Cái ác

Đặng Quốc Thông

Trong mấy ngày vừa qua, không biết do một trùng hợp ngẫu nhiên nào mà tôi toàn xem, nghe, và đọc về cái ác. Trước hết, đó là bộ phim “Chữ A đỏ thắm” (The Scarlet Letter) dựa trên tác phẩm kinh điển cùng tên và rất nổi tiếng của Nathaniel Hawthorne. Truyện này tôi đã đọc trước năm 1975 với tên “Nét chữ ô nhục”, sau 1975 được Lâm Hoài dịch lại với tên “Chữ A màu đỏ”, không dầy lắm, chỉ khoảng trên ba trăm trang.

“Chữ A đỏ thắm” lấy bối cảnh ở Boston vùng New England, thời gian truyện là khoảng đầu thế kỷ thứ 17. Truyện kể về một cô gái tên Hester Prynne, có chồng là Roger Chillingworth. Hai người cưới nhau khi còn ở bên Anh, nhưng cuộc hôn nhân đúng là không tương xứng, bởi trong khi Hester là một phụ nữ có ước mơ và khao khát yêu đương như bao người đàn bà bình thường khác thì Roger chỉ đam mê kiến thức, tối ngày vùi đầu vào sách vở.

Khi xảy ra cuộc di dân tìm quê hương mới ở châu Mỹ, Roger cho vợ đi trước, mình ở lại thu xếp công việc rồi sẽ đi sau. Hester đến được châu Mỹ, định cư tại Boston thuộc Thanh giáo, nhưng Roger đi sau bị đắm tầu, phải chung sống với thổ dân, học được từ họ những phương pháp chữa bệnh bằng cây rừng, hai năm sau mới tìm được đường đến Boston, đến nơi lại đúng vào ngày Hester bị bêu xấu trước giảo hình đài vì đã phạm tôi ngoại tình và có con.

Theo quyết định của thành phố, Hester bị phạt phải đeo trước ngực chữ A màu đỏ, tượng trưng tội ngoại tình. Ngoài ra, nàng còn bị buộc khai tên cha của đứa trẻ. Hình phạt đầu nàng kiên cường gánh chịu, nhưng bướng bỉnh không kém, nàng từ chối khai tên người tình. Sự bướng bỉnh bảo vê thanh danh cho người tình của Hester đã khiến ông chồng căm tức, lão buộc vợ không được hé lộ thân thế thật của lão để lão dễ bề truy tìm kẻ tòng phạm hèn nhát.

Kẻ tòng phạm hèn nhát này hoá ra lại là Arthur Dimmesdale, vị mục sư trẻ rất được tôn kính vì sự thánh thiện trong cách sống và trong các bài giảng của mình. Vì không đủ can đảm đứng ra nhận tội, Arthur sống trong triền miên đau khổ, dằn vặt, tâm thần hoảng loạn và sức khoẻ mòn dần. Lo sợ cho sức khoẻ của vị mục sư, thành phố đã nhờ người duy nhất biết y thuật là Roger đến ở chung nhà với Dimmesdale để tiện việc thuốc thang.

Bằng cặp mắt cảnh giác của một kẻ mà thù hận đã biến thành ác quỷ, Roger đánh hơi ngay sự bất thường trong nhưng biểu hiện tâm lý và hành xử của Dimmesdale và nhanh chóng xác định vị mục sư chính là kẻ mà mình đang truy tìm. Lão không công khai tố cáo mà âm thầm trong sự khoái trá độc ác tìm mọi cơ hội để đày đọa thêm linh hồn vốn đã sẵn khốn khổ của vị mục sư. Sự đày đọa của quỷ này đã dẫn đến một chung cục không khó để đoán trước:

Sau một bài giảng cuối cùng rất hùng biện nhưng đầy âm hưởng não nề khiến người nghe vừa thán phục vừa bàng hoàng, Dimmesdale ngã gục vì vỡ tim. Thật may là trước khi chết, vị mục sư vẫn kịp tự chuộc tội bằng cách cùng mẹ con Hester gượng leo lên giảo hình đài, và trước ánh mắt hoảng hốt không hiểu đang xảy ra chuyện gì của mọi người, ông xé phăng áo ngực, để lộ ra ngay chỗ trái tim của mình dấu vết mờ mờ của một chữ A đỏ thắm!

