Vì sao giáo viên bỏ việc?

Thái Hạo

29-7-2023

Giữa lúc cả nước đang thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng thì làn sóng bỏ việc trong khối công lập lại không vì thế mà có dấu hiệu giảm đi, vì sao?

Lý do quen thuộc và hẳn là đúng rồi, là thu nhập thấp, giáo viên không “sống được bằng lương”. Nhưng đây là tình hình chung của cả xã hội chứ chẳng riêng gì nghề đi dạy, vẫn là “chạy trời không khỏi nắng” nếu bỏ việc. Chỉ là chẳng đặng đừng mà thôi.

Từ trải nghiệm của bản thân và những chia sẻ của bạn bè đồng nghiệp gần gũi, cộng với những gì đang diễn ra trong ngành, tôi cho rằng vấn đề không hẳn chỉ là chuyện mưu sinh. Thậm chí lương không phải lý do quan trọng nhất trong câu chuyện này.

1. Mất dân chủ nghiêm trọng trong môi trường giáo dục, dẫn đến giáo viên không còn được tôn trọng, thân phận trở nên thấp hèn trước người quản lý (hiệu trưởng, cán bộ phòng – sở…). Họ bị đối xử bất công, bị tước mất những quyền cơ bản, thường xuyên bị chỉ trích, phê bình, thậm chí bị trù dập mà không biết kêu ai.

Ở không ít nơi, giáo viên phải làm chân sai vặt, thậm chí đi tiếp khách và chuốc rượu như tiếp viên. Mới đây nhất là vụ việc ở Tuyên Hóa (Quảng Bình), hàng ngàn giáo viên toàn huyện bị bắt phải làm công việc tuyên truyền một cách vô lối và thô bạo. Dù không dám phản kháng, nhưng chắc chắn nó gây bất bình trong lòng, dần sinh ra mệt mỏi, chán ghét. Tình trạng mất dân chủ đến mức kiệt cùng này, là một sự đả kích sâu sắc, làm tổn thương nặng nề những người có tự trọng, có ý thức phẩm giá. Nó tất yếu dẫn đến việc những người “thẳng lưng” sẽ rời bỏ nhà trường.

Cải thiện thu nhập là việc phải làm, tuy nhiên nếu chỉ hiểu thô sơ rằng, làn sóng bỏ việc đơn thuần là do lương thấp, thì rất có thể vấn đề sẽ còn nguyên ở đó. Người Việt nói chung, vì đã trải qua quá nhiều gian lao cơ cực, nên tôi tin rằng dù trước mắt còn vất vả nhưng nếu vẫn được sống và làm việc trong một môi trường lành mạnh tử tế, thì họ sẽ không bỏ đi. Cho nên, song song với việc thay đổi chính sách tiền lương, thì việc lập lại sự quân bình quyền lực, kiến tạo môi trường giáo dục công bằng, nhân văn, phải là mục tiêu khẩn cấp, bức thiết. Không thể trì hoãn.

2. Quá nhiều áp lực. Căn bệnh thành tích, bệnh quan liêu giấy tờ, bệnh hành chính hình thức…, đã dần làm kiệt quệ đội ngũ giáo viên. Nền giáo dục đang chạy theo những con số vô hồn với điểm thi, giải thưởng, thi đua…, và từ đó làm phát sinh không biết bao nhiêu tiêu cực cũng như gánh nặng vô bổ trên đầu xã hội, trong đó phải gánh chịu nhiều nhất là thầy cô giáo và học sinh. Tình trạng này kéo dài, bộc lộ tính vô nghĩa của công việc mỗi lúc một rõ hơn.

Nhiều bạn bè tôi là những nhà giáo có chuyên môn và tâm huyết đã không thể tiếp tục vì họ thấy lãng phí, thậm chí còn có cảm giác mình là tội đồ khi tiếp tay cho những cuộc chạy đua không những vô giá trị mà còn để lại di họa trong tâm hồn học sinh. Và họ đã chọn rời đi.

Để áp đặt thành tích, những người quán lý đã vừa giao chỉ tiêu, vừa đẻ ra không biết cơ man nào là các quy định, giấy tờ, thủ tục, biến cả môi trường giáo dục thành một bộ máy quan liêu khổng lồ. Chỉ riêng việc dồn thời gian công sức để mà làm cho ra một bộ hồ sơ “chỉn chu” trong mỗi năm học với hàng chục cuốn sổ, với hàng tá giấy má và liên tục họp hành, thi cử, đã khiến giáo viên đủ kiệt sức. Vấn đề là hầu như tất cả những thứ này đều vô bổ, chủ yếu là để hành nhau chứ không mang lại lợi ích thiết thực nào cho công việc cả. Thế là sinh ra: hoặc làm láo để đối phó mà tồn tại, hoặc chán ngán mà bỏ nghề.

3. Áp lực thành tích cũng dẫn đến kết cục tương tự. Nó biến mỗi nhà trường thành các chiến trường. Vì thế, công việc đi dạy với tinh thần tận tụy, yêu thương và đồng hành cùng MỖI học trò dần trở nên xa xỉ. Khi tình yêu với tri thức và với người thầy không được khơi dậy để trở thành động lực chính đáng cho việc học nơi học trò, thì giáo viên phải tìm mọi cách để ép các em; việc dụ dỗ, nhồi nhét, hăm dọa, phê bình trở thành phương pháp chủ đạo. Những giáo viên có sự nhạy cảm, tinh tế, và tình yêu thương dành học trò, họ không thể chịu đựng được quá lâu cảnh này. Và đành phải quay đi.

4. Cải thiện lương bổng, dù quan trọng tới đâu và làm tốt đến mức độ nào, nhưng nếu không cải tạo được môi trường giáo dục khi vẫn để những vấn nạn như trên vây khốn, thì bức tranh vẫn khó mà đổi sắc được. Tôi còn hình dung rằng, nếu một khi lương tăng cao mà tình trạng mất dân chủ còn nguyên như hiện nay thì tiêu cực sẽ phát sinh nhiều hơn. Vì “vé vào cổng” sẽ đắt hơn, giáo viên sẽ bị đối xử thô bạo hơn.

Câu chuyện thu nhập là một bài toán phải được giải, nhưng lại không dễ có ngay đáp án hữu hiệu trong hoàn cảnh này; tuy nhiên việc dân chủ hóa môi trường giáo dục, dẹp nạn lạm phát hành chính, trị căn bệnh thành tích giả dối thì lại không hề mất tiền mà có thể làm ngay. Chỉ cần thực hiện một số cải cách thiết thực, thay đổi chính sách, cấu trúc lại bộ máy giáo dục, thì lập tức mọi thứ sẽ trở nên thông thoáng, lành mạnh; môi trường giáo dục sẽ được hồi sinh, sức sống sẽ trở lại, và hạnh phúc liền hiện hữu trên mỗi mặt người.

Tôi tin rằng nếu làm được như thế, (bên cạnh việc nỗ lực từng bước dồn nguồn lực tài chính cho giáo dục) thì đó mới là một cuộc “đổi mới căn bản”, chứ không phải chỉ chú mục vào viết chương trình và sách giáo khoa mới. Không hạt giống tốt nào có thể mọc lên trên một mảnh đất đã bị nhiễm độc nghiêm trọng, thậm chí những cây đã sinh trưởng và cắm rễ sâu ở đó còn sẽ bị èo uột dần theo năm tháng, mà chết đi.

Related posts