Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy sụp, dòng vốn đang tháo chạy khỏi đất nước này. Một loạt các vấn đề trong nội bộ lẫn bên ngoài đang thách thức Trung Quốc, và đây cũng không phải là một đợt suy thoái theo chu kỳ.
Như người ta vẫn nói, nếu bạn muốn biết chuyện gì đang thực sự xảy ra, hãy theo dõi đường đi của đồng tiền. Câu nói nổi tiếng đó không chỉ áp dụng cho các công ty và nhà đầu tư nước ngoài đang rút lui khỏi Trung Quốc. Nó cũng áp dụng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Thái độ thể hiện qua hầu bao
Trong bối cảnh khó khăn kinh tế lan rộng và sự gián đoạn xã hội ngày càng gia tăng, việc theo dõi dấu vết của dòng tiền cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc đang thể hiện thái độ thông qua hầu bao của họ như thế nào. Chi tiêu tiêu dùng giảm và tỷ lệ tiết kiệm tăng. Vốn đang chảy ra khỏi Trung Quốc bằng mọi cách có thể, và tất cả đều thể hiện thái độ phản đối rõ ràng đối với ông Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Đổ lỗi ngược cho những người chỉ ra vấn đề
Theo đúng kiểu của ĐCSTQ, nhà nước đổ lỗi ngược cho những người chỉ ra các vấn đề và sai lầm trong chính sách. Ví dụ, bất cứ ai đề cập đến nền kinh tế đang sụp đổ đều có tội trong việc gây nguy hiểm cho “sự ổn định tài chính”. Mặc dù ĐCSTQ có thể cân nhắc tới việc truy tố các nhà báo và nhà kinh tế, những người đưa tin chính xác về số lượng việc làm giảm sút và mức nợ cao, thứ đang gây khó khăn cho chính quyền địa phương, nhưng điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ của Trung Quốc quá rõ ràng và lan rộng để có thể bị che giấu.
Tất nhiên, sự ổn định tài chính không bị đe dọa bởi những lời phát biểu về nó. Chính ĐCSTQ đang phá hủy nền kinh tế. Ngay cả lịch sử gần đây cũng cho thấy ĐCSTQ càng ít tham gia vào nền kinh tế thì nền kinh tế càng hoạt động tốt hơn.
Thị trường bất động sản và lĩnh vực phát triển là những ví dụ hoàn hảo, mặc dù không phải là những ví dụ duy nhất. Cả hai đều tiếp tục bị ĐCSTQ thao túng nặng nề và cả hai đều đang chảy máu. Sự suy sụp tài chính ở các công ty hàng đầu như Evergrande và Country Garden góp phần vào tình trạng bị xói mòn của nền kinh tế nói chung. Các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bán được đang bị phá bỏ, công việc trong các dự án hiện tại đang bị tạm dừng và các kế hoạch phát triển khác đang bị hủy bỏ, ngay cả khi các công ty phát triển đang nợ các chủ nợ hàng tỷ USD.
Không chỉ là sự suy thoái theo chu kỳ
Thực tế những gì đang xảy ra đang bắt đầu lộ rõ với người Trung Quốc. Nhiều người hiểu rằng xu hướng hiện nay không chỉ là sự suy thoái theo chu kỳ vốn là điển hình của các nền kinh tế tư bản. Tăng trưởng trong quý II năm 2023 được báo cáo chỉ là 0,8% (khi so sánh theo quý). Tuy nhiên, số liệu thống kê đó hầu như không đáng tin cậy ở một quốc gia sống bằng hối lộ và ân huệ chính trị và thường xuyên làm giả các con số. Mức tăng 4,9% trong quý III được ca ngợi nhưng là con số không đáng tin cậy, với sự sụp đổ của bất động sản, chi tiêu tiêu dùng giảm và xuất khẩu thấp hơn.
Trong tương lai, khi ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát nhiều hơn, nền kinh tế trì trệ có thể là kịch bản tốt nhất có thể xảy ra. Việc làm trong lĩnh vực phát triển bất động sản, các ngành liên quan và lĩnh vực sản xuất đều đang gặp khó khăn khi các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.
Khó khăn của tầng lớp trung lưu
Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân, hầu hết thuộc tầng lớp trung lưu – những người dồn tiền tiết kiệm cả đời vào những bất động sản thậm chí còn chưa được xây dựng và có thể sẽ không bao giờ được xây dựng – đang chứng kiến tài sản của mình bốc hơi trước mắt khi giá trị tài sản sụt giảm.
