Khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn ra gay gắt, ĐCSTQ đã tỏ ra mập mờ trong việc lên án Nga, làm dấy lên sự bất bình quốc tế. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã kêu gọi ĐCSTQ lên án Nga. Các nhà phân tích cho rằng ĐCSTQ vẫn muốn đi trên dây thép, nhưng áp lực ngày càng gia tăng.
Ngoại trưởng Blinken lần thứ hai kêu gọi Bắc Kinh: lên án cuộc xâm lược của Nga
Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nói chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 5/3 . Đây là lần đầu tiên ngoại trưởng Hoa Kỳ và Trung Quốc nói chuyện kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine ngày 24/2.
Theo bản tóm tắt cuộc gọi giữa hai người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố, ông Blinken nói trên điện thoại rằng “thế giới đang theo dõi quốc gia nào ủng hộ các nguyên tắc cơ bản về tự do, tự quyết và chủ quyền”, ngầm chỉ trích việc ĐCSTQ không muốn cùng cộng đồng quốc tế lên án hành động của Nga.
Theo trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị bày tỏ hy vọng cuộc giao tranh sẽ dừng lại càng sớm càng tốt trong một cuộc điện đàm với ông Blinken. Ông kêu gọi đối thoại và thương lượng giữa hai bên.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN vào ngày 6/3, ông Blinken một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh, hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ công khai lên án Nga.
Ngoại trưởng Blinken nói rằng ông đã nói chuyện với ông Vương Nghị trong gần một giờ đồng hồ và nhắc lại những gì ông đã nói với ông Vương Nghị trước khi Nga xâm lược Ukraine, rằng ĐCSTQ thường nói về sự tôn nghiêm của nguyên tắc chủ quyền, nhưng giờ đây Nga, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã vi phạm nguyên tắc đó.
Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, hầu hết các nước trên thế giới đều có lập trường phản đối và lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga, các nước công nghiệp phát triển đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong khi chính quyền Trung Quốc cho rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn, và đã có quan điểm “trung lập” về vấn đề này và nhiều lần bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết lên án Nga. Trung Quốc thậm chí đã bỏ phiếu chống lại cuộc bỏ phiếu ngày 3/3 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên hợp quốc để lên án Nga, cũng liên quan đến việc yêu cầu Nga bàn giao tất cả các cơ sở hạt nhân của mình cho Ukraine kiểm soát.
Chia sẻ với Epoch Times, chuyên gia quân sự Đài Loan Lý Chính Tu (Li Zhengxiu) đã phân tích các kế hoạch của ĐCSTQ, ông nói rằng ĐCSTQ hiện đang lâm vào tình thế khó xử. Mối quan hệ của ông Tập Cận Bình với ông Putin không tệ, điều này xác định rằng ông Tập phải ủng hộ ông Putin. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Ukraine và ĐCSTQ cũng khá tốt, ngoài việc Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn sang Trung Quốc, nước này cũng đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc hiện đại hóa quân đội của ĐCSTQ. Vì vậy, giữa hai bên chỉ có lời kêu gọi ngoại giao đình chiến.
Ông Lý Chính Tu nói rằng trọng tâm của ĐCSTQ khi quan sát cuộc chiến Nga-Ukraine thực sự là loại phản ứng quốc tế mà họ sẽ phải đối mặt trong tương lai khi quyết định sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan. ĐCSTQ đang quan sát cách cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, sau đó họ nên phản ứng như thế nào và đưa ra các dự kiến chính sách trong các lĩnh vực khác nhau.
Ông nói rằng việc Nga xâm lược Ukraine là xung đột giữa các nước, và ĐCSTQ chắc chắn sẽ tuyên bố rằng cuộc chiến ở eo biển Đài Loan là vấn đề nội bộ giữa người Trung Quốc. Nhưng cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng như thế nào vào thời điểm đó, ĐCSTQ vẫn chưa thể nắm được.
Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Phòng thủ Đài Loan, cho rằng kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine phát triển, ĐCSTQ vẫn đang cố gắng giữ kín, nhưng bây giờ sức ép của quốc tế đối với họ đã lớn hơn.
“Thứ nhất là vì họ đã không ngăn được cuộc tấn công của ông Putin. Thứ hai là vì họ không tham gia các biện pháp trừng phạt đối với Nga, và thứ ba là vì họ có một chút sai lầm. Bây giờ Moscow bị phong tỏa, tất nhiên áp lực phải trở lại với Bắc Kinh”, ông Tô nói.
Cuộc chiến Nga-Ukraine bế tắc, chuyên gia: Tình thế có lợi cho Ukraine
Ông Tô Tử Vân nói với Epoch Times rằng ông cho rằng sự phản kháng mạnh mẽ của Ukraine hiện đang kéo Nga vào vũng lầy.
Vì ông Putin phát động cuộc chiến lần này để chuyển nguy cơ tiềm ẩn và khủng hoảng nội bộ, ông ấy đã từ thủ tướng lên quyền tổng thống năm 2000 rồi được bầu làm tổng thống bốn lần. Nga vốn là một trong những nước BRICS (tên gọi của một khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Trước năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga là khoảng 5 đến 7%, nhưng Nga đã bị trừng phạt vì cuộc xâm lược Crimea vào năm 2014. Đồng rúp của Nga giảm 50%, và GDP giảm 40%. Vì vậy, bây giờ khi ông Putin lại phát động cuộc chiến tranh Ukraine, trên thực tế, sự tự tin của ông ấy là không đủ. Lý do cho sự mạo hiểm của ông ấy là vì ông ấy nghĩ rằng ông có thể giành chiến thắng một cách nhanh chóng, nhưng sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine đã kéo ông vào vũng lầy.
Ông Tô nói: “Ukraine có một ý chí mạnh mẽ. Ngoài ra còn có các loại vũ khí phòng thủ được hỗ trợ bởi nhiều quốc gia khác nhau. Tôi nghĩ nó có lợi cho bên phòng thủ về mặt tấn công đô thị và chiến tranh phòng thủ. Nga dường như đã đầu tư rất nhiều quân, khoảng 190.000 người, nhưng chúng đã bị loãng trên chiến trường khổng lồ của Ukraine, vì vậy lực lượng của ông Putin khi tấn công từng thành phố thực sự rất yếu. Sau đó, Nga hiện đang cố gắng bao vây các thành phố bằng các cuộc tấn công bằng pháo kích mà chúng tôi gọi là bóp nghẹt, để bao vây thành phố, cắt đứt nguồn cung cấp và thực phẩm của họ, hy vọng buộc quân và dân phòng thủ đầu hàng vì đói”.
Quân đội Nga đã cố gắng tấn công thủ đô Ukraine qua vùng ngoại ô Kiev hàng ngày trong 12 ngày qua, nhưng đã liên tục bị cản trở.
Theo Epoch Times