Joshua Philipp
Dáng vẻ của một người phản ánh nội tâm của người đó, và để đẹp hơn từ vẻ ngoài cho đến ánh nhìn, văn học cổ điển chỉ ra rằng trước tiên phải tu tâm dưỡng tính.
Có rất nhiều các sách cổ hướng dẫn con người thay đổi tâm tính bên trong, trong đó phải kể đến cuốn sách của người Nhật dành cho Samurai của học giả Nho giáo thế kỷ 17 tên là Yamaga Soko. Trong cuốn sách “Way of the Knight” (Tạm dịch: Phương pháp của một kị sĩ), ông giải thích rằng để đạt được những cải tiến thực sự về ngoại hình, trước tiên con người phải hướng vào nội tâm, nhìn vào bên trong tâm tính của bản thân.
Tâm trạng trầm tĩnh, tâm trí sáng suốt
Soko đưa ra một công thức đơn giản về cách thay đổi bản thân: Tâm trạng bình ổn, tâm trí sẽ minh mẫn.
“Vì tâm trí phụ thuộc vào tâm trạng, khi tâm trạng của bạn bình thản, tâm trí bạn cũng sẽ bình bĩnh,” ông viết. “Khi tâm trạng của bạn bị kích động, thì tâm trí của bạn cũng bị kích động.”
“Vì tâm trí và tâm trạng không phải là hai trạng thái riêng biệt, không có khác biệt. Khi tâm trạng thể hiện sự kích động của tâm trí bên trong, đề cao tâm tính của bạn là cơ sở cho sự đề cao bản thân và đạt được tâm trí lành mạnh.”
Khi bị căng thẳng, chúng ta thường mất khả năng suy nghĩ rõ ràng và khiến chúng ta khó chịu với những suy nghĩ quẩn quanh. Soko cho rằng trạng thái căng thẳng và quẩn quanh này là điều mà các Samurai hay bất kỳ người nào, và đặc biệt là một người đàn ông có khí chất nên tránh.
“Một người đàn ông khí phách khi đối mặt với các tình huống sống hay chết, đối mặt với kiếm và giáo, thể hiện kỷ luật vững chắc, đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng và đưa ra những quyết định quan trọng, thì đều không bị xáo trộn hay khó chịu dù trong giọng nói hay vẻ bề ngoài,” Soko đã viết.
Mang phẩm chất cứng rắn và không bị gò bó này không có nghĩa chúng ta trở nên nghiêm khắc, lạnh lùng hay khó chịu. Thay vào đó, Soko chỉ ra chúng ta nên có phong thái chín chắn, nghĩa là vẻ ngoài “thư thái vui vẻ”, và cách cư xử “trang nghiêm”.
“Một người đàn ông có khí phách lớn và có trí tuệ cao, anh ta sẽ tự nhiên có phong thái chín chắn của riêng mình. Chín chắn ở đây ngụ ý chiều sâu và sự khoan dung. Điều này có nghĩa là giữ gìn phẩm chất của chính mình, khiêm tốn và không thể hiện bất cứ điều gì phi thường.”
Khi phong thái khiêm nhường biểu hiện ra trên nét mặt của bạn, và trong mối quan hệ với người khác, bạn sẽ là người tốt bụng, một người cao quý. Bạn sẽ giống như mùa xuân đầy nắng, một phước lành cho con người. Đây chính là sự “dịu dàng” của một người đàn ông đích thực.
Vẻ bề ngoài phản ánh những suy nghĩ bên trong
Biểu cảm khuôn mặt của chúng ta thường nói lên những gì chúng ta suy nghĩ và cảm nhận bên trong. Do đó nếu chỉ thay đổi bề ngoài mà không tìm nguyên nhân gốc rễ ở bên trong, chúng ta chỉ tốn thời gian một cách ngốc nghếch.
Soko đề cập trong cuốn sách của mình: “Khi những suy nghĩ bên trong không chính, chúng sẽ ảnh hưởng tới ngoại hình, biểu hiện rõ ra bên ngoài. Nếu bạn muốn chỉnh sửa diện mạo của mình, bạn phải tu sửa nội tâm.”
