Tin thế giới trưa Chủ Nhật: Tổng thống Belarus Lukashenko sắp thăm Trung Quốc

Diễn viên quốc dân hạng nhất ở Trung Quốc phàn nàn giá thuốc đắt đỏ

Mới đây, nam diễn viên hạng nhất của Trung Quốc, ông Vương Toàn Hữu (Quanyou Wang) đã đăng một video phàn nàn về giá thuốc đắt đỏ. (Ảnh chụp màn hình video)

Mới đây, nam diễn viên hạng nhất quốc gia Trung Quốc, ông Vương Toàn Hữu (Quanyou Wang), đã đăng một video phàn nàn về giá thuốc quá cao. Ông nói bệnh viện kê cho 3 hộp thuốc trị cảm lạnh mà những 800 nhân dân tệ (115 USD), có bảo hiểm y tế cũng không chịu nổi. Tin tức này đã trở thành tìm kiếm nóng, thu hút sự chú ý của dư luận. Cư dân mạng đặt câu hỏi đâu là nguyên nhân khiến thuốc của bệnh viện đắt đỏ như vậy.

Ông Vương Toàn Hữu, người đóng vai Đinh Vĩ trong bộ phim truyền hình Đại Lục “Drawing Sword” (Lượng Kiếm), đã đăng một video lên mạng xã hội. Trong video, ông cầm thuốc và nói: “Hôm qua tôi đến bệnh viện khám bệnh, thì có cảm giác hơi bị cảm lạnh. Tôi phải mua thuốc với giá hơn 800 nhân dân tệ (115 USD). Mặc dù chúng ta có bảo hiểm y tế, nhưng mức giá này khá sốc.”

Trên bàn của ông Vương Toàn Hữu đặt vài hộp thuốc mà ông đã mua với giá 800 NDT.

Video của ông đã khiến cư dân mạng bàn tán sôi nổi, từ khóa “Vương Toàn Hữu phàn nàn về thuốc đắt đỏ trong bệnh viện” đã trở thành tìm kiếm nóng.

Nhiều cư dân mạng cho rằng, giá thuốc quả thực quá cao, người bình thường khó có thể mua được. “Minh tinh còn cho là đắt! Nếu không, sao lại gọi là bánh bao hấp máu người?”

Cư dân mạng cho rằng Vương Toàn Hữu là diễn viên hạng nhất trong nước, thu nhập không hề nhỏ. Ngay cả diễn viên hạng này cũng cho rằng giá thuốc quá cao, thì đối với người bình thường, tiền thuốc chẳng phải càng đắt đỏ hơn sao, người dân khó mà mua được.

Thậm chí có cư dân mạng phàn nàn về tình trạng khó mua thuốc trước đây, và liên kết chúng lại với nhau.

Một số cư dân mạng cho rằng, bây giờ đến bệnh viện, ít nhất 1/5 đến 1/3 là chi phí xét nghiệm các loại, còn phải khám nhiều lần. Nếu ngay cả bệnh cảm nhẹ mà cũng không có tiền đi khám, thì hệ thống y tế đã tệ đến mức nào? Các bệnh viện công lỗ lãi tự chịu, trước đây còn phải nhà nước trợ cấp, vậy tiền đã đi đâu?

Có người cho rằng chỉ cần vào bệnh viện, nhẹ thì phải trả chừng 1.000 tệ (144 USD), nặng thì phải khóc mà chữa trị! Làm thế nào những người bình thường có thể có tiền khám chữa bệnh? Người dân còn dám ốm nữa sao?

Người này cho rằng chỉ cần tư nhân hóa tràn lan vào bất kỳ ngành nào, ngành đó cũng sẽ trở nên bất thường. Giáo dục, chăm sóc y tế, nhà ở, nơi nào không có bóng ma của họ? Giáo dục và chăm sóc y tế không thể được công nghiệp hóa và tư nhân hóa.

