Căng thẳng ở biên giới Trung Quốc – Ấn Độ, 2 nước liên tiếp trục xuất tất cả nhà báo của nhau

Ảnh minh họa.

Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư 31/5 rằng, đã có hành động “thích hợp” để đáp trả việc Ấn Độ đối xử bất công với các nhà báo của họ, đây là động thái leo thang căng thẳng mới nhất giữa 2 nước láng giềng lớn nhất châu Á.

Tạp chí Phố Wall cũng đưa tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã trục xuất gần như tất cả các nhà báo của nhau trong 3 tuần gần đây. Ấn Độ đã từ chối gia hạn thị thực cho hai nhà báo truyền thông nhà nước Trung Quốc cuối cùng ở Ấn Độ. Trong khi đó, ít nhất hai phóng viên Ấn Độ đã không được cấp thị thực để trở lại làm việc tại Trung Quốc và một phần ba số nhà báo truyền thông Ấn Độ được thông báo rằng họ đã bị thu hồi giấy phép.

Lý do của động thái trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng các phóng viên Trung Quốc đã bị đối xử bất công ở Ấn Độ trong nhiều năm liền:

“Điều tôi có thể nói với các bạn là có một thời gian dài, các nhà báo Trung Quốc đã bị đối xử bất công và phân biệt đối xử ở Ấn Độ, và từ năm 2017, phía Ấn Độ đã rút ngắn thời hạn thị thực của các nhà báo Trung Quốc xuống còn ba tháng hoặc thậm chí một tháng mà không có lý do. Và phóng viên Trung Quốc cuối cùng ở Ấn Độ đã hết hạn thị thực”.

Mao Ninh nói thêm: “Trước sự đàn áp kéo dài và vô lý này của phía Ấn Độ, phía Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp đối phó thích hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giới truyền thông Trung Quốc,” 

Nguyên nhân sâu xa của sự việc trên bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước, khi Trung Quốc và Ấn Độ kết thúc cuộc chiến tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya vào đầu những năm 1960. Mối quan hệ của giữa 2 nước càng xấu hơn vào giữa năm 2020, khi quân đội của họ đụng độ ở biên giới làm 24 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Đầu năm 2023, Trung Quốc càng làm căng thẳng gia tăng đến đỉnh điểm bằng cách đổi tên 11 địa điểm ở bang Arunachal Pradesh, miền đông Ấn Độ – nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và gọi nơi đây là miền nam Tây Tạng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết tình trạng của các nhà báo Ấn Độ ở Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào thái độ của Ấn Độ đối với các nhà báo của họ. 

Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao lại vẽ thêm 11 địa điểm ở bang Arunachal Pradesh, miền đông Ấn Độ vào bản đồ Trung Quốc, Mao Ninh lại từ chối trả lời.

Sự kiện trục xuất nhà báo của nhau từ 2 quốc gia đông dân nhất thế giới cho thấy rạn nứt lớn về quan điểm chính sách lãnh thổ của Trung Quốc và Ấn Độ đã đến mức độ không thể dùng truyền thông để giải quyết mâu thuẫn. Cùng với việc tăng binh ngày càng nhiều, đụng độ ma sát giữa các nhóm bộ đội biên phòng nhỏ lẻ diễn ra thường xuyên hơn, một kịch bản chiến tranh mới đã có thể sẵn sàng.

Related posts