‘Trai lớn KHÔNG lấy vợ, gái lớn KHÔNG gả chồng’, số lượng cuộc hôn nhân đầu tiên ở Trung Quốc đã giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong 38 năm. Các chuyên gia cho rằng ngoài áp lực kinh tế, thì một trong những nguyên nhân quan trọng là văn hóa sinh sản và quan niệm gia đình của người Trung Quốc đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phá hủy.
Số người kết hôn lần đầu giảm mạnh, lần đầu tiên xuống dưới 11 người
Theo “Niên giám thống kê Trung Quốc 2023” do Cục Thống kê Quốc gia ĐCSTQ biên soạn và xuất bản, năm 2022 số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc là 10,5176 triệu người, giảm 1,0604 triệu so với năm 2021, và giảm 9,16% so với năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên số lượng kết hôn lần đầu giảm xuống dưới 11 triệu người, mức thấp nhất trong 38 năm qua.
Số lượng người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đạt đỉnh điểm vào năm 2013, với tổng số 23.859.600 người. Kể từ đó, số người kết hôn lần đầu đã giảm dần qua từng năm, giảm 55,9% trong 9 năm qua.
Về việc số người kết hôn lần đầu giảm một nửa, ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế định cư tại Mỹ, nói với tờ Epoch Times rằng đây là vấn đề mang tính thế giới, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia ở Đông Nam Á đều đang phải đối mặt với vấn đề tương tự.
Ông Lý cho rằng một nguyên nhân rõ ràng khác ở Trung Quốc là áp lực kinh tế, vấn đề lễ cưới và giá nhà đất khiến nhiều người trẻ ngại kết hôn, cách đây hơn 20 năm những vấn đề này chưa tồn tại.
Ông nói, “Khi còn trẻ, chúng tôi không đòi hỏi lễ cưới, rất ít, hầu như không có. Nhưng bây giờ yêu cầu rất cao. Ngày nay, rất nhiều người đều đòi hỏi những món sính lễ với giá cao ngất trời.”
“Vấn đề lễ cưới hiện nay là vấn đề lớn. Mọi người đều muốn nói rằng tôi đã nuôi con bao nhiêu năm như thế, cho nên tôi nhất định phải lấy lại số tiền này.”
“Hoặc nhà có con trai, con gái thì phải dùng tiền lễ cưới của con gái để tìm vợ cho con trai. Đây là một vấn đề xã hội lớn.”
“Còn có một điều, ở thành phố, trước hết phải có nhà có xe,” ông Lý Hằng Thanh nói, “Kết hôn mà không có nhà, giống như cây không có gốc rễ, cho nên anh ta nhất định phải mua nhà. Nhưng bây giờ kinh tế đang suy thoái rất nhiều, hiện nay việc bỏ ra số tiền khổng lồ để mua nhà thì áp lực rất lớn, cho nên nhiều người trẻ nản lòng (không muốn kết hôn).”
Những lý do sâu xa khiến giới trẻ không muốn kết hôn
Chỉ chưa đầy 10 năm, số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đã lao dốc, một trong những nguyên nhân được cho là do số người đủ điều kiện kết hôn giảm. Hiện nay số những người sinh sau năm 1995 và những người sinh sau năm 2000 đang bước vào giai đoạn kết hôn và sinh con. Thế hệ sau những năm 1995 và sau 2000 là những đứa trẻ con một được sinh ra dưới chính sách kế hoạch hóa gia đình bắt buộc của ĐCSTQ.
“Thông cáo thống kê về phát triển sự nghiệp dân chính năm 2022” cho thấy, năm 2022 trong số người đăng ký kết hôn của Trung Quốc, những người từ 20 – 24 tuổi chỉ chiếm 15,2%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ trọng kết hôn của độ tuổi 20 – 24 trong tổng số cuộc hôn nhân đã giảm từ 47% năm 2005 xuống còn 26% năm 2015 và 15% năm 2022.
Đồng thời năm 1980, để thực hiện chính sách một con, ĐCSTQ đã hoãn quy định độ tuổi kết hôn tối thiểu theo quy định của pháp luật là 22 đối với nam và 20 đối với nữ, đồng thời khuyến khích kết hôn muộn (25 đối với nam và 23 đối với nữ) và sinh con sau này. Hiện nay, độ tuổi kết hôn hợp pháp ở nhiều nước trên thế giới thường là từ 16 đến 18 tuổi.
Số liệu điều tra dân số của Trung Quốc cho thấy độ tuổi kết hôn, đặc biệt là độ tuổi kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đã giảm đáng kể. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu năm 2020 là 28,67 tuổi, cao hơn 3,78 tuổi so với độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nước này năm 2010 (24,89 tuổi).
Chuyên gia Trung Quốc Vương Hách (Wang He) nói với Epoch Times rằng lý do sâu xa khiến giới trẻ không muốn kết hôn là do chính sách “kế hoạch hóa gia đình” tàn khốc của ĐCSTQ.
“Đầu tiên, tại sao hiện nay có quá ít người trong độ tuổi kết hôn? Chính là do ĐCSTQ thực thi kế hoạch hóa gia đình một con, phá hủy sự cân bằng sinh thái tự nhiên và cấu trúc tự nhiên của dân số Trung Quốc.” Ông nói, “Đây là lý do tại sao hiện nay dân số trong độ tuổi kết hôn còn ít, dân số rất nhỏ so với thời kỳ lịch sử.”
