Tin thế giới sáng thứ Sáu: Nga đưa thường dân rời Kherson

Nga đưa thường dân rời Kherson

Cục diện chiến sự ở miền nam Ukraine. Đồ họa: Guardian.
Cục diện chiến sự ở miền nam Ukraine. Đồ họa: Guardian.

Hôm thứ Năm 13/10, Nga thông báo hỗ trợ đưa người dân rời khỏi tỉnh Kherson mới sáp nhập, sau khi chính quyền do Moscow dựng lên đề nghị giúp đỡ trước cuộc phản công của Ukraine.

“Chính phủ đã quyết định hỗ trợ người dân tỉnh Kherson đến các khu vực của Nga. Chúng tôi sẽ cung cấp cho mọi người chỗ ở miễn phí và mọi thứ cần thiết”, Phó thủ tướng Nga Marat Khusnullin thông báo trên truyền hình hôm 13/10.

Quyết định được đưa ra sau khi lãnh đạo tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm Vladimir Saldo kêu gọi cư dân sơ tán trong bối cảnh cảnh giao tranh ác liệt.

“Các thành phố ở Kherson phải hứng chịu các cuộc tấn công tên lửa mỗi ngày. Do đó, lãnh đạo chính quyền Kherson quyết định để các gia đình lựa chọn đến những vùng khác của Liên bang Nga để nghỉ ngơi, học tập. Tôi đề nghị các lãnh đạo Nga hỗ trợ sơ tán”, ông Saldo cho hay, thêm rằng người dân nên rời đi cùng con cái.

Theo ông Saldo, khu vực này chịu thiệt hại nghiêm trọng vì số vụ tập kích rocket ngày càng nhiều và cơ sở hạ tầng dân sự đang bị nhắm mục tiêu. Ông cho biết những người được sơ tán sẽ đến Crimea và các khu vực miền nam nước Nga.

Kherson, ở miền nam Ukraine, là một trong 4 tỉnh Nga sáp nhập tháng trước. Kiev đã kịch liệt lên án động thái này. Ukraine mở chiến dịch phản công ở miền nam từ cuối tháng 8 và tuyên bố sẽ giành lại Kherson. Quân đội Ukraine gần đây cho biết đã giành lại hơn 1.170 km2 lãnh thổ ở Kherson.

Bất kỳ tổn thất lớn nào ở Kherson sẽ hạn chế Nga tiếp cận Crimea, bán đảo Nga sáp nhập năm 2014 và Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại.

Theo Reuters

IMF: Ukraine cần được hỗ trợ 3-4 tỷ USD mỗi tháng để duy trì hoạt động của chính phủ

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva tham gia cuộc thảo luận với các tổ chức xã hội dân sự tại trụ sở IMF ở Washington DC, Mỹ vào ngày 1010/2022. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Theo IMF, Ukraine sẽ cần khoảng 3-4 tỷ USD mỗi tháng để đảm bảo hoạt động của chính phủ; con số này có thể tăng lên tùy thuộc diễn biến cuộc chiến. Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ thêm để Kiev sớm chấm dứt chiến tranh.

Ukraine cần được hỗ trợ 3-4 tỷ USD mỗi tháng

Hôm thứ 4 (12/10), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Ukraine cần trợ giúp tài chính từ 3 đến 4 tỷ USD mỗi tháng để đảm bảo chính phủ không sụp đổ trong bối cảnh xung đột với Nga đang diễn ra. 

“Thật vậy, các nhà chức trách Ukraine đã thực hiện một công việc ấn tượng trong việc quản lý nền kinh tế của họ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn sau cuộc xâm lược của Nga”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết tại Hội nghị Bàn tròn cấp Bộ trưởng thứ 2 về Hỗ trợ Ukraine ở Washington, D.C.

Mặc dù vậy, bà Georgieva cho biết nhu cầu tài chính của Ukraine sẽ vẫn ở mức cao trong suốt năm tới.

