Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể lợi dụng thời điểm này khi phương Tây tập trung sự chú ý và viện trợ quân sự vào chiến trường u Châu và Trung Đông.
Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel đã châm ngòi cho một cuộc chiến khác sau cuộc chiến của Nga, gây chấn động toàn thế giới. Một chuyên gia lo lắng rằng liệu Hoa Kỳ có thể rảnh tay để giúp bảo vệ hòa bình thế giới trong cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra hay không. Đặc biệt, một nguy cơ khôn lường vẫn là Trung Quốc cộng sản sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh giành chủ quyền đối với Đài Loan.
Sáng sớm hôm 07/10, Hamas, một tổ chức mà Hoa Kỳ phân loại là thành phần khủng có căn cứ tại Gaza, bất ngờ bắn hàng ngàn hỏa tiễn vào Israel, sau đó là một cuộc tấn công phối hợp trên không, trên bộ, và trên biển. Những kẻ khủng bố Hamas đã tấn công đàn ông, phụ nữ, trẻ em, và bắt cóc nhiều binh sĩ và thường dân Israel làm con tin.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố “tình trạng chiến tranh” ở Israel, nhấn mạnh rằng quân đội hoàn toàn cam kết chiến đấu chống lại Hamas và cuộc chiến có thể sẽ kéo dài.
Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Ukraine, và hàng chục quốc gia khác đã bày tỏ sự đoàn kết với Israel, đồng thời lên án Hamas vì hành động khủng bố. Trong khi đó, Lebanon, Iran, Qatar, Kuwait, và Iraq lại đứng về phía Hamas và cho rằng Israel có lỗi.
Lập trường của Bắc Kinh đang thu hút sự chú ý. Hôm 08/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và chấm dứt hành động thù địch để bảo vệ thường dân, đồng thời cho rằng “cách căn bản để thoát khỏi xung đột nằm ở việc thực hiện giải pháp hai quốc gia và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập.”
Ông Yuval Waks, một quan chức cao cấp của Đại sứ quán Israel tại Trung Quốc, nói với các phóng viên rằng Bắc Kinh lẽ ra phải đưa ra “sự lên án mạnh mẽ hơn” đối với Hamas, và “Đây không phải là thời điểm để kêu gọi giải pháp hai quốc gia khi người dân đang bị sát hại, bị thảm sát trên mọi nẻo đường.”
Các quốc gia có quan điểm ít nhiều giống với Bắc Kinh là Nga, Saudi Arabia, Ai Cập, và Thổ Nhĩ Kỳ; họ nói rằng tất cả các bên nên kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng hơn nữa và ngăn chặn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia về các vấn đề chính trị Trung Quốc sinh sống tại Hoa Kỳ, cho biết, để đối phó với cuộc tấn công khủng bố tàn khốc nhất của Hamas nhắm vào Israel, thật vô nghĩa khi nói rằng hãy “giữ bình tĩnh hoặc kiềm chế.”
“[Những quốc gia đó] nói về ‘kiềm chế’ vào thời điểm này có thể là hành động giật dây, ngầm ủng hộ Hamas,” ông Thạch nói với The Epoch Times hôm 08/10.
Về động cơ tấn công của Hamas vào Israel, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken cho rằng, vụ tấn công có thể nhằm phá hoại quá trình thiết lập mối bang giao bình thường giữa Israel và Saudi Arabia.
Ông Thạch tin rằng vẫn còn phải xem cuộc chiến này ở Trung Đông sẽ đi xa đến đâu và liệu có lan rộng ra một khu vực rộng lớn hơn hay không.
Nhưng là quốc gia bảo vệ trật tự quốc tế và là đồng minh của Israel, Hoa Kỳ sẽ không ngồi yên. “Câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ có đủ năng lực và nguồn tài chính để làm như vậy hay không,” ông Thạch nói, đồng thời viện dẫn việc quốc gia này đã đóng góp dồi dào cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
‘Hãy cảnh giác với ĐCSTQ’
Theo ông Thạch, Hoa Kỳ có một chiến lược “chiến thắng hai cuộc chiến cùng lúc,” nhưng trọng tâm chiến lược của quốc gia này không nằm ở Trung Đông.