Hồi nhỏ, đọc truyện này, tôi rất ngưỡng mộ sự dũng cảm của người phụ nữ, thất vọng về sự hèn nhát của vị mục sư nhưng cũng đã tha thứ cho ông khi cuối cùng ông dám công khai tội lỗi của mình. Mấy hôm trước, khi chọn coi lại bộ phim, tôi cũng chẳng trông đợi gì hơn, coi lại chỉ là vì chợt nhớ cái trầm mặc của một vùng đất lịch sử mình đã vài lần ghé thăm, những Tarrytown với Sleepy Hollow của Irving và Salem với căn biệt thự bảy đầu hồi của Hawthorne.

Nhưng về gần cuối bộ phim, tôi giật mình khi nghe đoạn đối thoại giữa Hester và Dimmesdale lúc họ tình cờ gặp lại nhau trong khu rừng, bộ dạng tiều tụy của vị mục sư đã khiến Hester nhận ra sai lầm khi giấu Dimmesdale về sự hiện hữu của lão chồng. Nàng quyết định nói cho ông sự thật về lão, bề ngoài là đang chăm sóc thuốc thang cho ông nhưng thật ra là đang mèo vờn chuột cái linh hồn đang quằn quại trong sư ăn năn thống khổ.

Nghe được sự thật, Dimmesdale cảm thấy nhục nhã và tức giận, cả vì sự thống khổ của mình đã bị Roger đem ra làm hề, cả về việc Hester đã gián tiếp tiếp tay cho lão. Ông uất hận tuyên bố sẽ không tha thứ cho Hester. Hoảng sợ, Hester ôm chầm lấy ông van vỉ. Trong vòng tay khẩn cầu yêu thương tuyệt vọng của nàng, đầu gục lên bộ ngực có thêu chữ A mang trong nó bảy năm khổ đau vì bị xã hội ruồng rẫy, Dimmesdale thấy cơn giận tiêu tan.

“Anh tha thứ cho em, Hester.” Cuối cùng vị mục sư trả lời, giọng thật trầm, như cất lên từ một vực thẳm u sầu, không vẻ giận dữ. “Bây giờ anh sẵn lòng tha thứ cho em. Cầu Chúa tha thứ cho hai ta. Chúng ta không phải là những kẻ tội lỗi xấu xa nhất trên thế gian này. Có một kẻ phạm tội còn xấu xa hơn cả người giáo sĩ sa đọa. Hành động trả thù của hắn ghê tởm hơn tội lỗi của ta, hắn đã lạnh lùng xâm hại tính thiêng liêng của trái tim con người…”

“I do forgive you, Hester,” replied the minister, at length, with a deep utterance, out of an abyss of sadness, but no anger. “I freely forgive you now. May God forgive us both! We are not, Hester, the worst sinners in the world. There is one worse than even the polluted priest! That old man’s revenge has been blacker than my sin. He has violated, in cold blood, the sanctity of a human heart…”

“Xâm hại tính thiêng liêng của trái tim con người”. Nghe câu này mà tôi giật mình. Hester và Dimmesdale đã phạm tội và phải trả giá, đó là lẽ công bằng. Roger bị phản bội trong cuộc hôn nhân mà từ đầu lão đã biết bất xứng, cũng là công bằng. Roger trả đũa hận tình cũng là công bằng. Nhưng có những hành vi mà ngay cả lẽ công bằng cũng không thể biện minh, đó là việc xâm hại tính thiêng liêng của tâm hồn con người. Sống cách nay 200 năm mà Hawthorne lại có một nhận xét nhân bản sâu sắc đến thế thì thật đáng khâm phục!

375465702_2885684724896095_6352192439691597998_n

Đó là cái ác mà tôi đã được xem. Một cái ác khác mà tôi được nghe tiếp liền sau là bài giảng của TS. Dương Ngọc Dũng có tựa “Hannah Arendt: Cái ác và Nguồn gốc của Chế độ Toàn trị”. Trong bài giảng này, ngoài nhiều điều cực kỳ thú vị và dí dỏm, TS. Dương Ngọc Dũng nhấn mạnh, mục tiêu của chế độ toàn tri không phải là sản sinh ra những đảng viên trung thành, bởi trung thành đến mấy mà khi họ nhận ra những điều mình tin chỉ là ngụy tín thì họ sẽ phản ứng.

