Nga đã giành chiến thắng trong Trò chơi Vĩ đại

Gregory Copley

Nga dường như cuối cùng đã đảm bảo được quyền tiếp cận vùng nước ấm của Ấn Độ Dương, mục tiêu mà nước này đã theo đuổi quyết liệt từ thế kỷ 17. Trò chơi vĩ đại cũ có thể kết thúc, nhưng một trò chơi mới đã bắt đầu.

Liên kết hậu cần chiến lược mới của Nga và các liên minh chính trị ở phía nam tới Ấn Độ Dương là kết quả của nhiều năm làm việc. Chính phủ Nga của Tổng thống Vladimir Putin đã phải trải qua nhiều thất bại để đạt được điều này. Nhiều tuyến đường giao thông ven sông, đường bộ và đường sắt đã phát triển ở Nga trong nhiều thế kỷ qua và ở Iran trong hơn nửa thế kỷ qua hoặc lâu hơn.

Các đường dây liên lạc của Nga và Iran cuối cùng đã kết nối với nhau. Lối đi quá cảnh đến Ấn Độ Dương đã có thể đi vào hoạt động.

Một khía cạnh quan trọng, giúp thống nhất của mạng lưới giao thông này được hoàn thiện vào ngày 17/05. Ông Putin và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã ký kết qua liên kết video về một thỏa thuận Nga – Iran nhằm tài trợ và xây dựng tuyến đường sắt Rasht-Astara như một phần quan trọng của Hành lang Giao thông Bắc Nam. Tuyến đường này liên kết với các tuyến đường sắt của Azerbaijan và hướng về phía bắc tới các tuyến đường sắt của Nga.

Điều này – với điều kiện Moscow có thể củng cố tuyến đường tiếp cận mới này và đảm bảo rằng họ có thể duy trì quyền lực của chính quyền giáo sĩ ở Iran – là yếu tố quyết định của “Trò chơi vĩ đại” nhằm kiểm soát các khu vực trọng yếu của vùng trung tâm Á – Âu, bao gồm Kavkaz, Iran và Trung Á, để Nga có thể giao thương như một cường quốc hàng hải ở Ấn Độ Dương.

[Trò chơi vĩ đại: sự đối đầu giữa Anh Quốc và Nga vào khoảng thế kỷ 19 tại Trung và Nam Á]

Điều đáng chú ý là cuộc xung đột Nga – Ukraine đã giúp kích thích sự phát triển của liên kết thương mại mới, một phần bằng cách giúp củng cố sự phụ thuộc của các giáo sĩ Iran vào Nga. Đó có thể là tác động cuối cùng để Tehran từ bỏ nỗi sợ hãi truyền thống về Moscow. Ngoài ra, điều đáng chú ý là Chiến tranh Krym từ 1853 đến 1856 giữa một bên là Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, và một bên là Đế quốc Nga, đóng vai trò như một dấu mốc trong Trò chơi vĩ đại.

Tuy nhiên, một biến số trong Trò chơi vĩ đại là sự sụp đổ của Đế chế Xô viết vào năm 1991. Sự kiện này đã trao lại độc lập cho các vương quốc cổ đại ở Trung Á và Azerbaijan, mặc dù dưới các hình thức địa chính trị mới so với trước đây. Năm quốc gia Trung Á, cũng như Azerbaijan – và Afghanistan, và Pakistan ở phía nam – có tác động phức tạp trong cấu trúc chiến lược mới của Á – Âu. Có ảnh hưởng tương tự là sự bán phục tùng của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, giống như Iran, đối với Moscow.

Dù sao đi nữa, sự kết hợp của các tuyến đường sắt, đường bộ, đường sông và đường biển – được gọi là Hành lang Giao thông Bắc – Nam Quốc tế – cung cấp khả năng vận chuyển hàng hóa từ St. Petersburg, trên Biển Baltic ở tây bắc nước Nga, qua Moscow đến Astrakhan (hoặc Makhachkala, trước đây là Petrovskoye, ở vùng Dagestan của Nga) trên bờ biển phía bắc Caspi, từ đó đi bằng đường bộ hoặc đường sắt qua Azerbaijan, hoặc đường biển đến bờ biển phía nam Caspi của Iran, và đến Bandar Abbas và có thể là Chahbahar trên bờ biển Ả Rập của Iran. Tuyến đường này này đã đảm bảo rằng Nga có thể không cần dùng đến các tuyến đường biển cũ qua Đại Tây Dương, Biển Đen/Địa Trung Hải và Biển Đỏ.

