Thi Bình
Tính đến tháng 9 năm nay, Sáng kiến Vành đai và Con đường do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi xướng đã được tròn 10 năm. So với những mơ tưởng và hứa hẹn tốt đẹp khi ĐCSTQ khởi xướng dự án này, nhiều nước đối tác tham gia ngày nay đang chịu nợ nần chồng chất, nhiều dự án bị đình trệ, một số nước lần lượt rút lui…
Trong bối cảnh vô số vấn đề hủ bại từ “Vành đai và Con đường”, thì phản ứng từ các nước phương Tây đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Vừa qua, Mỹ và Ấn Độ tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã hợp tác triển khai kế hoạch “Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu” (IMEC), có xu hướng bao vây toàn diện và thay thế Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Nhìn lại 10 năm qua, Vành đai và Con đường của ĐCSTQ đã mang lại điều gì? Các cố vấn của chính phủ châu Phi cho rằng hơn một nửa số nước đã rơi vào khủng hoảng nợ sau khi bị COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) tấn công; các chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu cố vấn Mỹ tin rằng mục đích kế hoạch của ĐCSTQ ngay từ đầu là “chính trị bao trùm kinh tế”, ngoài việc phục vụ cho tham vọng thống trị thế giới của mình, ĐCSTQ còn gây tác động tiêu cực rất lớn đến các nước trên thế giới và cả chính người dân Trung Quốc.
Động cơ: Tái cấu trúc cơ cấu thương mại toàn cầu
Tháng 9/2013, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đề xuất ý tưởng Vành đai và Con đường, coi đây là một chiến lược quan trọng của “ngoại giao nước lớn”, qua đó bắt đầu tích cực đầu tư vào nhiều nơi trên thế giới. Về vấn đề này, Tiến sĩ Bradley Thayer, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Chiến lược An ninh (tổ chức tư vấn của Mỹ), nói với tờ Epoch Times tiếng Trung rằng Vành đai và Con đường là cách tiếp cận chiến lược “không thân thiện” của ĐCSTQ.
Ông lưu ý: “Mục đích của nó là chiến lược mở rộng quyền lực của Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các nước tham gia, đồng thời đảm bảo các tuyến đường vận chuyển tới các khu vực trên thế giới không chỉ phụ thuộc vận tải hàng hải. Do đó Vành đai và Con đường là không thân thiện, mang tính chiến lược, tính kinh tế và vấn đề ý thức hệ của ĐCSTQ, nhưng mấu chốt là tính chiến lược.”
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết vào năm 2018 rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc không phải kiểu “Kế hoạch Marshall”, đó là “xây dựng vì tương lai chung của nhân loại”.
Kết quả: Bóc lột và môi trường
Theo dữ liệu chính thức do ĐCSTQ công bố, có 152 nước đã ký thỏa thuận tham gia Vành đai và Con đường, qua đó đã thu hút đầu tư gần 1000 tỷ USD vào hơn 3000 dự án. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 lan rộng khắp thế giới đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch và khiến các nền kinh tế của nhiều nước gặp vấn đề nghiêm trọng, gây ra những thay đổi lớn trên thị trường tài chính thế giới; việc hầu hết các dự án gặp khó trong thu hồi vốn đầu tư đã khiến các nước đối tác rơi vào khủng hoảng nợ nần; ĐCSTQ đã nhân cơ hội để thực thi điều khoản vỡ nợ, qua đó hiện thực hóa các mục tiêu ‘siết cổ’ phía sau.
Một ví dụ như dự án Cảng Hambantota của Sri Lanka. Đây là dự án cảng lớn được ĐCSTQ đầu tư vào đồng minh lúc bấy giờ là Tổng thống Mahinda Rajapaksa của Sri Lanka, khoản đầu tư 361 triệu USD trong giai đoạn đầu. Năm 2015, ông Rajapaksa không còn nắm quyền; do không có khả năng trả nợ, đến năm 2017 Sri Lanka chính thức bàn giao cảng cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm.
Tiến sĩ Vohra cho biết: “Về giá trị kinh tế thì Cảng Hambantota hoàn toàn không có, thế nhưng lại được quảng bá là con đường nối Sri Lanka với các nước phát triển… Không lâu sau khi cảng mở cửa trong một buổi lễ khánh thành hỗn loạn, những lời hứa về ‘tăng trưởng thương mại’ và ‘giàu có về kinh tế’ ngay lập tức trở nên rỗng tuếch; giấc mơ về ‘cửa hàng thông minh’ nhanh chóng biến thành cơn ác mộng, do các hãng tàu lớn vận chuyển hàng chủ yếu qua Colombo [Thủ đô của Sri Lanka], hàng ngày cảng Hambantota chỉ xử lý có một tàu qua.”
