Tác giả: Konrad Schuller
Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ
11-11-2023
Tóm tắt: Tướng lĩnh có chức vụ cao nhất trong quân đội Ukraine, đã đưa ra những so sánh đen tối với chiến tranh chiến hào trong Thế chiến thứ Nhất. Các tướng lĩnh NATO nhìn thấy một lối thoát và đòi Đức giao tên lửa hành trình “Taurus”.
Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, đưa ra tuyên bố ảm đạm trên tờ Economist của Anh: Sau khi người Ukraine từ lâu đã cố gắng đẩy lùi quân Nga đang chiếm đóng ở miền Nam đất nước họ, sẽ “không có đột phá sâu, tốt đẹp” vào thời điểm hiện tại. Thay vào đó là nguy cơ “bế tắc”, “một cuộc chiến phòng thủ từ những khe rãnh” như trong Thế chiến thứ Nhất. Điều này sẽ “có lợi cho Nga” vì nước này nhờ đó có thể “đổi mới quân đội của mình” và “đe dọa chính nhà nước Ukraine”.
Ngay lập tức có phản đối: Tổng thống Volodymyr Zelensky phủ nhận cuộc chiến đang bế tắc, còn cố vấn Ihor Zhovkva của ông cảnh báo, không nên gây hoảng loạn.
Báo Chủ Nhật của F.A.Z. đã hỏi các tướng lĩnh, nhà ngoại giao và nghị sĩ NATO, hiện tại ai đúng. Hầu hết đều nhận thấy phân tích của Tướng Zaluzhnyi là có lý – ngoại trừ một ngoại lệ: Một đại diện của chính phủ liên bang Đức nói rằng, theo quan điểm của Berlin, điều “quan trọng” là Tổng thống Ukraine không thừa nhận sự bế tắc. Người ta có thể cho rằng Đức dựa vào điều này mà bảo rằng, họ không cần phải giúp đỡ Kiev nhiều hơn hoạch định trước đó.
Nhưng nếu không có triển vọng tiến quân, kế hoạch chiến tranh hiện tại của Kiev sẽ vô hiệu quả. Báo Washington Post đưa tin kế hoạch đó có thể như thế nào. Theo đó, William Burns, người đứng đầu cơ quan mật vụ Mỹ CIA, vào mùa hè đã nghe tin ở Kiev, rằng quân Ukraine muốn tiến quân từ phía bắc trên eo đất hẹp để tiến tới bán đảo Crimea bị chiếm đóng. Vì lối tiếp cận duy nhất khác của Nga tới bán đảo, Cầu Kerch, rất dễ bị tổn thương, Moscow khi đó sẽ phải lo sợ mất đường tiếp tế tới Crimea. Sự kết nối với quân đội Nga trên đất liền Ukraine được cung cấp từ đó cũng sẽ bị cắt đứt. Cuối cùng, Crimea sẽ trở thành “con tin” của Kiev và Tổng thống Vladimir Putin sẽ phải nhượng bộ. Burns được cho là đã nghe rằng: “Nga sẽ chỉ đàm phán nếu cảm thấy bị đe dọa”.
Một bức tranh về tình huống đầy kịch tính
Bây giờ không còn ai nói về việc tiến quân nhanh chóng nữa. Hôm thứ Tư, Cơ quan Tình báo Liên bang đã mô tả quan điểm của mình với các nghị sĩ Đức. Những người tham gia sau đó cho biết, họ có ấn tượng về một tình huống “kịch tính”. Cán cân quyền lực dường như đang “chuyển hướng”. Nga đang dần nắm thế chủ động.
Tại NATO, mọi thứ được nhìn ít ảm đạm hơn. Một đại diện của Liên minh đã trả lời hôm thứ Năm cho câu hỏi, liệu Tướng Zaluzhnyi hay tổng thống của ông ấy nói đúng, hay là “cả hai” [đều đúng]. Tổng thống đã đúng khi nói rằng, không có “bế tắc”. Suy cho cùng, quân đội Ukraine vẫn đang tiến lên ở nhiều nơi, dù chỉ là “tối thiểu”. Mặt khác, Tướng Zaluzhnyi đã mô tả chính xác tình hình “trên thực địa”. Tình hình thật sự gợi nhớ đến Chiến tranh thế giới thứ Nhất, và “không may” nó sẽ như vậy trong một thời gian.