“Điều này đòi hỏi hành động của các nhà chức trách nhưng quan trọng là cả cộng đồng quốc tế”, bà Georgieva nói. “Yêu cầu về tài chính từ bên ngoài sẽ vẫn còn lớn chừng nào chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Suy nghĩ hiện tại của chúng tôi là các yêu cầu tài chính sẽ vào khoảng 3-4 tỷ USD mỗi tháng vào năm 2023”.

Bà Georgieva lưu ý rằng hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính sẽ dành phục vụ cho các nguồn lực rất cần thiết cho các dịch vụ xã hội cơ bản, xây dựng lại cơ sở hạ tầng trong nước, và nhập khẩu năng lượng.

“Tất cả chúng ta đều phải bảo lưu khả năng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng và xã hội có thể đẩy nhu cầu tài chính vượt ra ngoài phạm vi này, tùy thuộc vào diễn biến của cuộc chiến”, bà lưu ý.

Ông Zelensky kêu gọi tài trợ

Ước tính của IMF được đưa ra cùng ngày khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính.

Ông Zelensky cho biết cần có khoảng từ 38 tỷ đến 55 tỷ USD để bù đắp thâm hụt ngân sách ước tính của năm tới, đồng thời cần 17 tỷ USD khác để giúp đất nước bắt đầu xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm trường học, nhà ở và cơ sở năng lượng.

“Ukraine càng nhận được nhiều sự trợ giúp trong hiện tại thì chúng tôi càng sớm kết thúc chiến tranh với Nga, và chúng tôi càng đảm bảo sớm hơn và chắc chắn hơn rằng một cuộc chiến tàn khốc như vậy sẽ không lan sang các nước khác”, ông Zelensky nói qua hội nghị truyền hình với các bộ trưởng tài chính tại cuộc họp thường niên của WB (Ngân hàng Thế giới) và IMF vào thứ 4.

IMF và WB đã cung cấp cho Ukraine khoản tài trợ và cho vay tương đương 35 tỷ USD trong năm nay, bà Georgieva cho biết vào hôm thứ 4.

Trong khi đó, chính quyền Biden đã cam kết viện trợ quân sự tổng cộng 15,8 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người cũng tham dự cuộc họp IMF hôm thứ 4, có vẻ gợi ý rằng sẽ tiếp tục có áp lực đối với Mỹ trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine trong năm tới.

Bà Yellen khuyến khích các nhà tài trợ “tiếp tục đẩy mạnh” để cung cấp tài chính cho đất nước bị chiến tranh tàn phá, đồng thời lưu ý rằng Washington “gần đây đã tái khẳng định cam kết của chúng tôi với Ukraine thông qua việc Quốc hội phê duyệt khoản hỗ trợ 4,5 tỷ USD mà chúng tôi sẽ bắt đầu giải ngân trong những tuần tới”.

“Con số này cộng với 8,5 tỷ USD viện trợ đã được giải ngân, khiến Mỹ trở thành nhà cung cấp hỗ trợ kinh tế lớn nhất cho Ukraine”, bà Yellen nói. “Khi những hành động đáng xấu hổ của Nga tiếp tục, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực chung và bắt đầu lập kế hoạch cho các nhu cầu của Ukraine vào năm 2023”.

Bảo Nguyên

Theo Katabella Roberts – The Epoch Times

Tên lửa phòng không IRIS-T mà Đức mới cung cấp cho Ukraine mạnh cỡ nào?

Hệ thống phòng không IRIS-T. (Ảnh: Sergey Kohl/Shutterstock)

Theo tờ DW, tên lửa phòng không IRIS-T mà Đức mới chuyển cho Ukraine có thể chống lại tất cả các loại máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường, tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm, tên lửa chống radar và xác suất tiêu diệt cao đối với máy bay không người lái.