Không, mục tiêu tối thượng của chế độ toàn trị, ở bất cứ nơi nào và giai đoạn lịch sử nào, cũng đều thống nhất ở chỗ phải tạo được một đám đông quần chúng mất khả năng phân định đúng sai. Một con bò mà lãnh tụ bảo là ngựa thì đám quần chúng cũng sẵn lòng tin là đó là một con ngựa. Bảo đi là đi, bảo giết là giết, hoàn toàn như một cái máy. Đây cũng chính là một hành vi xâm hại tính linh thiêng của tâm hồn con người, một điều ác tận cùng trong các sự ác.

Cái ác cuối cùng mà tôi được đọc, đó là cái ác nêu ra trong bài viết của Tạ Duy Anh mới đây trên facebook có tên “Giáo dục và Chính trị”. Trong bài, anh kể về chuyện đã xảy ra trong lớp học của con trai mình, như sau:

“Một hôm con trai tôi, lúc đó đang học lớp 10, về nhà hỏi tôi:

– Người Mỹ độc ác lắm hả bố?

– Ai nói với con như vậy?

– Cô giáo con. Cô bảo ở Mỹ cứ ra đường là bị bắn chết.

“Tôi chết điếng người, máu sôi lên vì giận cô: Ngay cả khi cô (hoặc người lớn nói chung) nghĩ thế thật, cũng không được phép nói với những đứa trẻ như vậy…”

Kể xong chuyện về con trai, TDA tự hỏi: “Khi nói vậy, do cô dốt, do cô nuôi chí thù hận, hay là hậu quả của tuyên truyền chính trị mà cô bị nhồi nhét? Có thể là tất cả”. Rồi anh kết: ”Chính trị có sứ mệnh riêng to lớn của nó… [nhưng] khi giáo dục bị chính trị thao túng, nó sẽ bỏ bê việc chính là đào tạo con người… để lao theo việc tạo ra những cỗ máy hình người… những người máy có khả năng “ưu việt” là hủy diệt khủng khiếp mọi thứ tốt đẹp trên đời!”

Biến con người thành những cỗ máy chỉ biết tuân phục, sẵn sàng hủy diệt mọi thứ tốt đẹp trên đời là một tội ác xâm hại tính thiêng liêng của tâm hồn con người trong tất cả các chế độ toàn trị. Trong một bài đăng mới hôm qua về những sự việc rợn người xảy ra trong CCRĐ ở Hương Khê, Phan Thúy Hà kể:

– Bắn mãi ông Thất Trí không chết, rồi họ chặt.

Thấy ông Thất Trí, ông Hương bị bắn, biết mình sắp bị đưa ra đấu tố – ông Sỹ và ông Điều sắt cổ chết.

– Họ treo ông Phan Thúc Bách trên cành da. Bắn chết, rớt xuống, lấp đó luôn.

– Ông Võ Phong bị đập cho nhục đi rồi, khi điệu ra cột để bắn là chết rồi.

– Họ trói ông Khuê một đêm ở thanh ngang chuồng trâu, sáng mai điệu ra bắn, thấy muỗi cắm đỏ mặt. Ba, bốn người quỳ xuống bắn. Ông Khuê la lên: Oan tui lắm trời ơi.

Sau khi xuất bản tập “Đoạn đời niên thiếu” được coi là tập tiếp theo của tập “Gia đình” xuất bản trước đó mấy năm, Phan Thúy Hà thường kể thêm trên Facebook của mình những sự kiện như thế và độc giả của chị sẽ vào còm ào ào. Lần này, sau khi kể, Phan Thúy Hà viết kèm một dòng tâm trạng: “Sau mỗi tút thế này lại có bạn sẽ còm phẫn nộ và tôi đã ngán với những cảm thán như vậy lắm rồi… Nếu chỉ phẫn nộ và ghê sợ, thì bi kịch lịch sử này có thể lặp lại”.

Khi đọc dòng tâm trạng kèm theo đó của Phan Thúy Hà, tôi không hiểu có phải chị đang muốn độc giả của chị phải nghĩ về một điều gì sâu xa hơn là những phẫn nộ đơn thuần, chẳng hạn như nguồn gốc của cái ác? Nếu đúng đây là ẩn ý của chị, thì riêng tôi có thể trả lời ngay: Nguồn gốc của tất cả cái ác đó chính nằm ở cái đã biến con người thành cỗ máy (Tạ Duy Anh), cái là cứu cánh của mọi chế độ toàn trị (Dương Ngọc Dũng), cái đã lạnh lùng xâm hại tính thiêng liêng của tâm hồn con người (Chữ A đỏ thắm), và là cái đã được chính Karl Marx trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản” mô tả ngắn gọn là một bóng ma…

Related posts