Khó khăn của tầng lớp trung lưu chủ yếu do hai yếu tố: chính sách bên trong và bên ngoài. Trong nội bộ, một nền kinh tế dựa trên hối lộ và tham nhũng thay vì dựa trên tín hiệu thị trường – chẳng hạn như cơ chế giá phân bổ các nguồn lực và tài sản ở những nơi cần thiết nhất trong nền kinh tế – sẽ không thể tự duy trì được. Do đó, việc biến các doanh nghiệp tư nhân đang sinh lời thành các doanh nghiệp nhà nước ngập trong nợ nần, vốn là một cách nói uyển ngữ để chỉ sự sung công của ĐCSTQ, đã phá hủy tinh thần kinh doanh – động cơ kinh tế của Trung Quốc.
Thêm vào đó là sự chuyển đổi cơ bản của ĐCSTQ từ định hướng tăng trưởng kinh tế sang an ninh và ổn định nội bộ. Đó là một vòng tròn ác tính trong đó đảng kiểm soát chặt chẽ hơn dẫn đến hoạt động kinh tế ít hơn, sự cưỡng ép tài chính và sự bất mãn của người dân. Sau đó, đảng tiếp tục tăng cường sự kiểm soát của nhà nước và gia tăng áp bức.
Nói tóm lại, ĐCSTQ quan tâm đến việc duy trì quyền lực hơn là phát triển kinh tế hoặc hỗ trợ tầng lớp trung lưu.
Các công ty tháo chạy khỏi Trung Quốc
Nhưng cũng có những yếu tố hoặc tác động bên ngoài.
Trong năm qua, làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc của các nhà sản xuất phương Tây đã tăng tốc. Các công ty Mỹ và châu Âu đang nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng. Họ nhận thấy thế giới ngày càng mất niềm tin vào các chính sách thương mại và đối ngoại của Bắc Kinh, nhiều công ty dự đoán sự ổn định kinh tế của Trung Quốc sẽ suy giảm và mức độ tách rời khỏi Trung Quốc sẽ cao hơn trong tương lai trước mắt. Kết quả là họ đang chuyển hoạt động vận hành ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia thân thiện hơn.
Xu hướng này được gọi là “friendshoring”. Về bản chất, các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Mexico đang thu hút các công ty rời khỏi Trung Quốc. Những nơi này mang lại ít rủi ro chính trị hơn, có chính sách thương mại thân thiện hơn, chi phí lao động thấp hơn và gần gũi hơn với thị trường tiêu thụ. Ngoại trừ trường hợp có xảy ra một thay đổi lớn trong giới lãnh đạo Trung Quốc, các công ty rời khỏi Trung Quốc khó có thể quay trở lại, đây là khoảng trống kinh tế và tài chính ngày càng lớn mà ĐCSTQ phải lấp đầy.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/8/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)
Các triệu chứng khác của sự sụp đổ là rõ ràng, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ. Theo báo cáo hiện tại con số này là khoảng 20%, nhưng tính cả những người sống với cha mẹ vì lý do tài chính, con số này có thể lên tới gần 50%. Tình trạng khiếm dụng lao động khiến bức tranh đó càng trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến sự tức giận của thế hệ trẻ. Thanh niên bất mãn không thấy có lựa chọn nào tốt cho một tương lai tốt đẹp hơn, và đây có thể là một lực lượng tạo ra sự biến động cần được tính đến.
Mua bất động sản ở Nhật Bản để trốn khỏi Trung Quốc
Tất cả những lý do này, cộng thêm những lý do khác, là nguyên nhân tại sao một số người Trung Quốc giàu có đã bán tài sản ở Trung Quốc của họ nhanh nhất có thể. Họ đang cố gắng hết sức để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc và đầu tư ra nước ngoài trước khi giá trị của các bất động sản Trung Quốc mà họ nắm giữ thậm chí còn mất giá hơn nữa. Họ biết quỹ đạo của nền kinh tế Trung Quốc và muốn rút lui.
Nhiều người đang mua bất động sản ở Nhật Bản.
Vị trí địa lý gần gũi không phải là yếu tố duy nhất thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc đến với bất động sản Nhật Bản, mặc dù đó cũng là một yếu tố quan trọng. Một sự hấp dẫn khác là việc sở hữu bất động sản (hoặc một công việc kinh doanh có lợi nhuận) ở Nhật Bản có thể dẫn đến thị thực cư trú dài hạn hoặc thậm chí vĩnh viễn. Điều đó mang lại cho các nhà đầu tư Trung Quốc một lối thoát dễ dàng nhằm trốn khỏi Trung Quốc để tránh cuộc khủng hoảng sắp tới, cũng như tránh được bàn tay sắt của ĐCSTQ.
“Phép màu Trung Quốc” không còn nữa.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch