Bảo vệ danh dự cho kẻ cắp

Chu Mộng Long

14-8-2023

Một bạn chuyển cho tôi thông tin về chuyện kì lạ đang diễn ra ở một trường học tại huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Trước cuộc họp gồm Ban Giám hiệu và phụ huynh học sinh, Hiệu trưởng thông báo: Cô Ánh đã làm nhục học sinh!

Tội làm nhục học sinh, theo luật là tội lớn. Nhưng cô giáo đã mắc tội như thế nào? Khi làm bài kiểm tra, có bạn khiếu nại một bạn khác đang lật tài liệu, cô giáo đến gấp quyển vở lại, không cho bạn chép nữa. Tất nhiên là bạn không làm được bài và khóc. Chỉ có thế. Nhưng phụ huynh mách Hiệu trưởng. Hiệu trưởng kết tội cô giáo làm nhục học sinh!

Cô giáo uất ức gặp Chủ tịch huyện. Nghe cô giáo kể xong, Chủ tịch huyện khoát tay và kể chuyện khác. Rằng có ông kia tới thăm thầy giáo cũ, hỏi thầy chuyện năm xưa tại sao tha cho một đứa ăn cắp. Ông giáo già kể lại khi lớp mất đồ, thầy yêu cầu tất cả học sinh xếp hàng và nhắm mắt để thầy lục túi từng người. Khi thầy tìm được đồ mất cắp thì cả lớp không biết ai là kẻ cắp. Ông kia hỏi: Cả lớp không biết ai ăn cắp nhưng thầy biết, tại sao thầy lại tha? Ông giáo già đáp: Vì khi lục túi, tôi cũng nhắm mắt nên không biết ai ăn cắp!

Ông Hiệu trưởng kết tội cô giáo “làm nhục học sinh” trong trường hợp học sinh lật tài liệu, chỉ có thể: 1) Hiệu trưởng từng là một kẻ chuyên gian dối trong thi cử, 2) Sợ trường ông ta quản lý có học sinh điểm kém, tức bệnh thành tích ăn tận não sâu của Hiệu trưởng, 3) Hiệu trưởng nhận phong bì của phụ huynh rồi nhân danh ứng xử sư phạm bất chấp quy chế thi cử.

Không chừng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bị khép tội “làm nhục học sinh” khi ra quy chế cấm lật tài liệu trong phòng thi, không chỉ quy định phạt học sinh mà còn phạt luôn cả giáo viên coi thi để học sinh lật tài liệu! Kì lạ chưa?

Kì lạ hơn là câu chuyện của ông Chủ tịch huyện. Kẻ cắp cũng có “danh dự”, cho nên phải nhắm mắt làm ngơ để bảo vệ danh dự cho kẻ cắp! Có lẽ ông bắt chước chuyện vua Trần từng đốt cả sớ ghi tên họ hoàng tộc là những kẻ bán nước cho giặc Mông để giữ danh dự cho họ Trần? Hay ông vận dụng cái gọi là “nhân văn” của Đảng tìm cách che giấu hay xử nhẹ tội các đồng chí tham nhũng? Xin thưa ông, chuyện trong sử là một sai lầm to lớn của vua Trần, vì danh dự của họ Trần mà che giấu tội ác của đám Trần Ích Tắc, biến dân thành nạn nhân của ba lần binh đao. Và thưa ông, chỉ vì cái gọi là “nhân văn” với đồng chí của mình mà nạn tham nhũng như quả bóng tuyết càng lăn càng to, dân khổ sở, đau đớn và đến người đứng đầu Đảng cũng thấy “ngứa như ngứa ghẻ”!

Chuyện ông giáo già nhắm mắt không biết ai là kẻ cắp, nếu là kẻ ngu ngơ rất dễ bị lừa, rằng đó là một ứng xử sư phạm tinh tế. Đành rằng trẻ em có thể lỡ dại, nếu công khai giữa lớp, đứa bé ăn cắp đó có thể bị công kích, bị mặc cảm và chấn thương tâm lý. Nhưng ít ra người thầy cũng phải biết đó là ai để có cách giáo huấn, hoặc gặp riêng tư hoặc nói chung chung giữa lớp. Nhắm mắt không cần biết ai ăn cắp chỉ có thể: 1) Thầy từng là hoặc đang là kẻ cắp, 2) Ăn hối lộ rồi dung túng, che giấu kẻ cắp, 3) Tung hoả mù để gây nghi ngờ lẫn nhau trong những đứa bé lương thiện.

Tôi không tin có ông giáo già nào như vậy, trừ phi đó chỉ là hóa thân của ông Chủ tịch huyện Mộ Đức. Và cũng như ông Hiệu trưởng dám công khai xé quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Chủ tịch huyện Mộ Đức đã ngang nhiên ngồi ỉa trên pháp luật khi chủ trương dung túng, che giấu tội phạm.

Nghe tin Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có chương trình “Gặp gỡ” nhà giáo toàn quốc, không rõ trong hơn 6.300 ý kiến, có ý kiến nào liên quan đến vấn đề sư phạm trên không? Tôi nghĩ, ông không cần phải có một chương trình như vậy. Cứ mở lại cái trang FB Nguyễn Kim Sơn như khi chưa làm Bộ trưởng, ông sẽ lắng nghe được nhiều điều thật hơn, thú vị hơn là mất công đọc 6.300 ý kiến, trong đó tôi tin ít nhất có đến 6.000 ý kiến vuốt đuôi!

Related posts