Sự bất trị của tư bản bồ bịch trong “dân chủ tập trung”

Jackhammer Nguyễn

8-9-2022

Một buổi tờ mờ sáng đầu mùa mưa tại Sài Gòn, Tâm giật mình vì điện thoại reo. Phạm Ngân gọi từ sân bay Tân Sơn Nhất, anh ta mới từ Mỹ trở về.

Ngân là sếp trực tiếp của Tâm trong một công ty phân phối danh tiếng bậc nhất Sài Gòn mà anh ta làm chủ. Cách đây khoảng 10 năm, Ngân đi Mỹ theo diện đầu tư, mua nhà tại khu phía tây San Jose giàu có, rồi đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam. Ở Việt Nam, ngoài đại công ty phân phối thương mại, Ngân còn thành lập một quỹ đầu tư bất động sản.

Đột nhiên trong suốt ba năm liền, Ngân bặt vô âm tính.

Trong cuộc họp mặt thân tình tối hôm đó, giữa Ngân và một số rất ít người thân tín, Ngân cho biết rằng, hồ sơ vụ án phó chủ tịch thành Hồ, ông T, đã chính thức được công an đóng lại. T bị kêu án cùng một số người có liên quan, không có Ngân trong đó.

Ngân không có trong đó, vì Ngân lặn được đúng lúc, với cái thẻ xanh Hoa Kỳ có trong tay (bây giờ đã có quốc tịch Mỹ, có được hộ chiếu Mỹ).

Quỹ đầu tư bất động sản của Ngân dính rất sâu với một lô đất vàng ở trung tâm thành Hồ mà ông T ký giấy bán dưới giá thị trường.

Đại công ty phân phối đã được bán cho một tập đoàn nước ngoài trước vụ án ông T ít lâu, với 51% giữ lại cho các cổ đông người Việt, nhưng thật ra đó chỉ là con số trên giấy tờ.

Toàn bộ thông tin về vụ án, lúc nó bắt đầu điều tra ông T, cho đến lúc nó có quyết định đóng hồ sơ, được một đường dây rất tin cẩn từ trong Bộ Công an báo cho Ngân.

***

Câu chuyện trên đây được Tâm kể lại cho tôi. Trong câu chuyện này, chỉ có tên ông T là tên thật.

Câu chuyện có vẻ ly kỳ, nhưng thật ra bạn đọc có thể đã được nghe rất nhiều ở trên đất nước Việt Nam hiện nay. Đó là mẫu số chung của cái gọi là, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam ra sức tuyên truyền mấy chục năm nay.

Có những công ty như công ty của Ngân, không phải do các thái tử, công chúa đỏ nắm giữ, mà do những người có máu làm ăn kinh doanh như Ngân, Tâm,… thúc đẩy. Nhưng một khi họ đạt đến một mức độ nào đó về kinh doanh thì phải có những “đường dây”. Đường dây đó có thể là đường dây thông tin từ công an, hay những tổ chức trung gian, thường là do các công chúa, hoàng tử đỏ nắm giữ. Để tiến hành nhanh chóng việc bán “49%” cổ phần cho nước ngoài, người của Phạm Ngân đã phải vất vả xuôi ngược nam bắc, tìm “cho đúng” các hoàng tử, công chúa đó.

Quan trọng nhất trong câu chuyện của Phạm Ngân, chính là nguồn tin “tình báo” từ chính Bộ Công an, báo cho biết chính xác thời điểm vụ án đất vàng thành Hồ được tiến hành, thời điểm nó được đóng lại. Những thông tin này vô cùng quan trọng cho ông chủ Phạm Ngân tùy cơ ứng biến.

Câu chuyện Phạm Ngân cho thấy việc chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, hỗn danh “đốt lò”, do đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, dù có gây nên được tiếng vang trong và ngoài nước, dù có lấy lại chút uy tín tàn tạ của đảng cộng sản, nhưng không hề đụng được gốc rễ của tham nhũng. Gốc rễ đó chính là “cơ cấu dân chủ tập trung” (độc tài) của chế độ chính trị, trong đó sự bí mật là cái xương sống không thể thiếu.

***

Gần đây, sau các vụ án lớn xảy ra ở thành Hồ, mà có vẻ như một số nhân vật chóp bu của Đảng chỉ biết được khi nó vỡ lỡ, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra thêm những qui định mới để củng cố quyền lực của Bộ Chính trị.

Những qui định mới này, một mặt có thể làm cho các ủy viên Bộ Chính trị chóp bu nắm được thông tin sớm hơn về điều gì đang xảy ra ở các địa phương, nhưng mặt khác làm tăng thêm tính độc tài của chế độ chính trị. Bí mật càng gia tăng, tham nhũng càng tiếp tục tồn tại và phát triển.

Trong chế độ chính trị như vậy, không thể có sự kiểm soát lẫn nhau một cách độc lập, các “đường dây” vẫn sống khỏe, quan hệ bồ bịch giữa quan chức và những nhà tư bản là vô cùng thắm thiết.

Trong chế độ chính trị như thế, việc phát triển dài hạn là vô cùng bất lợi, vì thế có thể thấy Việt Nam vẫn là quốc gia phụ thuộc rất lớn vào thương mại và bất động sản, lĩnh vực của các đại gia như Phạm Ngân, hay nổi tiếng hơn và vẫn còn nổi tiếng là Phạm Nhật Vượng.

Các lĩnh vực kỹ thuật, nghiên cứu,… vẫn vô cùng chậm chạp. Không cần nêu ra đây vô vàn bài báo từ chính báo chí của nhà nước Việt Nam về nạn thiếu nhân công chuyên nghiệp và kỹ thuật. Trước tình hình mới của bàn cờ địa chính trị và kinh tế thế giới, các đại công ty đa quốc gia đang rời khỏi Trung Quốc. Việc rời bỏ này được báo New York Times của Mỹ đánh giá là sẽ giúp các lân bang của Trung Quốc hưởng lợi, trong đó Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất.

Tôi nghi ngờ cái gọi là “hưởng lợi nhiều nhất” này. Nguồn lợi lộc này rồi lại chạy vào túi các đại gia bất động sản như Phạm Ngân, Phạm Nhật Vượng, hay ông T, phó chủ tịch thành Hồ. Hàng triệu công nhân vẫn sẽ làm thuê với đồng lương rất thấp, mà thực ra họ cũng không phải là công nhân mà chỉ là những nông dân làm thuê, không có kỹ năng.

Với tình hình hiện nay, Việt Nam cũng sẽ chỉ đóng vai trò thấp nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tệ hơn nữa, các chuỗi phân phối thương mại, lĩnh vực dễ làm hơn, do các nhà tư bản nội địa tạo ra, như công ty của Phạm Ngân, dần dần bị tư bản nước ngoài sang đoạt.

Trong buổi họp mặt thân tình ở Sài Gòn giữa Tâm và Phạm Ngân, Tâm khuyên Ngân rằng, nếu có về Việt Nam thì hãy dùng passport Hoa Kỳ, để có bề nào thì…

Tôi rất chắc chắn rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ bảo vệ công dân Phạm Ngân của mình.

Hơn 30 năm “đổi mới” ở Việt Nam, hàng triệu nông dân có khá hơn được một chút, nhưng khá nhất lại là những người như ông T, phó chủ tịch thành Hồ, hay là Phạm Ngân, công dân Hoa Kỳ.

Related posts