Một số cư dân mạng cho rằng ông Vương Toàn Hữu có thể được coi là một diễn viên lão làng có tinh thần trách nhiệm xã hội. Dẫu sao ông ấy cũng chọn lên tiếng vì người dân. Xét cho cùng, có quá ít nhân vật của công chúng dám đứng lên và lên tiếng. Nhưng cũng rất khó thay đổi vấn đề thuốc đắt đỏ ở các bệnh viện Đại Lục đã có từ lâu.

Giá thuốc ngày càng leo thang trở thành gánh nặng với người dân. Những người dân không được hưởng bảo hiểm y tế chỉ có thể lo lắng về chi phí y tế. Người ta thường tin rằng việc khám chữa bệnh đắt đỏ và giá thuốc cao ở Trung Quốc bắt nguồn từ hệ thống y tế hiện có của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo Phương Hiểu / Epoch Times

Nga hoan nghênh kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, sẵn sàng đối thoại

Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga (Nguồn: Wikipedia)

Nga hôm thứ Sáu (24/2) hoan nghênh các đề xuất của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine và cho biết nước này sẵn sàng giải quyết vấn đề bằng chính trị và ngoại giao, Reuters đưa tin.

Trung Quốc đã kêu gọi ngừng bắn toàn diện trong đề xuất 12 điểm để giải quyết cuộc chiến Ukraine đã kéo dài tròn 1 năm.

“Chúng tôi đánh giá cao mong muốn chân thành của những người bạn Trung Quốc trong việc góp phần giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp hòa bình… Chúng tôi chia sẻ cùng quan điểm với Bắc Kinh,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết trong một tuyên bố.

“Liên quan đến khủng hoảng Ukraine, Nga sẵn sàng đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao,” bà Zakharova nói.

Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là công nhận “thực tế lãnh thổ mới” trước của Ukraine nay thuộc về Nga, theo bà Zakharova. Trong đó có 4 khu vực Donetsk, Lukhansk, Kherson, và Zaporizhzhia được Nga đơn phương sáp nhập, và đương nhiên gồm cả Crimea đã sáp nhập vào Nga năm 2014.

Ukraine đã từ chối đề xuất của Trung Quốc, trừ phi Ukraine lấy lại được biên giới năm 1991 —khi Liên Xô tan rã— mặc dù Kyiv cũng cho biết họ sẵn sàng chấp nhận các phần của đề xuất 12 điểm.

Thông điệp khôi phục biên giới trở lại trạng thái 1991 là khác với thông điệp ban đầu là bảo vệ lãnh thổ từ đầu cuộc chiến vào tháng 2/2022.

Các đồng minh phương Tây của Kyiv cũng đã phản ứng lạnh lùng trước các đề xuất của Trung Quốc. NATO cho rằng Bắc Kinh không đủ uy tín với tư cách là một nhà trung gian hòa giải xét về mối quan hệ chặt chẽ với Nga.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tuyên bố ủng hộ Ukraine “đến cùng” (as long as it takes).

Nhật Tân

Al Jazeera ‘nhắc’ Trung Quốc lấy Nga làm tấm gương trước khi định tấn công Đài Loan

Các nhà báo tại một văn phòng của Al-Jazeera (Ảnh: Reuters).

Theo công ty truyền thông quốc tế – Al Jazeera, việc Nga đang mệt mỏi cố gắng đạt được tiến bộ trong cuộc chiến tại thời điểm này khi xâm lược Ukraina đã đặt ra những nghi vấn mới về những bài học mà Trung Quốc có thể học được từ đồng minh thân cận của mình.

Nhân dịp tròn một năm ngày Nga xâm lược Ukraina, công ty truyền thông quốc tế – Al Jazeera chỉ ra rằng, Ukraina và Đài Loan dường như có nhiều điểm chung, nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin có tham vọng đế quốc và hành động bốc đồng, đồng thời có thế giới quan của riêng mình, còn ông Tập Cận Bình là người thực dụng và không có khả năng tấn công Đài Loan trong ngắn hạn.

Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và khó có thể chịu được các biện pháp trừng phạt bổ sung mà phương Tây áp đặt.

Al Jazeera hôm 23/2 đã đăng một bài báo đặc biệt phân tích tác động của cuộc chiến Ukraina đối với Đài Loan với tiêu đề “Cuộc chiến gian khổ của Nga ở Ukraina sẽ giúp Đài Loan hay làm tổn thương Đài Loan?”

Báo cáo chỉ ra rằng mặc dù tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có lịch sử hợp tác lâu dài, nhưng ngay trước khi Nga xâm chiếm Ukraina vào cuối tháng 2 năm 2022, ông Putin đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và hội đàm song phương với ông Tập Cận Bình, sau cuộc gặp hai bên đã đưa ra tuyên bố chung rằng “không có giới hạn trên cho sự hợp tác” giữa hai nước.

Thời điểm đó khiến nhiều nhà quan sát tự hỏi liệu ông Tập có biết về chiến tranh sắp xảy ra hay không và sau khi Nga đưa quân tới Ukraina, liệu Đài Loan có phải đối mặt với chiến tranh hay không?

Việc Nga đang mệt mỏi cố gắng đạt được tiến bộ trong cuộc chiến tại thời điểm này đã đặt ra những nghi vấn mới về những bài học mà Trung Quốc có thể học được từ đồng minh thân cận của mình.

Liệu Trung Quốc có đưa ra kết luận rằng, trước khi Đài Loan có thể tự bảo vệ mình, việc tấn công có phải là cách làm tốt hơn không? Hay cuộc chiến của ông Putin cho thấy sự nguy hiểm khi vội vàng cuốn vào một cuộc xung đột như vậy?

Câu trả lời ngắn gọn là: Dự đoán các hướng đi của Trung Quốc chỉ là không chính xác vì các quyết định của Bắc Kinh không rõ ràng. Do đó, những nhà quan sát Trung Quốc thường tập trung vào hành vi trong quá khứ và những thay đổi nhỏ của chính quyền Trung Quốc, chẳng hạn như cách diễn đạt trong các tuyên bố chính thức.

Các nhà phân tích được Al Jazeera phỏng vấn cũng đưa ra kết luận tương tự: Mặc dù có lý do để lo lắng về một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan trong thời gian dài, nhưng Bắc Kinh khó có thể ra tay sớm.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) William Burn đã chỉ ra vào ngày 2/2 rằng ông Tập Cận Bình có thể sẽ “ngạc nhiên và lo lắng” trước “hiệu suất rất kém” của quân đội Nga và các hệ thống vũ khí của họ ở Ukraina, nhưng ông vẫn ra lệnh cho quân đội của mình chuẩn bị hành động tấn công Đài Loan trước năm 2027.

Ông Burns nói tại một sự kiện ở Đại học Georgetown ở Washington, D.C. rằng: “Điều đó không có nghĩa là ông ấy quyết định gây chiến vào năm 2027 hay bất kỳ năm nào khác; nhưng đó là lời nhắc nhở về sự tập trung và tham vọng của ông ấy,” “dựa trên đánh giá của chúng tôi tại CIA, tôi sẽ không đánh giá thấp tham vọng của ông Tập đối với Đài Loan.” 

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng có một số khác biệt quan trọng giữa ông Tập và ông Putin có thể ngăn cản ông Tập thúc đẩy Đài Loan sớm.

Trương Thái Minh, giám đốc Viện Xung đột và Hợp tác Toàn cầu tại Đại học California, thành phố San Diego, Mỹ, cho biết một trong những đánh giá về ông Putin là ông đã hành động rất bốc đồng với tham vọng đế quốc và có thế giới quan của riêng mình.

Còn ông “Tập Cận Bình, tôi nghĩ, ông ấy thực dụng hơn. Ông ấy rất thận trọng. Tôi không nghĩ ông ấy nóng vội như vậy, ông ấy không phải là người thích mạo hiểm, mà xâm lược Đài Loan là một trong những việc lớn nhất mà ông ấy sẽ làm. Đó là một hành động rất nguy hiểm và cơ hội thành công là không xác định”, ông Trương Thái Minh cho biết.

