Chiến tranh cũng có “luật” của chiến tranh

Trương Nhân Tuấn

15-10-2023

Lập trường của Việt Nam về cuộc khủng bố của Hamas trên lãnh thổ Do Thái theo tôi là “chừng mực”. Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang” đồng thời kêu gọi “các bên liên quan kiềm chế”.

Mọi hành vi khủng bố đều phải bị lên án. Việt Nam lên án hành vi giết người man rợ của Hamas nhưng Việt Nam cũng đề nghị phía Do Thái sử dung quyền “tự vệ chính đáng” của mình một cách “chừng mực và sử dụng nó trong luật lệ”.

Chiến tranh cũng có “luật” của nó. Trong chiến tranh, việc giết dân lành vô tội là hành vi vi phạm “tội ác chiến tranh”. Chúng ta, những công dân thế giới có ý thức “trọng luật”. Nếu ta lên án hành vi dã man của Hamas và đồng ý rằng tổ chức khủng bố này phải bị tiễu trừ, thì chúng ta không thể im lặng với hành vi trả đũa của phía Do Thái khi việc này đã giết một cách dã man trên hai ngàn thường dân vô tội, trong đó có trên 700 trẻ em trong các đợt dội bom (ngay vũ khí hóa học là cả bom phosphore – Chỉ tính đến hôm 15-10-2023).

(Chúng ta cũng không thể im lặng, lại càng không thể bào chữa cho những đồ tể gây ra biến cố Mậu thân 1968. Đơn giản vì chúng ta trọng luật và vì việc giết dân lành là hành vi tội ác).

Hành vi “tự vệ chính đáng” của quân Do Thái bởi các phương cách “cúp nước, cúp điện, cúp mọi thứ cần thiết…” cho thường dân ở Gaza đã bị chính giới Pháp cho rằng đó là việc “trả thù”. Tự vệ chính đáng” là một “quyền” của quốc gia được Hiến chương LHQ khẳng định và quyền này được nhìn nhận bởi tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Nhưng hành vi “trả thù” thì ngược lại.

Song song với quyền “tự vệ chính đáng” ta còn có quyền “dân tộc tự quyết”. Một dân tộc bị một dân tộc khác bức hiếp, lãnh thổ bị chiếm đóng, tài nguyên bị tước đoạt. Dân tộc này có quyền sử dụng vũ lực để giành lại độc lập cho đất nước cũng như các quyền chính đáng cho dân mình.

Việt Nam là một dân tộc đã kinh qua mọi khía cạnh man rợ của vũ lực trong chiến tranh “giải thực”. Nhưng cuộc chiến “giành độc lập” của dân tộc Việt Nam trước thực dân Pháp là “chính đáng”.

Ngoài ra việc cưỡng bức di tản hàng triệu thường dân Gaza bị Tổ chức Y tế thế giới phản đối, rằng này đồng nghĩa với một “án tử hình” cho hàng triệu dân thường sống ở Gaza.

Theo tôi, Tổng thống Biden là một vị tổng thống tài ba và dạn dày kinh nghiệm. Cú điện thoại hôm qua của tổng thống với đại diện M. Abbas của OLP khẳng định lại nguyên tắc nền tảng của Hiến chương LHQ: “Người dân Palestine phải có ‘phẩm giá’ và có quyền ‘dân tộc tự quyết’.” TT Biden nhấn mạnh rằng lực lượng Hamas không phải là đại diện cho dân tộc Palestine để làm việc ấy. Nhưng TT Biden đã nhìn nhận sự chính đáng của dân tộc Palestine về quyền tự quyết về tương lai dân tộc mình.

Tranh chấp Do thái – Palestine đã dai dẳng hàng trăm năm. Vấn đề là người ta hay quên là tranh chấp này mang tính “quốc tế”.

Thử tưởng tượng, phe Ả rập (dầu hỏa) do chống các hành vi “diệt chủng” của Do Thái tại dãi Gaza có thể ra những quyết định “tăng giá dầu” (như năm 1973 tăng 10 lần), điều này sẽ khiến kinh tế thế giới có thể suy sụp. Hệ quả việc này hiện nay có thể lớn lao hơn, vì hiện thời nguồn dầu từ Nga đã bị đóng (từ đầu cuộc chiến Ukraine).

Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lây. Tức là chuyện Palestine là chuyện “chung” của cả thế giới. Đó là chưa nói tới viễn cảnh chiến tranh bùng nổ. Iran, Syria, Liban… can thiệp. Kéo theo các quốc gia Ả rập. Thế giới đại chiến sẽ mở màn.

Bị thiệt hại nhiều hơn hết dĩ nhiên các quốc gia EU. Mùa đông ở dây có thể có hàng triệu người chết (do thiếu khí đốt). Vì vậy các quốc gia này mặc dầu ủng hộ Do Thái nhưng luôn dè chừng không để việc này ra ngoài vòng kiểm soát.

Giải quyết “lò lửa Trung Đông” là giải quyết “số phận” của dân tộc Palestine.

