Viên Minh
Sau khi xung đột ở Dải Gaza nổ ra, quân đội Hoa Kỳ đã triển khai lực lượng với quy mô lớn và nhanh chóng đến Trung Đông, trong khi việc triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tương đối khiêm tốn. Đứng trước hai mặt trận và hai đối thủ khác nhau, việc triển khai lực lượng của quân đội Hoa Kỳ ở mặt trận Trung Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có chỗ giống nhau, và tất nhiên cũng có những chỗ khác biệt. Vậy vì sao có sự khác biệt này?
Sự khác biệt trong việc triển khai tàu sân bay
Sau khi Hamas mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel vào ngày 7/10, tàu sân bay USS Gerald Ford đang tuần tra ở trung tâm Địa Trung Hải đã ngay lập tức tới phía Đông Địa Trung Hải để răn đe các đối thủ tiềm ẩn. Vài ngày sau, một tàu sân bay khác là USS Eisenhower rời bờ biển phía đông nước Mỹ và được triển khai tới Địa Trung Hải, hình thành đội hình tàu sân bay kép với tàu USS Gerald Ford. Cùng lúc đó, tàu sân bay USS Carl Vinson cũng rời bờ biển phía Tây nước Mỹ và tiến về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Các tàu sân bay Mỹ thường được triển khai trong ít nhất 6 tháng. Tàu sân bay Ford bắt đầu triển khai vào tháng 5 và sẽ thực hiện nhiệm vụ ở Địa Trung Hải cho đến tháng 11, sau đó sẽ được thay thế bằng tàu sân bay Eisenhower. Do tình hình Trung Đông đột ngột thay đổi khiến tàu sân bay Eisenhower được triển khai sớm hơn một tháng, còn tàu sân bay Ford cũng có thể kéo dài thời gian triển khai.
Thời gian triển khai dài nhất của tàu sân bay Mỹ là 10 tháng, lần triển khai dài hạn đầu tiên của tàu sân bay Ford có được kéo dài hay không còn phụ thuộc vào việc liệu tình hình ở Trung Đông có thể được kiểm soát trong thời gian ngắn hạn hay không.
Israel đang nỗ lực hết sức để chống lại Hamas, hiện tại thì nước này không cần đến quân đội Hoa Kỳ tham chiến. Đối thủ tiềm tàng của tàu sân bay Mỹ chủ yếu là lực lượng Hezbollah của Li-băng và lực lượng chính phủ Syria, cũng như các tổ chức vũ trang thân Iran hoặc chống Israel có thể trà trộn vào khu vực này; quân đội Hoa Kỳ cần ngăn chặn bọn họ tấn công Israel hoặc quân đội Hoa Kỳ ở Syria, cũng như nhiều loại tấn công khủng bố khác nhau nhằm vào dân thường.
Quân đội Hoa Kỳ triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay ở Trung Đông gồm 8 phi đội tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet, tổng cộng khoảng 96 chiếc máy bay, cùng nhiều loại trực thăng khác nhau; còn có 7 tàu chiến được trang bị Hệ thống Phòng thủ tên lửa Aegis.
So với việc triển khai rầm rộ các tàu sân bay tới Trung Đông, quân đội Hoa Kỳ vẫn chưa chính thức công bố việc triển khai tàu sân bay Carl Vinson tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trung Đông hiện là điểm nóng, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn chưa xuất hiện điểm nóng, tuy nhiên, quân đội Hoa Kỳ đã chuẩn bị cho những ngày mưa gió và đã điều động thêm 1 tàu sân bay, Nó cũng sẽ hình thành việc triển khai hai tàu sân bay với USS Reagan được triển khai cố định.
Quân đội Hoa Kỳ triển khai cùng lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay trên hai mặt trận, thể hiện khả năng triển khai mạnh mẽ trên toàn cầu và tàu sân bay đã trở thành một biểu tượng lớn.
