Tiểu Quỳ
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc diễn biến nghiêm trọng khiến nguồn lực y tế quá tải, hệ lụy kéo theo nhiều vấn nạn xã hội như: Bùng phát thị trường chợ đen thuốc trị COVID, tự thiêu thi thể người thân trong khu dân cư…
Lượng thuốc hạ sốt ở Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần kể từ đầu tháng 12
Trong cuộc họp báo ngày 29/12, Thứ trưởng Vương Giang Bình (Wang Jiangping) của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết, năng lực sản xuất hiện tại của hai loại thuốc là ibuprofen (giảm đau) và paracetamol (hạ sốt) đã tăng rất cao ở Trung Quốc với 202 triệu viên mỗi ngày, sản lượng đạt 190 triệu viên, gấp hơn 4 lần so với đầu tháng 12. Tính từ ngày 1/12, lũy kế sản xuất 2 loại thuốc hạ sốt và giảm đau này trên toàn Trung Quốc đạt 2,488 tỷ viên. Tính đến ngày 28/12, hai loại thuốc này đã được phân phối khắp các tỉnh thành, đến các vùng trọng điểm tổng số 174 triệu viên ibuprofen, 60 triệu viên paracetamol và hơn 550 triệu bản thuốc thử phát hiện kháng nguyên.
Giới quan sát lưu ý, dù Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã rất nỗ lực sản xuất và phân phối thuốc, nhưng nhiều phương tiện truyền thông Đại Lục đã tiết lộ dịch bệnh COVID-19 hiện nay ở vùng nông thôn đang lây lan vừa nhanh vừa nguy hiểm khó lường, số người mắc bệnh ngày càng tăng, tình trạng thiếu thuốc vẫn trầm trọng.
Ví dụ, Tuần báo Tin tức Trung Quốc (inewsweek) đưa tin về trường hợp của bác sĩ Zheng Furen (ở thôn Quang Hoa huyện Kỳ Môn thành phố Hoàng Sơn tỉnh An Huy), nói rằng ông là bệnh nhân ung thư nhưng cũng lại là bác sĩ duy nhất trong làng. Tuần qua, người khám bệnh tăng đột biến khiến không còn thuốc hạ sốt. Ông đành trấn an bệnh nhân rằng nếu các triệu chứng nhẹ thì “cố gắng khắc phục”, nếu bị sốt và đau đầu đến mức nặng thì hãy uống thuốc. Hiện tại, chính bác sĩ Zheng Furen cũng bị nhiễm COVID.
Tạp chí Nhà từ thiện Trung Quốc (China Phlanthropist) cũng đưa tin về một tin nhắn trong “Nhóm hỗ trợ lẫn nhau giữa thành thị và nông thôn” vào ngày 28/12 yêu cầu được giúp đỡ. Nội dung tin nhắn cho hay, thôn Đại Địa (hương Hầu Trường huyện Phổ Định, An Thuận, tỉnh An Huy) có nhân khẩu thường trú là 760 người, trong đó có hơn 80 trẻ em và hơn 250 người từ 60 tuổi trở lên. Hiện số người nhiễm bệnh trong thôn đã đã vượt quá 150 người, vậy nên khẩn cấp yêu cầu hỗ trợ các nguồn lực y tế như thuốc hạ sốt, thuốc tản nhiệt và khẩu trang N95.
Theo người phụ trách họ Cao (Gao), tình trạng thiếu thuốc trong thôn hiện vẫn chưa giảm, trước đó thì tuần nào cũng có công ty dược phẩm chở thuốc về làng, nhưng một tuần trở lại đây ngay cả các công ty dược phẩm cũng không tìm được thuốc.
Bùng phát thị trường chợ đen thuốc trị COVID
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID ở Trung Quốc vượt khỏi tầm kiểm soát, loại thuốc Azivudine [vốn là thuốc điều trị HIV] được nhà chức trách Trung Quốc phê chuẩn dành cho COVID-19 bất ngờ “cháy hàng”.
Theo Tạp chí Doanh nhân Trung Quốc (China Entrepreneur), hiện có hai loại thuốc đặc hiệu dành cho COVID-19 đã được nhà chức trách Trung Quốc phê duyệt cho ra thị trường là viên nén Paxlovid Naimatevir/ritonavir của hãng Pfizer (chủ yếu dành cho bệnh nhân nghiêm trọng), và viên Azivudine của công ty Genuine Biotech ở tỉnh Hà Nam (chủ yếu dùng cho bệnh nhân nhẹ và bình thường). Tuy nhiên, do thuốc viên Paxlovid Naimatevir/Ritonavir của Pfizer chỉ là thuốc bán theo đơn tại bệnh viện nên thuốc nội địa Azvudine trở thành sản phẩm bán chạy nhất sau khi mở bán thuốc theo đơn trực tuyến.
