Úc và Nhật Bản đã cử các tàu chiến và máy bay do thám tham gia cuộc tập trận chung ở khu vực Biển Đông đang có tranh chấp, trong bối cảnh hai nước đang tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận quân sự diễn ra vào ngày 24/6 – 25/6, sau khi hai nước ký kết Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh (JDSC) vào tháng 10/2022 nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh.
Vào thời điểm đó, giới quan sát cho rằng bản tuyên bố chung này đã mở ra cơ hội để Nhật Bản và Úc hợp tác an ninh sâu rộng hơn trong thập kỷ tới, phản ánh sự liên kết chiến lược ngày càng chặt chẽ giữa hai nước.
Nội dung của JDSC nhấn mạnh rằng Úc và Nhật Bản “sẽ tham vấn cùng nhau về những bất thường có thể ảnh hưởng tới chủ quyền của chúng ta và lợi ích an ninh khu vực, cũng như cân nhắc các biện pháp đáp trả”.
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhiều lần trừng phạt Úc vì tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với các đối tác ở Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố rằng nếu Úc can thiệp vào các cuộc xung đột vũ trang trong khu vực, chẳng hạn như ở Đài Loan, thì nước này sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của ĐCSTQ.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cuộc tập trận song phương gần đây mang tên Trident23. Tham gia tập trận có Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tàu khu trục trực thăng JS Izumo, tàu khu trục JS Samidare thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cùng hộ vệ hạm HMAS Anzac của Hải quân Úc và một máy bay tuần tra săn ngầm Boeing P-8A Poseidon của Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc (RAAF).
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Úc đã không đề cập công khai đến cuộc tập trận chung.
Theo Chuẩn Đô đốc Takahiro Nishiyama, Chỉ huy Lực lượng Triển khai châu Á – Thái Bình Dương (IPD23), Úc là một “Đối tác Chiến lược Đặc biệt” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhật Bản, không chỉ chia sẻ giá trị chung mà còn có chung lợi ích chiến lược trong an ninh.
“Mối quan hệ giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Hoàng gia Úc đang phát triển. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ thúc đẩy việc cải thiện hơn nữa khả năng tương tác và hiểu biết lẫn nhau với Hải quân Hoàng gia Úc nhằm cải thiện môi trường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Chuẩn đô đốc Takahiro Nishiyama cho biết trong một tuyên bố ngày 27/6.
Trong khi đó, ĐCSTQ đã tìm cách cắt đứt quan hệ Úc – Nhật khi tuyên bố vào tháng 1/2023 rằng Nhật Bản có thể tấn công Úc trong tương lai vì Nhật Bản chưa bao giờ xin lỗi về hành động của mình trong chiến tranh. Tuy nhiên, cả Úc và Nhật Bản đều bác bỏ cáo buộc này.
Ngoài ra, theo Đài phát thanh và Truyền hình Quốc gia Úc (ABC), một tàu thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được phát hiện ở “khu vực lân cận” cuộc tập trận Trident23 nhưng không thông báo cho Hải quân Úc.
The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Úc để chứng thực cáo buộc này.
Sự hung hăng của ĐCSTQ ở Biển Đông đã khiến các nước láng giềng và phương Tây cảnh giác, vì ước tính thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông hàng năm trị giá lên đến 3,4 nghìn tỷ USD.
Ngoài ra, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân ba bên trong khu vực để thách thức các hành động gây hấn của Bắc Kinh.
Hơn nữa, khi mối lo ngại gia tăng về việc liệu ĐCSTQ có thể tuyên chiến với Đài Loan hay không, chính quyền Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã kêu gọi chính phủ Úc cử một Tùy viên quân sự đến làm việc tại Đại sứ quán trên thực tế của nước này tại Đài Bắc, theo tờ The Australian.
“Tôi cho rằng điều rất quan trọng vào thời điểm chính phủ Úc đang chú ý nhiều hơn đến các vấn đề an ninh khu vực để hai nước có thể chia sẻ những quan sát, đánh giá của họ về tình hình”, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp cho biết vào ngày 26/6 tại Đài Bắc.
Lời kêu gọi của Đài Bắc được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Đài Loan nói với tờ Taipei Times vào ngày 27/6 rằng chính phủ Úc, thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, đã bổ nhiệm một Giám đốc phụ trách các vấn đề chiến lược cho Đại sứ quán trên thực tế của họ vào năm 2022, để đáp trả mối đe dọa gia tăng từ Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, nhận thấy sự bành trướng của ĐCSTQ tại khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương đã gây đe dọa đối với hòa bình của eo biển Đài Loan cũng như an ninh và ổn định khu vực, Văn phòng Úc tại Đài Loan đã bổ sung chức vụ Giám đốc các vấn đề chiến lược vào năm ngoái để liên lạc chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Đài Loan. Văn phòng đại diện Đài Loan tại Úc cũng có thể liên lạc với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc để trao đổi về tình hình an ninh khu vực bất cứ lúc nào.
The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc để yêu cầu bình luận về việc bổ nhiệm này.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ tìm cách mở rộng thỏa thuận AUKUS ba bên nhằm tăng tốc và tăng cường hợp tác về các công nghệ quốc phòng quan trọng, bao gồm công nghệ siêu thanh, tác chiến điện tử và năng lực của tàu ngầm nhằm đối đầu hiệu quả với ĐCSTQ.
Hiện tại, chỉ có Canada và New Zealand – hai thành viên cuối cùng của liên minh tình báo Five Eyes – bày tỏ mong muốn tham gia Trụ cột thứ hai của hiệp ước AUKUS.
Huyền Anh tổng hợp