Hợp tác này đã đẩy Sri Lanka vào cuộc khủng hoảng nợ với Trung Quốc, dẫn đến các cuộc biểu tình lan rộng và bất ổn chính trị trên khắp đất nước. Cảng Hambantota thường được cộng đồng quốc tế coi là một ví dụ điển hình về việc ĐCSTQ sử dụng “bẫy nợ” để chiếm giữ lãnh thổ chiến lược.
Mặc dù trong thập niên qua Sáng kiến Vành đai và Con đường luôn được quảng bá đầy khí thế, nhưng thực tế nhiều dự án chưa bao giờ được triển khai hoặc không mang lại lợi nhuận. Đường sắt của Kenya đã kết thúc ở các cánh đồng; các nước khác như Bangladesh, Malaysia, Myanmar, Pakistan, Sierra Leone… kết cục giống như Sri Lanka, đã quyết định hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô nhiều dự án vì sợ bị ĐCSTQ bóc lột.
Năm nay, truyền thông Ý tiết lộ nước này sẽ rút khỏi sáng kiến Vành đai và Con đường. Tại cuộc họp G20 năm nay, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói với giới truyền thông rằng “Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo mối quan hệ đối tác có lợi cho cả hai bên”, qua đó bà cho biết tạm dừng các quyết định đối với Vành đai và Con đường.
“Khi ngày càng nhiều nước ý thức rõ Sáng kiến Vành đai và Con đường mang lại lợi ích lớn hơn nhiều cho Trung Quốc, Ý và Bồ Đào Nha ở châu Âu đang đi đầu trong việc rời bỏ”, Tiến sĩ Thayer nói, “Động lực chính trong vấn đề này là người ta ý thức sâu sắc hơn rằng Vành đai và Con đường không chỉ mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc (ĐCSTQ) đầy bất công mà còn hủy hoại môi trường”.
Gây đủ loại tai ương cho thế giới
Tổ chức nghiên cứu “Trung tâm An ninh Mỹ mới” (CNAS) của Mỹ từng chỉ ra trong một báo cáo có tiêu đề “Đánh giá Vành đai và Con đường của Trung Quốc”, rằng dự án này không chỉ là một sáng kiến kinh tế, mà còn là công cụ chính nhằm thúc đẩy tham vọng địa chính trị của Trung Quốc, các hoạt động kinh tế trói buộc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường giúp ĐCSTQ bành trướng thế lực, các tương tác kinh tế do nhà nước lãnh đạo thúc đẩy chủ nghĩa độc tài.
(1) Khủng hoảng nợ
Riêng về “khủng hoảng nợ”, theo Tiến sĩ Vohra, hơn một nửa trong số 150 nước tham gia Vành đai và Con đường đang rơi vào khủng hoảng nợ; đối với nước như Sri Lanka tỷ lệ lạm phát bị đẩy lên tới 50% và một nửa dân số nước này rơi vào cảnh nghèo đói; hay như ở Pakistan thì lạm phát đạt mức cao nhất trong lịch sử; trường hợp tiêu biểu khác là Kenya phải giảm lương công chức để trả nợ.
Ông hỏi: “Điều gì gắn kết 3 nước này lại với nhau. Tất cả họ đều nhận được khoản vay hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc – nơi cho vay từ chính phủ lớn nhất và tàn nhẫn nhất trên thế giới”.
Tiến sĩ Vohra cho biết, ở các nước khác như Lào, Mông Cổ, Zambia, Sudan và Chad…. có tới 1/3 doanh thu thuế được sử dụng để trả lãi cho khoản nợ khổng lồ từ Trung Quốc. Đối với những nước này, “Trung Quốc (ĐCSTQ) không sẵn sàng xóa nợ, cũng giữ bí mật hoàn toàn về số tiền và điều kiện cho vay, điều đó là trở ngại đối với những bên cho vay khác nhằm giải cứu các nước đang mắc nợ Trung Quốc”, ông nói.
