Hội nghị thượng đỉnh G7 của các nền dân chủ phương Tây đã kết thúc với một giọng điệu gay gắt chưa từng có đối với Trung Quốc. Bảy nền dân chủ hùng mạnh nhất về kinh tế – Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Ý và Canada – đã đưa ra một tuyên bố ngày 20/5 chứa đựng một loạt mối quan ngại đối với chính phủ ở Bắc Kinh, bao gồm cả việc họ không gây áp lực buộc Nga phải chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine.
Tuyên bố cũng đề cập đến một danh sách các “mối quan ngại” về Trung Quốc liên quan Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong, Biển Đông, can thiệp chính trị vào các nền dân chủ, biến đổi khí hậu, bảo tồn môi trường, các khoản vay của các quốc gia dễ bị tổn thương, sức khỏe cộng đồng toàn cầu, và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuyên bố vội vàng này nhằm trấn an Bắc Kinh rằng các nước G7 vẫn mong muốn hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyên bố này ngụ ý rằng sự hợp tác đó không đến từ phía Trung Quốc. G7 bác bỏ việc “tách rời” kinh tế khỏi Trung Quốc nhưng ủng hộ các chiến lược có liên quan chặt chẽ khác như “giảm thiểu rủi ro” và “đa dạng hóa” chuỗi cung ứng.
Bắc Kinh rõ ràng không hài lòng. Cho dù người ta gọi nó là “tách rời” hay “giảm thiểu rủi ro” thì kết quả cuối cùng cũng giống nhau: sự đa dạng hóa dần dần chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia thân thiện hơn.
Tuyên bố
nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết những thách thức do các chính sách và thông lệ phi thị trường của Trung Quốc gây ra, vốn làm biến dạng nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi sẽ chống lại các hành vi nguy hiểm như chuyển giao công nghệ trái phép hoặc tiết lộ dữ liệu”.
Các nước G7 cũng tuyên bố dứt khoát rằng họ sẽ “kiên cường trước sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc” và sẽ bảo vệ “một số công nghệ tiên tiến nhất định, những công nghệ có thể được sử dụng để đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta mà không hạn chế quá mức thương mại và đầu tư”.
Vào ngày 22/5, Thủ tướng Rishi Sunak của Vương quốc Anh đã gọi Trung Quốc là “thách thức mang tính thời đại” và tuyên bố rằng phương Tây cần có một chính sách toàn diện để bảo vệ các công nghệ nhạy cảm như chất bán dẫn, máy tính lượng tử và thiết bị lưỡng dụng.
Phát biểu vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, ông Sunak nói: “Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Họ ngày càng độc đoán ở trong nước và quyết đoán hơn ở nước ngoài”.
Tuyên bố chung của G7 cũng dứt khoát bác bỏ những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xâm phạm các yêu sách của các nước khác ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép”, tuyên bố chung của G7 nêu rõ.
“Không có cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông và chúng tôi phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực”.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh các vấn đề nhân quyền và dân chủ, viện dẫn những lo ngại về lao động cưỡng bức ở Tây Tạng và Tân Cương, cũng như việc Bắc Kinh vi phạm Hiệp ước Hong Kong.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các cam kết của mình theo Tuyên bố chung Trung – Anh và Luật cơ bản về Hong Kong, trong đó đảm bảo các quyền, tự do và mức độ tự trị cao cho Hong Kong”, tuyên bố cho biết.
Một tài liệu tham khảo rõ ràng đến việc một Đại sứ Trung Quốc đã bác bỏ chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, cũng như sự can thiệp được tiết lộ gần đây của Bắc Kinh vào các quá trình dân chủ của Canada, tuyên bố này ngụ ý rằng Trung Quốc đã vi phạm các thỏa thuận quốc tế cơ bản nhất về ngoại giao và dân chủ.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hành động phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao và Công ước Viên về Quan hệ Lãnh sự, đồng thời kiềm chế tham gia vào các hoạt động can thiệp nhằm phá hoại an ninh và an toàn của các cộng đồng của chúng tôi, cũng như sự toàn vẹn của các thể chế dân chủ và sự thịnh vượng kinh tế của G7”, tuyên bố cho biết.
Các nước G7 đã thể hiện rõ lập trường ủng hộ của họ đối với Ukraine. Tổng thống nước này cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc gây áp lực buộc Nga chấm dứt hành động gây hấn quân sự và rút quân ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện khỏi Ukraine. Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc ủng hộ một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm cả thông qua đối thoại trực tiếp với Ukraine”.
Bắc Kinh đã rất tức giận trước tuyên bố này, đồng thời mô tả G7 là một “hội thảo chống Trung Quốc” và “trút giận” lên Nhật Bản và Vương quốc Anh.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản để phản đối “việc cường điệu các vấn đề liên quan đến Trung Quốc” tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản.
Tuyên bố của G7 đã gia tăng áp lực lên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và buộc ĐCSTQ phải tuân thủ các quyền cơ bản của con người cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia có chủ quyền trong hệ thống quốc tế. Các nền dân chủ hùng mạnh nhất thế giới, có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt xa Trung Quốc, hiện đã chứng minh rằng họ đang có lập trường thống nhất chống lại sự hung hăng của ĐCSTQ và ủng hộ đất nước bằng sức mạnh kinh tế đáng kể.
Thành tựu này của G7 là một điều hiếm có trong chính trị quốc tế và nói lên tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác thân cận nhất của chúng ta, những người mà chúng ta chia sẻ không chỉ thương mại hoặc đầu tư, mà còn cả các giá trị và quyền dân chủ mà mọi người đều xứng đáng được hưởng.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).