Lãi suất cơ bản đồng USD leo thang lên 5.5%, mức cao nhất trong 22 năm
Sáng sớm nay, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã đưa lãi suất tăng thêm 0,25%, lên mức 5,25-5,5%. Chi phí vay của Mỹ đã tăng cao nhất để từ tháng 1/2001. Giá dầu lập tức leo thang. Không ngoài kỳ vọng thị trường, trong cuộc họp tháng 7/2023, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã nâng phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang thêm 25 điểm cơ bản lên 5,25%-5,5% vào tháng 7/2023; đưa chi phí đi vay của Hoa Kỳ mức cao nhất kể từ tháng 1/2001. Lãi suất đi vay tăng thêm 0,25% sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell khẳng định rằng lạm phát vẫn là vấn đề lớn và cần phải đưa về mức mục tiêu 2%. Fed cho rằng chặng đường đưa lạm phát về 2% còn dài và khó khăn. Mặc dù vậy, việc Fed quyết định tăng lãi suất còn dựa vào các yếu tố vĩ mô như việc làm, tác động của lãi suất tới các các lớp tài sản sử dụng đòn bảy cao, nhạy cảm với lãi suất trên thị trường tài chính… Theo Fed, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tránh được suy thoái trong khi thị trường tài chính có thể chống chịu được mức lãi suất cao như hiện nay. Hiện tại, mặc dù lạm phát chung đã về mức 3% nhưng lạm phát lõi còn cao và phức tạp khi giá dầu không giảm như kỳ vọng cũng như mùa tiêu dùng đang đến gần. Điều này khiến Fed quyết định tăng lãi suất điều hành thay vì giữ nguyên. Quan điểm chính sách của Fed cho thấy cơ quan này sẽ không đảo chiều lãi suất ít nhất cho tới đầu năm 2024. Phản ứng với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Fed, giá dầu tăng thêm 5% so với tuần trước với cả dầu WTI và Brent, lần lượt ở mức 5,17% và 5,07% (giá hôm nay 27/7 ở lần lượt là 79,5 và 83,7 USD/thùng).
Quang Nhật
Nóng: Quân đội Niger đảo chính, Tổng thống bị cận vệ khống chế
Quân đội Niger tuyên bố lật đổ chính phủ của Tổng thống Mohamed Bazoum và áp lệnh giới nghiêm toàn quốc. Trong khi đó, có nguồn tin nói rằng ông Bazoum bị đội cận vệ quản thúc trong dinh thự.
Hôm 26/7, phát ngôn viên quân đội Niger Amadou Abdramane thông báo trên truyền hình nhà nước: “Chúng tôi, lực lượng quốc phòng và an ninh, đã quyết định chấm dứt chế độ của Tổng thống Mohamed Bazoum”. Phía quân đội cáo buộc chính quyền dân sự quản lý yếu kém và khiến tình hình an ninh ngày một xấu đi.
Quân đội Niger tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới và áp lệnh giới nghiêm toàn quốc cho tới khi có thông báo mới. Ngoài ra, tất cả các cơ quan nhà nước sẽ tạm ngưng hoạt động.
Lực lượng này cũng cảnh báo sẽ chống lại mọi sự can thiệp từ nước ngoài.
Trước đó, một số nguồn tin cho biết Tổng thống Niger Bazoum bị đội cận vệ quản thúc trong dinh thự. Theo CNN, dinh tổng thống Niger đã bị phong tỏa trong ngày 26/7 với khoảng 20 thành viên của đội cận vệ canh gác bên ngoài.
Bộ trưởng Nội vụ Niger Hamadou Souley cũng bị lực lượng cận vệ bắt giữ vào sáng 26/7 (giờ địa phương) và đang bị giữ tại dinh tổng thống cùng với ông Bazoum.
Giữa lúc căng thẳng chính trị gia tăng, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Bazoum tại Niger đã xuống đường biểu tình phản đối vụ bắt giữ nhà lãnh đạo này. Khi người biểu tình chỉ còn cách dinh tổng thống khoảng 300 mét, đội cận vệ đã bắn phát súng cảnh cáo để chặn bước tiến của họ. Không có báo cáo về thương vong.
Cộng đồng quốc tế đã đưa ra những phản ứng đầu tiên về vụ đảo chính này.
Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat “mạnh mẽ” lên án cái mà ông gọi là âm mưu đảo chính “do các thành viên quân đội hành động hoàn toàn phản bội nghĩa vụ cộng hòa của họ”.
Tối 26/7, Tổng thống Benin Patrice Talon cũng đã tới Niger để làm trung gian hòa giải vụ Tổng thống Bazoum bị lực lượng cận vệ bắt giữ. Cùng ngày,
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm giành chính quyền bằng vũ lực ở Niger và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan lên án mọi nỗ lực nhằm bắt Tổng thống Niger hoặc phá hoại chính phủ dân sự. Mỹ cũng kêu gọi quân đội Niger nhanh chóng trả tự do cho Tổng thống Bazoum.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì nói với phóng viên: “Sáng sớm nay tôi đã nói chuyện với Tổng thống Bazoum và nói rõ rằng Mỹ kiên quyết ủng hộ ông ấy với tư cách là tổng thống được bầu cử dân chủ của Niger. Chúng tôi kêu gọi trả tự do cho ông ấy ngay lập tức”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Anne-Claire Legendre ngày 26/7 cho biết Pháp đang theo dõi tình hình một cách cẩn thận và “lên án những nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực”.
Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đã trải qua 4 cuộc đảo chính kể từ khi giành được độc lập năm 1960. Cuộc đảo chính gần đây nhất ở nước này xảy ra hồi tháng 2/2010, lật đổ Tổng thống khi đó là ông Mamadou Tandja. Tổng thống Bazoum, 64 tuổi, được bầu năm 2021 và là đồng minh thân cận của Pháp.
Niger đang vật lộn với hai chiến dịch của phiến quân Hồi giáo ở khu vực tây nam và đông nam, liên quan tới các lực lượng cực đoan ở nước láng giềng Mali và Nigeria.
Viên Minh (Tổng hợp)
Moldova thông báo trục xuất 45 nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Nga
Giới chức Moldova ngày 26/7 thông báo đã yêu cầu 45 nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Nga rời khỏi nước này, theo tờ Moscow Times. Nga hiện chưa có phản ứng gì trước thông tin nêu trên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Moldova, ông Igor Zaharov nêu rõ 45 nhà ngoại giao và nhân viên của Nga bị trục xuất sẽ phải rời nước này trước ngày 15/8. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Moldova cho biết thêm Đại sứ Nga tại Moldova cũng được triệu tập trong ngày 26/7 để thông báo quyết định này.
Theo đó, đoàn ngoại giao Nga tại Moldova sẽ còn bao gồm 10 vị trí ngoại giao và 15 vị trí hành chính, kỹ thuật và dịch vụ.
Kể từ sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Moldova đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga. Moldova có 2 triệu dân, nằm giữa Ukraine và Romania.
Ở một diễn biến khác, Nga đã phát động các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới vào Kyiv và một số khu vực ở miền Trung và miền Bắc Ukraine trong ngày 25/7, nhưng hiện chưa có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại hoặc thương vong.
Ông Serhiy Popko, người đứng đầu chính quyền quân sự Kyiv cho hay, Nga đã sử dụng máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất để tấn công Kyiv lần thứ sáu trong tháng này, và tất cả đều bị bắn hạ.
Cảnh báo không kích đã vang lên trong hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ trên khu vực Kyiv. Thống đốc khu vực Ruslan Kravchenko cho biết, không có báo cáo nào về thiệt hại hay thương vong mặc dù các mảnh vỡ rơi xuống đã gây ra đám cháy trên cánh đồng.
Theo phát ngôn viên lực lượng không quân Yuriy Ihnat, lực lượng phòng không đã được triển khai ở ba khu vực phía Bắc đất nước.
“Khoảng 10 máy bay không người lái đã được ghi lại, thông tin đang được làm rõ”, ông nói trên truyền hình Ukraine, đồng thời lưu ý thêm rằng có tới 5 chiếc máy bay không người lái đã bị phá hủy.
Các quan chức khu vực nói thêm, một vật thể không xác định đã bị tấn công ở khu vực phía Bắc Zhytomyr; hai máy bay không người lái rơi xuống cánh đồng và một chiếc trong nhà chứa máy bay trống ở khu vực miền Trung Cherkasy; và tại miền Trung Poltava và phía Bắc vùng Sumy cũng đều có một máy bay không người lái bị bắn hạ.
Phan Anh