Thương em ngày mưa

Đặng Duy Hưng

Lúc nhỏ, ông Phùng rất thích ở nhà những ngày trời mưa bão. Được thưởng thức những chén cơm nóng hổi với ruốc thịt hay bánh xèo tôm thịt cuốn bánh tráng với xà lách. Buổi tối, ông nằm nhìn lên trần nhà trong phòng ngủ riêng, nơi dán đầy hình ảnh từ đám mây xanh đến những chú chim bay lượn quanh.  

Ông có thể nằm thật lâu trong căn phòng ấm cúng, với tủ sách đủ loại. Khi thì đọc từng trang truyện kiếm hiệp Kim Dung, khi thì ngắm loài hoa đỏ, xanh, tím trong chăn ấm. Có lúc, ông chỉ muốn nằm nghe tiếng mưa rơi, gió dập vào cánh cửa sổ, tưởng nghĩ về cuộc sống vui buồn. Luôn cảm tạ đấng sinh thành đã ban cho ông một đời sống an nhàn, ít phải lo lắng về miếng ăn hằng ngày như vài bạn học cùng lứa.  

Lớn lên, những cơn mưa giúp ông gần gũi hơn với khoa học, với những định luật vật lý của thiên nhiên: hơi nước nóng bốc lên, tụ hợp một nơi, rồi nặng hạt hóa mưa trở về mặt đất. Vũ trụ cứ thế xoay vần, như thuyết luân hồi của nhà Phật: “Sanh, lão, bệnh, tử, rồi lại sanh…”  

Lớn thêm nữa, ông hiểu ra một điều: trời mưa tạo ra sự cách biệt giàu nghèo càng lớn hơn. Nhìn người buôn gánh, bán bưng khóc thầm cho cảnh đời éo le khi trời mưa ế ẩm. Nhưng nước mắt họ hòa cùng nước mưa, chẳng ai biết được.  

Ông vẫn nhớ lần đầu gặp bà, khi đứng tránh mưa trong cơn run rẩy trước căn biệt thự đối diện. Ông cầm áo mưa – vừa là chiếc áo lạnh đắt tiền – chạy qua đường, đưa vội cho bà:  

“Cô mặc vào cho đỡ lạnh, dễ bị bệnh lắm!”  

Nói xong, ông vội quay lưng, không để bà kịp từ chối.  

Hơn hai tuần sau, khi đi công tác xa về, ông nghe bà quản gia kể lại rằng bà đã ghé ngang trả áo mưa. Nhưng đôi mắt buồn của bà thì ông chẳng thể nào quên. Tìm được nơi bà làm việc, ông đã kiên trì theo đuổi bà suốt hai năm, cho đến khi nắm được bàn tay ngọc ngà ấy.  

Ngày cưới, hai người cười hạnh phúc dưới mưa, dù hư cả hai đôi giày và ướt sũng bộ quần áo cô dâu chú rể. Nhưng ông vui vì đã chính thức thành hôn với bà. Ông mãi nhớ câu trả lời của vợ khi ông hỏi tại sao bà luôn lạc quan, dù sống trong nghèo khó:  

“Hạnh phúc không phải là an hưởng những gì ta mong muốn, mà là vui với những gì đang có.”  

Ông yêu bà nhiều hơn, chấp nhận gia cảnh nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Nhưng tâm tư của bà lúc nào cũng vui vẻ, hòa đồng, không than vãn. Bằng tất cả trái tim, ông đã thương yêu bà suốt 47 năm, cho đến ngày bà rời khỏi cõi trần gian.  

Những ngày gần đây, trời mưa ngập đường, như thể hơi nước khắp mọi nơi quanh tỉnh thành về hội tụ. Những hạt nước ấy dường như bình tĩnh, tự tin, chờ đến giờ phút chín muồi để đổ xuống, trút giận lên con người – những kẻ ham kiếm tiền mà hủy diệt môi sinh.  

Ông nằm trong căn phòng trống vắng, nhưng không thấy cô đơn. Tiếng gió và mưa dội nhẹ vào cửa, trên nóc nhà, nhưng trong tâm tư, ông nghe như một bản nhạc:  

Như mưa ngày nào thấm ướt vai em.  
Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm.  
Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm.  
Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu…
”  

Chợt đâu đó, ông nghe tiếng chân bước vào phòng khách. Khoác vội chiếc áo, ông đi xuống cầu thang. Nhìn bình trà nóng và dĩa bánh ngọt trên bàn, ông rót ra hai ly, mỉm cười nói:  

“Tôi biết trời mưa, bà lại ghé ngang thăm tôi mà!”  

Rồi ông ngồi kể chuyện, những gì xảy ra từ trận mưa tháng trước đến trận mưa hôm nay:  

“Sắp vào hè rồi, bà biết không? Tụi mình sẽ phải xa nhau trong những ngày nắng hạn gay gắt. Nhớ bà thật nhiều, nhưng thế giới xoay vần, càng nắng lâu, hơi nước bay lên càng nhiều. Cơ hội mưa kéo dài để chúng ta gặp lại, sau những ngày mong nhớ ngày càng lớn.”  

Ngoài trời, mưa bất chợt ngừng rơi. Đâu đó, vài tia nắng muốn len qua đám mây.  

“Bà phải đi rồi sao? Hy vọng gặp lại bà một ngày không xa. Đừng lo lắng cho tôi nhé! Mấy đứa nhỏ, con cháu tụi mình vẫn thường ghé ngang thăm hỏi.”  

Ông bước ra mở cửa trước, như thật sự đưa tiễn bà đi xa. Sau đó vào nhà, ông dọn dẹp ly, đĩa trên bàn, vừa mở radio nghe tin tức:  

“Bà có nghe không, dự báo thời tiết cuối tuần này sẽ có mưa rào. Hy vọng bà sẽ ghé thăm tôi, dù chỉ vài phút.”  

Từ nhà hàng xóm, bản nhạc cũ của Ngọc Lan vọng lại:  

Mưa còn mãi rơi trên biển xưa âm thầm…  
Em giờ đã như mây phiêu bạt phương nào?..
.”  

Người đời nói ông có tâm bệnh, vì thương nhớ vợ mà sinh ra hoang tưởng. Nhưng thử hỏi, trên thế gian này có bao người được như ông: YÊU và ĐƯỢC YÊU trọn một đời hạnh phúc?  

Sáng nay, nghe tiếng dông từ xa, ông đã chuẩn bị sẵn bàn ghế bên cửa sổ:  

“Em còn nhớ hôm nay đúng 50 năm ngày đầu tiên chúng ta gặp nhau không? Anh nghe lời em khuyên, nên cố gắng sống vui với con cháu. Nhưng anh vẫn mãi hy vọng rằng ơn trên sẽ sắp xếp cho chúng ta đoàn tụ một ngày không xa. Em yêu nhé!”  

Đặng Duy Hưng

Related posts