Nguồn: Anchal Vohra, ‘Strategic Autonomy’ Is a French Pipe Dream, Foreign Policy, 03/07/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Emmanuel Macron đang thúc đẩy một chính sách châu Âu làm hài lòng nước Pháp nhưng làm phiền lòng những nước khác.
Hồi tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây tranh cãi khi cảnh báo châu Âu không nên để bị lôi kéo vào xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Ông nói, là đồng minh của Mỹ không có nghĩa là trở thành “chư hầu” của Mỹ.
Bình luận đó đã khơi lại cuộc tranh luận về nỗ lực của Pháp nhằm tìm kiếm “quyền tự chủ chiến lược” cho châu Âu – nghĩa là độc lập khỏi Mỹ trong các vấn đề chiến lược. Ý tưởng đó đã gây lo sợ ở các quốc gia Trung và Đông Âu vốn tin tưởng Mỹ sẽ là người bảo đảm an ninh chính cho họ trong một cuộc xung đột với Nga. Họ nghi ngờ Pháp đang cố tình nói rằng ý tưởng giúp nâng cao tầm vóc của nước này, đồng thời làm phật ý Mỹ, là sản phẩm của tư duy tập thể châu Âu.
Ngay cả trong số những nước đồng ý rằng châu Âu cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho an ninh của mình, thái độ khinh thường của Macron đối với Mỹ cũng bị cho là không phù hợp và không đúng lúc. Mỹ là đối tác mạnh nhất trong liên minh phòng thủ NATO, và trong hơn một năm qua, họ đã tích cực hỗ trợ Ukraine, quốc gia châu Âu mà nhiều người tin là phải được hỗ trợ để ngăn không cho Nga bành trướng. Mỹ đã chi gần 47 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu, trong khi Pháp chỉ đóng góp 486 triệu đô la, một phần tương đối nhỏ trong tổng số 15 tỷ đô la viện trợ từ châu Âu.
Thuật ngữ “tự chủ chiến lược” trong bối cảnh an ninh châu Âu là một phần trong diễn ngôn chính sách đối ngoại chính thức của Pháp chí ít cũng từ năm 1994, nhưng Macron đã đưa nó trở lại cuộc tranh luận ở châu Âu hiện đại vào năm 2017, trong một bài phát biểu tại Đại học Sorbonne. Khi đó, ông lập luận rằng châu Âu phải xây dựng khả năng phòng thủ để có thể tự bảo vệ mình trong bối cảnh Donald Trump, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, đe dọa cắt nguồn tài trợ của Mỹ cho NATO.
Nhưng người ta vẫn không thể biết rõ liệu chính sách mà Pháp đề xuất là nhằm phòng thủ cho liên minh quân sự truyền thống với Mỹ – nghĩa là chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, khi Washington quay lưng với châu Âu – hay là một bước ngoặt quyết đoán, nhằm xa lánh quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà chính châu Âu đã khởi xướng. Trong trường hợp cực đoan nhất, thuật ngữ này gợi ý rằng châu Âu nên tăng cường khả năng phòng thủ, không phải để bổ sung mà là để cạnh tranh với NATO, bắt đầu bằng việc mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, để giúp lục địa bớt phụ thuộc vào các nhà sản xuất quốc phòng Mỹ và vào đảm bảo an ninh từ quân đội Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng các quan chức Mỹ thường tức giận trước những bình luận của Macron và xem chúng là những luận điệu bắt nguồn từ nền văn hóa chiến lược lâu đời của Pháp, vốn luôn mong muốn một vai trò lớn hơn cho Pháp trong các vấn đề toàn cầu, dù nước này không phải lúc nào cũng đủ sức thực hiện tham vọng của mình. Họ nói rằng Paris có ý định sử dụng Liên minh châu Âu như một phương tiện để hiện thực hóa tầm nhìn của mình, và dù không sai khi yêu cầu EU hãy tự cung tự cấp, đặc biệt là khi trọng tâm của Mỹ đã chuyển sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng EU vẫn còn cả chặng đường dài phía trước để xây dựng và phát triển hài hòa kiến trúc quốc phòng-công nghiệp của mình. Yêu cầu sự đồng thuận từ 27 quốc gia EU về các khía cạnh của phòng thủ tập thể là một yêu cầu rất lớn.
