Liệu Ấn Độ có thể đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán?

Foreign Affairs

Tác giả: Happymon Jacob

Đỗ Kim Thêm dịch

2-8-2023

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hiroshima, Nhật hồi tháng 5 năm 2023. Nguồn: Ukrainian Presidential Press Service / Reuters

Thông thường, người ta cho rằng cuộc chiến Ukraine chỉ là một sự thu xếp của phương Tây. Theo lập luận này, việc Nga xâm lược Ukraine đã kích động phương Tây và truyền cảm hứng cho họ hành động phối hợp để bảo vệ một quốc gia dân chủ, nhưng họ đã không gây được tiếng vang ở nhiều nơi khác trên thế giới. Các quốc gia ở phía Nam bán cầu nói chung, thờ ơ với hoàn cảnh của Ukraine hoặc chỉ đơn thuần khó chịu vì sự bất lợi mà cuộc chiến đã gây ra cho nền kinh tế của họ. Giới quan sát ở phía Nam bán cầu có thể chỉ ra một cách gay gắt về các cuộc xung đột mà nó không được quan tâm và đang hoành hành trong các bìa rừng của láng giềng, nhưng giới chỉ trích ở phương Tây coi hàng rào cản và tính cách trung lập theo chức năng của các nền dân chủ như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi tương đương với việc dung túng cho các hành động của Nga hoặc từ chối các chuẩn mực và giá trị về tự do.

Tuy nhiên, những người giám sát rào cản đó không chỉ đơn giản chờ đợi một cách thụ động ở bên lề; nhiều người trong số họ tích cực tìm cách chấm dứt chiến tranh. Trong những tháng gần đây, một loạt kế hoạch về hòa bình đã khởi phát từ các quốc gia ở phía Nam bán cầu, trong số những nước khác, có các sáng kiến riêng biệt do Brazil, Indonesia và một nhóm các nước châu Phi thúc đẩy. Giới quan sát phương Tây có xu hướng bác bỏ những đề xuất này hoặc không dành nhiều quan tâm, và cả các quan chức Nga và Ukraine đã bác bỏ nhiều khía cạnh của các kế hoạch dành nhượng bộ quá nhiều cho đối phương.

Chắc chắn, các điều kiện trên chiến trường sẽ cần phải thay đổi mang tính quyết định trước khi Moscow hoặc Kyiv sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa để hướng về việc chấm dứt xung đột. Nga và Ukraine đã không đạt được tình trạng bế tắc gây tổn thương cho nhau để buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán. Các cuộc thảo luận mà tôi đã tham gia trong các chuyến thăm Nga và Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu hồi năm ngoái cho thấy rõ ràng rằng, hiện không bên nào tìm kiếm việc ngừng bắn hoặc chấm dứt chiến tranh bằng ngoại giao. Nga dường như có khuynh hướng nghiêng về một cuộc chiến kéo dài, Nga tin rằng về lâu dài, họ có ưu thế. Mặc dù có thể không phản đối việc ngừng bắn, điện Kremlin sẽ không từ bỏ lãnh thổ đã chiếm đóng. Đó không là khởi điểm đối với Ukraine. Dựa trên sự ủng hộ của đa số dân chúng đối với quân đội, chính phủ Kyiv tin rằng động lực đang có lợi cho họ, nhưng họ không có thêm những chiến thắng lớn trên chiến trường, Ukraine sẽ chỉ đàm phán từ một thế yếu.

Nhưng dù thiếu một giải pháp cuối cùng, nền ngoại giao vẫn có thể giúp hạn chế và làm giảm sự tàn phá của chiến tranh và các tác động dây chuyền đối với nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia thuộc phía Nam bán cầu khi họ không đứng theo phe nào rõ ràng trong cuộc chiến, họ có vị trí tốt hơn các nước phương Tây hoặc Trung Quốc để đóng vai trò là trọng tài trung lập trong việc cố gắng xây dựng một tiến trình ngoại giao mà nó có thể giúp kiềm chế sự thái quá của chiến tranh và đặt các nền móng cho một thỏa thuận ngừng bắn hoặc hòa bình.