Ông Trương chỉ ra rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với những hậu quả “rất, rất nghiêm trọng” nếu một cuộc xâm lược toàn diện không được thực hiện như kế hoạch, và ông Tập Cận Bình giờ đây có thể không muốn đánh cược như vậy.

Bà Ivy Kwek, nhà nghiên cứu tại Nhóm Khủng hoảng Quốc cho rằng khi nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại, nước này sẽ khó có thể chịu được tác động kinh tế của các lệnh phong tỏa “bổ sung” hoặc các biện pháp trừng phạt bổ sung bên cạnh các biện pháp trừng phạt hiện có của phương Tây. Uy tín quốc tế của Trung Quốc cũng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng khi xâm lược Đài Loan.

Tạ Linh

Tổng thống Belarus Lukashenko sắp thăm Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (ảnh: AFP).

Nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc ngày 28/2 đến ngày 2/3.

Thông tin trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thông báo vào ngày 25/2, theo thời báo Hoàn Cầu.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Tần Cương hôm 24/2 đã khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với Belarus để tăng cường tin tưởng chính trị.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Belarus Sergei Aleinik hôm 24/2, ông Tần cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Belarus nhằm chống lại việc thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ nước này, Reuters đưa tin.

Trước đó, hồi tháng 9/2022, ông Tập đã gặp ông Lukashenko tại khu phức hợp Forumlar Majmuasi ở Samarkand. Hai nhà lãnh đạo quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện bền vững.

Việc nâng cấp quan hệ Trung Quốc – Belarus lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện bền vững là bước nhảy vọt lịch sử trong quan hệ song phương, ông Tập nhận định.

Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Belarus để tăng cường hỗ trợ chính trị lẫn nhau, giải phóng tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Belarus, ông nói thêm.

Theo ông Tập, Bắc Kinh đánh giá cao sự hỗ trợ vững chắc của Belarus về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Belarus là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga hiện nay.  Nước này đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ để tấn công Ukraine vào cuối tháng 2.

Nga và Belarus cũng đã cam kết thực hiện một loạt chương trình hợp tác kinh tế và quốc phòng sâu sắc hơn.

Liên Thành

Sợ mất lòng Bắc Kinh, Amazon kiểm duyệt lời bình cho một sách viết về Trung Quốc

Khách hàng đi vào một cửa hàng sách của Amazon, ở thành phố New York, Mỹ, ngày 25/05/2017. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Amazon tỏ ra thiên vị Đảng Cộng sản Trung Quốc khi kiểm duyệt lời bình phẩm về một cuốn sách chỉ trích nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các chính sách của Đảng.

Amazon đặt trụ sở chính tại thành phố Seattle và thành phố Arlington (Mỹ). Công ty này có mối quan hệ kinh doanh bền chặt với Trung Quốc; họ bán lượng lớn sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc tại các thị trường cốt lõi của họ là Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản.

Theo thông tin từ EcomCrew, hơn 63% nhà bán bên thứ ba trên Amazon đến từ Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong). Amazon che giấu sự thật quan trọng này bằng cách không tự động ghi thông tin về quốc gia xuất xứ trên các sản phẩm mà họ bán.

Do nguồn cung phụ thuộc vào Trung Quốc, việc gần đây Amazon kiểm duyệt lời bình phẩm (review) về một cuốn sách chỉ trích nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đặt ra câu hỏi rằng Amazon có thiên vị ĐCSTQ hay không.

Ông Paul Kenchington, một nhà phê bình đến từ Anh, vào ngày 06/02, đã cố gắng đăng lời đánh giá của ông về cuốn sách “China Nexus: Thirty Years In and Around the Chinese Communist Party’s Tyranny” (Tạm dịch: Mạng nhện quan hệ ở Trung Quốc: 30 năm trong chế độ chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc) của tác giả Benedict Rogers. Ngày 09/02, Amazon thông báo rằng lời bình phẩm của ông bị từ chối do “nội dung không phù hợp”.

Ông Benedict Rogers, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của nhóm nhân quyền “Hong Kong Watch” (trụ sở đặt tại Vương quốc Anh), phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington, Mỹ, ngày 15 /07/2019. (Ảnh: Lynn Lin/The Epoch Times)

Ông Kenchington đã gõ lại lời đánh giá mà không ghi tên của ông ở dưới cùng — điều mà ông nghĩ có thể là vấn đề — và lời bình luận này vẫn bị từ chối. Lần này, Amazon đe dọa hủy các đặc quyền cộng đồng của ông.

Lời đánh giá của ông Kenchington có nội dung như sau: “Việc ông Tập Cận Bình quay trở lại với phương thức áp bức bạo lực kiểu Mao [Trạch Đông] và phương thức kiểm soát độc đoán kiểu Stalin thực sự là điều mà thế giới nên thức tỉnh và chú ý đến”.

Amazon có đang coi lời bình phẩm trên là “hành động tấn công vào những người mà bạn bất đồng quan điểm”- điều bị cấm theo nguyên tắc cộng đồng của họ – hay không?

Họ đã không xóa những lời chỉ trích đối với các tổng thống của Hoa Kỳ như ông Donald Trump hay ông Joe Biden. Tại sao họ lại sử dụng tiêu chuẩn kép khi nói đến ông Tập?

Việc Amazon từ chối đăng lời bình của ông Kenchington có phải là hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận mang đầy tính thiên vị hay không, đặc biệt là với vị thế gần như độc quyền của Amazon đối với thương mại điện tử tại các thị trường cốt lõi của công ty này?

Lời đánh giá của ông Kenchington còn có đoạn: “Các chương viết về ‘Hong Kong’, ‘Đạo Cơ đốc dưới ngọn lửa đàn áp’, ‘Tây Tạng’, ‘Nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ’ và viết về việc Trung Quốc thu hoạch cưỡng bức hàng loạt cơ quan nội tạng của cơ thể người đối với tôi là những tiết lộ gây sốc, khiến tôi vô cùng tức giận với các chính sách của Trung Quốc và với hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Hơn chục người Hong Kong cầm đèn LED và nến điện tử để xếp dòng chữ “Trả tự do cho các tù nhân chính trị HK [Hong Kong]”, trên đỉnh Lion Rock ở Hong Kong, ngày 31/12/2022. (Ảnh: Hui Tat/The Epoch Times)

Phải chăng Amazon kiểm duyệt ông Kenchington vì ông ấy nói rằng tội diệt chủng đã khiến ông ấy “tức giận”?

Một cảm xúc thích hợp về nạn diệt chủng nên là gì? Sầu não? Sợ hãi? Không gì trong những tính từ này có thể giúp người Do Thái tự bảo vệ họ khỏi cuộc diệt chủng Holocaust.

Thủ tướng Anh Winston Churchill đã tức giận trước tội ác của Adolf Hitler. Ông Churchill gọi Hitler là “ác quỷ”, “quỷ dữ”.

Rõ ràng, với nguyên tắc cộng đồng của mình, Amazon sẽ kiểm duyệt ông Churchill vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, Thủ tướng Churchill đã sử dụng sự tức giận, trong trường hợp đó, để tạo ra một hiệu ứng tốt, giải thích rằng chúng ta phải “quyết liệt” chống lại Đức quốc xã. Người ta phải rùng mình khi tưởng tượng lịch sử sẽ thay đổi theo hướng tồi tệ như thế nào nếu Hitler không khiến ông Churchill đủ tức giận để đáp lại bằng một cuộc chống trả quyết liệt không chỉ cho nước Anh mà cho cả châu Âu.