Đồng thời, thuốc Paxlovid do Ấn Độ sản xuất cũng xảy ra tình trạng “cháy hàng”, khiến chủ đề “Thuốc COVID-19 gốc Ấn Độ giá mỗi hộp hàng ngàn nhân dân tệ” từng lọt vào danh sách tìm kiếm nóng trên mạng xã hội Weibo.
Tuy nhiên vào ngày 21/12, Phó chủ tịch Cao Bân (Gao Bin) của Trung tâm Y học Hô hấp Quốc gia đã nhắc nhở rằng cơ chế của Azvudine còn chưa rõ ràng, và kết quả nghiên cứu lâm sàng vẫn chưa được công bố, chứng cứ lâm sàng còn rất hạn chế so với một số loại thuốc kháng virus khác.
Ngày 20/7/2021, thuốc Azvudine (dùng để chống AIDS) đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc phê duyệt dùng cho khắc chế COVID-19, đến ngày 25/7 được phê chuẩn ra thị trường.
Theo thông tin của Đài Á châu Tự Do (RFA), thời gian gần đây thuốc Azvudine bất ngờ bị rút khỏi các kệ hàng sau khi được rao bán công khai trên mạng, khiến dư luận nghi ngờ chủng virus corona mới có chứa gen HIV.
Thuốc của Pfizer thành hàng nóng, khiến giá không ngừng biến động
Một người họ Cố (Gu) đến từ một nhà kinh doanh thiết bị y tế có trụ sở tại Thượng Hải tiết lộ, tình hình dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng hiện nay ở Trung Quốc và tình trạng thiếu thuốc điều trị đã khiến số lượng lớn người tìm đến sự trợ giúp của các bệnh viện để được cung cấp các loại thuốc đặc hiệu của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ). Bác sĩ sẽ hỏi xem có muốn thuốc của Pfizer không, nếu không có khả năng chi trả thì chỉ có thể cung cấp cho thuốc nội Azvudine, là thuốc chống HIV.
Người này kể rằng nhiều người Trung Quốc ủy thác cho người thân, bạn bè ở nước ngoài hoặc cố gắng hết sức để mua được thuốc Pfizer của Mỹ, thậm chí thuốc do Mỹ trao bản quyền cho Ấn Độ cũng rất phổ biến trên thị trường chợ đen. Ngày 24/12, giá mỗi hộp thuốc là 1800 nhân dân tệ (hơn 6 triệu VNĐ) nhưng đến ngày 25/12 đã lên đến 2300 nhân dân tệ (khoảng 8,5 triệu VNĐ), mặc dù vậy giá vẫn đang tăng theo nhu cầu, mỗi ngày một giá. Đối với thuốc Pfizer chính hãng, vào ngày 25/12 giá là 4500 nhân dân tệ (hơn 15 triệu VNĐ) một hộp cho một liệu trình trị liệu 5 ngày. Vì giá cả tăng cao chóng mặt nên người mua hạn chế mua qua đường bưu điện vì sợ bị đánh cắp, có người phải sang Ấn Độ lấy thuốc chuyển về.
Phải tự hỏa thiêu thi thể người thân
Có nguồn tin được cho là nắm rõ tình hình COVID-19 ở Thượng Hải chia sẻ rằng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID tại các bệnh viện ở Thượng Hải hiện rất nghiêm trọng, đã tăng khoảng 10 lần so với trước khi xảy ra làn sóng lây nhiễm này. “Tại các phòng cấp cứu của các bệnh viện ở Thượng Hải, mỗi ngày có khoảng 20 người chết ở các bệnh viện nhỏ, khoảng 60 người chết ở các bệnh viện lớn, chưa kể nhiều người chết tại nhà và chết trong viện dưỡng lão. Bởi vì triệu chứng rất kỳ lạ, không ngay lập tức cấp tính gây tử vong, có người chết mà không phát hiện ra vấn đề gì, có người gọi 120 nhưng chết trước khi xe cấp cứu đến, nguồn lực y tế ở Thượng Hải hiện bị quá tải”.
Truyền thông nước ngoài đưa tin, vào tối ngày 27/12 có 16 xe cứu thương với đèn xanh hú còi bất ngờ xuất hiện ở lối vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Trung Sơn Thượng Hải, đưa bệnh nhân đi cấp cứu mà không biết họ đến từ đâu.
Còn có ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện của cư dân mạng ở Thượng Hải lan truyền trên Weibo, kể về người sống ở số 40, ngõ 40, phòng 501 có người cha bị COVID qua đời tối ngày 26/12. Anh này đã liên hệ nhiều dịch vụ tang lễ nhưng bất lực vì các nơi đều quá tải, nên quyết định sẽ tự đốt xác người cha ở nơi đất trống của khu dân cư. Tính đến ngày 29/12, vẫn chưa có quan chức nào lên tiếng phủ nhận tin tức liên quan.
Tiểu Quỳ, Vision Times