Với tư cách là một cường quốc quan trọng đã được cả Nga và Ukraine kiên trì ve vãn kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, Ấn Độ đóng một vai trò ở đây. Việc New Delhi từ chối công khai lên án cuộc xâm lược của Nga đã cho phép họ duy trì các mối quan hệ lịch sử với Moscow. Nhưng trong năm qua, Ấn cũng đã nồng ấm với Ukraine. Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản vào cuối tháng 5, Modi đảm bảo với Zelensky rằng, Ấn Độ sẽ làm “mọi thứ có thể” để giúp chấm dứt chiến tranh.

Bằng cách đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, Ấn Độ có thể tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại rất cần thiết giữa các bên tham chiến, điều tiết tác động nhân đạo của cuộc xung đột và giúp giảm bớt thiệt hại kinh tế mà cuộc chiến đã gây ra cho các nước thuộc phía Nam trên toàn cầu. Ấn Độ không nên đánh giá quá cao những gì họ có thể đạt được, nhưng cũng không nên sợ hãi khi tự coi mình là nhà trọng tài và khẳng định ý tưởng của mình trong một cuộc xung đột ở xa đất nước.

Ấn Độ, nhà trọng tài

Cuộc gặp gỡ giữa Modi và Zelensky đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý trong phương cách của Ấn Độ đối với Ukraine. Trong vài tháng qua, New Delhi đã thực hiện các biện pháp cho thấy, cuối cùng họ đã bắt đầu quan hệ với Ukraine một cách nghiêm túc, gồm tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận giữa Andriy Yermak, Tham mưu trưởng của Zelensky và Ajit Doval, Cố vấn an ninh quốc gia của Modi, về quan hệ song phương và kế hoạch hòa bình mười điểm của Ukraine. Trước đây, việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ của Ấn Độ với Nga – bao gồm cả mở rộng việc mua năng lượng – sau cuộc xâm lược đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu và kích động sự thiếu kiên nhẫn của phương Tây. Hiện nay, Ấn Độ đang thực hiện một con đường khác. Mặc dù tinh tế, sự thay đổi này là sản phẩm của một số yếu tố, bao gồm việc mong muốn của Modi tự thể hiện mình như là một chính khách quốc tế để nhắm tới cuộc tổng tuyển cử vào năm 2024, mối quan tâm ngày càng tăng của Ấn Độ về các tham vọng của Trung Quốc, nhu cầu đồng thời phục vụ cho sự nhạy cảm của phương Tây và sự cấp thiết phải cân bằng các đối thủ mà nó là trọng tâm trong truyền thống chiến lược của Ấn Độ.

Không có gì ngạc nhiên khi một cường quốc không phải phương Tây lại quan tâm đến cuộc xung đột Ukraine như vậy. Cho đến nay, các thỏa thuận có ý nghĩa nhất được ký kết giữa Nga và Ukraine trong cuộc chiến đã được Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian: Các thỏa thuận về vận chuyển ngũ cốc cần thiết và các sản phẩm nông nghiệp rất cần thiết qua Biển Đen hiện đã bị loại trừ. Các sáng kiến được các nước phương Tây hỗ trợ mà họ là đồng minh và những người ủng hộ thân cận của Ukraine hoặc Trung Quốc nhà hảo tâm của Nga, chắc chắn sẽ được chào đón với sự nghi ngờ. Ấn Độ có một cơ hội duy nhất để tham gia một cách công khai bởi vì đã không lên án Nga và tiếp tục duy trì quan hệ với Moscow.

Hơn một tuần sau khi gặp Zelensky, Modi đã gọi điện cho Putin để thúc giục “đối thoại và ngoại giao” trong việc chấm dứt chiến tranh. Tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa qua ở Indonesia, Ấn Độ đã giúp các thành viên của nhóm, gồm cả các đối thủ Nga và Mỹ, đi đến thỏa thuận qua ngôn ngữ của việc tuyên bố chính thức được đưa ra vào cuối cuộc họp. Như Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar chỉ ra: “Ấn Độ sẽ không thể làm trung gian hòa giải và giúp giảm bớt tình hình một cách có giá trị nếu họ làm những gì phương Tây muốn họ làm trong giai đoạn đầu của cuộc chiến“.

Vào tháng 9, Ấn Độ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-20 tiếp theo. Ấn Độ có thể nhấn mạnh hơn nữa về năng lực lãnh đạo của mình bằng cách đề xuất và hướng dẫn các trao đổi ngoại giao khiêm tốn giữa Nga, Ukraine và các đối tác của họ. Các đề xuất quan trọng để chấm dứt chiến tranh – như đã được một số quốc gia đưa ra, một số quốc gia bao gồm Brazil, Trung Quốc và Indonesia –dường như không được thực hiện nghiêm túc ở giai đoạn này.

Nhưng Ấn Độ có thể đưa các đối thủ vào bàn đàm phán để theo đuổi các thỏa thuận và hiểu biết mang tính dự kiến hơn. New Delhi có thể khuyến khích và tạo điều kiện đối thoại giữa các bên về một loạt các vấn đề ở mức độ thấp hơn. Trong các cuộc thảo luận gần đây của tôi với các quan chức và thành viên trong giới chiến lược ở New Delhi và Kyiv, một số ý tưởng hữu ích đã xuất hiện với tiềm năng cho việc áp dụng trong thực tế. Thứ nhất, Ấn Độ có thể tổ chức các cuộc gặp cấp cao giữa các đối thủ. Từ khi cuộc chiến bùng nổ, New Delhi là địa điểm tổ chức cuộc gặp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tháng 3 này. Tương tự như vậy, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay, New Delhi có thể tích cực khuyến khích nhiều cuộc họp kiểu này ở Ấn Độ giữa các bên tham gia khác nhau. Mặc dù New Delhi không có khả năng mời Ukraine tham gia G-20 (Ukraine không phải là thành viên), hội nghị thượng đỉnh có thể trở thành cơ hội cho “các cuộc gặp gỡ tình cờ”, “tham dự”, các cuộc họp bên lề hoặc thậm chí là các cuộc trò chuyện chính thức hơn giữa các nhà lãnh đạo từ Nga, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu. New Delhi có thể đem lại việc thu phục nhẹ nhàng của một người trung gian mai mối nhưng có quan tâm.

Chính phủ Ấn Độ cũng có thể hỗ trợ các cuộc đàm phán bán chính thức và các cuộc đối thoại không chính thức giữa các đối tác cấp cao từ Nga, Ukraine, Mỹ và châu Âu để thảo luận về tình trạng hiện tại và diễn biến của cuộc chiến, tác động của nó và những cách thức tiềm tàng mà nó sẽ kết thúc. Các cuộc thảo luận như vậy sẽ giúp xây dựng một mức độ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai. Ấn Độ có thể tổ chức chính thức hoặc không chính thức hoặc khuyến khích các cuộc thảo luận như vậy. Việc thiếu các cuộc đối thoại quan trọng trong cách này là vô cùng hỗn độn (một cuộc họp đầu năm nay giữa Lavrov và một số học giả và cựu quan chức Mỹ là một ngoại lệ hiếm hoi). Điều đáng lo ngại hơn nữa là sự miễn cưỡng của cường quốc kiến tạo hòa bình thế giới, Liên minh châu Âu áp dụng kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột vào cuộc xung đột với Nga. Mặt khác, Ấn Độ có truyền thống tham gia đối thoại với các đối thủ ngay cả giữa chiến tranh, như đã làm trong cuộc xung đột Kargil năm 1999 với Pakistan. Khả năng giao tiếp với Pakistan và Trung Quốc, hai nước mà Ấn Độ đã tham gia chiến tranh và có mối quan hệ đối địch, cũng làm nổi bật mong muốn tránh sự thù địch ý thức hệ cứng nhắc, giống như Chiến tranh Lạnh với những kẻ thù.

