Thù hận

Đặng Duy Hưng 

Có lẽ anh may mắn hơn nhiều người bởi từ nhỏ lớn lên luôn sống trong sự thương yêu. Chưa bao giờ có ai chung quanh dạy hay chỉ bày anh phải thù người này hay ghét người kia bởi vì họ khác tôn giáo hay đến từ mảnh đất nổi tiếng cực đoan có giọng nói khác biệt. Dĩ nhiên càng lớn lên anh học được một điều dù bản thân có tốt cở nào nhưng vẫn có kẻ ghét như người đời thường nói:  “Some people only hate you because of the way other people love you.” (Tạm dịch: Một số người hay ghét bạn chỉ vì cách người khác yêu mến bạn.)

Hồi lớp 5, anh học rất giỏi và được thầy giáo thưởng giấy khen hàng tháng. Gia đình anh lại giàu có, bút Parker, đồng hồ Seiko mỗi thứ anh có hai cái để thay đổi khi đi học. Anh hiền lành, đối xử tốt với mọi người nhưng anh có cảm giác là Hạnh và Trúc, hai người bạn gái cùng lớp luôn nhìn anh bằng ánh mắt không được thân thiện cho lắm. Anh cũng không mấy bận tâm bởi anh chỉ mới mười tuổi đời chỉ thích đánh bi, bắt dế hay ra bàu vớt lăng quăng về cho cá ăn hết ngày mất rồi. Cuối năm trường bế giảng với tiết mục “Đố vui để học.” Thầy cô giáo chia hai nhóm, ba nam đấu với ba nữ giỏi nhất trường. Phía anh thắng đậm, anh lại lãnh thêm phần thưởng xuất sắc nhất. Anh khệ nệ khiêng hai phần thưởng cá nhân qua tặng Hạnh bởi anh biết gia cảnh cô ấy rất nghèo. Không ngờ cô ấy xô quà xuống đất rồi giận dữ chạy đi. Anh đứng nhìn theo kinh ngạc chẳng hiểu lý do gì?

Anh thi đậu vào lớp 6 trường Phan Chu Trinh; Hạnh vào Hồng Đức học chưa hết khoá thì miền nam thay đổi chính quyền. Mãi mấy năm sau anh mới gặp lại khi anh đang xếp hàng chờ lãnh quà nước ngoài. Ngó ra đường anh thấy Hạnh đi ngang nói bâng quơ: “một lũ phản động lai căng ăn bám đế quốc.”

Đôi mắt đó của Hạnh đầy ắp hận thù như muốn ăn tươi nuốt sống anh. Sau năm 1975, anh bắt đầu hiểu sự hận thù khác biệt giai cấp. Anh hiểu chẳng có cách nào có thể làm giảm đi cái mối hận trong tâm can khi cả đất nước hàng triệu con người ngã xuống cho hai lý tưởng khác biệt. Gia đình thân nhân hai bên đồng ôm mối hận, cộng thêm hơn trăm ngàn người phơi xác trên biển đi tìm tự do, hận càng chồng chất thêm hận.

Ngày ngồi trên tàu bồng bềnh trên biển vượt biên hay lần đầu tiên ngồi trên máy bay về lại thăm quê hương, anh luôn mơ ước có sự hòa hợp và hòa giải đến mọi nhà. Nhưng rồi mỗi sáng thức dậy, thực tế lại không như là mơ. Sáng hôm đó, anh nhớ mãi lúc đang ngồi ăn bò tái cao lâu, anh gặp một khuôn mặt quen quen đến bên bàn anh hỏi anh có nhớ không? Hoá ra là Trúc nhưng vui vẻ thân thiện hơn “ngày ấy.” Hai đứa nói chuyện khá vui gần gủi giống như 2 tình nhân lâu ngày không gặp. Đến nỗi mấy lần điện thoại Trúc reng kêu giục Trúc về nhà có công việc làm ăn gấp nhưng Trúc cứ coi như không quan trọng.

Trúc tâm sự: “Hạnh xuất huyết mất sau khi sanh đứa con thứ ba. Làm người đàn bà Việt Nam ở xã hội cộng hòa hay cộng sản đều giống nhau. Phải ráng có đứa con trai nối dõi cho ba mẹ chồng. Kế hoạch hóa gia đình ở thành phố ngăn cản và trừng phạt không cho có nhiều con. Hạnh phải đi thành phố khác chạy chọt tìm cách sinh sản. Không ngờ cả mẹ lẫn con đều chết.

Mấy năm trước có một lần Hạnh tâm sự với Trúc: “Hận thù trong máu sôi sục sau biến cố 1975, Hạnh cùng gia đình say men chiến thắng nên không biết phân biệt ai bạn, ai thù? Sau này nghĩ lại, Hạnh thấy có lỗi với Hùng thật nhiều. Vài lần thấy Hùng về thăm nhà, Hạnh thật sự muốn gặp nhưng rồi lại thôi.”

Đến viếng ngôi mộ Hạnh còn mới, khuôn mặt Hạnh như cười nhẹ khi nhìn Hùng: “Chuyện xưa hãy cố quên nhé bạn. Tụi mình còn sống hay chết đều là nạn nhân buổi giao thời.”

Đặng Duy Hưng 

Related posts