Từ 1948 đến nay mọi nghị quyết của LHQ về Palestine đều bị Do Thái “bỏ vô thùng rác”. Nếu nhắc lại từng giai đoạn tranh chấp của hai bên ta sẽ phải viết nhiều cuốn sách. Nếu nói một số điều quan trọng, như sự hứa hẹn về “quốc gia Palestine”. Đây rõ ràng là một cái “bánh vẽ”. Trong khi TT Trump đơn phương nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái. Trong khi lãnh thổ này có pháp nhân “corpus separatum”, “lãnh thổ riêng biệt” thuộc quyền của LHQ. Lại đến Hiệp định Abraham, cũng là sáng kiến của TT Trump. Hiệp ước này Mỹ sẽ thúc đẩy các bên Ả rập nhìn nhận Do Thái. Vấn đề Palestine bị bỏ quên.

Chính trị Do Thái cũng khá phức tạp. Ngay cả ý nghĩa “quốc gia Do Thái” là gì cũng gây tranh cãi. Đây là một “quốc gia” của “dân theo đạo Do Thái” (quyền lực thế tục bị thần quyền áp đảo) hay là quốc gia của những người mang quốc tịch Do Thái (quốc gia thế tục)?

Thực tế cho thấy “quốc gia Do Thái” là một “quốc gia ảnh hưởng mạnh bởi thần quyền”. Luật lệ nhà nước bị ảnh hưởng sâu xa bởi kinh thánh. Vấn đề là ⅕ dân số Do Thái có gốc Ả rập và theo đạo Hồi. Vì vậy nội bộ Do Thái có những đảng phái đối lập với nhau. Trong đó phe cực hữu, chủ trương sử dụng kinh thánh thay luật. Phe cực hữu còn có chủ trương chiếm đất của dân Palestine bằng mọi phương pháp, ngay cả sử dụng bạo lực giết chóc hay cưỡng bức đày qua Gaza.

Chính phủ Netanyahou hiện thời có mặt của phe cực hữu.

Nền “dân chủ” của Do Thái cũng có thể bị đặt thành vấn đề. Dân chủ ở đây là “dân chủ theo kiểu Do Thái”, tương tự “dân chủ XHCN” hay “dân chủ theo màu sắc Trung Quốc”… Tức dân chủ “thấy vậy chớ không hẳn là vậy”.

Ta thấy thời TT Trump, nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi “thần quyền”. Quyền lực thế tục bị thần quyền hủ bại. Luật lệ “nhà trời” từ vài trăm năm trước nay áp đặt lên công dân thời hiện đại…

Người trọng luật tôn thờ công lý. Không có vụ mạnh được yếu thua. Nếu ta lên án các hành vi dã man của khủng bố Hamas thì ta không thể để các sai phạm, các hành vi “bạo lực” của Do Thái được “vinh quang” trước “Công lý” . Tuần trước trong khuôn viên đại học Harvard bên Mỹ các sinh viên biểu lộ hành vi ủng hộ Palestine.

Điều tôi e ngại là một vài học giả, luật gia Việt Nam lại có những ý kiến “cực đoan”. Có người cho rằng phải truy tìm và tận diệt quân Hamas đến người cuối cùng (sic!). Người khác cho rằng Hồi giáo là nguyên ủy của mọi thứ “ác” trên địa cầu này. Nhân loại muốn hòa bình là phải loại trừ Hồi giáo.

Sai lầm này có thể gây “chết người”.

Trong chiến tranh Việt Nam, khi Mỹ đổ quân vào, họ có chủ trương “tìm và diệt – search and destroy Việt Cộng”.

Việt Cộng là ai? Câu hỏi tương tự, Hamas là ai?

Nếu có nghiên cứu chiến tranh Việt Nam ta thấy Việt Cộng là một “khái niệm”, thay vì là một thực thể quân sự. Người Mỹ càng bỏ bom, càn quét làng xóm, gây nhiều thảm sát đáng tiếc. Cũng như phe Do Thái đàn áp, bắt bớ, đày đọa, cướp đất của dân Palestine. Càng tàn bạo thì Việt Cộng càng mạnh. Càng dã man thì Hamas càng được dân ủng hộ.

Làm sao diệt hết Việt Cộng, cũng như tiêu diệt hết Hamas?

Còn về “Hồi giáo”. Nên phân biệt giữa “đạo Hồi” và những người muốn áp dụng kinh Koran làm lý thuyết chính trị (như Do Thái lấy kinh thánh làm nền tảng xây dựng quốc gia). Người theo đạo Hồi, như người theo đạo Thiên chúa, đạo Phật… đều chủ trương từ bi, hỉ xả, chung sống hòa bình. Chỉ có những người cuồng đạo, muốn lấy kinh thánh, kinh Koran, kinh Phật… thay thế Hiến pháp (như Iran, IS… thậm chí Do Thái).

Lý do nào lại muốn tiêu diệt tất cả người theo đạo Hồi?

Related posts