Vào dịp kỷ niệm 34 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn, một hội đồng thuộc quốc hội Hoa Kỳ đã đề cử các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc cho Giải Nobel Hòa bình năm 2023.
34 năm trước, vào ngày 03/06/1989, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra lệnh cho quân đội giải tán những người biểu tình do sinh viên lãnh đạo – những người này đã chiếm Quảng trường Thiên An Môn trong gần 2 tháng để đòi dân chủ ở Trung Quốc. Sáng sớm ngày 04/06, xe tăng và quân đội được điều động để dọn sạch khu vực này. Hàng trăm sinh viên, nếu không muốn nói là nhiều hơn, đã bị chính quyền giết chết.
ĐCSTQ chưa bao giờ thừa nhận hành động giết người của họ. Thay vào đó, các chiến dịch tuyên truyền của Đảng nói với người dân Trung Quốc rằng các sinh viên đã bị “lực lượng nước ngoài chống Trung Quốc” lôi kéo và lợi dụng, và nhiều binh sĩ đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ bạo lực.
Nhân dịp 34 năm ĐCSTQ thảm sát Thiên An Môn, với việc đề cử các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc, Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) – một hội đồng lưỡng đảng và lưỡng viện của Hoa Kỳ – muốn bảo tồn sự kiện lịch sử này và đề cao ước nguyện tự do của người dân Trung Quốc.
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc cung cấp đầy đủ thông tin về tất cả những người đã bị giết chết, bị giam giữ hoặc mất tích liên quan đến các cuộc biểu tình ôn hòa ở Quảng trường Thiên An Môn và tại hơn 400 thành phố khác ở Trung Quốc”, CECC nói trong một tuyên bố ngày 02/06. “Chúng ta phải tiếp tục ghi nhớ vụ Thảm sát Thiên An Môn và không bao giờ cho phép ĐCSTQ xóa nó khỏi sử sách”.
Năm nay, CECC đề cử 3 công dân Trung Quốc của một thế hệ mới dám tiếp tục theo đuổi nền dân chủ. Họ đều là những người đứng lên vạch trần và phản đối các biện pháp phong tỏa hà khắc chống COVID-19 của ĐCSTQ. Một số nhà hoạt động dân chủ Hong Kong cũng được đề cử.
Bành Lập Phát
Ngày 13/10/2022, ứng cử viên Giải Nobel Hòa bình năm 2023 Bành Lập Phát (Peng Lifa) đã treo một loạt biểu ngữ trên cầu vượt Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh; các biểu ngữ này chỉ trích chính sách zero-COVID ở Trung Quốc và chỉ trích nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.
“Hãy phế truất Nhà độc tài Tập Cận Bình”, một biểu ngữ viết.
Biểu ngữ khác viết: “Chúng tôi không muốn xét nghiệm axit nucleic, chúng tôi muốn có thức ăn; chúng tôi không muốn phong tỏa, chúng tôi muốn tự do; chúng tôi không muốn dối trá, chúng tôi muốn phẩm giá; chúng tôi không muốn Cách mạng Văn hóa, chúng tôi muốn cải cách; chúng tôi không muốn các nhà lãnh đạo độc tài, chúng tôi muốn các cuộc bầu cử; chúng tôi không muốn làm nô lệ, chúng tôi muốn làm công dân”. Những biểu ngữ phản đối ở cây cầu vượt Tứ Thông ở Bắc Kinh, ngày 13/10/2022. (Ảnh chụp màn hình tài khoản Twitter của Fangshimin/The Epoch Times)
Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ ông Bành vào cùng ngày ông giăng biểu ngữ biểu tình. Người ta không còn biết bất kỳ thông tin nào về ông kể từ đó.
Lý Khang Mộng
Ứng cử viên thứ hai là nữ sinh Lý Khang Mộng (Li Kangmeng) của Học viện Truyền thông Nam Kinh; cô được cho là người đầu tiên cầm một tờ giấy trắng vào tháng 11 năm ngoái để phản đối chính sách zero-COVID và để thể hiện sự bất bình trước việc thiếu tự do ngôn luận ở Trung Quốc. Hành động của cô đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người làm điều tương tự trong các cuộc biểu tình của họ, được gọi là “phong trào sách trắng”.
Chất xúc tác cho “phong trào sách trắng” là vụ hỏa hoạn gây chết nhiều người tại một tòa nhà chung cư cao tầng ở thành phố Urumqi, thủ phủ khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc, vào ngày 24/11/2022. Trước đó, người dân tại đây đã bị phong tỏa trong hơn 3 tháng để chống COVID-19. Người ta nói rằng các biện pháp kiểm soát đại dịch xung quanh và bên trong tòa nhà đã khiến đội cứu hỏa không thể tiếp cận hiện trường kịp thời và bởi vậy mà nhiều người dân đã chết thương tâm. Nhiều người tin rằng con số những người thiệt mạng cao hơn nhiều so với con số chính thức là 10 người mà chính quyền công bố.
Tháng đó, một loạt các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Trung Quốc. Người dân ở Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố khác đã xuống đường để tưởng nhớ những người đã mất và bày tỏ sự bất bình với chính sách zero-COVID.
Trương Triển
Ứng cử viên thứ ba cho Giải Nobel Hòa bình năm 2023 là nhà báo công dân Trương Triển (Zhang Zhan), người đã đưa tin trực tiếp về sự bùng phát của đại dịch COVID-19, bất chấp việc chính quyền ra sức che đậy thông tin. Cô đã mất tích ở Vũ Hán, nơi đầu tiên bùng phát virus corona, vào tháng 05/2020. Tháng 12/2020, cô bị kết án 4 năm vì tội danh gây rối trật tự xã hội. Cô Trương hiện bị giam giữ tại Nhà tù dành cho Nữ ở Thượng Hải.
Tuyên bố của CECC viết: “Những người anh hùng này nên được thế giới vinh danh vì lòng dũng cảm của họ, và cộng đồng quốc tế phải yêu cầu [Trung Quốc] trả tự do vô điều kiện cho họ”.
Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong
Các thành viên CECC cũng đề cử một số người Hong Kong cho Giải Nobel Hòa bình năm 2023. Những người được đề cử bao gồm Jimmy Lai – ông trùm truyền thông Hong Kong bị bắt vào tháng 08/2020 vì vi phạm luật an ninh quốc gia Hong Kong (một đạo luật với các tội danh được định nghĩa mơ hồ thường được sử dụng để dập tắt bất đồng chính kiến) được thông qua 2 tháng trước đó; Hồng y Joseph Zen – một người dám thẳng thắn bênh vực cho tự do ở Hong Kong; và Joshua Wong – một nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi ở Hong Kong.
Theo The Epoch Times