Tàu sân bay Carl Vinson phải chở ít nhất một phi đội chiến đấu cơ F-35C. Cả tàu sân bay Ford và Eisenhower đều không mang chở theo chiến đấu cơ F-35C. Đối thủ của quân đội Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương là Trung Quốc, tàu sân bay triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 để ngăn chặn khả năng xuất hiện của tiêm kích J-15 hoạt động trên tàu sân bay của Trung Quốc. Các đối thủ tiềm ẩn của quân đội Hoa Kỳ ở Trung Đông rất yếu, và chỉ riêng tàu sân bay được trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 đã đủ để duy trì lợi thế và chủ yếu thực hiện các cuộc không kích trên mặt đất.
Tàu sân bay Mỹ ở Tây Thái Bình Dương ban đầu có thể tập trung vào các trận hải chiến để tiêu diệt các tàu chiến Trung Quốc có thể xuất hiện bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất; chúng cũng có thể tham gia các cuộc không kích vào các hạm đội Trung Quốc đang cố đổ bộ vào Đài Loan. Chỉ sau khi lực lượng chủ lực của hải quân và không quân của Trung Quốc bị tiêu diệt hoàn toàn, máy bay trên tàu sân bay của Mỹ mới tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu ven biển của Trung Quốc; tuy nhiên, tàu sân bay Hoa Kỳ ở Biển Đông sẽ tấn công trực tiếp vào hạm đội Trung Quốc và các đảo, bãi đá do Trung Quốc chiếm đóng.
Đồng hành với tàu sân bay Carl Vinson là 1 tàu tuần dương lớp Ticonderoga và 4 tàu khu trục lớp Burke, nâng tổng số tàu được trang bị hệ thống tác chiến Aegis lên 5 chiếc, tiếp tục duy trì đội hình hạm đội hùng mạnh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Carl Vinson sẽ có cơ hội tiến hành các cuộc tập trận chung với tàu sân bay Reagan và họ cũng sẽ kiểm soát các vùng biển khác nhau một cách riêng biệt. Tàu sân bay Reagan vừa đến thăm Hàn Quốc để ngăn chặn Triều Tiên, và sẽ tiến hành tập trận chung với hải quân Hàn Quốc và Nhật Bản ở vùng biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, sau đó có thể tới Biển Philippine. Tàu sân bay Carl Vinson trước tiên sẽ đến vùng biển Philippines, sau đó tiến vào Biển Đông để duy trì khả năng răn đe trên các mặt trận khác nhau.
Hạm đội 7 của Hoa Kỳ là hạm đội lớn nhất, thường có 50-70 chiếc tàu chiến và tàu ngầm cùng 150 máy bay. Quân đội Hoa Kỳ sẽ duy trì 1 tàu sân bay được triển khai ở Tây Thái Bình Dương và 1 tàu sân bay khác ở chế độ sẵn sàng ở Nhật Bản; quân đội Hoa Kỳ sẽ có ít nhất 1 tàu sân bay USS Lincoln ở chế độ sẵn sàng ở bờ biển phía tây Hoa Kỳ. Chỉ cần phát hiện quân đội Trung Quốc có bất kỳ động thái khác lạ nào, quân đội Hoa Kỳ trong vòng hai tuần có thể triển khai trước ít nhất 2 hạm đội tàu sân bay.
Sự khác biệt trong việc triển khai máy bay chiến đấu
Sau khi xung đột nổ ra ở Trung Đông, quân đội Hoa Kỳ đã triển khai các máy bay chiến đấu F-15E, F-16 và máy bay tấn công A-10 tới Trung Đông. quân đội Hoa Kỳ từ sớm đã triển khai máy bay chiến đấu F-35 ở Tây Thái Bình Dương, đồng thời thỉnh thoảng cũng triển khai các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom F-22. Việc triển khai trên hai mặt trận rõ ràng là khác nhau.
