Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước Trung Á vốn là sân sau của Nga

Trung Quốc tuần này sẽ lần đầu tiên chủ trì tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với các quốc gia Trung Á nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ với khu vực vốn được xem là sân sau của Nga trong bối cảnh Moscow đang phải tập trung nguồn lực vào cuộc chiến tranh Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thảo luận làm sâu sắc các mối liên kết kinh tế và an ninh với những người đồng cấp đến từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đây là 5 quốc gia từng thuộc Liên Xô và được cho là đang mong muốn tìm các nguồn lực thay thế các khoản đầu tư từ Nga khi Moscow phải dồn lực vào cuộc chiến tranh tại Ukraine.

Theo Reuters, hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Á sẽ diễn ra trong hai ngày từ thứ Năm (18/5), gần như trùng khớp với hội nghị G7 họp tại Nhật Bản nơi các quốc gia phát triển nhất thế giới bàn thảo về nỗ lực ứng phó với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Adina Masalbekova của Học viện OSCE tại Bishkek nhận định: “Bắc Kinh muốn thúc đẩy thay thế trật tự toàn cầu, và cố gắng thuyết phục khu vực Trung Á rằng trật tự toàn cầu mới cũng là tốt hơn cho họ”.

Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Trung Quốc – Trung Á được tổ chức lần đầu vào năm ngoái, nhưng là dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tây An, Trung Quốc được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á trực tiếp lần đầu tiên. Thành phố thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây này là biểu tượng về tầm quan trọng của các mối quan hệ kinh tế vì nơi đây đóng vai trò then chốt trong con đường thương mại Tơ Lụa cổ đại bao trùm Trung Á.

Hướng tới hội nghị thượng đỉnh này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực là cánh cổng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc – chính sách cơ sở hạ tầng chính được ông Tập Cận Bình loan báo khi đến thăm Kazakhstan năm 2013.

Hai dự án BRI chính hiện tại đang được thảo luận là một hệ thống đường sắt kết nối Trung Quốc với Kyrgyzstan và Uzbekistan và một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan.

Cũng theo Reuters, các lãnh đạo của các quốc gia Trung Á đã đến Tây An để họp một – một với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Năm (18/5) trước khi họp thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á vào thứ Sáu (19/5).

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong hội nghị thượng đỉnh của 6 nhà lãnh đạo vào 19/5, ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu “quan trọng” và các bên cũng sẽ ký kết một văn kiện chính trị “quan trọng”.

Nguyên thủ Trung Á đầu tiên đến Tây An là Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan. Ông Tokayev đã họp với Chủ tịch Tập hôm thứ Tư (17/5) và hai bên đã ký thỏa thuận xây dựng “mối quan hệ hữu nghị lâu dài” và “chia ngọt sẻ bùi”. Kazakhstan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Trung Á.

“Chúng ta có một mục tiêu chung là tăng cường mối quan hệ song phương”, Reuters dẫn lời ông Tokayev nói với ông Tập.

“Chúng ta cũng thống nhất mong muốn củng cố an ninh và hợp tác khu vực và quốc tế”, ông Tokayev nói thêm.

Hai bên đã đồng ý thực hiện các biện pháp để đảm bảo vận hành an toàn và ổn định đoạn đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc – Trung Á đi qua Kazakhstan và cũng làm sâu sắc thêm hợp tác về dầu mỏ và uranium.

Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov cũng đã họp với ông Tập Cận Bình và nói rằng ông mong muốn làm sâu sắc thêm các liên kết thương mại, kinh tế và đầu tư.

“Không có các bất đồng chính trị hay các vấn đề không thể giải quyết giữa hai nước chúng ta”, ông Japarov nói.

“Chúng ta đem đến cho nhau sự ủng hộ về các vấn đề mang tính thời sự và quan trọng đối với mỗi nước”, ông Japarov nói thêm.

Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Trung Á đã đạt kỷ lục vào năm ngoái với trị giá 70 tỷ USD. Kazakhstan dẫn dầu với 31 tỷ USD, tiếp đến là Kyrgyzstan 15,5 tỷ USD, Turkmenistan 11,2 tỷ USD, Uzbekistan 9,8 tỷ USD và Tajikistan 2 tỷ USD.

Hải Đăng

Related posts