Nghiên cứu từ viện nghiên cứu phát triển quốc tế AidData và Ngân hàng Thế giới đều đồng ý quan điểm đó. Tờ WSJ dẫn quan điểm tổ chức nghiên cứu nêu trên cho biết, đối với các nước rơi vào bẫy nợ Trung Quốc, thay vì giảm nợ thì các nhà cho vay Trung Quốc sẽ gia hạn cho khoản nợ, hoặc thậm chí phát hành các khoản vay mới. Tổ chức AidData tiết lộ vào năm ngoái rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường đã tạo gánh nặng cho các nước nghèo với [tổng] những khoản nợ tiềm ẩn lên tới 385 tỷ USD.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Thayer cho rằng “bẫy nợ” là cơ chế chính được ĐCSTQ sử dụng để kiểm soát các nước đối tác. Ông nói: “Tất nhiên ĐCSTQ sẽ tiếp tục đầu tư nhiều tiền, vì đầu tư có ảnh hưởng đến chính trị trong nước và các vấn đề đối nội khác của các nước [mang nợ]. ‘Bẫy nợ’ không liên quan gì đến nợ và đầu tư, chủ yếu liên quan đến sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với các nước tham gia.”
(2) Truyền bá ý thức hệ
Ngoài ra, nhiều nước theo Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng chú ý đến việc ĐCSTQ truyền bá ý thức hệ.
Trong bài phát biểu trước khi rời nhiệm, cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo rằng Trung Quốc đang sử dụng khoản đầu tư vào Vành đai và Con đường để thúc đẩy một loạt giá trị khác với phương Tây: “Đây không chỉ là kinh tế. Bắc Kinh đang phát triển toàn diện một hệ thống khác với phương Tây. Điều này nhằm định hình lại thế giới một cách toàn diện phù hợp với lợi ích của Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Theo thông tin nội bộ của ĐCSTQ mà Epoch Times có được trước đó, ĐCSTQ đang đào tạo cảnh sát Đông Nam Á xuyên biên giới, thúc đẩy “hợp tác cảnh sát” với các nước khác để bắt giữ những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài, chương trình này được cảnh sát ĐCSTQ xem là nội dung công việc của ‘chiến lược Vành đai và Con đường’; hiện nay, các ‘đồn cảnh sát hải ngoại’ của ĐCSTQ và các vụ bắt giữ ở nước ngoài đã bị vạch trần tại nhiều nước, khiến cộng đồng địa phương [ở những nước bị ảnh hưởng] đặc biệt cảnh giác.
Tiến sĩ Thayer nói: “Ràng buộc các nước khác với ĐCSTQ luôn là mục tiêu then chốt. Vì vậy, sự phát triển của Sáng kiến Vành đai và Con đường đã gây ra vấn đề cực kỳ tiêu cực trên thế giới”.
(3) Gây hại cho người dân Trung Quốc
Thực tế Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng không mang lại lợi ích gì đối với ngay cả người dân Trung Quốc. Tiến sĩ Vohra chia sẻ: “Hầu hết các nước tham gia đều từ chối trả các khoản vay của Trung Quốc và muốn tái cơ cấu. Trung Quốc đã rơi vào bẫy nợ (cũng là bẫy tín dụng) của chính mình, khiến người dân Trung Quốc đang phải gánh chịu hậu quả”.
Theo dữ liệu chính thức từ ĐCSTQ, Sáng kiến Vành đai và Con đường đã đầu tư hơn 962 tỷ USD vào khoảng 147 nước. Một chính phủ chi ra nước ngoài rất nhiều tiền như vậy nhưng thu nhập bình quân hàng tháng của khoảng 600 triệu người Trung Quốc chỉ khoảng 1000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu đồng Việt Nam), khiến đời sống của họ phải tằn tiện tối đa.
Tương tự, Tiến sĩ Thayer nói, “Sáng kiến Vành đai và Con đường gây tổn hại đến sinh kế và cơ hội của chính người dân Trung Quốc, vì số tiền đã và đang chi không thể được sử dụng vào những thứ mà người Trung Quốc quan tâm, nếu người dân Trung Quốc bị nhồi nhét tuyên truyền của nhà cầm quyền khiến họ tin Sáng kiến Vành đai và Con đường là ‘ngoại giao nước lớn’ vì một nước Trung Quốc ‘Vĩ đại – Vinh quang – Chính nghĩa’, vậy thì họ sẽ không chỉ sống cam chịu khó khăn kinh tế còn cho phép chế độ Cộng sản Trung Quốc tồn tại thoi thóp”.
Thi Bình, Epoch Times