Trong việc tham vấn với các đối tác, New Delhi cũng có thể xác định các vấn đề quan trọng mà các quan chức của Ukraine và Nga có thể giải quyết nhằm mục đích xây dựng lòng tin và cứu trợ cho thường dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Cả hai bên có thể quan tâm đến việc thảo luận các vấn đề như đối xử nhân đạo với các tù nhân, xác định và thực hiện (cùng với cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, the International Atomic Energy Association, IAEA) các hạn chế đối với các mục tiêu quân sự xung quanh các nhà máy điện hạt nhân, không khuyến khích việc sử dụng loại bom chùm, sơ tán các thường dân ra khỏi các khu vực giao tranh dữ dội và sắp xếp các lệnh ngừng bắn tạm thời ổ địa phương để bảo vệ dân thường.

Các quan chức Ấn Độ đã nhiều lần nhấn mạnh tác động của cuộc chiến đối với nền kinh tế quốc gia và an ninh lương thực, và đối với nước thuộc phía Nam bán cầu nói chung. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã dẫn đến giá lương thực và năng lượng tăng đột biến, gây ra lạm phát, làm suy yếu đồng tiền quốc gia và quốc tế không còn quan tâm đến tình trạng hỗn loạn kinh tế ở nhiều quốc gia thuộc miền Nam trong toàn cầu mà họ vẫn đang quay cuồng với các hậu quả của trận đại dịch COVID-19. Quyết định đáng tiếc gần đây của Nga không gia hạn thỏa thuận về ngũ cốc do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, một lần nữa gây ra lo ngại về an ninh lương thực trên toàn thế giới, đó là cơ hội để New Delhi nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực. New Delhi có thể thuyết phục Moscow gia hạn thỏa thuận, tận dụng cả mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Nga, vốn chỉ phát triển kể từ đầu cuộc chiến, và thiện chí mà họ có được ở Moscow. Đầu tháng 6, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink đã công khai khuyến khích Ấn Độ làm điều đó. Bà nói: “Các nhà lãnh đạo Ấn Độ có tiếng nói độc đáo để đứng lên bảo vệ các nước đang phát triển và khuyến khích tiếp tục và mở rộng Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen để đảm bảo mọi người trên khắp thế giới có thể tiếp nhận thực phẩm mà họ rất cần”.

Với tư cách là một cường quốc hạt nhân, Ấn Độ cũng có thể cố gắng bảo đảm rằng, vũ khí hạt nhân không được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào trong cuộc xung đột này. New Delhi luôn ủng hộ việc không sử dụng các vũ khí hạt nhân, gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn và tin tưởng mạnh mẽ vào điều cấm kỵ hạt nhân. Ấn Độ nên kêu gọi tất cả các bên liên quan bảo đảm rằng không bên nào đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật vào cuộc chiến, ngay cả khi một đề xuất như vậy có thể không gây ấn tượng đối với Nga.

Để gây ấn tượng, khi bắt đầu khởi động, New Delhi nên chỉ định một đặc sứ, triệu tập các bên khác nhau trong cuộc xung đột và thực hiện các nỗ lực như đã phác hoạ ở trên. Ấn Độ cũng có thể tham gia các sáng kiến do nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khác nhau đề xuất, chẳng hạn như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và IAEA, thúc đẩy để phát triển một kế hoạch hòa bình hoặc ít nhất là các khía cạnh của một kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng Ấn Độ nên hành động nhanh chóng để tận dụng sự nồng ấm ngày càng tăng giữa Modi và Zelensky, và sự quan tâm mà Ấn Độ sẽ nhận được với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới. Một khi chiến tranh kết thúc hoặc các bên đồng ý ngừng bắn, Ấn Độ cũng có thể xem xét, đảm nhận vai trò lớn hơn trong nỗ lực gìn giữ hòa bình giữa hai nước, với kinh nghiệm dày dặn trong các hoạt động gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới, một viễn cảnh mà các quan chức ở Kyiv có thể hoan nghênh, trong khi đánh giá qua các cuộc thảo luận của tôi ở đó. Bằng cách này, Ấn Độ có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc duy trì tương lai an ninh châu Âu.