Soko từng chia sẻ các nhà quý tộc thường rất chú ý đến nghi thức và vẻ bề ngoài. Ông lưu ý rằng trong tài liệu cổ của người Trung Quốc “Cách cư xử truyền thống” có ghi: “Một người đàn ông quý phái có vẻ ngoài thư thái.” Soko giải thích thêm: “Thư thái có nghĩa là không vội vã, trầm tĩnh một cách tỉnh thức.”
“Vì những biểu hiện của bề ngoài đều được tạo ra bởi những suy nghĩ bên trong, nên khi bạn hướng nội suy xét những suy nghĩ bên trong của mình để điều chỉnh chúng thì vẻ ngoài của bạn cũng sẽ thay đổi theo quá trình hướng nội tu sửa này.”
Tất nhiên, mối quan hệ này gồm cả hai chiều. Như Soko chỉ ra, việc điều chỉnh ngoại hình bên ngoài có thể giúp cải thiện tâm trạng, suy nghĩ và cảm xúc; ngược lại, cải thiện tâm trạng sẽ khiến ngoại hình bên ngoài biến đổi theo.
“Tâm tính hay trạng thái tâm lý là bên trong chúng ta, còn tương tác vật lý với mọi người và mọi thứ xung quanh, như là nhìn và lắng nghe, là bên ngoài,” ông viết. “Trạng thái bên trong và bên ngoài về cơ bản là một, không tách rời.”
Khi ở bên ngoài chúng ta cư xử đúng, thì ở bên trong tâm trạng cũng đúng. Khi có bất kỳ sự xáo trộn bên ngoài nào, luôn có một phản ứng bên trong đối ứng với xáo trộn bên ngoài đó.
Cách cư xử đúng đắn cho mỗi hoàn cảnh
Đồng thời, không phải ứng xử cứng nhắc theo khuôn mẫu cho mọi lúc là đúng. Soko trích dẫn từ cuốn sách “Classic on Manners” (tạm dịch là Cách cư xử truyền thống) để chỉ ra rằng mỗi một tình huống hoàn cảnh sẽ yêu cầu tâm trạng và hành vi tương ứng, mỗi người cần cố gắng hành động đúng trong khi giao tiếp và thể hiện sự tôn trọng người khác trong mỗi hoàn cảnh.
Ông cho rằng khi chúng ta suy ngẫm về từng tình huống, trạng thái tâm lý và biểu đạt bên ngoài phải thể hiện rõ ràng điều đó. “Nếu bạn xác định các hành vi bên ngoài một cách kỹ lưỡng và cư xử theo quy luật tự nhiên, thì bạn sẽ tự nhiên thấy được chìa khóa cho những vấn đề tâm lý.”
Tôn trọng người khác
Suy xét và tôn trọng người khác cũng là yếu tố quan trọng cho việc nắm giữ chìa khóa tâm lý. Soko xem những điều này là “cách cư xử trang nghiêm”, và trích dẫn lời của học giả Nho giáo Trung Quốc thế kỷ 13 Xu Wenzheng: “Khi những cách cư xử lịch thiệp được thể hiện đúng đắn ra bên ngoài, thì chính là biểu hiện của tính cách biết tôn trọng người khác của chúng ta.”
Để áp dụng những cách cư xử lịch thiệp này trong việc nghe, nhìn và nói, Soko một lần nữa trích dẫn từ cuốn “Classic of Manners” rằng: “Đừng thiếu tôn trọng.”
“Nói chung, phép lịch sự bắt nguồn từ nhu cầu của trái tim con người, với những thước đo liên quan đến mọi chuyện trong cuộc sống. Sự lịch thiệp cũng bắt nguồn từ giá trị của lòng tự trọng.”
Để đạt được trạng thái tĩnh lặng tất nhiên là nói dễ hơn làm. Trong các bộ nguyên tắc truyền thống của Hy Lạp và La Mã cổ đại có chỉ ra cách để giữ được tâm bất động. Đó là phong thái lạnh lùng và tự nhiên, cứng rắn, nhưng vẫn vui vẻ, thoải mái và có thể suy nghĩ rõ ràng cả khi ở trong căng thẳng, áp lực.
Và Soko đã “bật mí” rằng, trước tiên, một người tốt cần thoát khỏi “tâm trạng bất cần, nuôi dưỡng một nội tâm mạnh mẽ và kiên định, trở nên khoáng đạt, không bị ám ảnh hay hạn cuộc bởi bất cứ điều gì.”
Joshua Philipp
Nội Nhiên biên dịch