Ông Vương Hách nói: “Hậu quả thứ hai là gì? Đó là sự mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ.”
“Vì kế hoạch hóa gia đình, trong rất nhiều quá trình, do yếu tố truyền thống, trẻ em gái bị chết đuối hoặc bị phá thai, dẫn đến số lượng nam nhiều hơn nữ hàng chục triệu.”
“Lý do thứ ba là văn hóa sinh sản hiện nay của Trung Quốc và khái niệm về gia đình đã bị phá hủy.” Ông Vương Hách nói, “Theo truyền thống, nhà là chỗ dựa cuối cùng của một người và là bến đỗ cuối cùng của một người.” Nhưng vấn đề hiện nay ở Trung Quốc là văn hóa gia đình truyền thống đã bị phá hủy. Bây giờ nó đã trở thành một gia đình hạt nhân và nguyên tử. Các mối quan hệ giữa con người với nhau, mối quan hệ hàng ngày giữa cha mẹ và con cái đều rất yếu ớt và mỏng manh.
“Do một số định hướng bất thường trong xã hội, nhiều người kỳ thực là theo chủ nghĩa không kết hôn. Họ có thể buông thả nhưng không kết hôn. Đây là những hỗn loạn của xã hội, đồng nghĩa với việc những giá trị gia đình truyền thống đã bị phá hủy hoàn toàn bởi ĐCSTQ trong những năm qua.”
Ông nói: “Các giá trị truyền thống của xã hội này đang tan rã, các gia đình của xã hội đang tan rã. Đây là một điều khủng khiếp. Tất nhiên, yếu tố kinh tế cũng đóng một vai trò nào đó, nhưng đây không phải là điều chính yếu. Cái chính là quan niệm tư tưởng của con người đã thay đổi và đang biến chất.”
Truyền thông Đại Lục cũng thừa nhận quan điểm của giới trẻ về hôn nhân đã thay đổi và nhiều người không còn coi hôn nhân và sinh con là điều tất yếu trong cuộc sống.
Chuyên gia: Nuôi không nổi con thực ra chỉ là một cái cớ
Tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc giảm từ 9,9‰ năm 2013 xuống còn 4,8‰ vào năm 2022. Số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đã ở mức dưới 11 triệu vào năm 2022, nhiều người quan tâm số liệu này liệu có được duy trì ở mốc 10 triệu vào năm 2023 hay không. Số lượng người kết hôn đầu trực tiếp ảnh hưởng đến đến tỷ lệ sinh sản.
Điều tra dân số năm 2020 cho thấy, 55% trẻ em được sinh ra bởi phụ nữ dưới 30 tuổi, 86% trẻ em được sinh ra bởi phụ nữ dưới 35 tuổi. Tuy nhiên, số người kết hôn ở độ tuổi 20 – 24 năm 2022 chỉ bằng 25% so với năm 2011 và số người kết hôn ở độ tuổi 25 – 29 chỉ bằng 50% của năm 2014.
“Niên giám thống kê Trung Quốc 2023” cho thấy, năm 2022 tốc độ tăng dân số tự nhiên của 20 tỉnh thành sẽ âm, tăng 7 tỉnh thành so với năm trước. Trong số đó, Giang Tô, tỉnh đông dân nhất, chứng kiến mức tăng dân số âm vào năm 2021, với tốc độ tăng dân số tự nhiên là -1,1‰.
“Báo cáo Hôn nhân và Gia đình Trung Quốc năm 2022” cho rằng chi phí nuôi con cao, áp lực thất nghiệp cao, nếu không có nguồn thu nhập kinh tế ổn định, nên ý muốn kết hôn và sinh con đương nhiên sẽ giảm đi.
Ông Vương Hách cho rằng áp lực cạnh tranh hiện nay và việc người dân không đủ khả năng nuôi con, thực ra chỉ là những lời bào chữa. “Không phải người Trung Quốc nghèo trong những năm 1950 và 1960 sao? Trước đây họ nghèo hơn nhiều so với bây giờ. Vì sao lúc đó sự nghèo đói không ảnh hưởng đến sinh sản? Nó không ảnh hưởng đến hôn nhân của con người sao?”
“Có rất nhiều thói quen xấu trong hôn nhân Trung Quốc, chẳng hạn như sính lễ, đàn ông phải có ô tô, nhà cửa. Cốt lõi là gì? Hôn nhân đã thay đổi từ mối quan hệ và sự kết hợp gia đình trong quá khứ, thành một giao dịch và trao đổi tiền bạc.”
Ông nói: “ĐCSTQ đã phá hủy các giá trị truyền thống. Trung Quốc quá khứ gọi ‘nhân, nghĩa, lễ, trí, tín’, nhưng giờ đây mọi người hướng về tiền bạc và mọi thứ đều xoay quanh tiền bạc. Trong văn hóa xã hội đảo lộn, hỗn loạn này, (giá trị truyền thống) không thể được tôn trọng mà bị giễu cợt, châm chọc, khiến nhiều phụ nữ coi hôn nhân là bàn đạp của cuộc đời”.
Theo Hoàng Vân, Lạc Á / Epoch Times