Tin thế giới tối thứ Tư: Pháp kêu gọi EU liệt Wagner vào danh sách ‘khủng bố’; Anh Quốc đang xem xét

Prigozhin: Vẫn rút quân nếu thiếu đạn, dù Nga coi ai tự rút khỏi Bakhmut là phản bội

Yevgeny Prigozhin đang phân trần trong video đăng hôm 9/5.

Ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh lính đánh thuê Wagner, người mấy ngày nay liên tục đe dọa rút quân khỏi Bakhmut, hôm 9/5 nói trên mạng xã hội ông được thông báo rằng ông và Wagner sẽ bị coi là phản quốc nếu tự ý rút quân khỏi các vị trí ở chiến trường Bakhmut. Tuy nhiên, ông tuyên bố vẫn cứ rút quân nếu không nhận đủ đạn dược.

“Một quân lệnh được đưa ra ngày hôm qua, nêu rõ rằng nếu chúng tôi rời khỏi vị trí của mình [ở Bakhmut], điều đó sẽ bị coi là phản bội tổ quốc. Đó là thông điệp gửi tới chúng tôi,” ông Prigozhin kể lể.

“[Nhưng] nếu không có đạn dược, thì chúng tôi sẽ rời khỏi vị trí của mình, và là người hỏi ai đang thực sự phản bội tổ quốc. Rõ ràng, kẻ [phản bội tổ quốc] là người đã ký vào đó [lệnh cung cấp quá ít đạn dược].”

Reuters chỉ ra rằng đoạn video đó mang những ngôn từ thô tục kiểu nhà binh và được đăng lên mạng đúng ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức lễ duyệt binh ở Quảng trường Đỏ vào dịp ngày Chiến thắng, đánh dấu kết thúc Đại Thế chiến II.

Reuters diễn giải một video khác vào ngày 10/5 của Prigozhin, cho rằng ông trùm lính đánh thuê này đang chơi với lửa khi dám ám chỉ Tổng thống Putin như một “ông nội vui vẻ” trong một chỉ trích gay gắt rằng “hóa ra ông nội là một tên hoàn toàn khốn nạn”. Reuters báo cáo rằng Prigozhin dùng lối nói ám chỉ, và được Reuters diễn giải ý ông nói là do kết quả cuối cùng của cuộc chiến sẽ có nhiều tổn thất hơn các công bố.

Quay về vấn đề đạn dược, ông Prigozhin được biết đến là người đã liên tục đe dọa rút quân nếu vẫn thiếu đạn trong các tuyên bố đầy tính kích động.

Gần đây, Prigozhin tuyên bố quân của ông đã chiếm gần như toàn bộ trấn Bakhmut, và chỉ còn một diện tích nhỏ vẫn nằm trong kiểm soát của Ukraine.

Kể lể những chỗ xấu của Bộ Quốc phòng Nga, điều mà ông vẫn làm mấy ngày qua, Prigozhin cáo buộc rằng một số quân chính quy đã rời khỏi vị trí của họ gần đó, khiến sườn của Wagner tạm thời bị hở, một vấn đề mà lính Wagner đã phải đứng ra khắc phục.

“Đây không phải là vấn đề của những người lính. Vấn đề là ở những người quản lý họ và giao nhiệm vụ cho họ. Nhà dột từ nóc,” ông nói, gọi mệnh lệnh được đưa ra bởi cái mà ông gọi là bè lũ hẹp hòi “tội phạm” và “phản bội”.

Reuters không thể xác minh độc lập cáo buộc liên quan đến việc sườn Wagner bị bỏ trống.

Nhật Tân

Pháp kêu gọi EU liệt Wagner vào danh sách ‘khủng bố’; Anh Quốc đang xem xét

Quốc hội Pháp nói rằng lính đánh thuê Wagner tuân theo các chính sách địa chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Quốc hội Pháp đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Liên minh châu Âu chính thức coi lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga là một “nhóm khủng bố” khi xuất hiện các báo cáo rằng Vương quốc Anh dường như cũng sẵn sàng chỉ định nhóm này là một “tổ chức khủng bố”.

Nghị quyết hôm thứ Ba, không mang tính ràng buộc và phần lớn mang tính biểu tượng, đã được quốc hội Pháp thông qua với sự ủng hộ nhất trí của các chính trị gia.

“Bất cứ nơi nào có mặt, các thành viên Wagner gieo rắc bất ổn và bạo lực,” nhà lập pháp Pháp Benjamin Haddad phát biểu trước quốc hội.

“Họ giết và tra tấn. Họ tàn sát và cướp bóc. Họ đe dọa và thao túng mà hầu như không bị trừng phạt,” ông nói.

Các chiến binh Wagner không phải là những người lính đánh thuê đơn giản bị thúc đẩy bởi “sự thèm muốn tiền bạc” mà họ “đi theo một chiến lược rộng lớn, từ Mali đến Ukraine, nhằm hỗ trợ các chính sách hiếu chiến của chế độ Tổng thống [Vladimir] Putin đối với các nền dân chủ của chúng ta”, ông nói thêm.

Các nhà chức trách ở Pháp cũng đổ lỗi cho nhóm điều hành các hoạt động tuyên truyền chống Pháp ở Tây Phi, đặc biệt là Mali.

Haddad cho biết ông hy vọng nghị quyết này sẽ khuyến khích 27 thành viên của EU đưa Wagner vào danh sách chính thức của “các tổ chức khủng bố”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi quốc hội Pháp trong một thông điệp video và kêu gọi các nước khác noi gương Pháp.

“Đặc biệt cảm ơn quốc hội Pháp vì quyết định ngày hôm nay công nhận nhóm tư nhân giả danh Wagner của Nga là một tổ chức khủng bố,” ông Zelensky nói.

“Đây là điều nên được cả thế giới thừa nhận – mọi biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố phải bị tiêu diệt và mọi kẻ khủng bố phải bị kết án,” ông nói.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Vương quốc Anh đã xem xét vấn đề này trong hai tháng và việc dán nhãn Wagner là một “tổ chức khủng bố” “sắp xảy ra” trong vòng vài tuần tới, tờ The Times đưa tin hôm thứ Ba, trích dẫn một nguồn tin chính phủ.

Nếu được thông qua, tham gia Wagner, khuyến khích ủng hộ hoặc mang logo của Wagner ở nơi công cộng sẽ là một hành vi phạm tội ở Anh.

Tờ báo cho biết thêm, việc chỉ định này cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với nhóm và sẽ có những tác động đối với khả năng huy động tiền của Wagner nếu bất kỳ khoản tiền nào đi qua các tổ chức tài chính của Vương quốc Anh.

Theo tờ báo, đã có “những nghi ngờ” rằng Tập đoàn Wagner đã giúp chuyển tiền ra khỏi Vương quốc Anh sau khi các lệnh trừng phạt tài chính được áp đặt đối với các nhà tài phiệt Nga và các đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bộ Nội vụ cho biết họ đang xem xét báo cáo của Times.

Trong khi nghị quyết của Pháp kêu gọi EU chỉ định Wagner là một “tổ chức khủng bố” sẽ cho phép các thành viên EU đóng băng tài sản của nhóm này và các thành viên, đồng thời cấm các công ty và công dân châu Âu giao dịch với tổ chức này, các biện pháp trừng phạt hiện tại dường như không cản trở hoạt động của nhóm.

Wagner và nhà lãnh đạo doanh nhân Yevgeny Prigozhin đã nhiều lần bị EU trừng phạt, bao gồm cả vi phạm nhân quyền ở Châu Phi và tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ông Prigozhin đã bị đóng băng tài sản của mình ở EU vào năm 2020 và bị đưa vào danh sách đen cấp thị thực do triển khai các chiến binh Wagner đến Libya, một quyết định mà ông đã kháng cáo không thành công.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna thừa nhận hôm thứ Ba rằng về mặt pháp lý, nhãn hiệu “khủng bố” của EU sẽ không có bất kỳ “tác động bổ sung trực tiếp” nào đối với nhóm này.

Nhưng “chúng ta không nên đánh giá thấp tầm quan trọng mang tính biểu tượng của việc chỉ định như vậy, cũng như tác động ngăn cản mà nó có thể gây ra đối với các quốc gia muốn quay sang” theo Wagner, bà nói.

Quốc hội của Litva và Estonia đã gán cho Wagner là một “tổ chức khủng bố”.

Ngân Hà (theo Al Jazeera)

Lãnh đạo ASEAN bày tỏ ‘quan ngại sâu sắc’ về bạo lực ở Myanmar

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho hay, họ “quan ngại sâu sắc” về tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Myanmar và lên án vụ tấn công gần đây vào một đoàn xe vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo ở bang Shan của Myanmar.

Cuộc xung đột ở Myanmar là một trong những chủ đề chính trong đàm phán khi các nhà lãnh đạo ASEAN gặp nhau ở Indonesia.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Myanmar và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức mọi hình thức bạo lực và sử dụng vũ lực,” ASEAN cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư (10/5).

Hiệp hội kêu gọi đảm bảo “một môi trường thuận lợi để cung cấp hỗ trợ nhân đạo một cách an toàn và kịp thời cũng như các cuộc đối thoại quốc gia toàn diện”.

Ngày 8/5, Indonesia và Singapore đã lên án vụ tấn công đoàn xe viện trợ chở các nhà ngoại giao trong khu vực, trong đó có hai nhân viên của Đại sứ quán Singapore ở Yangon.

Một số chi tiết đã được tiết lộ về vụ nổ súng ở bang Shan phía Đông Myanmar. Phía Singapore và Indonesia thông báo, nhân viên của hai nước này đều không gặp vấn đề gì.

“Chúng tôi lên án vụ tấn công và nhất định thủ phạm sẽ phải chịu trách nhiệm,” các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố hôm 10/5.

“Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của nước chủ tịch ASEAN, bao gồm cả việc tiếp tục cam kết với tất cả các bên liên quan ở Myanmar, để thúc đẩy tiến bộ trong việc thực hiện Đồng thuận Năm điểm.”

Đồng thuận Năm điểm này đề cập đến một kế hoạch hòa bình được nhất trí giữa ASEAN và chính quyền quân sự Myanmar vào năm 2021, vài tháng sau khi nó lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi. Đến nay, thỏa thuận này vẫn chưa được thực thi.

Reuters đưa tin, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch ASEAN hiện tại, từng cho rằng Hiệp hội cần lên tiếng và coi đây như một trong những vấn đề thách thức nhất của họ. “ASEAN sẽ chỉ im lặng hay ASEAN sẽ có thể trở thành động lực, hòa bình hay tăng trưởng?” ông đặt câu hỏi.

Tại một cuộc họp báo hôm 8/5, ông Widodo kêu gọi “không gian đối thoại để cùng nhau tìm ra giải pháp”.

ASEAN ngày càng trở nên quyết đoán với chính quyền quân sự của Myanmar về việc nước này không thực hiện Đồng thuận Năm điểm, và thậm chí còn cấm các tướng lĩnh tham gia các cuộc họp cấp cao.

Nhật Minh (Theo CNA)

Related posts