Máy bay chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ ở Trung Đông nhiều khả năng sẽ được triển khai tại các căn cứ không quân ở Qatar, hoặc ở Kuwait hay Ả Rập Saudi để ngăn chặn Iran, lực lượng Houthi ở Yemen, v.v. Máy bay quân sự Hoa Kỳ ở Iraq và những nơi khác cũng có thể bị tấn công, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng từ quân đội Hoa Kỳ.
Lực lượng Không quân Iran theo lý thì không có khả năng không kích vào Israel, nhiều khả năng là sẽ cung cấp vũ khí cho lực lượng Hezbollah ở Syria và Li-băng khuyến khích họ tấn công Israel và cũng có thể tấn công quân đội Hoa Kỳ.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ mới đây đã hạ cánh xuống Hàn Quốc để ngăn chặn Triều Tiên. Quân đội Hoa Kỳ đã triển khai cố định các máy bay chiến đấu khác F-35B, F-16 ở Nhật Bản, đồng thời triển khai linh hoạt các máy bay chiến đấu F-22, F-35A, F-15E tới Nhật Bản, đảo Guam, Philippines và Úc. Máy bay ném bom B-1B và B-52 của quân đội Hoa Kỳ được triển khai tới Guam theo định kỳ; máy bay ném bom B-2 thỉnh thoảng được triển khai tới úc và đảo Diego Garcia của Anh.
Quân đội Hoa Kỳ chủ yếu triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 ở Tây Thái Bình Dương để đối phó với chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 J-20 và chiến đấu cơ chủ lực thế hệ thứ 4 J-16 của Trung Quốc. Một khi chiến tranh nổ ra, máy bay quân sự Mỹ sẽ ngay lập tức tham gia vào các cuộc không chiến cao cấp, khác hoàn toàn với các nhiệm vụ ở Trung Đông. Đồng thời, máy bay ném bom của Mỹ phải thực hiện các nhiệm vụ không kích cường độ cao, đầu tiên là tiêu diệt hạm đội Trung Quốc càng sớm càng tốt, sau đó không kích các mục tiêu ven biển của quân đội Trung Quốc.
Các máy bay chiến đấu F-15 và F-16 được quân đội Hoa Kỳ triển khai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ban đầu sẽ chỉ thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ trên không. Khi tiêm kích J-20 và J-16 của Trung Quốc bị tổn thất hoàn toàn, chiếc F-15 của quân đội Hoa Kỳ có thể sẽ tiến nhập tiền tuyến để đối đầu với tiêm kích J-11 và J-10 của Trung Quốc. Sau khi Lực lượng Không quân Trung Quốc bị tê liệt, các máy bay cơ F-16 của Mỹ sẽ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu trên bộ của Quân đội Trung Quốc, máy bay tấn công A-10 và các máy bay tác chiến trên tàu sân bay cũng sẽ tham gia.
Quân đội Hoa Kỳ từ sớm đã triển khai các máy bay tấn công F-16 và A-10 ở Hàn Quốc, chủ yếu nhằm vào Triều Tiên; nước này cũng sẽ tích cực triển khai các máy bay chiến đấu F-22, F-35 và máy bay ném bom B-52 tới Hàn Quốc để tăng cường hoạt động răn đe quân sự đối với Triều Tiên và cũng để ngăn chặn Trung Quốc. Căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc gần Bắc Kinh nhất, điều này sẽ buộc Trung Quốc phải tăng cường triển khai tiêm kích J-20 và J-16 xung quanh Bắc Kinh, bao gồm Bán đảo Liêu Đông và Bán đảo Sơn Đông ở Chiến khu Bắc Bộ, điều này sẽ phân tán một phần sức mạnh chiến đấu mà Bắc Kinh đang chuẩn bị sử dụng ở eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông.
Trung Quốc xúi giục Triều Tiên gây rối, không ngờ lại khiến Mỹ-Nhật-Hàn tăng cường hợp tác, mặt trận Hoàng Hải mà Bắc Kinh lo lắng đã được hình thành. Bắc Kinh thường xuyên khiêu khích Nhật Bản, Nhật Bản mua trước tên lửa hành trình Tomahawk để chuẩn bị phản công, các máy bay chiến đấu F-35 của Nhật Bản đã nhiều lần cất cánh trên Biển Hoa Đông để đánh chặn các máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Máy bay chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ đã nhiều lần tiến hành tập trận với không quân Philippines và Malaysia. Biển Đông tất yếu sẽ trở thành mặt trận thứ hai.
