Hứng đòn nặng nề từ HIMARS, Nga cáo buộc Mỹ can dự trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine
Nhà lập pháp cấp cao nhất Nga cáo buộc Mỹ đang có các hoạt động quân sự can dự trực tiếp vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
“Washington thực chất đang điều phối và phát triển các hoạt động quân sự, qua đó trực tiếp tham gia vào các hành động quân sự chống lại đất nước chúng tôi”, Chủ tịch Hạ viện Nga (Duma quốc gia) Vyacheslav Volodin viết trên trang Telegram hôm 7/5.
Theo Reuters, Mỹ và các nước châu Âu là thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Kiev nhằm giúp chống lại chiến dịch tấn công quân sự của Nga, điều này hoàn toàn không vi phạm luật phát quốc tế khi họ không điều quân trực tiếp tham chiến.
Chủ tịch Duma quốc gia Volodin là một trong những chính khách Nga nhiệt liệt ủng hộ “chiến dịch đặc biệt” của Moscow nhằm làm suy giảm khả năng quân sự của Ukraine cũng như “tiêu diệt tận gốc” những gì Moscow gọi là “các phần tử phát xít đang lũng đoạn chính phủ và quân đội” của nước láng giềng phía nam. Theo ông Volodin, các cố vấn nước ngoài đã làm việc ở Ukraine kể từ khi ông Volodymyr Zelensky đắc cử ghế tổng thống Ukraine vào năm 2019.
Ngược lại, Ukraine và phương Tây lên án đây là cái cớ do Nga ngụy tạo để động binh với nước láng giềng. Kể từ khi cuộc chiến nổ ra ngày 24/2, hàng nghìn người ở Ukraine đã thiệt mạng và hơn 5 triệu người khác phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn.
TQ cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” nếu các nhà lập pháp Anh thăm Đài Loan
Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh Zheng Zeguang tuyên bố sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” nếu các nhà lập pháp Anh đến thăm Đài Loan, Guardian đưa tin hôm thứ Ba.
Ông Zheng cho biết các chuyến thăm sẽ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ Trung Quốc-Anh.
Guardian dẫn lời ông Zheng cho biết: “Chúng tôi kêu gọi phía Vương quốc Anh tuân thủ thông cáo chung Trung – Anh và không đánh giá thấp tính nhạy cảm cao độ của vấn đề Đài Loan và không theo bước chân của Hoa Kỳ”.
Bình luận của ông Zheng được đưa ra sau khi tờ Guardian đưa tin hôm thứ Hai rằng Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh đang lên kế hoạch cho chuyến thăm Đài Loan có thể vào tháng 11 hoặc đầu tháng 12 năm nay.
Căng thẳng đã leo thang ở eo biển Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo vào cuối ngày thứ Ba, một động thái mà Trung Quốc lên án là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định.
Các báo cáo về chuyến thăm dự kiến của các nhà lập pháp Anh được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Anh và trung Quốc tiếp tục xấu đi. Động thái này là một dấu hiệu cho thấy sự can dự mạnh mẽ hơn của Anh với Đài Loan khi nước này ngày càng coi Trung Quốc là một mối đe dọa.
Hiện tại, hai ứng viên hàng đầu cho ghế Thủ tướng là bà Liz Truss và ông Rishi Sunak đang thể hiện lập trường cứng rắn của họ đối với Trung Quốc.
Đáp lại những nhận xét về Trung Quốc của ông Sunak và bà Truss, đại sứ Zheng kêu gọi các chính trị gia Anh nhận thức “thực tế” về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ song phương, Guardian đưa tin.
Ngân Hà
TQ từ chối lời kêu gọi của Mỹ về các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân
Trung Quốc chỉ trích lời kêu gọi của Ngoại trưởng Antony Blinken về các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân là một nỗ lực để “giảm nhẹ trách nhiệm” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra liên quan đến chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết hôm 2/8: “Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tham gia đối thoại giải trừ vũ khí hạt nhân… với một mục đích duy nhất, đó là giảm bớt sự đổ lỗi và đánh lạc hướng sự chú ý. Quy mô kho vũ khí hạt nhân của chúng tôi không tương xứng với Mỹ. Ở giai đoạn hiện tại, yêu cầu Trung Quốc tham gia vào quá trình giải trừ quân bị đa phương là không công bằng và cũng không hợp lý.”
Những tiến bộ về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã làm dấy lên lo lắng toàn cầu rằng Bắc Kinh có thể học theo chiến lược của Nga trong việc tấn công một nước láng giềng yếu hơn, với việc sử dụng cái gọi là vũ khí hạt nhân “chiến thuật” nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Hoa Kỳ. Bà Hoa Xuân Oánh đã từ chối lời kêu gọi đàm phán hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng trước chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi, khi Đảng Dân chủ California cự tuyệt thay đổi hành trình của bà trước những tuyên bố và cảnh báo rằng lực lượng Trung Quốc sẽ trả đũa nếu bà tiếp tục chuyến thăm.
Bà nhấn mạnh: “Hoa Kỳ đang theo chiến lược sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc. Bất kỳ biện pháp đối phó nào mà Trung Quốc thực hiện sẽ là một phản ứng hợp lý và cần thiết trước việc Hoa Kỳ lờ đi các tuyên bố lặp đi lặp lại của Trung Quốc cũng như hành vi vô đạo đức của nước này.”
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio – người đã mạnh mẽ bày tỏ “quan điểm của mình rằng Ukraine hôm nay, có thể là Đông Á vào ngày mai” tại một hội nghị an ninh hồi tháng 6 – đã đến New York để tham gia một hội nghị đánh giá hiệu lực của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
“Mặc dù con số đã giảm đáng kể kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh… việc duy trì xu hướng giảm này là cực kỳ quan trọng trong việc tiến gần hơn đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân,” nhà lãnh đạo Nhật Bản nói với Liên Hợp Quốc trong bài phát biểu hôm 1/8. “Theo hướng này, Nhật Bản ủng hộ cuộc đối thoại được tiến hành giữa Hoa Kỳ và Nga để giảm bớt hơn nữa, đồng thời khuyến khích Hoa Kỳ và Trung Quốc tham gia vào một cuộc đối thoại song phương về kiểm soát vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân.”
Ngoại trưởng Blinken cũng phát biểu tại hội nghị: “Bất kỳ quốc gia nào yêu cầu người khác từ chối theo đuổi vũ khí hạt nhân cũng phải sẵn sàng giảm – và cuối cùng, loại bỏ – kho dự trữ vũ khí hạt nhân của chính họ. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các đối tác, bao gồm cả Trung Quốc và các nước khác, về nỗ lực giảm thiểu rủi ro và ổn định chiến lược. Khi nhìn về tương lai, chúng ta cũng phải tăng cường các thỏa thuận để ngăn chặn xung đột hạt nhân – và tạo ra những thỏa thuận mới.”
Các quan chức Trung Quốc đã từ chối việc xem xét các hạn chế đối với kho vũ khí hạt nhân đang phát triển của họ trong nhiều năm qua. Bắc Kinh thậm chí còn không ngừng thể hiện sức mạnh các lực lượng hiện đại hóa của mình trong một nỗ lực nhằm hạn chế các liên hệ của chính phủ Hoa Kỳ với Đài Loan.
“Biến mình thành kẻ thù của 1,4 tỷ người Trung Quốc sẽ không có kết quả tốt đẹp,” bà Hoa Xuân Oánh viết trên Twitter. “Hành xử như một kẻ bắt nạt trước toàn thế giới sẽ chỉ khiến mọi người thấy rằng Mỹ là mối nguy hiểm lớn nhất đối với hòa bình thế giới.”
Making themselves an enemy of the 1.4 billion Chinese people will not end up well. Acting like a bully in front of the whole world will only make everyone see that the US is the biggest danger to world peace.
— Hua Chunying 华春莹 (@SpokespersonCHN) August 2, 2022
Minh Ngọc (Theo Washingtonexaminer)
Mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi xuống Indonesia và Malaysia
Một số mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống Trái Đất hồi cuối tuần trước đã được phát hiện trên đảo Borneo, theo tờ Space.
Cụ thể, tầng lõi nặng 22,5 tấn của tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi mất kiểm soát xuống Trái Đất hôm 20/7, lao qua khí quyển phía trên Ấn Độ Dương. Phần lớn bộ phận này bốc cháy trong quá trình rơi, trong đó ước tính vài mảnh vỡ chiếm khoảng 20 – 40% trọng lượng tên lửa còn sót lại sau hành trình hồi quyển.
Một số người dân phát hiện thấy những mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B nằm rải rác ở nhiều địa điểm dọc theo đường bay của tầng lõi, một số đủ lớn để gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc thương tích nếu rơi trúng thành phố hoặc làng mạc. “Mảnh vỡ lớn rơi xuống Kalimantan, Indonesia và Sarawak, Malaysia (cả 2 đều nằm trên đảo Borneo). Không có báo cáo nào về tai nạn hoặc thiệt hại về tài sản”, chuyên gia theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell ở Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, thông báo.
Tên lửa này được phóng vào ngày 24/7, đưa module Vấn Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Tầng lõi của tên lửa lên tới quỹ đạo cùng với module, sau đó bị hút trở lại Trái Đất bởi lực kéo khí quyển trong 6 ngày sau đó. Tầng lõi lớn thường được điều khiển để tự hủy an toàn bên trên đại dương hoặc khu vực không có người ở không lâu sau khi cất cánh.
Phương pháp loại bỏ tầng lõi ở trường hợp tên lửa Trường Chinh 5B gây tranh cãi bởi nguy cơ gây thương tích hoặc thiệt hại sau mỗi lần phóng. Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cũng vấp phải chỉ trích do để tầng lõi tên lửa Trường Chinh 5B trở thành khối rác vũ trụ lớn trong cả 3 nhiệm vụ tính đến nay.
Được biết, nhiệm vụ Trường Chinh 5B đầu tiên vào tháng 5/2020 kết thúc với một số mảnh vỡ rơi xuống Bờ Biển Ngà ở Tây Phi, trong khi ở nhiệm vụ thứ 2 thực hiện vào tháng 4/2021, mảnh vỡ tên lửa cũng rơi xuống khu vực Ấn Độ Dương.
Phan Anh