Đức đã chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không công nghệ cao IRIS-T đầu tiên cho Kyiv nhằm giúp bảo vệ các thành phố và quân đội Ukraine khỏi các cuộc tấn công đường không.

Ukraine bắt đầu sở hữu một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới để bảo vệ nước này khỏi tên lửa hành trình của Nga, mặc dù Đức đã có phần chậm trễ chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không (SLM) IRIS-T này. Đây là hệ thống đầu tiên trong số 4 hệ thống IRIS-T dự kiến được Berlin chuyển giao cho Ukraine cho đến năm tới.

Tên lửa mới có hiệu quả chống lại tất cả các loại máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường, tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm, tên lửa chống radar và tên lửa cỡ nòng lớn. Nó cũng có xác suất tiêu diệt cao đối với máy bay không người lái, máy bay chiến đấu không người lái và các mối đe dọa cơ động nhỏ khác ở khoảng cách rất ngắn và tầm trung.

Cùng ngày nhận hệ thống IRIS-T đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết đợt giao hàng đầu tiên là kỷ nguyên mới của phòng không Ukraine, đồng thời nói thêm rằng các hệ thống tương đương do Mỹ cung cấp cũng đang được triển khai.

Mặc dù được phát triển từ thập niên 1990 và trải qua vài lần cải tiến, phiên bản IRIS-T đang được chuyển cho Ukraine, với giá mỗi chiếc khoảng 140 triệu EUR (136 triệu USD), là cực kỳ mới. Các thử nghiệm cuối cùng chỉ mới được tiến hành vào cuối năm 2021, và bản thân quân đội Đức (Bundeswehr) cũng chưa mua một hệ thống IRIS-T nào. Các phiên bản cũ hơn của hệ thống này trước đây từng được Thụy Điển và Na Uy mua.

Hệ thống IRIS-T trang bị cho Ukraine được sản xuất bởi Diehl Defence, có trụ sở ở Überlingen, miền nam Đức, cung cấp năng lực che phủ tầm trung, ở độ cao lớn cho các thành phố nhỏ và lực lượng quân đội.

Mỗi hệ thống bao gồm 3 phương tiện: một bệ phóng tên lửa, một radar và một radar điều khiển hỏa lực, tích hợp hậu cần và hỗ trợ. Các tên lửa được cho là có tầm bắn 40 km, độ cao tối đa 20 km, được trang bị radar tầm xa 250 km, sử dụng hình ảnh hồng ngoại để xác định mục tiêu. Tên lửa cũng có thể triển khai 360 độ xung quanh bệ phóng.

Phan Anh

Kính James Webb của NASA chụp ảnh ngôi sao phóng bụi vào không gian

Ngôi sao WR 140 (Wolf-Rayet 140) giải phóng bụi phát sáng tạo ra các gợn sóng. (Ảnh: NASA)

Hình ảnh mới thu được từ kính thiên văn James Webb của NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) cho thấy hiệu ứng ánh sáng cực mạnh từ một ngôi sao đang giải phóng vật chất cách xa 5.600 năm ánh sáng.

Hiệu ứng đẩy của ánh sáng sao, hay còn được gọi là áp suất bức xạ, là một trong những yếu tố ngăn ngôi sao sụp đổ dưới lực hấp dẫn của chính chúng. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature hôm 12/10 vừa qua, các nhà thiên văn học tại NASA cho biết họ đã có cái nhìn đầy đủ nhất về hiện tượng này nhờ kính thiên văn James Webb.

Hình ảnh tuyệt đẹp trên được công bố lần đầu vào tháng 7 bởi nhà khoa học công dân Judy Schmidt, trong đó cho thấy gần 20 gợn sóng đồng tâm bao quanh ngôi sao WR 140 trong hệ sao đôi SBC9 1232 cách Trái Đất khoảng 5.600 năm ánh sáng. Sau khi đăng tải, hình ảnh đã tạo ra nhiều suy đoán khác nhau về điều gì có thể gây ra hiệu ứng này. Các nhà khoa học giờ đây đã có lời giải đáp.