Tác giả cuốn sách, ông Rogers, đã nói về sự kiểm duyệt của Amazon trong bối cảnh ĐCSTQ đang tăng tốc gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu như sau:

“Nếu quyết định của Amazon trong việc từ chối xác nhận lời bình phẩm [của ông Kenchington] cho cuốn sách của tôi không phải là ngẫu nhiên, thì điều đó cho thấy đây là một ‘đấu trường’ khác mà ĐCSTQ đã gieo rắc nỗi sợ hãi và giành được ảnh hưởng”.

“Thật là một ngày buồn khi bộ phận kiểm duyệt [của Amazon], vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh, đã đi xa đến mức từ chối quyền của một người ở Anh đăng lời bình cho một cuốn sách về Trung Quốc”.

Ông Dean Baxendale (người Canada), ông chủ của hãng xuất bản của cuốn sách, cho biết “đây không phải là lần đầu tiên các bài phê bình sách hoặc phần mô tả sách bị Amazon kiểm duyệt; mục đích của Amazon là tránh động đến sự nhạy cảm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc”.

Ông Baxendale cho hay một cuốn sách khác do công ty của ông xuất bản, có tênWilful Blindness: How a Network of Narcos, Tycoons and CCP gents Infiltrated the West (Cố tình mù quáng: Cách thức mạng lưới ma túy, tài phiệt và quý tộc ĐCSTQ xâm nhập phương Tây) của tác giả Sam Cooper, cũng bị Amazon kiểm duyệt phần mô tả sách. Cuốn sách của ông Cooper phân tích các mối liên hệ giữa ĐCSTQ, nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp, cờ bạc, rửa tiền và các chính trị gia Canada.

“Một lúc nào đó, ông Bezos [người sáng lập Amazon] và Amazon sẽ cần phải lựa chọn giữa kiếm thêm lợi nhuận thông qua ủng hộ sử dụng lao động nô lệ ở Tân Cương hay tìm dũng khí để bảo vệ tự do và dân chủ bằng cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng…” ông Baxendale nói thêm.

“Cuốn sách này [cuốn China Nexus của ông Rogers] không dễ đọc; đọc xong cuốn sách là một nhiệm vụ khó khăn nhưng cần PHẢI làm đối với bất kỳ ai muốn hiểu mối đe dọa thực sự mà Trung Quốc tạo ra”.

Anders Corr

Xuân Hoa lược dịch

Cựu quan chức tình báo Mỹ: Trộm cắp tài sản trí tuệ cho phép Trung Quốc thống trị ngành xe điện

Một chiếc xe chạy điện mẫu của nhà sản xuất xe Trung Quốc BYD được trưng bày tại một triển lãm ô tô ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/04/2018. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Bị phó mặc để tự bảo vệ bản thân, khu vực tư nhân của Mỹ tỏ ra không phải là đối thủ của Trung Quốc trước mối đe dọa trộm cắp tài sản trí tuệ. Cách tiếp cận gây ảnh hưởng của chính quyền Bắc Kinh là đáng sợ đối với bất kỳ quốc gia nào.

Theo cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ và tác giả Nicholas Eftimiades, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ cho phép Trung Quốc thống trị thế giới xe điện (EV).

Từ năm 2021 đến năm 2022, số lượng xe điện được bán hàng năm ở Trung Quốc đã tăng từ 1,3 triệu lên 6,8 triệu, khiến năm 2022 trở thành năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Mỹ đã bán được khoảng 800.000 xe điện vào năm 2022, theo báo cáo của MIT Technology Review.

Báo cáo cho biết: “Do các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ, giảm thuế, hợp đồng mua sắm và các ưu đãi chính sách khác, một loạt thương hiệu xe điện nội địa đã xuất hiện và tiếp tục tối ưu hóa các công nghệ mới để có thể đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng Trung Quốc”.