Ian Lesser, phó chủ tịch Quỹ Marshall của Mỹ, đặt câu hỏi, “Tham vọng thôi là chưa đủ, liệu EU có thể tự bảo vệ mình nếu không có Mỹ hay không? Liệu EU có thể sở hữu khả năng răn đe nếu không có Mỹ hay không? Không phải lúc này. Nguyên nhân khiến người Mỹ lo lắng có hai mặt – một mặt là quan ngại đã có từ lâu, rằng điều này bằng cách nào đó sẽ cạnh tranh hoặc thay thế vai trò của NATO đối với an ninh của EU; mặt khác, bằng cách nào đó, nó sẽ huỷ bỏ hợp tác công nghiệp quốc phòng với Mỹ.”
Không cần phải nói, Macron đã khơi mào tranh luận về quyền tự chủ chiến lược ngay tại thời điểm chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang dâng cao, và đối với một số phe phái ở Mỹ, “cái giá mà EU phải trả cho cam kết của Mỹ [đối với an ninh của EU] là thể hiện sự sẵn sàng chi tiêu cho người Mỹ, hành động như người Mỹ, và mua hàng của người Mỹ.”
Marie Dumoulin, giám đốc chương trình Châu Âu Mở rộng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, có chuyên môn về khu vực sườn phía đông châu Âu và Nga, nhận định: hầu hết các nước Trung và Đông Âu thích mua thiết bị quân sự của Mỹ như một dạng “bảo hiểm” để đảm bảo rằng Mỹ sẽ hỗ trợ an ninh cho họ.
Pháp cũng đang cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Ba nhà ngoại giao châu Âu nói với Foreign Policy rằng Pháp vẫn chưa quên việc mất đi thỏa thuận tàu ngầm béo bở với Australia và vẫn tức giận vì Đức đã chi một phần trong khoản đầu tư quốc phòng trị giá 100 tỷ đô la của họ cho máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ thay vì hợp tác với Pháp. Lập luận phản đối chủ nghĩa bảo hộ Pháp nhắc đến tính hiệu quả và tốc độ. Tại sao phải đi tìm nguồn cung mới cho những gì mà đồng minh lớn, Mỹ, đang có sẵn?
Một ví dụ về biểu hiện thực tế của những cuộc tranh cãi và cạnh tranh lợi ích này là khi Ukraine tuyệt vọng kêu gọi thêm đạn dược, nhưng Pháp lại ngăn EU mua vũ khí từ Anh và Mỹ, lập luận rằng tiền của châu Âu nên được chi cho các công ty EU.
Cuộc trò chuyện của Foreign Policy với một số nhà ngoại giao châu Âu, bao gồm những người đến từ sườn phía đông, cho thấy rằng dù hoan nghênh EU tăng cường năng lực quân sự, các nhà ngoại giao này vẫn hoài nghi về các chính trị gia châu Âu và thế giới quan của họ, vốn thường theo chủ nghĩa hòa bình, nếu không muốn nói là ích kỷ, tập trung vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Họ tỏ ý nghi ngờ hành động thực sự của Pháp và Đức khi xe tăng Nga đến gần Kyiv, nếu Mỹ không dứt khoát đẩy lùi Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một vài người trong số họ cho rằng Pháp và Đức sẽ ngồi yên và để Putin chiếm thêm lãnh thổ Ukraine, giống như họ đã từng làm vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp.
“Macron ưu tiên sự thống nhất của châu Âu, chứ không phải quan hệ xuyên Đại Tây Dương – vốn đang có những thăng trầm,” Dumoulin nói. Dường như đây chính là lý do khiến Tổng thống Pháp cố gắng “đính chính” về chính sách đối ngoại của nước mình tại thượng đỉnh gần đây ở Bratislava, Slovakia, nhằm xây dựng lòng tin.
Lần đầu tiên, Macron đã ủng hộ kế hoạch đưa Ukraine trở thành thành viên NATO, và nói rằng vấn đề không phải là có hay không, mà là “chúng ta nên làm điều đó như thế nào.” Tuyên bố này được nhiều người xem là một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Pháp, trước đó đã bị đánh giá là quá thận trọng trước câu hỏi về nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine và chỉ lo lắng về hành động của Putin. Hồi tháng 12, hơn 9 tháng sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, Macron đã nói rằng các đảm bảo an ninh cho Nga là điều cần thiết cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.
