỏ ứng viên Trung Quốc, cho rằng: “Nếu bầu ông Hồ Bân Sâm vào Ủy Ban Điều Hành, Đại Hội Đồng Interpol sẽ bật đèn xanh cho chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa để tiếp tục lạm dụng Interpol.”
Vì vậy các nghị sĩ – tất cả đều là thành viên tổ chức Liên Minh Nghị Viện về Trung Quốc (IPAC) – đã yêu cầu đại diện của nước họ tại Interpol “phản đối việc đề cử ông Hồ Bân Sâm và ủng hộ các nỗ lực cải cách hệ thống thông báo đỏ của Interpol nhằm bảo vệ các nạn nhân của cuộc đàn áp chính trị trên khắp thế giới”.
Nhiệm vụ của tổ chức Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế, trụ sở chính đặt tại thành phố Lyon (Pháp), là giúp các cơ quan thực thi pháp luật ở 194 quốc gia thành viên bắt giữ tội phạm hoặc nghi phạm. Một trong những điểm nổi bật của Interpol là việc phát đi các “thông báo đỏ”, cho biết là một người nào đó đang bị chính quyền truy nã, điều thường dẫn đến việc bắt giữ những người bị nêu tên.
Vấn đề là công cụ đáng gờm nhằm chống tội phạm này vẫn bị một số quốc gia thành viên lạm dụng để truy bắt các đối thủ chính trị và gia đình của họ, điều mà Trung Quốc bị cáo buộc là không ngừng áp dung, đặc biệt là để săn lùng người Duy Ngô Nhĩ.
Báo Libération đã nêu bật ví dụ về trường hợp nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ Yidiresi Aishan, 33 tuổi, bị bắt ở Maroc vào tháng 7 vừa qua trên cơ sở một thông báo đỏ quy kết anh là “khủng bố” trong 4 năm trước đó, điều mà anh không hề hay biết. Và mặc dù Interpol đã hủy bỏ lệnh truy nã sau khi xem xét hồ sơ, nhà bất đồng chính kiến này vẫn ở trong tù với nguy cơ bị dẫn độ về Trung Quốc.
Trung Quốc tăng cường lợi dụng Interpol
Việc Trung Quốc lạm dụng Interpol không phải là điều mới lạ. Trong một bản báo cáo điều tra vừa được công bố hôm 15/11, tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders (Những Người Bảo Vệ An Toàn) lần đầu tiên đã công bố những dữ liệu cho thấy cách Bắc Kinh “lạm dụng” các công cụ của Interpol, đặc biệt là “thông báo đỏ” để đàn áp đối lập, mà số lượng đã tăng 10 lần kể từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Trung Quốc.
Theo Safeguard Defenders, vai trò của nhân vật Hồ Bân Sâm trong vấn đề này không nhỏ. Bản giới thiệu báo cáo điều tra trên trang web của tổ chức phi chính phủ này nói rõ: “Sự kiện ông Hồ Bân Sâm làm việc trong bộ phận hợp tác quốc tế, một cơ quan dính líu chặt chẽ với việc mở rộng các hoạt động được thực hiện để bắt “những kẻ đào tẩu” ra nước ngoài và đưa về Trung Quốc bằng cả các phương tiện hợp pháp lẫn bất hợp pháp là một vấn đề đáng lo ngại.”
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, ông Tập Cận Bình đã triển khai các chiến dịch “Săn Cáo” (tiếng Anh là Fox Hunt) và “Lưới Trời” (tiếng Anh là Sky Net), với mục tiêu là bắt đem về nước những người Trung Quốc bị Đảng và Nhà nước Trung Quốc truy nã bằng mọi cách, kể cả việc bắt cóc, đánh lừa hoặc bắt bí.
Hôm 14/11 vừa qua, chính Tân Hoa Xã, hãng tin Nhà nước Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy là “từ năm 2014 đến năm 2020, hơn 8.300 người đào tẩu đã được hồi hương từ hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới”.
Khi Trung Quốc coi thường Interpol
Không chỉ lợi dụng Interpol, Trung Quốc còn bị tố cáo là coi thường tổ chức Cảnh Sát Hình Sự Quốc tế, với vụ ngang nhiên bắt cóc chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) lúc nhân vật này còn đang tại chức cách nay 3 năm.
Theo Libération, ngay từ năm 2016, dư luận phương Tây đã hết sức phẫn nộ khi trùm Công An Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ được bầu làm chủ tịch Interpol. Thế nhưng chỉ hai năm sau, tổ chức Cảnh Sát Quốc tế đã đột ngột bị mất dấu chủ tịch của chính mình, chỉ được biết rằng ông đã bị bắt ở Trung Quốc vì tội “tham nhũng”, và sau đó bị kết án hơn 13 năm tù. Vụ việc đã gây xôn xao trong dư luận, và vợ ông Mạnh Hoành Vĩ, dù là người Trung Quốc, đã xin tị nạn chính trị ở Pháp.
Đối với Libération, vụ Mạnh Hoành Vĩ cho thấy là Trung Quốc không coi Interpol ra gì và gây tổn hại rất lớn cho uy tín của Interpol. Tờ báo tự hỏi là phải chăng Interpol, vốn bị thiếu kinh phí kinh niên, đã không nghiên cứu rõ trường hợp của ông Mạnh và đã bầu một cảnh sát “bất hảo” làm chủ tịch, hoặc là Bắc Kinh đã tùy tiện bắt cóc và bỏ tù vị thứ trưởng Công An của họ.
Libération đã nhắc lại một thông tin trên tờ báo Mỹ Wall Street Journal vào năm 2019, theo đó Bắc Kinh đã bắt ông Mạnh vì nhân vật này đã có ý định ly khai vào cuối nhiệm kỳ của ông tại Interpol.
Nỗi lo ngại của giới bất đồng chính kiến Trung Quốc
Ngoài bức thư phản đối của năm chục nghị sĩ trên thế giới, bộ trưởng nội vụ các nước thành viên Interpol cũng sẽ nhận được trong tuần này một bức thư khác của khoảng 20 nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đang phải sống lưu vong.
Libération ghi nhận hai tên tuổi: Dolkun Isa, một lãnh tụ sinh viên Duy Ngô Nhĩ hiện có quốc tịch Đức, từng bị bắt giữ nhiều lần trong thời gian 20 năm trước khi thông báo đỏ liên quan đến ông được xóa vào năm 2018, hay La Quán Thông (Nathan Law), gương mặt tiêu biểu của phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Bức thư ghi rõ: “Chúng tôi lo ngại rằng khả năng ông Hồ Bân Sâm đắc cử có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự an toàn và hạnh phúc của người Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc sống bên ngoài Trung Quốc, cũng như cộng đồng người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ”.
Những người ký tên đã kêu gọi các nước thành viên Interpol “tôn trọng tinh thần của Hiến Chương Interpol và cùng nhau phản đối ứng viên Trung Quốc Hồ Bân Sâm”.