Kim Mỹ Sơn
Mới đây, Bộ Nội vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiết lộ, đến cuối năm 2022, số trẻ em thực tế không có người nuôi dưỡng ở Quảng Đông là 29.000 trẻ, Hồ Nam 28.000 trẻ và Hà Nam 28.000 trẻ. Theo cách gọi thông tục, thì đây là số lượng “trẻ mồ côi”.
“Mồ côi” là trẻ em có cả cha lẫn mẹ đều tàn tật nghiêm trọng, ốm nặng, đang chấp hành án phạt giam, bị buộc cách ly để cai nghiện ma túy, bị áp dụng các biện pháp khác hạn chế quyền tự do cá nhân, mất liên lạc, bị thu hồi tư cách giám hộ, bị trục xuất, hoặc con cái có cha hoặc mẹ đã chết hoặc mất tích, người còn lại phù hợp với 1 trong 8 điều kiện trên.
Theo định nghĩa này, một người có cha mẹ đã chết, không có khả năng tự sinh tồn, cũng như không có thu nhập riêng sẽ được coi là trẻ mồ côi.
Vào tháng 1/2021, Bộ Nội vụ (Bộ Dân chính) của ĐCSTQ từng giới thiệu trong cuộc họp báo thường kỳ rằng số lượng trẻ mồ côi trong cả nước Trung Quốc vào thời điểm đó, tức là những trẻ em trên thực tế không có người nuôi dưỡng là 253.000 trẻ.
Trong đó có 114.200 trẻ có cha hoặc mẹ đã qua đời và người còn lại mất liên lạc, tàn tật nặng, hoặc mất tích, chiếm 45,1%; 69.300 trẻ có cả cha lẫn mẹ đều bị tàn tật nặng, chiếm 27,4%; 20.900 trẻ là con của phạm nhân, chiếm 8,3%; 7.700 trẻ có cha hoặc mẹ bị tàn tật nặng và người còn lại mất liên lạc.
Xét về phân bố vùng, Quảng Đông có số trẻ mồ côi đông nhất với 28.000 trẻ, tiếp theo là Hồ Nam với 23.000 trẻ, An Huy 19.000 trẻ, Hà Nam 17.000 trẻ, Quý Châu 16.000 trẻ, Vân Nam 15.000 trẻ, 6 tỉnh trên chiếm 46,6% tổng trẻ mồ côi của Trung Quốc.
So sánh số liệu năm 2021 và 2022, Quảng Đông tăng thêm 1.000 trẻ, Hồ Nam tăng 5.000 trẻ và Hà Nam tăng 11.000 trẻ. Dựa trên con số tăng trưởng này và giá trị trung bình của 30 tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương và khu tự trị) trên cả nước, số trẻ mồ côi của Trung Quốc năm nay sẽ vượt quá 300.000 trẻ.
Theo phân tích, thống kê của Bộ Nội vụ về trình độ học vấn của trẻ mồ côi như sau: Mầm non chiếm 11,5%; học sinh tiểu học chiếm 43,2%; học sinh trung học cơ sở chiếm 25,3%; học sinh trung học phổ thông, sinh viên đại học trở lên chiếm chiếm 13,0%; 17.500 người ở hoàn cảnh khác, chiếm 7,0%.
Qua số liệu thống kê có thể thấy, hầu hết trẻ mồ côi đang ở độ tuổi tiểu học, THCS, tức là trẻ mồ côi đa số ở độ tuổi từ 8 – 14. Lứa tuổi này vẫn thuộc phạm vi kế hoạch hóa gia đình của ĐCSTQ, đa số là con một.
Nói một cách thận trọng, dựa trên tỷ lệ 1,5, có ít nhất 200.000 hộ gia đình trên toàn Trung Quốc có người lớn đã chết, tàn tật nghiêm trọng, ốm nặng, bị cầm tù hoặc mất liên lạc.
Tính theo mỗi gia đình có một cặp cha mẹ (không tính ông bà nội, ông bà ngoại), thì có ít nhất 400.000 người trung niên trên 35 tuổi ở Trung Quốc đã chết hoặc bị cầm tù.
Ngoài số ca tử vong do khuyết tật thông thường, yếu tố do con người gây ra cũng chiếm tỷ lệ tương đối lớn.
Trước hết, thiên tai nhân họa thường xuyên xảy ra, như dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), bão cát, lở đất và trận lũ lụt ngày 20/7 ở Trịnh Châu. Một số gia đình có người tự tử vì các yếu tố xã hội, v.v.
Thứ hai, vài năm qua, ĐCSTQ vẫn tiếp tục đàn áp người dân Trung Quốc, như kết án bất hợp pháp những nhân sĩ bảo vệ nhân quyền, những người chính nghĩa, những người không có đức tin vào ĐCSTQ, những người thỉnh nguyện, hoặc dưới danh nghĩa chống trốn thuế, tra tấn đến chết, và bắt giữ người Trung Quốc.
Thứ ba, mất mát dân sự do xung đột tình cảm hoặc lợi ích gia đình, thương vong lao động do kinh tế suy thoái, mất mát xã hội do chính phủ phá dỡ nhà hoặc mất đất, và tai nạn giao thông, v.v.
Điều kỳ lạ là ở Trung Quốc, COVID-19, lở đất, lũ lụt đều là thảm họa do con người tạo ra. Tác hại do thiên tai gây ra ở Trung Quốc không giống như ở các nước tự do.
Ở Trung Quốc, có quá nhiều thiên tai do thể chế gây ra, như phong tỏa thành phố trong thời kỳ dịch bệnh, hệ thống thoát nước đô thị không hoàn thiện, quản lý hỗn loạn hoặc xả lũ trong khi đang ngập lụt, hay thảm họa lở đất do đào núi và khai thác đá nhân tạo để phát triển kinh tế mà không cảnh báo sớm v.v… Tất cả đều là những thảm họa do con người gây ra.
Trên thực tế, chúng giống như những yếu tố con người như mâu thuẫn gia đình, thương tích, tai nạn lao động.
ĐCSTQ dẫn dắt và phóng túng dục vọng của người dân Trung Quốc khiến người dân vì tiền bạc, danh lợi, tình ái, mà vợ chồng không coi trọng tình nghĩa, đồng nghiệp coi thường sự hợp tác, hàng xóm láng giềng trở mặt thành thù, hãm hại nhau.
Mức độ ĐCSTQ đàn áp và giam giữ trái phép người Trung Quốc rất khó diễn tả bằng ngôn từ và con số, khó có thể thống kê được có bao nhiêu gia đình nhà tan cửa nát dưới chế độ này.
Từ dữ liệu về trẻ mồ côi có thể thấy rằng một phần thảm kịch do ĐCSTQ gây ra quả thực rất đáng sợ.
Số liệu của Bộ Nội vụ cũng cho biết, xét về tình trạng sức khỏe, 95,7% trẻ em có sức khỏe tốt. Về tình trạng đăng ký hộ khẩu, 85,3% trẻ em có hộ khẩu nông nghiệp.
Có thể thấy ở nông thôn còn tệ hơn. Có lẽ, tại những vùng nông thôn còn có nhiều người hơn bị ĐCSTQ đàn áp, nhiều cha mẹ hơn phải rời bỏ quê hương, đi làm xa để mưu sinh, và nhiều người hơn mất liên lạc do bị lừa, bắt cóc hoặc qua đời.
Tất nhiên, ngoại giới cần thận trọng với số liệu của Bộ Nội vụ ĐCSTQ đưa ra, bởi chúng thường bị thu hẹp rất nhiều.
Kim Mỹ Sơn