“Đó là một bước ngoặt thực sự,” Dumoulin nói với Foreign Policy. “Sẽ không thể quay trở lại quan hệ trước tháng 2 năm ngoái, cũng không có kẽ hở hay vùng xám nào, nơi Ukraine xích lại gần EU và NATO nhưng không trở thành một phần [của các tổ chức này].”
Trong lời giải thích, Macron cũng thừa nhận rằng ông đã không chú ý đến những cảnh báo từ các nước Đông và Trung Âu về kế hoạch của Putin, và nói rằng giờ đây ông đang lắng nghe. Tổng thống Pháp nói, “Tôi tin rằng đôi khi chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội lắng nghe. Nhưng đó là chuyện đã qua. Hôm nay, những tiếng nói này phải là tiếng nói của tất cả chúng ta.”
Ngoài ra, Macron tuyên bố rằng chiến thắng ở Ukraine sẽ do người Ukraine quyết định, và tất cả những gì ông nói về tự chủ chiến lược đều nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu với tư cách là trụ cột của NATO, chứ không phải để gây chia rẽ với đồng minh lớn nhất bên kia bờ Đại Tây Dương.
Cựu Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev nhận định rằng, dù Macron không khắc phục được những thiệt hại đã gây ra cho danh tiếng của nước Pháp, nhưng bài phát biểu tại Bratislava của ông đã xoa dịu một số lo ngại. “Điểm tích cực trong bài phát biểu lần này là từ mà ông ấy sử dụng nhiều nhất là NATO.”
Benjamin Tallis, nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, nói với Foreign Policy rằng Macron có thể đã hiểu được “NATO là giải pháp duy nhất khi nói đến an ninh cứng – vấn đề nằm ở khả năng chiến lược, không phải tự chủ chiến lược,” và rằng Macron đã đi “một chặng đường dài kể từ năm 2019, khi ông ấy nói rằng NATO đã chết não.”
Các nhà phân tích người Pháp nói rằng Macron chưa bao giờ có ý định tạo ra một giải pháp thay thế cho NATO, và rằng nghi ngờ đã nảy sinh chỉ vì cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle từng rút khỏi bộ chỉ huy NATO vào năm 1966. (Pháp tái gia nhập vào năm 2009). Thường gặp khó khăn khi giải thích những bình luận của tổng thống nước mình, họ cho rằng cuộc tranh luận về quyền tự chủ chiến lược đã đưa Pháp và các nước Trung và Đông Âu xích lại gần nhau hơn và cải thiện hiểu biết của hai bên.
“Ví dụ, Ba Lan coi liên minh xuyên Đại Tây Dương là giải pháp tốt nhất cho an ninh của mình, hoặc an ninh của châu Âu, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải từ bỏ một chút chủ quyền cho Mỹ,” Célia Belin, nghiên cứu viên cấp cao về chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, và là chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương và chính sách đối ngoại của Mỹ và Pháp, cho biết.
“Người Pháp tin rằng để bảo vệ Pháp và những nước khác thì cần phải có khả năng cạnh tranh và một mức độ tự chủ. Nhưng Pháp và Ba Lan đã xích lại gần nhau. Pháp đã nhận ra nhu cầu hội nhập và củng cố NATO, còn Ba Lan nhận ra tầm quan trọng của việc có một số hình thức hội nhập cao hơn cho châu Âu.”
Một nhà ngoại giao cấp cao của một nước ở sườn phía đông châu Âu nói với Foreign Policy rằng khu vực đang muốn có “các trụ cột an ninh bao gồm một nền quốc phòng châu Âu mạnh hơn, cùng với một đồng minh Mỹ mạnh hơn trong một NATO mạnh hơn. Không chỉ một mục tiêu, mà là cả hai.”
Anchal Vohra là chuyên gia bình luận của Foreign Policy, hiện đang sinh sống tại Brussels và chuyên viết về Châu Âu, Trung Đông, và Nam Á. Bà đã từng đưa tin về Trung Đông cho tờ Times of London và làm phóng viên truyền hình cho Al Jazeera English và Deutsche Welle. Trước đây bà làm việc tại Beirut và Delhi và đã đưa tin về xung đột và chính trị ở hơn 20 quốc gia.