Nghiên cứu mới chỉ ra các gợn sóng là những chùm bụi và bồ hóng phát sáng, phun ra từ ngôi sao WR 140 khi nó quay quanh ngôi sao đồng hành theo một quỹ đạo hình elip mà chúng mất khoảng 8 năm để hoàn thành một vòng.

Khi ở khoảng cách gần, gió sao với tốc độ 3.000 km/s của chúng đập vào nhau, tạo ra một chùm vật chất trong không gian và từ từ mở rộng để tạo thành các vòng. Bởi các chùm sáng chỉ bị đẩy ra khi hai ngôi sao ở gần nhau, khoảng cách của các vòng được thiết lập bởi chu kỳ quỹ đạo của chúng. Điều này đồng nghĩa với việc bụi được tạo thành trong những khoảng thời gian đều đặn và các vòng sáng có thể được sử dụng giống như vòng cây để tìm tuổi của bụi.

Tuy nhiên, những gợn sóng này không mở rộng ra bên ngoài với tốc độ cố định. Thay vào đó, chúng đang tăng tốc do bị thúc đẩy bởi các photon hay hạt ánh sáng từ những ngôi sao gần đó. Chính gia tốc này làm thay đổi khoảng cách của giữa các vòng sáng.

“Khi xem dữ liệu, tôi thấy chùm vật chất của WR 140 bung ra giống như một cánh buồm khổng lồ làm từ bụi. Khi gặp gió photon từ ngôi sao, giống như chiếc thuyền buồm bắt được một cơn gió mạnh, nó đột ngột phi về phía trước”, đồng tác giả nghiên cứu Peter Tuthill, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Sydney của Úc, cho hay.

WR 140 thuộc loại sao Wolf-Rayet hiếm gặp, có nghĩa là nó đang chết dần chết mòn, mất đi lớp vỏ hydro bên ngoài và phun ra nhiều hạt heli, carbon và nitơ bị ion hóa từ bên trong. Những ngôi sao này sẽ nổ tung như siêu tân tinh vào một ngày nào đó, nhưng cho đến khi đó, áp suất bức xạ do ánh sáng tạo ra sẽ giải phóng vật chất của chúng, mở rộng như những con sứa ma khổng lồ trên bầu trời đêm. Các phần tử quá nhiệt bị đẩy ra, đặc biệt là các-bon bị biến đổi thành bồ hóng, vẫn đủ nóng để phát sáng trong quang phổ hồng ngoại.

Trong khi đó, bạn đồng hành của WR 140 trong hệ thống SBC9 1232 là một ngôi sao siêu khổng lồ màu xanh loại O, một trong những loại sao lớn nhất. Nó cũng đang rò rỉ khí ra ngoài không gian.

Hiệu ứng đẩy của ánh sáng sao khó quan sát và nghiên cứu là do khi ở gần các ngôi sao, nơi áp suất bức xạ mạnh nhất, chuyển động mà nó tạo ra thường bị che khuất bởi từ trường và lực hấp dẫn cực kỳ mạnh. Kính thiên văn James Webb, hiện đã đi vào hoạt động hoàn toàn, cho phép các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về WR 140 và các hệ thống kỳ lạ khác.

Phan Anh

Quan chức Nga cảnh báo về Thế chiến III nếu Ukraine gia nhập NATO

Minh họa về vụ nổ hình nấm trên bầu trời khi xảy ra chiến tranh hạt nhân. (Ảnh: Pixabay)

Nếu Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu, thì xung đột ở Ukraine sẽ được đảm bảo leo thang thành Thế chiến thứ III, một quan chức Hội đồng An ninh Nga tuyên bố hôm thứ Năm (13/10).