Tại thời điểm này, khi F.A.Z. yêu cầu đưa ra nhận định, không có tướng ba sao nào của phương Tây nói ngược lại. Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng trên bộ của Mỹ ở châu Âu, gọi phân tích của Zaluzhnyi là “tỉnh táo và rõ ràng”. Heinrich Brauss, cựu Trợ lý Tổng thư ký NATO, nhận thấy, phát hiện của tướng đồng minh Ukraine là “đáng buồn” và nói thêm rằng, nếu tình trạng bế tắc này vẫn tiếp diễn, Putin có thể “đơn giản đợi cho đến khi đảng Cộng hòa [ở Mỹ] có thể trở lại nắm quyền ở Washington” hoặc cho đến khi phương Tây quay lưng vì các xung đột khác, như ở Trung Đông đang đòi hỏi [cung cấp] nguồn lực. Khi đó, Nga sẽ có “dư thời gian” để tăng cường quân đội của họ để có thể “tấn công trở lại”.
Tướng Hodges nói: “Người Ukraina vẫn có thể thắng”
Làm sao điều này xảy ra được? Frederick Kagan của Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết: “Bước đột phá đã không xảy ra vì người Ukraine đã được huấn luyện để chiến đấu theo học thuyết của NATO mà không được cung cấp phương tiện để làm như vậy. Họ có thể đã thành công nếu phương Tây cung cấp nhiều nguồn lực nhanh hơn”.
Tướng Brauss đồng ý. Ví dụ, đó là một “sai lầm chết người” khi không “cung cấp đủ xe bọc thép đúng thời hạn” cho Ukraine. Nếu Leopard của Đức và các thiết bị khác đến sớm hơn, người Nga sẽ không có thời gian sau thất bại vào cuối năm 2022 để đào hầm phòng thủ các vị trí được NATO mô tả là “kiên cố nhất trong lịch sử”. Tướng Erhard Bühler, cựu chỉ huy Bộ chỉ huy các lực lượng liên quân đồng minh của NATO ở Brunssum, Hà Lan, nói thêm rằng, không chỉ thiếu các xe bọc thép. “Vũ khí để thọc sâu vào cũng không có” – tức là các tên lửa hành trình và tên lửa mà người Ukraine có thể sử dụng để phá hủy các trung tâm chỉ huy và tiếp tế của Nga. “Storm Shadows của Anh chỉ đến ngay trước cuộc tấn công của Ukraine. ATACMS của Mỹ chỉ còn vài tháng sau khi bắt đầu và tên lửa hành trình Taurus của Đức thậm chí còn chưa có mặt ở đây”.
Các tướng nhắc nhở rằng, Ukraine đã đạt được rất nhiều thành tựu với những loại vũ khí như vậy. Họ trích dẫn việc phá hủy các tàu, tàu ngầm và trụ sở ở Crimea, đồng thời chỉ ra rằng Hạm đội Biển Đen của Nga không còn kiểm soát phía Tây Biển Đen. Bây giờ Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc trở lại.
Vì những thành công với vũ khí tầm xa này, nhiều chuyên gia tin rằng, Ukraine có thể thoát ra khỏi thế bế tắc hiện tại. Bühler nói rằng, để làm gián đoạn hoạt động hậu cần của người Nga, việc tiếp cận bán đảo Crimea giờ đây phải bị gián đoạn bởi tên lửa tầm xa. Cầu Kerch có thể bị vô hiệu hóa nếu bắn trúng các trụ của nó ở dưới biển. Nếu đường tiếp tế cho quân đội Nga đang chiếm đóng ở miền nam Ukraine bị cắt đứt, Putin sẽ phải nhận ra rằng, ông ta có thể “mất các đơn vị này nếu họ không rút lui”. Kết quả là, Nga sẽ phải phản ứng như đã từng làm vào mùa thu năm 2022, khi quân đội của họ bị phong tỏa xung quanh thành phố Kherson: Rút quân. Tướng Hodges kết luận: “Người Ukraina vẫn có thể thắng, và mấu chốt là Crimea”.
Tổng tư lệnh Ukraine Zaluzhnyi đã viết ra những điều cần thiết cho việc này: Trước hết là đạn pháo và tên lửa (bao gồm cả tên lửa hành trình) và sau đó, điểm quan trọng nhất trong một số điểm, là khả năng chiến đấu trên không – bởi vì Ukraine có ít máy bay hơn Nga nhiều. Và bởi vì chiếc F-16 của Mỹ, mà một số nước đã hứa, có lẽ sẽ không xuất hiện sớm được.
Nghi ngờ về Thủ tướng Liên bang Đức
Nhưng ông Kagan tin rằng, vấn đề này có thể giải quyết được. Nhiều việc mà máy bay có thể làm cũng có thể được thực hiện từ mặt đất: Hệ thống phòng không cũng giúp bảo vệ chống máy bay địch và quân đội đang tấn công cũng có thể nhận được sự trợ giúp từ pháo binh tầm xa, thay vì yểm trợ trên không. Và các mục tiêu ở độ sâu có thể bị tấn công bằng tên lửa hành trình, giống như bằng máy bay ném bom.
Do đó, các tướng Brauß, Bühler và Hodges yêu cầu giao tên lửa Taurus. Họ tin rằng mối lo ngại được bày tỏ ở Berlin, rằng Đức sau đó có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến vì loại vũ khí này quá phức tạp đến mức người Đức sẽ phải sử dụng nó là sai lầm. Hodges nói: “Việc bạn cần người Đức có mặt tại chỗ là không đúng. Bạn có thể dễ dàng đào tạo người Ukraine. Những lời bào chữa như vậy có thể được loại bỏ”.
Trong Bundestag (Quốc hội Đức), Khối Liên minh CDU-CSU đã đi theo đường lối này. Tuần trước, theo sáng kiến của các nghị sĩ Florian Hahn, Roderich Kiesewetter và Norbert Röttgen, họ đã nhất trí yêu cầu giao tên lửa Taurus “ngay lập tức”.
Điều đáng chú ý, trong chính phủ là Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius gần đây đã không sử dụng lập luận về mối đe dọa bị lôi kéo vào cuộc chiến. Thay vào đó, trong một bài thuyết trình hồi tuần trước, ông đã chỉ ra rằng, Taurus có thể bay xa 500 km, gấp ba lần so với tên lửa ATACMS mà Mỹ cung cấp. Sau đó, ông nói thêm rằng, Đức phải để mắt đến “lợi ích” của mình. Điều đó có nghĩa là gì, vẫn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, các nhà phê bình phỏng đoán ngầm rằng, Thủ tướng Olaf Scholz nhận thấy kế hoạch đòi Putin nhượng bộ bằng cách phong tỏa Crimea là quá nguy hiểm. Tướng Brauss nói điều đó qua câu: Scholz cũng không muốn giao tên lửa Taurus “vì nó có thể phá hủy Cầu Kerch”. Do đó, người ta phải “tự hỏi, liệu Thủ tướng Liên bang có thực sự muốn giúp Ukraine thành công hay không”. Chính trị gia đối ngoại Röttgen của CDU đưa ra những lời lẽ quyết liệt hơn cho những nghi ngờ của mình: “Rất tiếc là không ai có thể chấp nhận được nữa” về việc Scholz “nghiêm túc theo đuổi mục tiêu khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Điều này bị chính phủ liên bang bác bỏ. Họ cho rằng mình luôn có “đòi hỏi khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Họ cũng hỗ trợ nước này “ngay cả khi họ muốn lấy lại lãnh thổ bị chiếm đóng”. Giới chính phủ rõ ràng không muốn trả lời, liệu Berlin có thấy việc cầu Kerch bị gián đoạn là chính đáng hay không.