Huy Lâm
Trong nhiều năm qua, con số người Mỹ thay đổi chỗ ở ngày một giảm. Nhưng vì phương thức làm việc từ nhà trong những ngày đầu của đại dịch đã là một nhu cầu cần thiết và nay trở thành một phương thức làm việc mới không biết đến bao giờ chấm dứt, do đó xu hướng thay đổi chỗ ở có thể sẽ tăng trở lại nay mai. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, có 22 phần trăm người Mỹ đã dọn nhà trong thời gian đại dịch hoặc có quen biết ai đó đã dọn nhà. Một cuộc khảo sát khác cũng cho thấy một con số khá lớn là 56 phần trăm nói rằng họ có dự định thay đổi chỗ ở trong năm 2021.
Có nhiều lý do khiến người ta thay đổi chỗ ở, có thể là vì họ muốn dọn tới ở gần với gia đình hoặc tìm đến một nơi khác có giá sinh hoạt thấp hơn hoặc muốn tránh nạn kẹt xe của những thành phố lớn. Và cũng có thể là vì thời tiết. Trong khi người dân sống ở khu vực bắc bán cầu đang chuẩn bị bước vào một mùa đông dài, lạnh lẽo và ảm đạm thì có nhiều người có thể đang suy nghĩ rằng đây là cơ hội để tìm một nơi có nhiều nắng ấm hơn để sống. Một số thành phố đang phát triển nhanh và có nhiều người dọn về là thuộc những tiểu bang miền nam như South Carolina, Florida và Texas.
Thay đổi chỗ ở vì lý do thời tiết thực ra cũng không hẳn là điều gì mới lạ. Thậm chí trước đại dịch, khoảng 11 phần trăm người Mỹ cho biết họ thay đổi chỗ ở ít nhất một lần trong đời để tìm đến nơi có thời tiết khí hậu tốt hơn. Và nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy trong điều kiện nắng và ấm áp có thể khiến cho tâm trạng của người ta hưng phấn hơn. Nhưng công bằng mà nói, di chuyển chỗ ở để đến một nơi có thời tiết tốt đẹp hơn cũng có cái giá của nó: tiền bạc, thời gian và những gián đoạn trong cuộc sống. Trên thực tế, người ta vẫn có những cách khác tốt hơn để có được một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn, thậm chí ngay cả nếu người ta sống ở một nơi có thời tiết ảm đạm.
Không ai có thể phủ nhận về sự liên hệ giữa nắng và mức độ hạnh phúc, và đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy vì sao những bãi biển như ở Florida lúc nào cũng đông người và Florida luôn tự hào là “tiểu bang nắng”. Các nhà nghiên cứu từ lâu đã lưu ý về cái mà họ gọi là “triệu chứng tâm thần suy sụp theo mùa” – với tâm trạng ủ rũ, băn khoăn tăng cao hơn khi thời tiết trở nên lạnh và ảm đạm hơn. Trong một cuộc thí nghiệm năm 1983, các nhà nghiên cứu thử khảo sát tâm trạng của một nhóm người vào những ngày có thời tiết khác nhau và yêu cầu họ đánh giá tâm trạng và mức độ hạnh phúc của họ. Cả hai thứ đều được đánh giá cao hơn trong những ngày nắng so với những ngày mưa.
Các nhà nghiên cứu giải thích, khi ánh nắng chạm vào da chúng ta, nó làm tăng mức serotonin ở trong người – là một chất hoá học được tiết ra trong hệ thần kinh mang lại sự phấn chấn cho tâm trạng. Có một số người có phản ứng tiêu cực đặc biệt mạnh mẽ khi sống thiếu ánh nắng mặt trời – là căn bệnh có tên gọi là “rối loạn cảm xúc theo mùa” (seasonal affective disorder hay SAD) và ảnh hưởng tới 9.7 phần trăm dân số Hoa Kỳ, đặc biệt là ở những vùng cao và trong những tháng mùa đông. Ngoài việc bị thiếu hụt chất serotonin do thiếu ánh nắng mặt trời, người mắc chứng bệnh SAD dường như còn đặc biệt dễ bị tổn thương do bóng tối làm rối loạn nhịp sinh học của họ, làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của họ khiến cho sức khoẻ giảm sụt.
Nhiệt độ cũng đóng một vai trò quan trọng đối với mức độ hạnh phúc. Một nghiên cứu năm 2013 đo lường tâm trạng của những người tham gia cuộc nghiên cứu trong môi trường nhiệt độ khác nhau và thấy rằng trong môi trường mát 57 độ Fahrenheit ở bên ngoài là lý tưởng để có được tâm trạng tích cực nhất. Nhiệt độ lạnh hơn và nóng hơn mức đó sẽ khiến mức độ hạnh phúc thấp hơn.
Vậy ta có thể kết luận rằng bí quyết để có được hạnh phúc là di chuyển đến một nơi nào đó như San Francisco chẳng hạn – nơi hầu như lúc nào cũng có nắng, ấm áp và không quá nóng. Kết luận như vậy thực ra cũng có phần hơi vội vã. Thời tiết ôn hòa liên tục không hẳn là luôn luôn tốt. Những người ở những vùng quanh năm ấm áp thường có tâm trạng hạnh phúc hơn những người ở vùng có thời tiết lạnh giá trong những tháng mùa thu và mùa đông. Nhưng vào mùa xuân thì điều đó lại đảo ngược và những người ở vùng lạnh lại cảm thấy hạnh phúc hơn vì thời tiết chuyển sang tốt đẹp hơn trong khi người ở vùng ấm không thấy có sự thay đổi mùa màng đó.
