Lisa Bian • Sean Tseng
Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã cân bằng một cách khéo léo các mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga nhằm duy trì mối quan hệ vừa phức tạp vừa biến động đối với các quốc gia này.
Các động lực đã thay đổi đáng chú ý kể từ khi Nga nhận thấy mình bị cộng đồng quốc tế trừng phạt và cô lập sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.
Kể từ đó, Triều Tiên và Nga ngày càng trở nên thân thiết hơn, bằng chứng là chuyến thăm gần đây của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm miền Đông nước Nga, nơi ông tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước.
Sau chuyến công du Moscow kéo dài 6 ngày, ông Kim đã trở lại Bình Nhưỡng vào Chủ nhật (17/9).
Bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, Triều Tiên rất cần công nghệ của Nga để sản xuất vũ khí hạt nhân, phát triển vệ tinh và sản xuất lương thực.
Tương tự như vậy, Nga, quốc gia cũng đang bị trừng phạt, đang tìm kiếm số lượng lớn đạn dược từ Triều Tiên để bổ sung cho nguồn cung tiền tuyến đang ngày càng giảm của mình.
Khi được hỏi trước hội nghị thượng đỉnh liệu Nga có giúp Triều Tiên chế tạo vệ tinh nhân tạo hay không, ông Putin nói rằng đây là lý do chính dẫn đến cuộc gặp của họ.
Cả hai bên đều tỏ ra sẵn sàng phớt lờ mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại họ.
Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Kim tuyên bố sẽ “ủng hộ đầy đủ và vô điều kiện” đối với Moscow.
Công nghệ tên lửa là vấn đề được ông Kim và chế độ của ông đặc biệt quan tâm.
Từ hỗ trợ bên ngoài đến các cuộc tấn công mạng bí mật
Theo nhiều nguồn tin, Triều Tiên từ lâu đã tìm kiếm công nghệ của Nga, thậm chí còn dùng đến phương pháp trộm cắp trên mạng để có được công nghệ này. Tuy nhiên, bất chấp các báo cáo gần đây như báo cáo của Trung tâm phân tích mối đe dọa của Microsoft (MTAC), Moscow hiện có vẻ sẵn sàng bỏ qua điều đó.
Ngày 7/9, MTAC đã công bố một báo cáo (pdf) cho biết Triều Tiên đã lợi dụng mối bận tâm của Nga về cuộc xung đột ở Ukraine để xâm nhập vào các doanh nghiệp quân sự trọng yếu của Nga.
Báo cáo của MTAC chỉ ra rằng từ tháng 3 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, các tin tặc Triều Tiên đã khởi xướng các cuộc tấn công vào các cơ sở nghiên cứu hàng không vũ trụ của Nga và xâm nhập vào các tổ chức học thuật tham gia nghiên cứu. Ngoài ra, những tin tặc này còn gửi email lừa đảo đến các nhân viên trong cơ quan ngoại giao của Nga.
Nghiên cứu tiết lộ thêm rằng các quốc gia thường xuyên bị Triều Tiên tấn công mạng nhất trong cùng thời kỳ bao gồm Hàn Quốc, Israel, Đức và Nga.
SentinelOne, một công ty an ninh mạng, tiết lộ trong một bài đăng trên blog vào tháng 8 rằng họ đã phát hiện ra bằng chứng về hai nhóm tin tặc do nhà nước Triều Tiên hậu thuẫn nhằm vào NPO Mashinostroyeniya, nhà sản xuất tên lửa và tàu vũ trụ quân sự chính của Nga.
Theo dữ liệu công nghệ, những vụ tấn công mạng này bắt đầu vào gần cuối năm 2021 và kéo dài trong 5 tháng, cho đến tháng 5/2022.
ScarCruft và Lazarus, hai băng nhóm tin tặc, đã bí mật cấy các cửa sau kỹ thuật số vào hệ thống của công ty để đánh cắp thông tin quan trọng. Trong khi vẫn chưa rõ phạm vi chính xác của các cuộc tấn công mạng kể trên thì Triều Tiên đã công bố những tiến bộ lớn trong chương trình tên lửa đạn đạo của mình chỉ vài tháng sau khi các cuộc tấn công mạng bắt đầu.
Theo nguồn tin ngày 7/9 của hãng truyền thông Hàn Quốc The Chosun Ilbo, công ty an ninh mạng Genians Security Center tiết lộ rằng các đơn vị hacker Triều Tiên đã tấn công vào mạng nội bộ của công ty phát triển vệ tinh SPUTNIX của Nga hồi đầu năm ngoái.
SPUTNIX, một doanh nghiệp tư nhân liên kết với Viện Nghiên cứu Vũ trụ của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã mất một lượng thông tin đáng kể trước các cuộc xâm nhập mạng này. Báo cáo suy đoán rằng Triều Tiên có thể đã đánh cắp công nghệ then chốt liên quan đến việc thiết kế thân vệ tinh siêu nhỏ.
Các chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa được trang bị vệ tinh trinh sát trong năm nay có thể là “thành tựu” đến từ các hoạt động tấn công mạng trước đó của nước này. Những hoạt động tấn công mạng này dường như rất quan trọng đối với sự tiến bộ của công nghệ vũ trụ của Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, báo cáo còn tiết lộ rằng vào năm 2020, tin tặc Triều Tiên đã xâm nhập vào mạng nội bộ của Almaz-Antey của Nga, nhà sản xuất tên lửa đất đối không hàng đầu của Moscow. Những kẻ xâm nhập đã đánh cắp nhiều thông tin khác nhau, bao gồm dữ liệu cá nhân của nhà phát triển và các chi tiết độc quyền về các thành phần của tên lửa.
Vào năm 2019, các hacker Triều Tiên cũng đã đánh cắp bản thiết kế từ nhà máy sản xuất xe tăng Uralvagonzavod của Nga, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất xe tăng chiến đấu T-14 Armata thế hệ tiếp theo của Nga.
Hơn nữa, báo cáo nhấn mạnh tần suất các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên nhằm vào các tập đoàn quốc phòng Nga chuyên về các hệ thống vũ khí tiên phong như công nghệ siêu thanh và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Nhà bình luận quân sự Xia Losshan nói với The Epoch Times vào ngày 10/9 rằng cả Triều Tiên và Nga đều đang ở trong tình thế tuyệt vọng.
“Mặc dù Triều Tiên rất mong muốn có được công nghệ quân sự, thì quyết định cuối cùng lại không nằm trong tay họ”, ông Xia nói, đồng thời nhấn mạnh rằng liên minh này rất bấp bênh và có thể không bền vững trước các lệnh trừng phạt hà khắc của quốc tế.
Nhà phân tích độc lập Gia Cát Minh Dương cũng có quan điểm tương tự.
Ông nói với The Epoch Times: “Cả hai quốc gia đều thừa nhận động cơ của đối phương trong một mối quan hệ được đánh dấu bởi nhu cầu vị lợi hơn là liên minh thực chất”.
“Moscow có lẽ biết rõ rằng Bình Nhưỡng đang đánh cắp công nghệ quân sự của mình, nhưng dường như họ sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ để đổi lấy những loại đạn dược rất cần thiết – một ví dụ rõ ràng về một ‘tình bạn’ theo kiểu đôi bên cùng có lợi”.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch