Ngành công nghiệp Hoa Kỳ muốn quay về kỷ nguyên truyền thống ‘Made in USA’

Tạ Linh

Bên trong nhà máy lắp ráp xe Ford tại Chicago, Illinois (ảnh: Scott Olson/Getty Images).

Báo The Wall Street Journal mới đây có bài, Nước Mỹ đang hồi sinh các nhà máy sau thời gian chuyển ra nước ngoài để hưởng lợi ích của giá nhân công thấp, một xu hướng tích cực đáp lại lời kêu gọi “Made in USA” của chính phủ Mỹ.

Ngành sản xuất Mỹ không muốn bị Trung Quốc bắt làm con tin

Dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy, trong năm 2022, Mỹ đã chi tới 108 tỉ đô la để tái khởi lại các nhà máy, nhiều hơn cả chi tiêu xây dựng trường học, trung tâm chăm sóc sức khỏe hoặc tòa nhà văn phòng.

Kỷ lục đổ tiền vào xây dựng các nhà máy sản xuất mới cho thấy tinh thần “tự lực tự cường” với quyết tâm tái lập “công xưởng của chính mình” đang phục hồi tại Mỹ với hy vọng không khí sản xuất náo nhiệt trước đây sẽ quay trở lại.

Ngoài vấn đề giảm lệ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài, không bị “bắt làm con tin” với các sản phẩm sản xuất ngoài nước, loại bỏ vấn đề bị ép buộc phải chuyển giao công nghệ như tại Trung Quốc,… xu hướng qui cố hương còn được thúc đẩy bởi các ưu đãi năng lượng xanh, lực lượng lao động địa phương ngày càng được đào tạo bài bản và tỷ lệ tự động hoá cao. Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Mỹ đang tăng trở lại, cả khâu sản xuất sản phẩm lẫn các công trình thi công hệ thống nhà máy mới.

Các nhà máy mới mọc lên cả ở các trung tâm đô thị, vùng nông thôn, trên sa mạc lẫn các “thị trấn công xưởng mới”. Phần lớn chúng thuộc các lĩnh vực công nghệ cao như pin xe điện và chất bán dẫn, mặt hàng ưu tiên được hỗ trợ bởi hàng tỷ đôla ưu đãi.

Các công ty từng phụ thuộc hoàn toàn vào những quốc gia có chi phí thấp để sản xuất hàng gia dụng giờ đây đã quay về cố hương sau bài học đại dịch COVID và thái độ cản trở hàng Mỹ nhập lại về Mỹ của chính quyền Bắc Kinh.

Trong lịch sử lập quốc, sản xuất là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Mỹ và là thế mạnh của nước Mỹ. Paul Revere đã mở một xưởng đúc sản xuất chuông và súng thần công. Dây chuyền lắp ráp của Henry Ford đã giúp cho ra những chiếc xe hơi giá cả phải chăng phục vụ số đông. Ngành công nghiệp Mỹ đã góp công rất nhiều vào chiến thắng của đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến, khi gần một nửa số nhân viên khu vực tư nhân làm việc trong các nhà máy.

Sự khích lệ từ chính quyền và người tiêu dùng

Số nhà máy nội địa đã sụt giảm khi tự động hóa phổ biến và các công ty Mỹ tìm kiếm chi phí nhân công và mạng lưới vệ tinh thấp hơn ở nước ngoài. Rồi đến ngày Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và toàn cầu hoá trở thành khẩu hiệu, năng lực sản xuất đang tăng trưởng khoảng 4% một năm trong nhiều thập niên của Mỹ bị chững lại và đi xuống nghiêm trọng.

Nhiều hàng Mỹ được “Made in China” và hàng triệu người Mỹ không còn làm được nghề của họ. Tuy nhiên, từ năm ngoái, khu vực sản xuất Mỹ chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể với xu hướng “quay đầu”. Năng lực sản xuất tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2015 sau khi sự thiếu hụt và chậm trễ cung ứng hàng hoá do đại dịch gây ra đã cho thấy rõ việc Mỹ quá lệ thuộc vào “công xưởng sản xuất TQ”,  các công ty Mỹ phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng quá xa không thể đáp ứng ngay nhu cầu khẩn cấp tại quê nhà.

Chris Snyder, nhà phân tích công nghiệp nhận định: “Đại dịch Covid đã làm lộ những bất cập và cho mọi người thấy mức độ rủi ro khi hàng hoá Mỹ nhập vào Mỹ bị lệ thuộc vào chính sách của một quốc gia khác”.

David Mindell, giáo sư về lịch sử kỹ thuật và sản xuất tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận xét: “Sự bùng nổ của các nhà máy báo hiệu Mỹ đang bắt đầu một chu kỳ mới. Sản xuất đã là một phần quan trọng của ‘câu chuyện Mỹ’ từ xa xưa và những gì đang xảy ra bây giờ cho thấy sự trở lại với truyền thống”.

Related posts