Quân đội Hoa Kỳ rất có khả năng tấn công cùng lúc từ Hoàng Hải, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và Biển Đông. Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 sẽ được triển khai chủ yếu ở Tây Thái Bình Dương và sẽ không dễ dàng phân tán đến Trung Đông.
Sự khác biệt trong việc triển triển khai hạm đội đổ bộ
Tàu tấn công đổ bộ USS Bataan ban đầu được triển khai ở Vịnh Ba Tư ở Trung Đông và đang hướng tới Đông Địa Trung Hải chuẩn bị tiếp cận Israel, Quân đội Hoa Kỳ tiết lộ rằng nó có thể được sử dụng để thực hiện các hoạt động sơ tán và hỗ trợ nhân đạo; đồng thời cũng có thể chuẩn bị cho chiến tranh trên bộ hạn chế.
Tàu tấn công đổ bộ USS Bataan và tàu đổ bộ hộ tống USS Carter Hall chở Nhóm viễn chinh thủy quân lục chiến số 26 của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, có khả năng phản ứng nhanh. Các lực lượng đặc biệt có thể tiến hành các hoạt động giải cứu con tin và tấn công cơ quan đầu não, một biện pháp uy hiếp khác đối với những kẻ thù tiềm năng.
Tàu chỉ huy đổ bộ USS Mount Whitney của Mỹ, được trang bị khả năng chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và tình báo tiên tiến, cũng hướng tới Đông Địa Trung Hải và sẽ tích hợp hiệu quả các nhiệm vụ của nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm và nhóm sẵn sàng đổ bộ.
Các tàu tấn công đổ bộ lớp America mới nhất của quân đội Hoa Kỳ, một chiếc được triển khai thường trực ở Nhật Bản và chiếc còn lại được triển khai luân phiên ở Bờ Tây nước Mỹ, cả hai đều được trang bị máy bay chiến đấu F-35B.
Tàu đổ bộ tấn công USS Wasp được triển khai ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng tương tự như vậy. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, chúng đều có thể nhanh chóng biến thành tàu sân bay hạng nhẹ, chở đầy 20 máy bay chiến đấu F-35B, triển khai quanh eo biển Đài Loan để kiểm soát vùng biển, vùng trời. Khi Lực lượng Không quân và Hải quân Trung Quốc bị đánh bại, các tàu tấn công đổ bộ của Mỹ sẽ tái điều động Thủy quân lục chiến để thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ phản công có thể xảy ra.
Quân đội Hoa Kỳ khả năng sẽ cử một nhóm sẵn sàng chiến đấu đổ bộ để trực tiếp chiếm giữ một số đảo và rạn san hô của Trung Quốc ở Biển Đông. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cũng sẽ đóng quân tại Philippines để nhanh chóng triển khai pháo phản lực HIMARS và tên lửa tấn công hải quân nhằm kiểm soát eo biển Ba Sĩ và các khu vực biển khác.
Việc triển khai quân đội Hoa Kỳ trên hai mặt trận có những chỗ tương đồng, và cũng có những chỗ khác biệt rõ ràng, đó là: Trang thiết bị và năng lực chiến đấu cao cấp nhất luôn được triển khai ở Tây Thái Bình Dương để chuẩn bị cho một trận chiến cấp cao, còn ở Trung Đông thì tiếp tục chuẩn bị cho các trận chiến cấp thấp. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây rối tình hình ở Trung Đông không thể làm giảm bớt áp lực mà nước này phải đối mặt ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nếu Trung Quốc phát động chiến tranh ở eo biển Đài Loan vẫn sẽ nhận lấy cái kết thất bại như thường.
Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)