Tờ TASS dẫn lời ông Alexander Venediktov, Phó thư ký Hội đồng An ninh Nga, cho biết: “Kyiv nhận thức rõ rằng một bước đi như vậy sẽ khiến căng thẳng theo leo thang thành Thế chiến III”.

Ông Venediktov, một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Putin, cho biết ông cảm thấy việc Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO đơn thuần là “tuyên truyền” vì phương Tây hiểu rõ hậu quả của việc Ukraine trở thành thành viên NATO.

Ông nói: “Bản thân các thành viên NATO hiểu rõ bản chất ‘tự sát’ của việc kết nạp Ukraine vào liên minh này”.

Quan chức này cho hay: “Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, bất chấp những tuyên bố về việc không tham chiến vào các sự kiện ở Ukraine, song những hành động trên thực tế của người phương Tây cho thấy họ là một bên trực tiếp gây ra xung đột”.

“Trong mọi trường hợp, lập trường của Nga vẫn không thay đổi. Việc Ukraine gia nhập NATO hoặc một số liên minh khác được hình thành dưới sự bảo trợ của Mỹ là điều không thể chấp nhận được đối với chúng tôi”, Phó thư ký Hội đồng An ninh Nga kết luận.

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức tuyên bố sáp nhập 18% lãnh thổ Ukraine vào ngày 30/9, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã thông báo một nỗ lực bất ngờ để trở thành thành viên nhanh chóng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tư cách thành viên NATO đối với Ukraine là rất xa vời vì Kyiv phải nhận được sự đồng thuận của tất cả thành viên NATO, theo Reuters.

Đáp lại đơn xin gia nhập NATO của Ukraine, Mỹ nói rằng “chưa đến lúc”.

Tờ RT cho hay, Mỹ cam kết thực hiện chính sách “mở cửa” gia nhập NATO, nhưng bây giờ là chưa phải là lúc để xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine.

“Theo quan điểm của chúng tôi, cách tốt nhất bây giờ để ủng hộ Ukraine là thông qua hỗ trợ thực tế trên thực địa. Quá trình gia nhập NATO nên được thực hiện vào thời điểm khác”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 30/9. Trong cuộc họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng ở Washington, hôm 30/9/2022,

Ông Sullivan lặp lại những bình luận trước đó của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng, tư cách thành viên NATO đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả 30 thành viên của khối do Hoa Kỳ lãnh đạo. Ông Stoltenberg cũng cam kết ủng hộ “kiên định” và “kiên quyết” đối với Ukraine, nhưng khẳng định điều đó cũng không đưa NATO trở thành một bên tham chiến trong cuộc xung đột với Nga.

Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần lên tiếng phản đối Hoa Kỳ vì đã thúc đẩy NATO mở rộng về phía đông, đặc biệt là việc tán thành các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Ukraine và Georgia mà Nga coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của mình.

Ông Putin hôm 21/9 cảnh báo phương Tây rằng, ông không hề “nói quá” khi tuyên bố Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ nước này trước những gì ông cho là mối “đe dọa hạt nhân” từ các cường quốc phương Tây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết thế giới phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. NATO sẽ tổ chức một cuộc tập trận hạt nhân hàng năm có tên “Steadfast Noon” vào tuần tới.

Nga và Mỹ cho đến nay vẫn là những cường quốc hạt nhân, họ kiểm soát khoảng 90% số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới.

Ông Venediktov cho rằng lời kêu gọi của ông Zelenskyy về việc tấn công nhằm vào Nga là rất nguy hiểm, đồng thời cảnh báo rằng chiến tranh hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc cho toàn thế giới.

“Chúng ta phải nhớ rằng: một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ ảnh hưởng tuyệt đối đến toàn thế giới – không chỉ Nga và phương Tây nói chung, mà là mọi quốc gia trên hành tinh này”, ông Venediktov nói. “Hậu quả là vô cùng thảm khốc đối với toàn nhân loại”.

Lam Giang

Related posts