“Họ [Trung Quốc] đã đưa ra rất nhiều ưu đãi không chỉ cho các công ty mà cả các trường đại học đầu tư vào lĩnh vực này, công nghệ pin, v.v. Và họ đã thực hiện rất nhiều hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ”, ông Eftimiades nói vớiChina in Focus trên NTD, một kênh truyền thông liên kết với The Epoch Times.

Là tác giả của cuốn sách “Hoạt động tình báo Trung Quốc”, ông chỉ ra cơ sở dữ liệu mà ông có về các vụ gián điệp Trung Quốc được báo cáo trên toàn thế giới.

“Trong số 724 trường hợp gián điệp của Trung Quốc, chúng tôi thấy khoảng 500 trường hợp hướng tới các công nghệ chính yếu, [bao gồm] công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ CNTT, công nghệ năng lượng sạch và công nghệ ô tô, xe điện”, ông Eftimiades cho biết.

Để phù hợp với thị trường đại chúng 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, ông nói, “họ hiểu rằng việc đánh cắp công nghệ và tự mình làm điều đó sẽ cho phép nền kinh tế trong nước của họ phát triển và cho phép họ xây dựng một nền kinh tế trong nước rất, rất mạnh. Vì vậy, họ đang tích cực đánh cắp các công nghệ chọn lọc”.

Không giống như hoạt động gián điệp truyền thống, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận “toàn xã hội” để chiếm được tài sản trí tuệ nước ngoài và “họ đang biến khả năng thu thập của mình trở thành công cụ chống lại ngành công nghiệp”, ông nói.

Trong khi đó, ông Eftimiades cho biết, Mỹ gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ mình trước những thách thức này vì “bộ máy an ninh của chúng ta đều hướng đến việc bảo vệ chính phủ. Vì vậy, chúng ta thực sự không hướng tới việc bảo vệ ngành công nghiệp tư nhân, nơi chứa đựng những công nghệ cũ, công nghệ tiên tiến.

“Vì vậy, thông thường, họ [khu vực tư nhân] khá bị bỏ mặc để tự bảo vệ mình. Nó đã tạo ra một ngành công nghiệp hoàn toàn mới ở Mỹ với mối đe dọa và an ninh tay trong. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ không phải là đối thủ của chính phủ Trung Quốc”.

Hàng triệu việc làm đã bị mất chỉ riêng ở Mỹ “do những nỗ lực gián điệp của họ”, ông Eftimiades nói, vì nó “được chuyển đổi sang năng lực sản xuất”.

Sự đáng sợ

Theo chuyên gia này, chiến dịch gián điệp của chế độ Trung Quốc cho phép nó tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng thông qua cưỡng chế và tham nhũng.

Ông Eftimiades nói: “Trung Quốc làm điều đó thông qua việc giữ hoặc giải phóng tài trợ ngầm cho các học giả để họ im lặng về một số vấn đề liên quan đến Trung Quốc”.

Ông mô tả cách tiếp cận này là “đáng sợ đối với bất kỳ quốc gia – dân tộc nào vì điều đó có nghĩa là bạn đang mất quyền kiểm soát đất nước của mình, lá phiếu của bạn là vô nghĩa hoặc sẽ vô nghĩa vì Trung Quốc thực sự đang kiểm soát rất nhiều vấn đề chính sách mà quốc gia của bạn buộc phải đối mặt”.

Để chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ Trung Quốc, ông Eftimiades nói rằng Mỹ nên trao sức mạnh cho khu vực tư nhân bằng cách dành nhiều nguồn lực hơn để giúp họ tự bảo vệ mình.

Ông nói, Washington phải cảnh báo Bắc Kinh về hậu quả nếu họ bị phát hiện vi phạm luật.

“Chúng ta có thể có hành động kinh tế chống lại Trung Quốc, có thể đưa một số doanh nghiệp nhà nước của họ ra khỏi sàn giao dịch chứng khoán hoặc điều gì đó tương tự”, ông nói thêm.

“Trung Quốc phải hiểu rằng có một cái giá phải trả cho hành vi bất hợp pháp của họ”.

Hannah Ng • Tiffany Meier

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts