Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã tăng tới mức cao kỷ lục, sinh viên tốt nghiệp đại học đang phải vật lộn để kiếm việc làm.
Dữ liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của cư dân thành thị Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi đã đạt mức kỷ lục trong tháng Bốn với 20,4%. Đây là con số cao nhất kể từ khi dữ liệu này được thống kê vào năm 2018. Bên cạnh đó, có hàng triệu sinh viên đại học dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm nay.
CNBC đưa tin, bà Yao Lu, Giáo sư khoa xã hội học tại Đại học Columbia ở New York, Mỹ nói rằng điều này có nghĩa là “cuối cùng bong bóng đại học của Trung Quốc đã vỡ”.
Bà nói: “Việc [Trung Quốc] mở rộng đào tạo đại học vào cuối những năm 1990 đã tạo ra một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học, nhưng lại có sự chênh lệch giữa cung và cầu trong lao động tay nghề cao”. Bởi vì nền kinh tế Trung Quốc không lên theo kịp.
Trong một bài luận do Giáo sư Yao Lu và Giáo sư Xiaogang Li của Đại học Giao thông Tây An làm đồng tác giả, các giáo sư ước tính rằng, ngoài tỷ lệ thanh niên thất nghiệp không ngừng gia tăng, Trung Quốc còn có ít nhất 1/4 sinh viên tốt nghiệp đại học đang thiếu việc làm.
Giáo sư Yao Lu nói với CNBC: “Để tránh thất nghiệp, ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhận những công việc không tương xứng với trình độ và kinh nghiệm của họ”.
Sinh viên đại học khó kiếm việc làm
Nghiên cứu của Đại học Stanford cho thấy, thu nhập trong ít nhất 10 đến 15 năm của những sinh viên tốt nghiệp đại học trong thời kỳ suy thoái hoặc nền kinh tế tồi tệ đều sẽ ít hơn so với những người tốt nghiệp trong thời kỳ kinh tế phát triển.
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, chính sách Zero Covid cực đoan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến các nhà máy phải đóng cửa. Năm ngoái, “thủ đô tài chính” Thượng Hải đã bị phong tỏa trong hai tháng, nền kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs cho biết, vào đầu năm nay, sự sụt giảm trong lĩnh vực dịch vụ có thể góp phần vào tỷ lệ thất nghiệp cao hiện nay ở thanh niên Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư này ước tính rằng, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc có thể đạt đỉnh vào các tháng 7 và 8 trong mùa hè này khi một lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường tìm việc.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng việc đưa những người trẻ tuổi trở lại làm việc sẽ giúp phục hồi nền kinh tế Trung Quốc. Bởi nó sẽ giúp khôi phục sức chi tiêu của giới trẻ. Ở Trung Quốc, mức tiêu dùng của nhóm người này thường chiếm gần 20%.
Chỉ là những công việc này có thể không phù hợp với nguyện vọng của họ hoặc những gì họ được đào tạo trong trường.
Giáo sư Yao nói, “Tôi nghĩ điều trớ trêu là ngày nay, đối với hầu hết sinh viên tốt nghiệp đại học, một tấm bằng đại học không đủ để họ tìm được một công việc [yêu cầu] kỹ năng cao”. Nhưng đồng thời, trong thời đại mà người người đều chạy theo bằng cấp hiện nay thì tấm bằng đó cũng chẳng đáng kể gì.
Bà Yao nói với CNBC rằng, tình trạng dân số già hóa và dân số suy giảm của Trung Quốc sẽ làm giảm số người tham gia hoạt động kinh tế, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ở thanh niên “có thể tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế”.
Cấu trúc mất cân bằng
Theo Cục Thống kê Trung Quốc, trong số 96 triệu lao động thành thị trong độ tuổi từ 16 – 24, có 6 triệu người hiện đang thất nghiệp. Goldman Sachs ước tính rằng, dựa trên con số này, hiện nay số thanh niên thành thị thất nghiệp so với trước đại dịch COVID-19 đã tăng thêm 3 triệu người.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là “khoảng 5%”. Đây là mức thấp nhất trong hơn ba thập kỷ qua. Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng 4,5% trong quý I năm nay. Trước đó, Trung Quốc vừa trải qua gần ba năm phong tỏa nghiêm ngặt vì COVID.
Quốc vụ viện Trung Quốc vào tháng Bốn năm nay đã công bố phương án gồm 15 điểm kế hoạch để kết nối những người tìm việc trẻ tuổi với các vị trí đang được tuyển dụng. Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng, cấu trúc trong thị trường lao động Trung Quốc đã mất cân bằng từ lâu và rất khó để giải quyết.
Bà Yao nói, đầu tiên là sự tách rời giữa thị trường lao động và các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học. “Các trường cao đẳng, đại học có sự hiểu biết nhất định về điều kiện thị trường lao động và nhu cầu của nhà tuyển dụng, nhưng nhiều khi những hiểu biết của họ đã không còn hợp thời và có thể bị bóp méo theo thời gian”.
Ngoài ra còn không có sự tương thích giữa những kỳ vọng không ngừng thay đổi của nhóm người trẻ tuổi và một nền kinh tế không theo kịp nguyện vọng của họ.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, dự kiến đến năm 2025, ngành sản xuất ở Trung Quốc sẽ có gần 30 triệu việc làm bị bỏ trống, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên gia tăng. Cơ quan này cho biết, con số trên chiếm gần như một nửa trong tổng số lượng việc làm trong ngành này.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Minh Lý biên dịch