Các tàu hạng nặng trên sông từ lâu đã đi từ St. Petersburg đến Astrakhan và vào biển Caspi, và vào năm 2015, một con tàu chở hàng dài 155,8 mét với mớn nước chỉ 3,4 mét đã chứng minh đây có thể là tuyến đường vận chuyển mà xe cộ có thể trực tiếp đi lên tàu. Ngoài ra còn có nhiều đường liên kết từ Astrakhan về phía nam qua Dagestan của Nga và Azerbaijan đến Iran. Tuy nhiên, phương án đơn giản nhất có thể là việc vận chuyển container từ Nga thông qua tàu đến các tuyến đường sắt và đường bộ của Iran về phía nam tới Bandar Abbas (tại eo biển Hormuz) và, có lẽ là Chahbahar, xa hơn về phía đông ở tỉnh Sistan và Baluchistan của Iran trên Biển Ả Rập/Ấn Độ Dương.

Tuyến đường mới khởi xướng quá trình giảm bớt sự độc quyền của Kênh đào Suez do Ai Cập kiểm soát, vốn việc thống trị các liên kết thương mại Đông – Tây (hiện Suez chiếm khoảng 12% thương mại hàng hải thế giới).

Sự thống trị của Suez có thể giảm bớt hơn nữa bởi một kênh đào hai dòng được đề xuất tại Israel – Kênh đào Ben Gurion – từ Địa Trung Hải đến Vịnh Aqaba và Biển Đỏ. Ngay cả đối với 2 kênh đào này, sự kiểm soát của phương Tây đối với an ninh của Biển Đỏ (quan trọng đối với cả kênh đào Suez và Ben Gurion) đã giảm đáng kể trong hai năm qua.

Hơn nữa, tuyến đường mới của Nga có khả năng mở cửa nền kinh tế Iran, vốn sẽ được hưởng lợi đáng kể từ phí quá cảnh và khả năng trở thành thị trường và nhà cung cấp chính trong hệ thống thương mại. Trong khi đó, tuyến đường này và Kênh Ben Gurion của Israel khiến ta có thể dự đoán trước về việc sụt giảm doanh thu quá cảnh của Ai Cập từ Kênh đào Suez.

Tuyến đường St. Petersburg đến Ấn Độ Dương là một đề xuất thực tế. Nó khiến phần lớn nỗ lực Mỹ và NATO nhằm khiến Nga bị cô lập về mặt chiến lược ở các cảng phía bắc và Bắc Cực trở nên vô nghĩa.

Hơn nữa, Nga, bằng cách biến Ấn Độ trở thành điểm cuối của Hành lang Giao thông Bắc – Nam, đã hạn chế vai trò của Ấn Độ với tư cách là đối thủ cạnh tranh với Nga ở khu vực Trung Á, và đã đảo ngược vị thế ban đầu của Ấn Độ – như một phần của Trò chơi vĩ đại theo phe Anh – với tư cách là đối thủ lớn của sự bành trướng về phía nam của Nga. Động thái này củng cố đáng kể vai trò của Moscow trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh để giành quyền thống trị Âu Á, Trung Đông và Châu Phi.

Bước tiếp theo sẽ là đảm bảo quyền kiểm soát của Nga hoặc thuê lại một bến cuối trên biển ở Bandar Abbas, trên bờ Biển Ả Rập của Iran ngay bên ngoài Eo biển Hormuz, có lẽ thông qua một cảng tự do và có thể là căn cứ hải quân, để giúp đảm bảo thương mại đường biển tiếp theo tới Ấn Độ và Đông Nam Á. Căn cứ hải quân (và không quân) của Nga tại Tartus, ở Syria, là một mô hình cho một căn cứ hỗ trợ như vậy. Hoặc có lẽ sẽ khả thi nếu xây dựng một cơ sở hải quân như vậy ở Chahbahar, phía đông Bandar Abbas.

Đặc biệt, sự thất bại của Mỹ trong việc hỗ trợ vua Shah của Iran trong các năm 1978 – 79 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc các giáo sĩ Shi’a chống phương Tây giành quyền kiểm soát Iran vào năm 1979, điều khiến ngay cả Liên Xô cũng phải bất ngờ. Họ cũng không sẵn sàng cho sự sụp đổ của vua Shah cũng như sự thù địch của các giáo sĩ đối với phương Tây. Moscow, dưới thời Liên Xô, và sau đó là người Nga, đã phải vật lộn để vượt qua hàng thế kỷ thù địch từ phía Iran, phần lớn xuất phát từ các cuộc chiến tranh của Nga nhằm chinh phục vùng đất Ba Tư ở Trung Á và cho đến Kavkaz.

Nga chiến thắng Trò chơi vĩ đại

Ngày nay, Biển Caspi ở trung tâm của đại lục Á – Âu đang nhanh chóng trở thành trung tâm, hoặc giao điểm, của các tuyến đường thương mại quan trọng, thứ sẽ tác động đáng kể đến cán cân quyền lực toàn cầu và quyết định sự xuất hiện của cường quốc tiếp theo. Hành lang giao thông đường sắt, đường bộ và đường biển mới đi qua và đi theo Biển Caspi từ bắc xuống nam, nối Nga, qua Iran, đến Vịnh Ba Tư và Biển Ả Rập trên Ấn Độ Dương.

Nó cho thấy rằng Nga cuối cùng đã thoát khỏi hạn chế địa chính trị lịch sử của mình và đã tạo ra một hành lang ổn định và an toàn tới vùng nước ấm của Ấn Độ Dương sau nhiều thế kỷ đối đầu Vương quốc Anh trong Trò chơi vĩ đại. Thông qua Ấn Độ thuộc Anh – và Iran, Vương Quốc Anh đã cố gắng để ngăn chặn sự bành trướng của Nga trong thế kỷ 17, 18 và 19.

Về bản chất, kết quả của Trò chơi vĩ đại đã được quyết định vào lúc này và Nga đã chiến thắng. Iran và Ấn Độ – với Ấn Độ từng là một phần của Đế quốc Anh – hiện là một phần vững chắc của liên kết thương mại. Moscow đã có thể chạm tới vùng nước ấm của Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương.

Đó là một quá trình chậm chạp đối với Moscow, nhưng nó đã tiến triển một cách nhất quán bất chấp những xao nhãng như cuộc xung đột Nga – Ukraine. Phương Tây hầu như không chú ý nó. Nó cũng đảm bảo cho Moscow một mức độ độc lập khỏi hiệp ước thương mại với Bắc Kinh.

Điều này có nghĩa là sau nhiều thế kỷ Moscow tấn công Đế chế Ba Tư cũ, Iran hiện đã sẵn lòng chấp nhận của Nga, nhờ sự bảo vệ mà Moscow cung cấp cho các giáo sĩ Iran cầm quyền khỏi cả sự thù địch của phương Tây và sự bất ổn của người dân Iran. Và Ấn Độ, một đối tác thương mại nhất quán của Nga kể từ khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947, là điểm đến chính của Hành lang Giao thông Bắc – Nam, nơi có – ở cuối tuyến đường biển Bandar Abbas hoặc Chahbahar đến Ấn Độ – điểm cuối của nó ở Mumbai, trên Biển Ả Rập.

Ấn Độ từ lâu đã biết tham vọng của Moscow trong việc hoàn thành Hành lang Giao thông Bắc – Nam. Điều này giải thích cho việc chính phủ Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi kiên quyết từ chối tham gia cùng Mỹ trong các biện pháp trừng phạt và chỉ trích Nga trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine. Hơn nữa, tiến trình phát triển của hành lang ngụ ý một liên minh trên thực tế giữa Nga và Ấn Độ, tạo ra một khuôn khổ cạnh tranh quyền lực ba bên mới ở Á – Âu giữa Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khi đó, xung đột Ukraine là chìa khóa để Nga tiếp tục tiếp cận Biển Đen, và giao thông có thể được định hướng từ khu vực Biển Đen qua Kavkaz – có hoặc không có sự tham gia của Gruzia – đến Hành lang Giao thông Bắc – Nam Quốc tế. Điều đó cũng có thể bao gồm xuất khẩu của Ukraine nếu xung đột được giải quyết và nếu các chủ hàng muốn tránh đi về phía nam từ Biển Đen đến Địa Trung Hải và sau đó đi qua Kênh đào Suez.

Vào tháng 02/2021, chính phủ Ấn Độ đã đề xuất xây dựng dự án đường sắt Chahbahar đến Zahedan, thứ được thống nhất ban đầu vào năm 2016. Một bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận đã được ký kết giữa IRCON của Đường sắt Ấn Độ và Công ty Xây dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng Giao thông Đường sắt (CDTIC) của Đường sắt Iran. Hiệp định này sẽ nâng cấp đáng kể cảng Chahbahar và tuyến đường sắt nối phía bắc tới Zahedan (cũng ở tỉnh Sistan và Baluchistan của Iran, tiếp giáp với Baluchistan của Pakistan và Baluchistan của Afghanistan) sẽ mang lại cho Ấn Độ khả năng giao thương với Afghanistan và Trung Á mà không cần phải đi qua Pakistan. Thật vậy, nó là nhằm xây dựng khả năng tiếp cận của Ấn Độ với Iran và Trung Á và đi vòng qua Pakistan.

Sự phát triển không ngừng của các mạng lưới của Nga hướng tới các mạng lưới đường sắt, đường bộ và cảng ở Trung Á và Iran phản ánh những nỗ lực mạnh mẽ mà Moscow đã thực hiện – dưới thời Liên Xô và sau đó là dưới thời nước Nga – để xây dựng kết nối thương mại hướng tới Đông Nam Á và đặc biệt là với Indonesia. Jakarta luôn được coi là trung tâm cạnh tranh giữa Trung Quốc và Liên Xô kể từ thời kỳ ngay sau Thế chiến II, và nó có khả năng lại trở thành khu vực cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Nga trong vài năm tới.

Lợi ích của các bên

Nhưng hiện tại, có những lợi ích cho tất cả các bên tham gia hợp tác, từ Nga, Iran, Ấn Độ, Trung Quốc cho tới Trung Á. Đáng chú ý là Pakistan, vào ngày 11/06, đã nhận được chuyến hàng dầu đầu tiên của Nga: 45.000 tấn trên tàu chở dầu Pure Point của Nga, đi đến Karachi cho Nhà máy lọc dầu Pakistan, với 50.000 tấn khác có kỳ hạn trước cuối tháng 06/2023. Chuyến hàng đã được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (CNY), củng cố việc rời xa đồng USD và do đó, nằm ngoài phạm vi áp lực trừng phạt của Mỹ.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif gọi sự cập cảng của dầu thô Nga là một “ngày có tính biến đổi” đối với Pakistan. Ông nói: “Tôi đã hoàn thành một lời hứa khác của mình với quốc gia”. “Đây là chuyến hàng dầu đầu tiên của Nga đến Pakistan và là khởi đầu của mối quan hệ mới giữa Pakistan và Liên bang Nga”.

Các quốc gia Trung Á

Hành lang giao thông Bắc – Nam mở rộng cũng tác động tới các quốc gia Trung Á. Các tuyến đường sắt đã kết nối các cảng của Iran ở phía nam với Turkmenistan và Kazakhstan. Caspian News đã lưu ý vào ngày 29/11/2021 rằng “ba quốc gia trong khu vực Caspi được liên kết thông qua tuyến đường sắt Kazakhstan-Turkmenistan-Iran dài 917,5 km (570 dặm) được khai trương vào năm 2014. Là một phần của hành lang giao thông quốc tế Bắc-Nam, tuyến đường sắt nối Ozen ở miền tây Kazakhstan giàu năng lượng với Bereket-Etrek ở Turkmenistan và kết thúc ở Gorgan ở đông bắc Iran. Ở Iran, đường sắt được kết nối với mạng lưới quốc gia, đi đến các cảng của Vịnh Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án trị giá 620 triệu USD được đồng tài trợ bởi chính phủ Kazakhstan, Turkmenistan, Iran và Ngân hàng Phát triển Châu Á”.

Caspian News cũng lưu ý rằng, Hành lang Giao thông Bắc – Nam Quốc tế (INSTC), ngay vào cuối năm 2021, là một mạng lưới đa phương thức dài 4.474 dặm bao gồm các tuyến đường hàng hải, đường sắt và đường bộ để vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ, Iran, Azerbaijan, Armenia, Nga, Afghanistan, Trung Á và châu Âu. Mục tiêu của hành lang là tăng cường kết nối thương mại giữa các thành phố lớn như Mumbai, Moscow, Baku, Astrakhan, Tehran, Bandar Abbas, Chahbahar và Bandar Anzali (cảng lớn nhất trên bờ biển Caspi của Iran). Mục đích của hành lang không chỉ là tăng cường thương mại giữa các nước thành viên mà còn để tiêu chuẩn hóa thuế quan.

Sự phức tạp của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chiến lược mới khiến năm quốc gia Trung Á khó phối hợp hài hòa để tìm cách né tránh sự thống trị của Nga đối với thương mại của họ với thế giới bên ngoài, mặc dù, chẳng hạn, INSTC cho phép Kazakhstan và Turkmenistan liên kết qua Iran đến Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, hiện tại, tuyến đường này qua Iran – không có sự kiểm soát của Nga – sẽ đặt các nước Trung Á vào khả năng đối đầu với Mỹ do các biện pháp trừng phạt chính thức của Washington đối với Tehran.

Đây là một hạn chế lớn đối với việc sử dụng INSTC của các quốc gia Trung Á, đặc biệt là Uzbekistan, quốc gia lớn nhất trong khối Trung Á. Đây là quốc gia đã nỗ lực xây dựng các liên kết thương mại và đầu tư với Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, INSTC tạo điều kiện cho sự phát triển của một thế giới thương mại hoàn toàn bỏ qua Mỹ và đồng USD. Nó sẽ gây khó khăn cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ nhiều hơn Iran hoặc các quốc gia giao dịch qua đó.

Rõ ràng là Mỹ đang đạt đến giới hạn của việc sử dụng các biện pháp trừng phạt như một vũ khí chiến lược để trừng phạt các đối thủ.

Trong lúc đó, Uzbekistan đang làm việc – vì nước này không có lựa chọn nào khác – với Taliban ở Afghanistan để cải thiện sự ổn định của các tuyến đường bộ phía nam từ Tashkent và qua miền bắc Afghanistan đến Pakistan và từ đó đến các cảng biển Karachi và Gwadar. Nó cũng không từ bỏ việc sử dụng các liên kết qua Turkmenistan và đông-tây qua Biển Caspi tới Baku, Azerbaijan, và từ đó đi bộ qua Nakhchivan của Azerbaijan tới Thổ Nhĩ Kỳ và tới các thị trường thế giới qua Địa Trung Hải hoặc Biển Đen.

Mọi tuyến đường đều bị chính trị làm phức tạp hóa.

Giao thông Trung Á qua Biển Caspi và Azerbaijan không thể thoát khỏi ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga đối với sự thịnh vượng của Kavkaz, Lưu vực Caspi và Iran, và do đó, đối với các chính phủ trong khu vực. Giao thông Trung Á qua Afghanistan và vào Pakistan không thể thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, quốc gia bảo đảm an ninh cho Pakistan khỏi sự tấn công của Ấn Độ.

Điều quan trọng là không được coi thường sự cạnh tranh chiến lược ngầm giữa Nga và Trung Quốc trong INSTC. Bắc Kinh vẫn cần Sáng kiến Vành đai và Con đường (một chương trình đang suy yếu) của mình để tiếp cận các thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Thổ Nhĩ Kỳ, giống như Iran, nổi lên như một thành phần quan trọng trong kế hoạch của Moscow và các quốc gia Trung Á. Và cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều đã trở thành các chế độ chuyên quyền trong đó giới lãnh đạo được Moscow ve vãn và bảo vệ. Trong khi đó, Trung Á – khu vực được Mỹ bảo hộ sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 khi các quốc gia trong khu vực cố gắng xây dựng các liên minh để bảo vệ họ khỏi mối đe dọa đang trỗi dậy từ Moscow – hiện đang tham gia vào một khuôn khổ chiến lược phức tạp hơn nhiều.

Sẽ khó khăn hơn cho Mỹ và phương Tây để lấy lại sức hút trong khu vực, mặc dù Trung Á sẽ tiếp tục thực hiện những nỗ lực đầy quyết tâm để duy trì khoảng cách với Moscow và Bắc Kinh. Thách thức tiếp theo đối với các nhà lãnh đạo khu vực là họ sẽ thực hiện điều đó như thế nào.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Gregory Copley là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington. Sinh ra tại Úc, ông Copley cũng là một thành viên của Order of Australia, là một doanh nhân, nhà văn, cố vấn chính phủ, và biên tập viên cho các xuất bản về quốc phòng. Cuốn sách mới nhất của ông là The New Total War of the 21st Century and the Trigger of the Fear Pandemic (Cuộc chiến toàn diện mới của Thế kỷ 21 và yếu tố kích hoạt đại dịch sợ hãi).

Related posts