Lãi nhiều, lỗ ít

Điểm không thể tranh cãi là lợi ích của Ấn Độ khi cố gắng thực hiện một vai trò như vậy. Ở cấp độ rộng rãi nhất, những hành động này sẽ cho phép chính phủ Modi nhắc nhở cho thế giới biết rằng Ấn Độ là một cường quốc quan trọng. Ấn Độ tìm cách tự tạo lập mình như là một cực trong một hệ thống quốc tế đa cực, và can thiệp theo cách này vào cuộc chiến ở Ukraine sẽ nhấn mạnh khả năng giúp duy trì trật tự toàn cầu. Điều này càng quan trọng hơn đối với Ấn Độ vào thời điểm mà Trung Quốc, nước láng giềng và đối thủ, cũng đang tìm cách tự coi mình là một nhà kiến tạo hòa bình quốc tế. Bằng cách nỗ lực hướng tới việc bảo đảm một tình trạng hòa hoãn khó chịu giữa Iran và Ả Rập Saudi, Trung Quốc đã thể hiện mình là một lực lượng địa chính trị quan trọng, điều mà Ấn Độ vẫn chưa thể hiện.

Trung Quốc đã thúc đẩy kế hoạch hòa bình của riêng mình để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù các quan chức ở Kyiv và phương Tây không coi trọng kế hoạch này. Nhưng nỗ lực hòa giải của Trung Quốc đã cho phép họ nuôi dưỡng thiện chí ở Nga, Ukraine và châu Âu, với người Ukraine và các đồng minh phương Tây của họ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng hỗ trợ tái thiết đất nước bị tàn phá. Điều này sẽ chỉ thúc đẩy vị thế địa chính trị của Trung Quốc. Cuộc chiến càng kéo dài, nó càng làm tăng sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc và hạn chế hơn nữa khả năng và sự sẵn sàng của Nga qua việc giúp đỡ New Delhi trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh. Điều đó sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các quan chức Ấn Độ mạo hiểm làm phật lòng Nga, bằng cách thúc đẩy nước này xoa dịu sự thù địch. New Delhi không muốn cuộc chiến khiến Nga bị vùi dập và yếu đuối, mà thay vào đó, muốn duy trì một nước Nga mạnh mẽ, có thể củng cố tình trạng đa cực ở châu Á và ngăn chặn bá quyền Trung Quốc.

Cuộc chiến Ukraine cuối cùng cũng sẽ kết thúc. Trong khi đó, các quốc gia phải cố gắng kiềm chế cường độ bạo lực, chuẩn bị nền tảng cho các cuộc đối thoại chiến lược hơn và xây dựng lòng tin cho các lệnh ngừng bắn trong tương lai và có thể là một hòa ước tiềm tàng. Những nỗ lực của New Delhi có thể, tốt nhất, là làm giảm bớt những tác động tàn phá nhất của cuộc chiến; tệ nhất, họ sẽ tạo ra sự khác biệt nhỏ. Nhưng các quan chức Ấn Độ sẽ phạm sai lầm nếu họ không làm gì khi họ và thế giới đạt được quá nhiều.

***

Tác giả: Happymon Jacob là Phó Giáo sư về Ngoại giao và Giải trừ Quân bị tại Đại học Jawaharlal Nehru và Sáng lập viên Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, một tổ chức tư vấn có trụ sở đặt tại New Delhi.

Related posts