Từ hôm 09/08 đến hôm 18/08, Hải quân Hoa Kỳ và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với sự tham gia của 25,000 binh sĩ và dàn trải trên 22 múi giờ ở châu Âu, Đại Tây Dương, và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Thạch cho biết rằng múi giờ của cuộc tập trận báo hiệu rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị tiến hành đồng thời hai cuộc chiến, một chống Nga ở Đại Tây Dương và một chống lại ĐCSTQ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hồi tháng Tám, Đô đốc Daryl Caudle, chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Hạm đội Hoa Kỳ, nói: “Chúng ta phải duy trì khả năng của quốc gia trong việc phóng chiếu sức mạnh trên toàn cầu.”
Nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã ưu tiên “thống nhất Đài Loan” làm mục tiêu trong nhiệm kỳ thứ ba của mình. Lập trường hiếu chiến của ĐCSTQ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới. Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ hòn đảo này nếu ĐCSTQ xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực.
Ông Thạch nêu ra lo ngại rằng “nếu cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông phát triển thành cuộc chiến thứ hai, ngay cả khi Hoa Kỳ có thể đương đầu với hai cuộc chiến cùng lúc, liệu quốc gia này có thể giải quyết được cuộc chiến thứ ba hay không? Đó sẽ là một điều rất dễ gây nản chí.”
“Tôi e rằng đây là một tình huống mà Bắc Kinh đặc biệt mong muốn chứng kiến, vì vậy bất kỳ hành động bất thường nào của ĐCSTQ đều đáng được quan tâm,” ông Thạch nói, đồng thời cảnh báo, “Hãy cảnh giác với ĐCSTQ.”
Thêm một mức độ lo ngại khác, ông Thạch cho rằng lực lượng thúc đẩy đằng sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và phi đạn một cách dữ dội của Hamas vào Israel là Iran, quốc gia hậu thuẫn cho Hezbollah ở Lebanon, mà Hezbollah lại kiểm soát Hamas.
Ông Thạch cho biết, do chế độ cộng sản Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với Iran, nên có thể ĐCSTQ đã đóng một vai trò nào đó trong cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel.
Hamas là một tổ chức tôn giáo và chính trị được thành lập năm 1987, được nhiều nước phương Tây xem là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Cộng sản Trung Quốc, Nga, và hầu hết các nước Ả Rập đều gọi đây là một tổ chức kháng chiến. Hamas từ lâu đã xung đột với Israel về các yêu sách chính trị, tôn giáo, và biên giới.
Một cuộc chiến đốt tiền
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã không ngừng tiếng súng trong gần 20 tháng qua và có vẻ như sẽ không sớm kết thúc.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới Kiel, chính phủ Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ đã viện trợ hơn 75 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến này, gồm viện trợ nhân đạo, viện trợ tài chính, và trợ giúp quân sự.
Nhiều người chỉ trích trong Quốc hội Hoa Kỳ đang kêu gọi giảm viện trợ cho Ukraine. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ gần như đóng cửa do chậm trễ trong việc thông qua ngân sách Quốc hội. Phải đến tận khuya hôm 30/09, Hạ viện mới thông qua một cách sít sao một dự luật ngắn hạn trong đó bỏ qua việc viện trợ thêm cho Ukraine. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy (Cộng Hòa-California) đã bị nhóm thiểu số bất mãn trong Đảng Cộng Hòa cách chức vì dự luật này.
Hôm 24/09, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken cảnh báo rằng nếu Quốc hội cắt viện trợ cho Kiev, Ukraine sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và chính trị trong cuộc phản công vào mùa thu này.
Hoa Kỳ và các nước cung cấp viện trợ khác chi trả lương cho 150,000 công chức và hơn 500,000 giảng viên ở Ukraine, cũng như các khoản chi tiêu của chính phủ như chăm sóc sức khỏe và trợ cấp nhà ở.
Doanh Doanh biên dịch