Và tâm lý chung của con người là thường không tận hưởng sự vui thú bất cứ thứ gì trong thời gian lâu trước khi họ trở nên nhàm chán với nó và tâm trạng lại quay trở lại ở mức hạnh phúc căn bản ban đầu. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cảm giác thích thú về thời tiết đẹp sẽ biến mất trong một khoảng thời gian tương đối ngắn sau khi di chuyển nơi ở, cũng giống như cảm giác thích thú có xu hướng xảy ra sau các hiện tượng tạo ra hạnh phúc khác – chẳng hạn như kết hôn hoặc được thưởng tiền.
Nếu di chuyển tới sống một nơi nào đó ấm áp mà chỉ mang lại một chút hạnh phúc nho nhỏ tạm thời thì tại sao nó lại hấp dẫn đến như vậy? Hoá ra là vì người ta thường nghĩ rằng thời tiết đóng một vai trò quan trọng đối với hạnh phúc của họ hơn là nó thực sự mang lại. Một nghiên cứu quan trọng vào thập niên 1990 yêu cầu những người sống ở vùng trung tây và tiểu bang California hãy thử đánh giá mức độ hài lòng trong cuộc sống của chính họ cũng như mức độ hạnh phúc của những người sống ở khu vực khác. Phần tự đánh giá bản thân thì giống nhau, nhưng cả hai nhóm lại nghĩ rằng người dân California hạnh phúc hơn là người dân vùng trung tây, đặc biệt là vì khí hậu. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng thời tiết giống như thứ gây ảo tưởng dễ làm người ta hiểu lầm là nó mang lại hạnh phúc nhiều hơn so với những yếu tố khác ít nhìn thấy hơn, chẳng hạn như tình bạn và tình gia đình.
Thời tiết nắng ấm thì ai lại không muốn. Nhưng trừ khi là người bị chứng bệnh SAD, còn không thì thay đổi chỗ ở như thế quả thật không đáng. Phần lợi ích cho sự hạnh phúc có lẽ ít hơn như người ta tưởng, và chút hạnh phúc nhỏ nhoi có được đó sẽ bốc hơi rất nhanh. Trong khi đó, tuỳ thuộc vào nơi người ta dọn đến ở, người ta có thể bị mắc kẹt vào trong những vấn đề đáng tiếc khác như thuế má và giá nhà quá cao. Hầu như ai cũng muốn cũng ham được sống ở những nơi có nắng đẹp quanh năm, nhưng nếu không tính toán cẩn thận thì lại hoá ra chút nắng ấm đó lại trở thành một món đồ mắc mỏ. Đó là chưa kể tâm lý chung là cái gì nhiều quá thì dễ trở thành tầm thường. Người ta nhìn nắng mỗi ngày thì tới một lúc nào đó rồi nắng cũng sẽ trở thành nhàm.
Người ta sẽ hạnh phúc hơn nếu biết tìm ra cách để có thể tạm thời hưởng được chút ánh mặt trời và hơi ấm cho đỡ cơn thèm ngay lúc đó, đặc biệt vào những tháng mùa đông. Kết quả nghiên cứu cho thấy những kỳ nghỉ ngắn hạn, thường xuyên – nếu người ta có thể làm được – là cách rất tốt để để nâng cao mức độ hạnh phúc trong giai đoạn. Chúng ta biết những người sống ở những nơi lạnh giá sẽ có tâm trạng phấn chấn hơn khi mùa xuân đến; vậy người ta cũng có thể mô phỏng sự thay đổi theo cách đó với những kỳ nghỉ ngắn ngày để đi đến những nơi có nắng ấm. (Mặc dù sau đó người ta lại phải trở về nhà, nơi mùa đông vẫn đang hiện hữu.)
Một cách khác nữa là hãy tập quen và thích thời tiết nơi mình ở. Hãy tâm niệm rằng dù mùa đông có lạnh và ảm đạm thì cũng chỉ vài tháng qua mau. Thời tiết xấu cũng có thể trở thành tốt nếu người ta biết tìm niềm vui trong đó, chẳng hạn trượt tuyết được nhiều người yêu thích mà ở những nơi nắng ấm thì không thể có.
Nếu như sau khi đã thử đủ mọi cách mà vẫn không thành công thì còn một cách cuối cùng này là thôi không phàn nàn về thời tiết nữa, mặc kệ và ráng quên nó đi thì mới có hy vọng thích nơi mình đang sống và tâm trạng mới bớt khốn khổ trong những tháng mùa đông. Tập trung vào những thứ khác, chẳng hạn công việc mình đang làm.
Một cuộc sống đầy đủ thiết tưởng phải có cả nắng và mưa, cũng như phải có cả vui lẫn buồn. Mùa đông có thể ảm đạm, ủ rũ đấy nhưng rồi mùa xuân sẽ lại về. Vậy trong khi chờ đợi, ta hãy ráng tập sống vui với mùa đông.
Huy Lâm