Số phận một cuốn sách

Đỗ Duy Ngọc

Trong 120 ngày cơn đại dịch hoành hành thành phố này năm 2021. Biết bao cảnh thê lương xảy ra, biết bao những sai lầm không đáng có đã khiến cho mấy chục ngàn người bỏ mạng một cách oan ức. Chắc chắn con số người về với tro bụi vì đại dịch lớn hơn con số nhà nước đã công bố. Tan tác, chia ly, đau đớn, phẫn nộ. Trong những ngày ấy, hàng ngày tôi đều viết nhật ký về cơn đại dịch và tôi đặt tên là Nhật ký Sài gòn lockdown . 600 trang in khổ lớn chất chứa rất nhiều tư liệu và cảm xúc của tôi. Biết bao văn bản của chính quyền thể hiện sự lúng túng. Biết bao tiếc thương về sự ra đi của người quen, bạn bè và người dân. Biết bao nỗi niềm về một thành phố thân yêu trở thành những con phố không người và những khu phố đầy dây kẽm. Biết bao uất ức, bao niềm đau được ghi lại. Biết bao tư liệu về những năm tháng không thể nào quên của người Sài Gòn.

Có thể là hình ảnh về 5 người và văn bản

Tôi xin phép 7 nhà xuất bản để in, tất cả đều lắc đầu sau khi đọc bản thảo. Có nơi thắc mắc sao lại gọi tên thành phố này là Sài Gòn . Có chỗ thì bảo thành phố chỉ giãn cách chứ có lockdown đâu. Và đa số đều ngại nội dung dù đó chỉ là sự thật. Cũng có nhà xuất bản bảo có thể cấp giấy phép với điều kiện phải chi 20.000.000 đồng (gồm phí xuất bản 5 triệu+phí biên tập 15 triệu. Giấy phép không thôi đã là 20 triệu thì đành ôm về thôi, sao chịu nổi)

Nghe đâu Cục xuất bản đề nghị không cho phép cấp giấy phép cuốn sách này.

Ở nước ngoài đề nghị in, nhưng vì để bảo đảm an ninh cho bản thân, tôi từ chối. Thế là bản thảo cuốn sách đành nằm mãi trên bàn, đóng bụi. Số phận của nó là không được cất tiếng đành phải lặng im. Nó mãi mãi là tư liệu của riêng cá nhân tôi và mốt mai con cháu của riêng tôi sẽ đọc để biết rõ cha ông chúng đã từng trải qua cơn đại dịch hãi hùng như thế nào và trách nhiệm của người lãnh đạo về hậu quả của cơn đại dịch. Nghĩ cũng tiếc nhưng cũng đành vậy.

25.10.2023

Hai năm sau cơn đại dịch

Related posts